Cập nhật lúc 09:46 - 11/12/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/12: Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, nguy cơ lây lan dịch bệnh đã trở nên báo động

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-12-03T23:12:00

    12 quận, huyện ở Hà Nội tăng cấp độ dịch COVID-19

    Ngày 3/12, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký thông báo về cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố (tính đến 9h ngày 3/12).

    Theo đó, toàn địa bàn thành phố Hà Nội ở cấp độ 2 - màu vàng - nguy cơ trung bình.

    Có 7 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng màu xanh) trong phòng, chống dịch gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa. Còn lại 23 quận, huyện ở cấp độ 2.

    Trong thông báo ngày 27/11, có 11 quận, huyện ở cấp độ 2. Như vậy, thành phố tăng thêm 12 quận, huyện từ cấp độ 1 sang cấp độ 2 về COVID-19 - màu vàng - nguy cơ trung bình.

    Trong 23 quận, huyện ở cấp độ 2, Đống Đa có số ca mắc cộng đồng 14 ngày qua nhiều nhất với 599 ca, số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần là 79 ca. Đứng thứ 2 là Nam Từ Liêm với các con số tương ứng là 322 ca - 57 ca. Ba Đình tương ứng là 258 ca - 57 ca. Hoàng Mai tương ứng là 254 ca - 24 ca. Hà Đông 252 ca - 30 ca. Hai Bà Trưng tương ứng là 247 ca - 41 ca. Đông Anh tương ứng 245 ca - 30 ca. Mê Linh tương ứng 240 ca - 47 ca.

    Về cấp xã, phường, có 523 địa phương ở cấp độ 1 (ngày 27/11 là 535, giảm 12 xã, phường); 53 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 11 xã, phường) và 3 phường ở cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam - tăng 1 phường) và không có địa bàn nào cấp độ 4.

    3 phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng là phường Phố Huế (Hai Bà Trưng); phường Khâm Thiên, Trung Phụng (Đống Đa).

    Cụ thể, trong 14 ngày gần đây có 3 phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng là phường Phố Huế (Hai Bà Trưng) với 36 ca mắc trong cộng đồng 14 ngày qua còn số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần là 202 ca.

    Con số tương ứng với phường Khâm Thiên là 35 ca và 183 ca. Phường Trung Phụng là 60 ca và 180 ca.

    Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố là 94,2% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 82,33% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

    Trong thời gian 2 tuần trên địa bàn (tính đến 9h sáng ngày 3/12) đã ghi nhận 4.650 trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-03T23:12:00

    Hà Nội công bố điều kiện chính thức cho F0 chữa trị tại nhà

    UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Phương án số 276 về cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố.

    Theo đó, người bệnh (F0) được điều trị tại nhà là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.

    Cùng với đó, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở – 20 lần/phút, SpO2 > 97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít khi hít vào.

    Về độ tuổi: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn < 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không đang mang thai.

    Theo hướng dẫn của thành phố Hà Nội, F0 cũng phải đáp ứng các yêu cầu như có thể tự chăm sóc bản thân như: ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh... Biết cách đo thân nhiệt, có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu; có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính,...

    "Trường hợp người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí", văn bản nêu.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/12: Dịch &quot;leo thang&quot;, F0 liên tục tăng kỷ lục, 12 quận huyện ở Hà Nội &quot;chuyển màu&quot; từ xanh sang vàng - Ảnh 1.

    Treo biển cảnh báo

    Về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà, thành phố yêu cầu là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19"; có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ;

    Cùng với đó, phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình;

    Thành phố khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.

    Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu: Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn; có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.

    Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2"; thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh để đựng chất thải sinh hoạt khác.

    Một yêu cầu khác là không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ; có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt; có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.

    Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly; bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

    "Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định về cơ sở vật chất đảm bảo đủ các điều kiện cách ly tại nhà theo quy định", hướng dẫn nêu.

    Yêu cầu với người thực hiện cách ly y tế tại nhà

    - Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà, có cam kết với chính quyền địa phương.

    - Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi;

    - Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;

    - Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD) hoặc Bluezone trong suốt thời gian thực hiện cách ly; cài đặt ứng dụng trên Sổ sức khỏe điện tử (SSKDT); đăng nhập thông qua số điện thoại và mã OTP (hệ thống trả qua tin nhắn);

    - Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD) hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD) hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly, người dân sau khi có vấn đề về sức khỏe có thể tìm bác sĩ để tư vấn qua tiện ích call/ video call/chat trên sổ sức khỏe điện tử

    - Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như chén, đũa, muỗng, ly, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người trong cùng gia đình;

    - Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày và phân loại chất thải theo hướng dẫn;

    - Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định;

    - Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 03 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.

