Cập nhật lúc 19:36 - 12/11/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 3/11: Vì sao F0 nhập viện ở TP HCM tăng?

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-11-02T23:11:00

    Dự báo Hà Nội tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp

    Ngày 2/11, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dịch đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn so với những ngày trước khi xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng do nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và thêm những ca F0 về từ địa phương có dịch.

    Dự báo trong thời gian tới trên địa bàn thành phố còn tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ rất cao nếu không được quản lý chặt chẽ và có các biện pháp hành chính phù hợp.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 3/11: Dự báo Hà Nội tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp - Ảnh 1.

    Báo cáo của thành phố cho thấy từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh so với thời gian thực hiện bình thường mới (từ ngày 21/9 đến ngày 10/10). Thống kê cho thấy từ 11/10 đến 1/11 có 442 ca mắc, trung bình 21/ca/ngày, trong đó có 103 ca cộng đồng, 270 ca tại khu cách ly, 48 ca khu phong tỏa và 21 ca nhập cảnh. Trước đó ở giai đoạn bình thường mới trung bình 1 ngày có 5,7 ca. Từ ngày 28/10 đến ngày 1/11, số ca nhiễm bình quân từ 33-57 ca/ngày.

    Hà Nội đã thực hiện giám sát những người về từ các địa phương có dịch cho thấy nhiều trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Hầu hết các ca bệnh đều không có triệu chứng.

    Hiện nay thành phố có 6 chùm ca bệnh mới phát sinh trong cộng đồng. Cụ thể, ổ dịch liên quan salon tóc Mẹ Ớt (Trần Quang Diệu, Đống Đa) với 36 ca mắc; ổ dịch thị trấn Quốc Oai với 110 ca mắc sau 8 ngày; ổ dịch xã Tiến Thắng (Mê Linh) với 64 ca mắc chỉ sau 1 tuần; ổ dịch Lĩnh Nam sau 3 ngày ghi nhận 16 ca mắc; ổ dịch Lê Đức Thọ - Nam Từ Liêm ghi nhận 4 ca. Mới nhất là ổ dịch An Khánh – Hoài Đức cùng lúc phát hiện 8 người mắc COVID-19.

    Trong số này, có những ổ dịch phức tạp như ổ dịch thị trấn Quốc Oai ghi nhận gia tăng ca mắc nhanh trong thời gian ngắn, ca mắc rải rác khắp 5 quận/huyện của thành phố (như Sơn Tây, Thanh Oai, Hà Đông...). Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, chùm ca bệnh ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai và chùm ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh có liên quan đến đám hiếu, đám cưới và liên quan các cơ quan, công sở nên lượng người có tiếp xúc với F0 nhiều.

    Đến nay, 2 xã, thị trấn (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) là 2 địa phương ở Hà Nội có dịch ở cấp độ 3. Trong khi đánh giá cấp độ dịch của thành phố tính đến thời điểm ngày 29/10 (theo tiêu chí của Quyết định số 4800 của Bộ Y tế) thì ở cấp 2. Cùng với đó, 30 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2; 245 xã, phường đạt cấp độ 2; 332 xã, phường đạt cấp độ 1.

    Trong các ca bệnh phát hiện gần đây, nhiều ca đã tiêm vắc xin từ 1-2 mũi. Đơn cử ngày 1/11, có 35/57 ca đã tiêm vắc xin từ 1-2 mũi (trong đó 20 người đã tiêm 2 mũi); ngày 31/10 có 25/49 ca đã tiêm 2 mũi, trước đó ngày 30/10 có 20/42 ca đã tiêm đủ 2 mũi. Số người chưa tiêm vắc xin chủ yếu do chưa đến tuổi.

    Ngoài ra, trong ngày 2/11, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 62 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó cộng đồng (12), khu cách ly (47), khu phong tỏa (03). Đây là số ca Covid-19 cao nhất 1 tháng qua.

    Theo Tiền phong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-02T23:11:00

    'Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng tình huống dịch xấu hơn'

    Sáng 2/11, làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với đặc thù đô thị lớn, việc Hà Nội giữ được kết quả chống dịch như ngày hôm nay là "rất tốt". Tới đây, thành phố vẫn phải rất cảnh giác, bởi thực tế dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng, như hôm qua số ca nhiễm mới của cả nước hơn 5.000. Thành phố không được chủ quan, thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn và phải tính đến trường hợp xấu hơn.

