Đó là nhìn nhận của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tại buổi họp báo thông tin hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố chiều ngày 4/11.
Liên quan đến vấn đề vì sao ca mắc COVID-19 tăng cao? Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, theo công bố 2 tuần liên tiếp, dịch ở TPHCM ở cấp độ 2; trong 3 tiêu chí đánh giá, tiêu chí số ca mắc mới ở cấp độ 3. Điều đó cho thấy ca mắc mới ở TPHCM còn cao.
“Nhìn vào bảng thống kê tại TPHCM, có ngày thành phố ghi nhận khoảng 1.000 ca khiến tổng số người mắc COVID-19 càng tăng. Bên cạnh đó, số ca nhập viện những ngày gần đây cũng tăng. Như ngày 1/11 là 989, ngày 2/11 là 1.025, ngày 3/11 là 944. Thứ 3, số liệu tử vong cũng đáng quan ngại khi ngày 30/10 chỉ có 21 ca, ngày 31/10 lên 25 ca, ngày 1/11 lên 31 ca và 2/11 lên 40 ca.
Chúng ta thấy tình hình dịch ở TPHCM hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Đó là con số thống kê, còn thực trạng, nhiều người ra đường vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định khuyến cáo của ngành y tế. Như phố đi bộ Nguyễn Huệ có nhiều người tụ tập nhảy múa không giữ khoảng cách, không mang khẩu trang. Các nhà hàng, quán ăn cũng có nơi chưa tuân thủ quy định...” - ông Hải nhìn nhận.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của ngành y tế. Lực lượng chức năng địa phương cần xử phạt nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch.
Liên quan câu hỏi nhiều người dân chủ quan khi cho rằng sau khi tiêm vắc xin thì sẽ không mắc COVID-19. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cảnh báo:
“Dù tiêm đủ vắc xin vẫn có tỷ lệ nhiễm, và nếu không được điều trị kịp thời thì vẫn có thể có trường hợp tử vong. Do đó, dù đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thì người dân vẫn phải tuân thủ 5K để tránh nhiễm bệnh trở lại, dù nguy cơ thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm”.
Theo Tiền phong
Khảo sát hai ngày trước của Sở Y tế TP HCM trên nhóm F0 mới vào viện thuộc tầng hai cho thấy 86% bệnh nhân đã tiêm một hoặc hai mũi vaccine.
"Các bệnh nhân này có triệu chứng rất nhẹ, không cần hồi sức", bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 4/11. 14% bệnh nhân còn lại là người chưa tiêm vaccine, 90% trong số này dưới 18 tuổi. Họ là F0 mới phát hiện tại các khu công nghiệp, khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.
Bệnh viện điều trị Covid-19 tầng 2 có chức năng tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền.
Một khảo sát khác, thực hiện hồi giữa tháng 10 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, thuộc tầng 3) cho thấy 45% trong tổng số 349 bệnh nhân ở mức độ nhẹ, còn lại là nặng (cần thở oxy, thở máy không xâm lấn, xâm lấn và ECMO).
So sánh giữa hai nhóm bệnh nhẹ và nặng với yếu tố đã tiêm và không tiêm vaccine, nhóm chưa tiêm có 74% bệnh nặng, 26% nhẹ. Nhóm đã tiêm (gồm một hoặc hai mũi) thì 40% mắc bệnh nặng, 60% nhẹ. Trong đó, những người đã tiêm một mũi thì 49% bị nặng; người đã tiêm hai mũi chỉ có 12% nặng.
Phân tích sâu hơn ở nhóm bệnh nặng, kết quả là, nhóm đã tiêm 2 mũi có một trường hợp cần thở máy xâm lấn, 5 ca phải thở oxy. Nhóm đã tiêm một mũi có 10 ca phải thở máy xâm lấn. Nhóm không tiêm vaccine có 51 trường hợp phải thở máy xâm lấn, 3 ca ECMO.
Bác sĩ Châu lưu ý đây là khảo sát ở quy mô một bệnh viện chuyên khoa của thành phố, không đại diện cho toàn bộ thông tin về vaccine và bệnh nặng. Tuy nhiên, kết quả này xác nhận lại thông tin mà y văn thế giới đã khẳng định "nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 thì khả năng bảo vệ tốt hơn và tỷ lệ trở nặng khi nhiễm virus sẽ giảm đáng kể".
"Tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, thậm chí trở nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời, nhưng tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với không tiêm vaccine. Do đó, dù đã tiêm đủ 2 mũi, người dân vẫn cần tuân thủ 5K", bác sĩ Châu nói.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng cảnh báo nguy cơ dịch bùng trở lại, nếu người dân chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, độ phủ vaccine tại thành phố đang cao nhưng người dân từ các tỉnh trở về thành phố làm việc cũng tăng lên. Nếu họ chưa tiêm vaccine, nguy cơ tăng ca mắc mới, trở nặng và nhập viện.
Theo VnExpress
Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm người đến cảng cá Thọ Quang
Theo phóng viên VOV tại miền Trung, đêm nay (4/11), Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 2000 đến 3000 người đến cảng cá Thọ Quang.
Trước đó, từ 13h hôm qua đến 13h hôm nay (4/11), thành phố Đà Nẵng ghi nhận 13 ca mắc Covid-19, gồm 2 ca cách ly tập trung, 8 ca cách ly tạm thời tại nhà và 3 ca cộng đồng. Hiện 4/7 quận, huyện ghi nhận ca mắc Covid-19 có nguy cơ lây lan cho cộng đồng.
Trong số 13 ca mắc mới, có 1 người từng đến cảng cá Thọ Quang vào thời điểm 21h ngày 1/11. Vì vậy, từ 21h đêm nay đến 5h sáng mai, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người đến cảng cá này. Bình quân, mỗi phiên chợ, cảng cá Thọ Quang đón khoảng 2000 đến 3000 người, 50 tàu cá cập bến và khoảng 2-3 trăm xe chở hải sản.
Nghệ An và Hà Tĩnh ghi nhận thêm 28 F0 trong đó có 4 ca cộng đồng
Tối 4/11 thông tin từ ngành y tế Nghệ An cho biết, trong 12h qua (từ 6h đến 18h ngày 4/11), Nghệ An ghi nhận thêm 21 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 1 ca cộng đồng tại TP.Vinh, 20 ca đã được cách ly từ trước (gồm 13 ca là F1, 7 ca trở về từ các tỉnh miền Nam).
Cũng trong tối 4/11, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết (từ 18h ngày 3/11 đến 18h ngày 4/11), Hà Tĩnh ghi nhận thêm 7 ca mắc Covid-19, trong đó 3 ca cộng đồng, 4 ca còn lại đã được cách ly.
Quảng Nam thêm 42 F0, nhiều ca bệnh... chưa rõ nguồn lây
Tối 4-11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết trong ngày tại địa phương này ghi nhận thêm 42 ca Covid-19 mới. Đáng chú ý có nhiều ca phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng, đang điều tra nguồn lây.
Theo VOV
Thông tin từ UBND huyện Quốc Oai cho biết, sau gần 2 tuần khởi phát đến nay, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã ghi nhận 106 ca mắc COVID-19. Lực lượng chức năng đã điều tra truy vết, đưa đi cách ly tập trung và cách ly tại nhà 795 trường hợp F1, ra quyết định cách ly tại nhà 3950 trường hợp F2, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà hơn 7.000 trường hợp F3.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngành chức năng huyện Quốc Oai đề nghị người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tốt thông điệp “5K”, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19./.
Theo VOV
Tối 4/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp đều có cùng địa chỉ, có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Tổ 7, thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP Phủ Lý và đều được phát hiện trong khu vực đã phong tỏa.
Sau khi phát hiện thêm hàng loạt trường hợp dương tính tại thôn Lê Lợi, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 xã Phù Vân, TP Phủ Lý đã phong tỏa toàn bộ xóm Mới gồm 66 hộ, 259 nhân khẩu.
Với sự huy động 100% các lực lượng chống dịch, đặc biệt là các cán bộ y tế làm việc xuyên đêm, công tác chống dịch được tăng cường triệt để, đến nay xã Phù Vân đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực xóm mới, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các hộ dân để xác minh nguồn lây.
Kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9 đến tối 4/11, Hà Nam ghi nhận 1.032 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã. Trong đó, thành phố Phủ Lý có 581 ca F0 cùng hàng nghìn trường hợp F1.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, từ 18h00’ ngày 3/11 đến 18h00’ ngày 4/11, tỉnh Hà Giang ghi nhận thêm 116 ca nhiễm COVID-19. Trong đó 47 ca nhiễm trong cộng đồng, 54 ca trong khu phong toả, quản lý; 15 ca trong khu cách ly.
47 ca mắc mới trong cộng đồng, cụ thể: Huyện Yên Minh 7 ca; huyện Quản Bạ 36 ca; huyện Bắc Mê 1 ca; huyện Bắc Quang 2 ca; huyện Hoàng Su Phì 1 ca.