    - Tuyệt đối không đi ra khỏi nhà trong suốt thời gian cách ly y tế tại nhà.

    Yêu cầu với người ở cùng nhà

    - Có cam kết với chính quyền địa phương và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly;

    - Không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người thực hiện cách ly;

    - Không tiếp xúc với người cách ly, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện Thông điệp 5K và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà;

    - Nếu người cách ly là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương;

    - Cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết riêng cho người cách ly hàng ngày;

    - Báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-04T00:12:00

    Chùm ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương có thể đã qua 2-3 chu kỳ lây nhiễm, khẩn trương dập dịch

    Chiều muộn 3/12, Bộ Y tế làm việc trực tuyến với Bệnh viện Phụ sản Trung ương liên quan công tác xử lý ổ dịch vừa phát hiện tại đây. Từ ca chỉ điểm đầu tiên và phát hiện ổ dịch với 25 ca mắc, theo nhận định của TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có thể ổ dịch ở bệnh viện này có thể đã qua 2 đến 3 chu kỳ, nguy cơ lây lan dịch trong toàn viện rất dễ xảy ra.

    Theo báo cáo của viện, 8h ngày 1/12, qua sàng lọc đo thân nhiệt hàng ngày, cán bộ y tế phát hiện 2 bệnh nhân tại phòng 502, khoa Sản bệnh lý, toà nhà BC bị sốt và ho. Kết quả test nhanh của hai bệnh nhân này dương tính. Bệnh viện tiếp tục lấy mẫu test nhanh cho các trường hợp còn lại ở buồng bệnh này phát hiện 15 ca dương tính.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/12: Dịch &quot;leo thang&quot;, F0 liên tục tăng kỷ lục, 12 quận huyện ở Hà Nội &quot;chuyển màu&quot; từ xanh sang vàng - Ảnh 1.

    Trong ngày 1/12, có 22 ca dương tính trong tổng số 681 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Đến ngày 3/12, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện là 2.081 (gồm nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân), phát hiện 25 ca dương tính (trong đó có 1 nữ bác sĩ nội trú) ở tầng 4 và 5 (đều thuộc khoa Sản bệnh lý). Toà nhà BC gồm 11 tầng đã được phong toả, đặc biệt là tầng 4-5, khử khuẩn toàn bộ. Ngoại trừ việc phong toả toà nhà BC, các hoạt động khám chữa bệnh khác của Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn diễn ra bình thường.

    Các F0 đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 tại Hoàng Mai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả truy vết có 260 người liên quan, trong đó có 87 trường hợp F1 (gồm 39 nhân viên y tế đang ở viện và 10 nhân viên đang ở nhà).

    Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hai buồng bệnh số 502 và 513 gồm 28 bệnh nhân và người nhà. Đây là những thai phụ mắc các bệnh lý như rau tiền đạo, rau cài răng lược đã điều trị lâu ngày. Toà nhà BC gồm các khoa khác nhau, nằm tách biệt hẳn so với các khu vực khác của bệnh viện.

    Từ ngày 1/12 đến nay, toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong toà nhà BC được yêu cầu ở lại đây, thực hiện 4 tại chỗ. Các F1 là nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho các F1 là người bệnh. Tất cả nhân viên y tế trong toà nhà BC hiện đã âm tính lần 1.

    Dự kiến trưa 4/12, Bệnh viện sẽ lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 cho toàn bộ bệnh nhân, người nhà và cán bộ nhân viên y tế tại toà nhà BC này.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/12: Dịch &quot;leo thang&quot;, F0 liên tục tăng kỷ lục, 12 quận huyện ở Hà Nội &quot;chuyển màu&quot; từ xanh sang vàng - Ảnh 2.

    Tại cuộc họp, TS Nguyễn Trọng Khoa đánh giá cao tinh thần cảnh giác của Bệnh viện khi có bệnh nhân có triệu chứng đã lấy mẫu test nhanh ngay. Trong 3 ngày liên tiếp, bệnh viện liên tục lấy hơn 2.000 mẫu gửi đi xét nghiệm RT-PCR. Từ ca chỉ điểm đầu tiên và phát hiện ổ dịch với 25 ca mắc, theo nhận định của TS Khoa, có thể ổ dịch ở bệnh viện này có thể đã qua 2 đến 3 chu kỳ, nguy cơ lây lan dịch trong toàn viện rất dễ xảy ra. Do đó, việc xét nghiệm càng phải đẩy nhanh, ít nhất 3 ngày phải làm một lần để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nếu có khả năng thì viện có thể làm hằng ngày.

