Bộ Y tế cho biết đến ngày 6/2, số tỉnh, thành vùng xanh (cấp độ 1) về dịch COVID-19 đã tăng lên 41 địa phương; 22 tỉnh, thành còn lại là vùng vàng. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là vùng cam (cấp độ 3), đỏ (cấp độ 4).
Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là vùng xanh với 7.784 xã, phường là vùng xanh, chiếm 73,4%; Có 2.234 xã, phường thuộc vùng vàng, chiếm 22%; Có 460 xã, phường là vùng cam, chiếm 4,3%. Đến nay, cả nước chỉ còn 26 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 0,2%.
41 tỉnh, thành phố đạt cấp độ 1 về dịch COVID-19 (vùng xanh), gồm:
An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, TP HCM, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Long An, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Điện Biên, Yên Bái, Đồng Nai, Đồng Tháp, TP Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, TP Cần Thơ, Khánh Hoà, Ninh Bình và Ninh Thuận;
TPHCM đã trải qua 5 tuần liên tiếp ở cấp độ 1. Theo đánh giá mới nhất ngày 5/2 của Sở Y tế TPHCM tuần lễ từ ngày 28/1 đến ngày 3/2 cho thấy dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vắc xin và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, cấp độ dịch của thành phố hiện đang ở cấp độ 1.
Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn có 310/312 địa phương đạt cấp độ 1, chỉ có 2 địa phương đạt cấp độ 2; so với tuần trước, đã có 2 phường, xã giảm cấp độ dịch.
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128, cấp độ đáp ứng dịch COVID-19 tại tuyến xã được xác định bằng cách tổng hợp từ kết quả về mức độ lây nhiễm và mức độ đáp ứng của địa bàn cấp xã, thực hiện theo 3 tiêu chí.
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian. Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin. Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.
Trên cơ sở tham khảo các phương pháp đánh giá của các nước trên thế giới và đánh giá thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn cách xác định các tiêu chí cụ thể như sau:
Với tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Tỷ lệ ca mắc mới được phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người. Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy được phân theo 04 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy do Trung tâm Y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã.
Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã. Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.
Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19
Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi ở người thuộc nhóm nguy cơ cao phải đạt tối thiểu 90% số đối tượng phải tiêm chủng tại thời điểm đánh giá.
Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Chỉ số tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: > 500; trung bình: 200-500; thấp: <200).
Chỉ số tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện /100.000 dân tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: > 30; trung bình: 10- 30, thấp: < 10). Chỉ số này do Trung tâm Y tế cấp huyện xác định sau đó được dùng chung cho tất cả các xã trên địa bàn thuộc huyện
Chỉ số tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân. Yêu cầu tỷ lệ giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu 4/100.000 dân.
Chỉ số giường ICU tại tiêu chí 3 được sử dụng để hiệu chỉnh mức độ đáp ứng trên địa bàn cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu chỉ số này không đạt mức tối thiểu (4/100.000) thì phải giảm mức độ đáp ứng của tuyến xã trên địa bàn của tỉnh này xuống một mức độ (trừ trường hợp đang ở khả năng thấp).
Theo Tiền phong
Ngày 6/2 (mùng 6 Tết) trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.112 ca mắc mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 14.105 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.945 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố, có 8.595 ca cộng đồng.
Đặc biệt, trong ngày có 63 ca tử vong, thấp nhất trong vài tháng qua.
Chiều 6/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 06h00 đến 18h00 ngày 6/2), Nghệ An ghi nhận 580 ca mắc mới tại 15 địa phương. Trong đó, có 122 ca cộng đồng (Cửa Lò: 26, TP Vinh: 24, Quỳnh Lưu: 16, Diễn Châu: 18, Yên Thành: 11, Đô Lương: 8, Anh Sơn: 6, Thái Hoà: 4, Nghi Lộc: 3, Tân Kỳ: 3, Con Cuông: 2, Quỳ Châu: 1). Ghi nhận 246 ca có triệu chứng, 334 ca không có triệu chứng.
Như vậy, trong 24 giờ qua, Nghệ An ghi nhận 958 ca mắc mới (có 183 ca cộng đồng). Đây là số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ trên địa bàn từ khi dịch xuất hiện.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Dịch COVID-19 bùng lên mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới tạo ra một thách thức chưa từng có cho cộng đồng y học. Tuy nhiên, sự phát triển rất nhanh của vaccine đã mở ra một niềm hy vọng để dập tắt đại dịch.
Phương pháp tiếp cận mới hiện nay của vaccine chống lại COVID-19 dựa trên chức năng thiết yếu của mRNA là "chất mang thông tin" tự nhiên mà tế bào cần để sản xuất protein. Quá trình sản xuất này diễn ra trên quy mô lớn hàng ngày trong mỗi tế bào cơ thể nhờ RNA của chính tế bào đó. Với sự trợ giúp của RNA được cung cấp bên ngoài, các tế bào cũng có thể được kích thích để sản xuất một số protein khác, trong trường hợp COVID-19 từ các protein của Coronavirus. Sau khi chủng ngừa, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại các protein này, giúp bảo vệ chống lại Coronavirus thực sự.
Vaccine mRNA có thể được sản xuất nhanh chóng và cũng nhanh chóng được sửa đổi nếu điều này trở nên cần thiết do các đột biến trong virus. Các sản phẩm không chứa bất kỳ chất độc hại hoặc động vật từ quá trình sản xuất. Ngoài ra, vaccine COVID-19 cũng không cần bất kỳ loại virus nào để vận chuyển vật chất di truyền vào tế bào con người.