    Hà Nội đã có kịch bản 40.000 ca nhiễm, nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thành phố vẫn cần tính kỹ hơn vì liên quan đến chuẩn bị trang thiết bị vật tư y tế. Nguyên lý chung sống an toàn với dịch đã được đưa ra từ trước, nhưng mỗi lúc một khác, trước lúc tiêm vaccine và sau tiêm khác. Có một số nguyên tắc trong phòng, chống dịch vẫn phải thực hiện là phát hiện, cách ly, khoanh vùng theo sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.

    Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần tập dượt phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.

    Về tiêm vaccine phòng Covid-19, Phó Thủ tướng khẳng định Hà Nội luôn được ưu tiên cung cấp vaccine sớm. Bộ Y tế căn cứ lịch tiêm của Hà Nội để bố trí đủ vaccine tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến.

    Theo VnExpress.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-03T00:11:00

    Đắk Lắk trở thành điểm nóng về dịch COVID-19 của cả nước

    Chỉ trong 1 tuần qua, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 1.000 ca mắc mới, trong đó có đến 700 ca cộng đồng.

    Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao và có nguy cơ bùng phát mạnh trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đã nâng mức độ dịch lên cấp 3. Riêng thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk đã nâng mức độ lên cấp 4.

    Đối mặt với tình trạng thiếu và yếu về các điều kiện phòng, chống dịch, tỉnh Đắk Lắk đang huy động mọi nguồn lực để hạn chế thấp nhất khả năng dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

    Cụ thể, tỉnh khẩn trương nâng công suất điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện lên trên 5.500 giường. Khẩn trương đưa Bệnh viện Dã chiến số 2 vào hoạt động.

    Tỉnh Đắk Lắk cũng đang nghiên cứu, hướng dẫn để triển khai cho F1 cách ly tại nhà, đặc biệt sàng lọc khoảng 30-50% F1 ở nhóm nguy cơ thấp cho cách ly tại nhà nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại khu cách ly tập trung.

    Ngoài ra, bên cạnh tăng cường các Trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến, thì điểm khác biệt trong kế hoạch này là tỉnh sẽ tiến hành quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, chuyển đổi công năng toàn bộ các Trung tâm y tế thành cơ sở thu dung điều trị Covid-19.

    Theo đó, sẽ áp dụng điều trị tại nhà đối với bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế về chỉ định điều trị ngoại trú tại nhà, được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện.

    Theo Thời sự VTV.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-03T00:11:00

    Liên tục ghi nhận hàng loạt ca mắc Covid-19, Cà Mau không còn "vùng xanh"

    Mới hơn một ngày, hàng chục xã ở Cà Mau "đổi màu" xanh sang vàng, cam, đỏ do phát hiện nhiều F0. Theo quyết định cấp độ dịch mới nhất, tỉnh này sẽ không còn địa bàn nào thuộc "vùng xanh" từ ngày 3/11.

    Toàn tỉnh Cà Mau có 5 đơn vị cấp xã thuộc cấp 4 (nguy cơ rất cao/vùng đỏ), gồm: Xã Việt Thắng của huyện Phú Tân; xã Đông Thới của huyện Cái Nước; xã Khánh Hội của huyện U Minh; xã Tân Duyệt và xã Tạ An Khương Đông của huyện Đầm Dơi.

    Có 22 đơn vị xã cấp 3 (nguy cơ cao/vùng cam); 74 đơn vị cấp 2 (nguy cơ trung bình/vùng vàng).

    Huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển là 2 địa phương trong 9 đơn vị cấp huyện "toàn vàng".

    Trước đó một ngày, tỉnh này có đến 2 huyện với 86 xã "vùng xanh" thì nay đã hoàn toàn "đổi màu".

    Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, tính đến nay toàn tỉnh đã có 1.939 ca mắc Covid-19; đang điều trị 765 ca, tử vong 15 ca.

    Theo Dân trí.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-03T01:11:00

    4 ổ dịch mới ở Hà Nội

    Ngoài hai ổ dịch Covid-19 được phát hiện ở Lĩnh Nam, Lê Đức Thọ và Hoài Đức, Hà Nội mới ghi nhận thêm chùm ca bệnh ngoài cộng đồng ở chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm.

    Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ 18h ngày 1/11 đến 18h ngày 2/11, thành phố ghi nhận thêm 62 ca mắc mới. Trong đó, 12 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng, 47 ca ghi nhận tại khu cách ly và 3 người ở khu phong tỏa.

    Như vậy, số ca mắc mới trong ngày 2/11 tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng, cao hơn 13 ca so với hôm qua (49 trường hợp).

    Đặc biệt, Hà Nội vừa phát hiện thêm ổ dịch mới liên quan chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm. Ngoài ra, ba ổ dịch mới phát hiện ngày 31/10 và 1/11 tại Nam Dư, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm và Phú Vinh, Hoài Đức cũng phát hiện thêm 13 F0 (Nam Dư: 5, Lê Đức Thọ: 3, Phú Vinh: 3).