    Với hơn 15 ca COVID-19 là các bệnh nhân mắc các bệnh lý sản khoa có nguy cơ tăng nặng, TS Khoa đề nghị Bệnh viện Phụ sản Trung ương liên tục hội chẩn, phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị cho các trường hợp này.

    PGS.TS Trần Danh Cường cho hay hiện các F0 này có sức khoẻ ổn định, chưa có triệu chứng. Nữ bác sĩ nội trú mắc COVID-19 có tải lượng virus thấp cũng tình nguyện ở lại nơi các sản phụ F0 điều trị để trực tiếp thăm khám cho các bệnh nhân này. Hai kíp mổ gồm các bác sĩ là F1 đang cách ly ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẵn sàng di chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để phẫu thuật khi cần.

    TS Nguyễn Trọng Khoa cũng đề nghị các bộ phận khác trong bệnh viện, ngoại trừ toà nhà BC, cần phân luồng người bệnh tới khám chặt chẽ, kiểm soát vấn đề thăm nuôi. Tất cả các trường hợp có triệu chứng phải lấy mẫu xét nghiệm ngay.

    Bệnh viện cần rà soát người bệnh điều trị tại viện chưa được tiêm vắc xin để có phương án bảo vệ tối đa bởi đây là nhóm người dễ bị tăng nặng nếu mắc COVID-19. Đặc biệt, bệnh viện cần có phương án nhân lực thay thế trong tình huống có thêm các nhân viên y tế mắc COVID-19.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-04T00:12:00

    Cà Mau đã giảm vùng đỏ nhưng vẫn chưa có vùng xanh

    Chiều 3/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau cho biết, Sở Y tế tỉnh này vừa có quyết định cấp độ dịch quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, áp dụng từ ngày 4/12.

    Theo đó, có một xã vùng đỏ (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước); có 29 xã vùng cam; có 71 xã vùng vàng; không có xã nào vùng xanh.

    Hầu như huyện nào cũng có xã vùng cam, chỉ riêng TP Cà Mau (17 xã, phường) là toàn vàng.

    So với một tuần trước, giảm 2 xã vùng đỏ, tăng 4 xã vùng cam, giảm 2 xã vùng vàng và vẫn chưa có xã nào về vùng xanh.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/12: Dịch &quot;leo thang&quot;, F0 liên tục tăng kỷ lục, 12 quận huyện ở Hà Nội &quot;chuyển màu&quot; từ xanh sang vàng - Ảnh 1.

    Một khu cách ly ở tỉnh Cà Mau (Ảnh: CTV).

    Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, trong một tuần qua, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày có hơn 300 ca, đỉnh điểm ngày 1/12 là 507 ca.

    Tính đến ngày 2/12, tỉnh Cà Mau đã có 10.228 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.951 ca cộng đồng. Hiện còn điều trị 4.990 ca, tử vong 48 ca.

    Trước số ca mắc còn cao, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Y tế, các địa phương triển khai thực hiện việc phân loại nguy cơ người mắc Covid-19 và định hướng, xử lý, cách ly, điều trị đến cơ sở y tế và người dân.

    Các đơn vị cấp xã tăng cường việc điều trị F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ tại nhà nếu đủ điều kiện, hạn chế tối đa việc chuyển F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà, tại cơ sở vào các bệnh viện dã chiến.

    Tập trung điều trị tốt F0 ngay tại tầng 1, tầng 2, giảm thiểu tối đa người bệnh chuyển tầng cao hơn, tiến triển nặng và tử vong tại các cơ sở điều trị.

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-04T01:12:00

    Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển vùng đỏ, Đồng Tháp đẩy mạnh điều trị F0 ở nhà

    Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển thành vùng đỏ - Vùng nguy cơ rất cao

    Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính từ 18 giờ ngày 2/12 đến 18 giờ ngày 3/12, toàn tỉnh ghi nhận 560 ca mắc COVID-19 mới trong ngày, trong đó có 189 ca trong khu cách ly tập trung, 54 ca trong khu vực phong tỏa, 317 ca cộng đồng.

    Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất toàn tỉnh với 168 ca, trong đó có 133 ca mắc cộng đồng; Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 161 ca, trong đó ghi nhận 19 ca ngoài cộng đồng…. Số ca F0 ghi nhận trên địa bàn tỉnh từ khi tỉnh bùng phát dịch ngày 28/6 đến nay là 16.865 ca.