Tổng số ca nhiễm trong cộng đồng từ tối ngày 25.10 đến nay là 543. Trong đó: Thành phố Hà Giang 318, Yên Minh 21, Quản Bạ 41, Bắc Mê 2, Vị Xuyên 135, Bắc Quang 10, Quang Bình 2, Hoàng Su Phì 4.
Như vậy, toàn tỉnh Hà Giang hiện có 1.365 ca nhiễm COVID-19, trong đó số ca trong khu cách ly là 822; số ca phát hiện trong cộng đồng là 543.
Số ca đang đang được điều trị, theo dõi là 1.365, trong đó: Điều trị tại bệnh viện là 258 ca; tại các khu cách ly là 859 ca; theo dõi tại nhà 248 ca.
Tổng số người hiện đang cách ly là 17.355, trong đó: Số đang cách ly tập trung 2.794; Số đang cách ly tại nhà 14.561.
Theo Báo Chính phủ
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn thành phố có đến các địa điểm sau:
Quận Cầu Giấy
- Khoảng 17h ngày 3/11: Phòng VIP - tầng 1 tòa nhà Hoàng Ngân Plaza, 125 Hoàng Ngân
- Khoảng 9h ngày 4/11: Phở Lý Quốc Sư, đường Nguyễn Chánh
- Khoảng 10h ngày 4/11: Cà phê - đầu đường Hoàng Đạo Thúy
Quận Tây Hồ
- Khoảng 19h ngày 27/10: Quán chim trời - gần Hồ Tây
Quận Thanh Xuân
- Vào 3 ngày 29/10, 30/10 (13h-17h30), 1/11: Lily’s Cafe & Club – Chung cư Trung Hòa Nhân Chính, 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính
- Khoảng 14h ngày 31/10: Chợ Quan Nhân, Nhân Chính
- Sáng ngày 1/11, 13h ngày 3/11: Quán gội đầu - tầng 1 tòa AB chung cư Imperia Garden, 203 Nguyễn Huy Tưởng.
- Khoảng 16h ngày 3/11: Phadin coffee - Số 1, liền kề 1, khu ĐT Sông Đà 7, 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân Trung.
Quận Ba Đình
- 19h-19h30 ngày 2/11: Chao Quán - 24 Núi Trúc, Giảng Võ
Quận Hoàn Kiếm
- Khoảng 22h ngày 2/11: Quán nước ép - Bà Triệu giao đường Trần Nhân Tông
Quận Hai Bà Trưng
- Khoảng 16h ngày 3/11: Cửa hàng quần áo - Mai Hắc Đế
Quận Đống Đa
- 14h30-17h ngày 3/11: Skyline Coffee Garden - 36A Hoàng Cầu
Người đến địa điểm trên thực hiện tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên điện bàn hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2) / 0969.082.115 /0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.
Dự kiến hôm nay (5/11), thành phố Hà Nội sẽ công bố mức độ dịch COVID-19 trên địa bàn để chủ động các biện pháp cần thiết.
Theo Kế hoạch Thực hiện Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của thành phố Hà Nội, việc công bố mức độ dịch COVID-19 sẽ được thông tin vào thứ 6 hàng tuần.
Việc công bố mức độ dịch dựa trên 3 tiêu chí, gồm tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin COVID-19 và việc đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến trên địa bàn.
Riêng về tiêu chí 1, những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong 104 ca dương tính SARS-CoV-2 ghi nhận ngày 4/11 có tới 64 ca ở cộng đồng, phân bố tại nhiều quận, huyện.
Quận Ba Đình ghi nhận nhiều nhất với 21 ca. Quận Hà Đông và huyện Gia Lâm mỗi nơi có 12 ca. Quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng mỗi nơi có 3 ca; quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Long Biên và huyện Đông Anh mỗi nơi có 2 ca; quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và huyện Sóc Sơn, Mê Linh mỗi nơi có 1 ca.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố có 10 ổ dịch ở cộng đồng, gồm: Ổ dịch đường Bưởi (Cống Vị, Ba Đình): 17 ca mắc; ổ dịch Phú La (Hà Đông): 9 ca mắc; ổ dịch chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm): 30 ca mắc; ổ dịch Thủ Lệ (Ngọc Khánh, Ba Đình): 6 ca mắc; ổ dịch Phú Vinh (An Khánh, Hoài Đức): 14 ca mắc; ổ dịch Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm): 7 ca mắc; ổ dịch Nam Dư (Lĩnh Nam, Hoàng Mai): 24 ca mắc; ổ dịch Bạch Trữ (Tiến Thắng, Mê Linh): 122 ca mắc; ổ dịch Sài Sơn (Quốc Oai): 141 ca mắc; ổ dịch Trần Quang Diệu (Ô Chợ Dừa, Đống Đa): 38 ca mắc.