Hiểu đúng về vaccine
Vaccine giống như một bài tập luyện cho hệ miễn dịch, là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất chống lại các bệnh truyền nhiễm. Trong quá trình tiêm chủng, có thể sử dụng mầm bệnh đã chết, làm suy yếu hoặc các bộ phận của mầm bệnh. Điều này kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể. Hệ thống miễn dịch được chuẩn bị cho lần tiếp xúc tiếp theo với mầm bệnh và có thể phản ứng nhanh chóng với chúng để bệnh không bùng phát hoặc chỉ bùng phát ở dạng suy yếu.
BioNTech và Pfizer đã phát triển Comirnaty® (BNT162b2), vaccine đầu tiên trên thế giới chống lại COVID-19 được phê duyệt trong quy trình thử nghiệm thường xuyên. Trong thử nghiệm lâm sàng với hơn 44.000 đối tượng thử nghiệm, vaccine cho thấy tỷ lệ hiệu quả hơn 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Dựa trên kết quả của cuộc thử nghiệm, Comirnaty® đã nhận được sự chấp thuận khẩn cấp vào ngày 2/12/2020 ở Anh và ngày 11/12 ở Mỹ. Ủy ban châu Âu đã chấp thuận vào ngày 21/12/2020 sau khi hoàn thành thủ tục thử nghiệm thường xuyên đầu tiên trên thế giới. Vaccine hiện đã được sử dụng ở nhiều quốc gia.
Có thể nói, sự ra đời của vaccine COVID-19 là một nỗ lực đa ngành phi thường liên quan đến khoa học cơ bản, tiền lâm sàng và lâm sàng đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Khi những câu chuyện về đại dịch này được kể lại, điều quan trọng là lịch sử này sẽ không bị lãng quên.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Trước khi triển khai tiêm ngừa COVID-19 cho người lớn, có một thông tin mọi người hay truyền tai nhau là COVID-19 ít lây lan ở trẻ em và trẻ em có nhiễm thì bệnh cũng không nặng. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, những ngày vừa qua, số ca nhập viện tầng 2, tầng 3 đều dưới 100 ca. Cụ thể, ngày 6-2, số ca nhập bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 35 người, số ca F0 đang cách ly tại nhà là 1.597 người.
Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 1.437 người, số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị tại tầng 2, 3 là 36 trẻ.
Như vậy tính từ đầu mùa dịch đến nay, tổng số trẻ em duới 16 tuổi mắc COVID-19 tại TP là 32.429 trẻ. Số ca COVID-19 tử vong trong ngày 6-2 tại TP.HCM là 4 ca (có 2 ca từ tỉnh khác chuyển đến và đều có bệnh nền). Như vậy số ca tử vong tại TP đến nay là 20.377 ca, trong đó có 48 trẻ em dưới 16 tuổi và 62 phụ nữ mang thai.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, ông Trần Minh Điển, giám đốc bệnh viện, cho biết đến 29 Tết có 12 trẻ tình trạng nặng, phải thở máy tại bệnh viện, trong số này có cả bệnh nhi mắc COVID-19.
Đã tiêm 29 triệu mũi 3
Tính đến sáng 7-2, cả nước đã tiêm gần 182,5 triệu mũi cho người từ 12 tuổi trở lên, trong đó có gần 29 triệu mũi 3. Một chuyên gia nhận xét tiêm chủng đã làm thay đổi cục diện dịch COVID-19 tại Việt Nam với số ca chuyển nặng và tử vong giảm mạnh, trong khi số mắc mới hằng ngày vẫn ở mức cao.
Và khi tỉ lệ tiêm ngừa ở người lớn tăng cao thì có những dấu hiệu dịch chuyển sang trẻ em. Những ngày gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Nhi trung ương cũng ghi nhận hàng chục trẻ F0 đến tư vấn, có gia đình 2-3 cháu cùng dương tính.
Trả lời báo chí về triển khai tiêm chủng cho trẻ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế rất thận trọng, đánh giá toàn diện, thường xuyên tham khảo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO cũng đã chính thức phê duyệt khuyến cáo cho vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ em 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Bộ cũng tham khảo kinh nghiệm của các nước, đến nay đã có 37 quốc gia có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm cho nhóm tuổi 5 đến dưới 12, có quốc gia tiêm toàn bộ trẻ trong độ tuổi, có quốc gia tiêm cho nhóm trẻ nguy cơ cao.
Trước khi triển khai tiêm ngừa cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi, Chính phủ cũng đã giao Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Y tế tiến hành điều tra xã hội học về mức độ tiếp nhận của cha mẹ và người thân của trẻ với tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Vấn đề an toàn cho trẻ được đặt ra hàng đầu.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trước khi triển khai tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi, chương trình sẽ phối hợp với Bệnh viện Nhi trung ương triển khai tập huấn lại cho cán bộ tiêm chủng các tuyến.
Khác với các nhóm tuổi đã tiêm chủng COVID-19, các chuyên gia cho rằng trẻ dưới 10 tuổi sẽ ít báo với cha mẹ nếu có phản ứng sau tiêm, đặc biệt nếu phản ứng đó là nhẹ. Vì vậy, hướng dẫn theo dõi sau tiêm cho trẻ sẽ cần bổ sung thêm.
Bên cạnh đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng sẽ tìm hiểu kinh nghiệm các nước đã triển khai tiêm cho nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, xem các phản ứng sau tiêm hay gặp để có thể có khuyến cáo từ sớm.