    Đến ngày 3/12, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ còn 22 vùng xanh (cấp 1- vùng nguy cơ thấp); 24 vùng vàng (cấp 2 - vùng nguy cơ trung bình); có 31 vùng cam (cấp 3 – vùng nguy cơ cao) và có đến 6 vùng đỏ (cấp 4 - vùng nguy cơ rất cao).

    Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngày 3/12, Bộ Y tế đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện là cấp 4, vùng đỏ - vùng nguy cơ rất cao.

    Hiện, tỉnh có tổng số 298 điểm phong tỏa, với 1.497 hộ, 187 phòng trọ, 1 trung tâm thương mại, 1 chợ, 2 công trình và 1 công ty, tổng dân số là 6.008 người.

    Đồng Tháp đẩy mạnh công tác điều trị  F0 tại nhà

    Tính đến chiều 3/12, tỉnh Đồng Tháp đang điều trị 7.249 ca mắc COVID-19, trong đó, 2.076 ca điều trị tại cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến tuyến tỉnh; 3.005 ca ở cơ sở thu dung, điều trị, cách ly tập trung tuyến huyện; 2.075 ca điều trị tại nhà, nơi cư trú.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/12: Dịch &quot;leo thang&quot;, F0 liên tục tăng kỷ lục, 12 quận huyện ở Hà Nội &quot;chuyển màu&quot; từ xanh sang vàng - Ảnh 1.

    Cán bộ Trạm Y tế xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đến kiểm tra sức khỏe, đo chỉ số SpO2 cho bệnh nhân COVID-19 đang theo dõi, điều trị tại nhà. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

    Gần hai tuần qua, mỗi ngày, Đồng Tháp có từ 500 đến hơn 600 ca mắc COVID-19. Do số ca mắc tăng cao, một số địa phương đã mạnh dạn thực hiện điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số địa phương còn chậm triển khai thực hiện quy trình điều trị F0 tại nhà dù tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.

    Ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương trong tỉnh cần nhanh chóng thực hiện phân loại, theo dõi, điều trị tại nhà đối với những F0 đủ điều kiện theo quy định; cần tránh trạng thái sợ, không dám áp dụng điều trị F0 tại nhà.

    Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã phân loại đối tượng F0 trước khi đưa đến nơi thu dung, điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, việc phân loại chủ yếu dựa vào thông tin F0 cung cấp nên đôi khi không chính xác.

    Ngày 3/12, Đồng Tháp ghi nhận 608 ca mắc COVID-19. Cả hệ thống chính trị tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là nâng cao hiệu quả điều trị F0 và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh.

    Đến nay, dân số của tỉnh Đồng Tháp từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1 đạt 98,74%, mũi 2 đạt 73,94% và 84,8% người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19./.

    Theo TTXVN

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-04T05:12:00

    Tăng cường chi viện nhân lực, giám sát bất thường từ các ổ dịch COVID-19

    Hà Nội: giám sát những dấu hiệu bất thường từ các ổ dịch

    Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra. Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với biến chủng mới.

    Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết thời gian tới TP sẽ tiếp tục quản lý chặt đối với người nhập cảnh từ nước ngoài, thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế, hạn chế không để ca bệnh có thể mang biến chủng mới lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

    "Ngoài ra chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để để không lây lan, bùng phát rộng, đồng thời giám sát những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19 trên địa bàn" - bà Hà nói.

    Sở Y tế cũng sẽ chỉ đạo tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống ca bệnh tăng cao, trong đó có thể có ca bệnh mang biến chủng Omicron.

    Theo vị lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, ngoài những biện pháp kể trên, TP cũng sẽ chủ động đề xuất Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới nếu xuất hiện ở thủ đô, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi và các quốc gia đã ghi nhận các ca mắc biến chủng mới.

    TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tiêm vét mũi 2 cho người có bệnh nền, người từ các tỉnh thành khác đến lao động, học tập, triển khai nhanh chiến dịch tiêm cho trẻ 12 - 14 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

    TP.HCM: huy động y tế tư nhân tham gia điều trị

    Ngày 30-11, khi tình hình F0 tăng, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động 85 trạm y tế lưu động với số lượng 153 nhân viên y tế đến hết tháng 12-2021. Bên cạnh đó, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cũng đã có văn bản gửi UBND TP về việc thí điểm cơ chế cho y tế tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

    Hiện nay hệ thống y tế tư nhân gồm 64 bệnh viện tư nhân, 215 phòng khám đa khoa, 6.223 phòng khám chuyên khoa và hơn 9.000 nhà thuốc tư nhân. Nếu huy động được các đơn vị tư nhân này thì sẽ góp phần không nhỏ giúp giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở và tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống dịch giai đoạn hiện nay.