Ngoài ra, Hà Nội đã ghi nhận 75 trường hợp người về từ các tỉnh có dịch dương tính SARS-CoV-2 và 32 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 thứ phát từ những người về từ các tỉnh có dịch.
Trước đó, ngày 1/11, Hà Nội đã công bố thành phố ở mức 2 trong phòng chống dịch COVID-19 - màu vàng - nguy cơ trung bình.
Theo Tiền phong
Chiều 5/11, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định về việc tạm dừng một số hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh địa phương ghi nhận 182 ca mắc Covid-19 kể từ ngày 26/10 đến nay, trong đó nhiều ca mắc trong cộng đồng cũng như ở khu công nghiệp.
Cùng với Bắc Giang, nhiều tỉnh phía bắc như Hưng Yên, Hà Giang, Nam Định... cũng nâng cấp độ phòng dịch sau khi ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng.
Trong quyết định vừa ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định dừng toàn bộ dịch vụ ăn uống, giải khát tại chỗ trên địa bàn tỉnh kể từ 0h ngày 6/11. Cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được bán mang về.
Địa phương cũng yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động tổ chức đám cưới. Với đám tang, đám giỗ... người dân phải tổ chức gọn nhẹ, không tiếp đón người từ các tỉnh, thành phố có dịch về viếng, tham dự; không tổ chức đoàn phúng viếng đông người.
Với việc nâng cấp biện pháp phòng chống dịch, tỉnh này đặt mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19 trong 7-10 ngày tới.
Tương tự, TP Hưng Yên cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động với cơ sở cắt tóc, gội đầu, spa, chăm sóc sắc đẹp, massage, gym, yoga, dịch vụ vũ trường, karaoke, quán bar, game, Internet, rạp chiếu phim, ăn uống vỉa hè. Địa phương này quyết định tạm dừng hoạt động trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát chỉ phục vụ khách mua mang đi, không phục vụ tại chỗ. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tạm thời dừng đón khách. Người dân được yêu cầu hạn chế tụ tập đông người, tập trung không quá 20 người ngoài công sở.
Hôm 3-4/11, Hưng Yên phát hiện 30 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 4 ổ dịch là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phường An Tảo (TP Hưng Yên), xã Đình Dù (Văn Lâm) và xã Đồng Thanh (Kim Động).
Tại Nam Định, lãnh đạo địa phương này nhận định dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại khi nhiều trường hợp mắc bệnh là công dân trở về từ các địa phương phía nam.
Để tăng cường biện pháp phòng dịch, tỉnh Nam Định yêu cầu tất cả người đến địa phương đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 phải thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Với người chưa tiêm vaccine, mới tiêm 1 mũi hoặc tiêm 2 mũi nhưng chưa đủ thời gian quy định, Nam Định yêu cầu kiểm soát theo cấp độ vùng. Người về từ vùng đỏ sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày. Người về từ vùng cam phải cách ly tại nhà 14 ngày rồi tự theo dõi 7 ngày tiếp theo.
Theo Zingnews
Bộ Y tế tối 5/11 công bố tỉnh Cao Bằng ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên. Như vậy đến nay 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều xuất hiện dịch Covid-19. Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, chính quyền địa phương đã ban hành công điện phòng, chống dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cao Bằng, F0 là L.V.T., 20 tuổi, trú tại xóm Nà Sài, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm. T. cùng em trai họ đi làm phục vụ tại nhà hàng ở phường Thái Bảo, huyện Nam Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ tháng 10/2021 và ở tại quán nơi làm việc.
Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Bảo Lâm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện đã nhanh chóng lập danh sách các trường hợp có liên quan. Đồng thời chuyển anh T. cách ly riêng và tiếp tục theo dõi sức khỏe. Hiện tại anh ổn định, không có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.
Cơ quan chức năng phun khử khuẩn các khu vực liên quan, cử đội truy vết phối hợp với Ban Chỉ đạo xã, Trạm Y tế xã Yên Thổ khoanh vùng những người tiếp xúc với F0.
CDC Cao Bằng cũng thông báo khẩn, tìm người từng đến các địa điểm liên quan F0, cần khai báo y tế và liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất hoặc đường dây nóng (0812848389) để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
Xem chi tiết tại đây