    Một số ổ dịch khác cũng ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV trong ngày 2/11 là:

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 3/11: Dự báo Hà Nội tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp - Ảnh 1.

    Tính đến tối 2/11, hai ổ dịch lớn nhất ở Hà Nội là Quốc Oai và Mê Linh đã ghi nhận tổng cộng 208 ca dương tính.

    Theo Zingnews.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-03T06:11:00

    Vì sao F0 nhập viện ở TP HCM tăng?

    Lượng F0 nặng phải vào Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân Y 175, tăng gần gấp đôi trong 5 ngày qua, song ở các bệnh viện Covid-19 tầng 1, 2 số nhập viện không tăng.

    Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 là đơn vị thuộc tầng 3 trong tháp Covid-19, có chức năng điều trị cho nhóm F0 nặng và nguy kịch trên địa bàn TP HCM. 5 ngày qua, lượng bệnh nhân tại đây liên tục tăng.

    Theo Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc trung tâm), trung bình trước 29/10, số F0 nhập viện là 20 ca. Từ 29/10 đến nay, bệnh nhân nhập viện tăng rõ rệt, lên trung bình 30 ca mỗi ngày. Đỉnh điểm là ngày 1/11, trung tâm tiếp nhận 36 ca - gần gấp đôi so với giai đoạn trước. Trong khi đó, số ca xuất viện mỗi ngày duy trì 25-30 ca. Vì vậy, hiện số F0 nhập viện đang có xu hướng cao hơn số xuất viện.

    Lượng F0 này đến từ hai nguồn. Thứ nhất, là bệnh nhân cũ được chuyển đến từ các bệnh viện dã chiến đang giải thể (số 2, 5, 9), bệnh viện chuyển đổi công năng về ban đầu (không còn điều trị Covid-19 như Gò Vấp, quận 12, Hóc Môn, Hồng Đức); hoặc bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến dưới; chỉ khoảng 4-5 ca mỗi ngày. Nguồn thứ hai, chiếm đa số là F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, như các chùm ca gia đình, doanh nghiệp, công ty..., bác sĩ Ân nhận định.

    Ghi nhận tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, bác sĩ Nguyễn Văn Quả (trưởng trạm y tế phường) cho biết, hai tuần nay, số F0 mới có sự chênh lệch. Như từ 18 đến 26/10, trung bình phát hiện 7-26 ca mắc mới mỗi ngày. Ngày 27/10, số F0 mới phát hiện chỉ còn 3, sau đó tăng nhẹ, lần lượt là 4, 6, 10 và 7 trong những ngày sau đó. Những bệnh nhân này được khám, phân loại nguy cơ, nếu có bệnh nền, yếu tố trở nặng hoặc không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa đến các khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện Covid-19 còn hoạt động.

    Tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 ngày 1/11, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhận định, số F0 nhập viện giảm mỗi ngày, nhưng vẫn cao hơn so với số ca xuất viện. Cụ thể, ngày 27/10 có 1.272 F0 nhập viện trong khi 869 người xuất viện; ngày 28/10 có 1.212 F0 nhập viện, 718 người xuất viện; ngày 29/10 có 982 F0 nhập viện, 846 người xuất viện; ngày 31/10 có 624 F0 nhập viện, 473 người xuất viện. Bà Mai cũng chỉ ra nguyên nhân tương tự như bác sĩ Ân.

    Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, số F0 tăng nhẹ và nhập viện trong thời điểm này "phản ánh đúng thực tế" sau khi TP HCM tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 diện rộng và mở cửa trở lại. "Khi sống chung với Covid-19 thì con số F0 tăng hay nhập viện không phải là điều cần quan tâm, cái chính là tỷ lệ bệnh nặng thở máy", ông nói.

    Thời gian gần đây, lượng F0 nhập viện tăng tại một số đơn vị, song có thể thấy hầu hết là bệnh nhẹ, chỉ cần theo dõi, không cần can thiệp thở máy hay thở oxy. Riêng về tình trạng số ca nhập viện cao hơn ca xuất viện, theo bác sĩ Khanh là do số bệnh nhẹ xuất viện nhiều, nên chỉ còn số bệnh nặng phải điều trị lâu hơn, dẫn đến chênh lệch tỷ lệ.

    Tính đến 1/11, TP HCM đã ghi nhận 432.703 ca mắc Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Hiện, 11.230 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện, trong đó 255 F0 nặng đang thở máy, 11 ca can thiệp ECMO.

    Theo Tuổi trẻ.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