    Cụ thể, cơ sở y tế tư nhân được đăng ký làm trạm y tế lưu động để chăm sóc và điều trị F0 tại nhà. Trung tâm y tế quận, huyện ký hợp đồng trách nhiệm với phòng khám tư nhân, phân bổ số F0 theo quy định từ 50 - 100 người.

    Ngoài ra Sở Y tế cũng đã đề xuất cho các cơ sở cách ly tập trung như cơ sở sản xuất, kinh doanh, khách sạn... được lựa chọn cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện tham gia thực hiện chăm sóc F0 và ký hợp đồng theo mức giá thỏa thuận.

    Không bay đến 10 nước châu Phi, kiểm soát chặt khách đến từ nước có chủng Omicron

    Đây là đề xuất của Cục Hàng không trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 3-12. Theo đó:

    - Báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay giữa Việt Nam và 10 quốc gia châu Phi gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia; cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.

    - Có ý kiến và đề nghị Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát y tế đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron; kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác cách ly y tế, đảm bảo 100% hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.

    - Có ý kiến và đề nghị Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không để thông báo kịp thời cho Bộ Y tế, cơ quan y tế của địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này.

    Bắt đầu điều quân chi viện

    Hôm 2-12, đoàn 9 y bác sĩ hồi sức tích cực và truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai đã lên đường đi An Giang, địa phương phía Nam đang có số mắc và số tử vong khá cao, để hỗ trợ chuyên môn. Đây là đoàn thứ 2 của Bệnh viện Bạch Mai đi hỗ trợ các tỉnh đang có dịch nóng, kể từ khi bệnh viện này bàn giao Bệnh viện dã chiến số 16 cho TP.HCM hôm 17-10, khép lại chiến dịch 77 ngày hỗ trợ TP.HCM.

    Tại Vĩnh Long cũng có một đoàn 12 y bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết trung ương đang hỗ trợ. Tại Cần Thơ, địa phương đang xếp thứ 2 về số mắc mới hằng ngày (ngày 3-12 là 982 ca) đang có 350 giường điều trị cho bệnh nhân nặng (bệnh nhân nặng cần cấp cứu, hồi sức tích cực), nhưng đến 2-12 đã sử dụng 318 giường, số giường tầng 2 cũng chỉ còn khoảng 300 giường, trong khi số lượng bệnh nhân mới ghi nhận hằng ngày rất cao.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-04T13:12:00

    Hà Nội thêm 628 ca mới, 25 F0 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang được điều trị

    Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo, từ 18h ngày 3/12 đến 18h ngày 4/12, Hà Nội ghi nhận thêm 628 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 190 trường hợp ngoài cộng đồng, 338 ca trong khu cách ly và 100 ca ở khu phong tỏa.

    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 12.710 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.023 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 7.687 ca.

    Ngoài ra, liên quan tới các phụ sản mắc COVID-19 phát hiện tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết các bệnh nhân trên đã được chuyển viện và đang điều trị tại Khoa Ngoại sản của bệnh viện.

    Theo đó, các F0 trên đều có sản bệnh như rau cài răng lược, rau tiền đạo... một số trường hợp sắp tới ngày dự sinh.

    Các bệnh nhân đang được theo dõi sát, điều trị COVID-19 song song bệnh lý sản khoa, sức khỏe đang tạm ổn định.

    "Bệnh viện vẫn đang theo dõi sát sao từng diễn biến của người bệnh, chuẩn bị cho các tình huống để xử trí kịp thời", đại diện bệnh viện nói.

    Ở diễn biến khác, theo công bố đánh giá cấp độ dịch của Hà Nội thì hiện nay chỉ có 7 huyện đạt cấp độ 1, nguy cơ thấp, 23 quận, huyện còn lại được đánh giá cấp độ 2 với nguy cơ trung bình, màu vàng. 

    Điều này cho thấy, Hà Nội đã thu hẹp nhiều vùng xanh, nguy cơ lây lan dịch bệnh đã trở nên báo động. Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 4-12, người dân vẫn chủ quan, thờ ơ với công tác phòng, chống dịch, cần thiết phải có sự giám sát, xử lý nghiêm vi phạm.

    Theo Hà Nội mới

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