Cập nhật lúc 17:05 - 13/10/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/9: Khách đi máy bay, tàu hoả không cần xét nghiệm nếu đã tiêm 1 mũi vắc xin

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-09-28T00:09:00

    Bộ Y tế: Từ tháng 10, vaccine COVID-19 về nhiều, các địa phương sẵn sàng triển khai tiêm số lượng lớn

    Bộ Y tế ngày 28/9 đã có văn bản gửi bí thư tỉnh ủy/thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

    Theo Bộ Y tế, từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay, Việt Nam có thể tiếp nhận số lượng vaccine nhiều hơn so với thời gian trước.

    Để đảm bảo sử dụng vaccine đúng tiến độ, tăng nhanh diện bao phủ, Bộ Y tế đề nghị bí thư tỉnh ủy/thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để triển khai tiêm vaccine với số lượng lớn từ nay đến cuối năm 2021.

    Bên cạnh đó, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Tăng độ bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

    Các địa phương chịu trách nhiệm nếu tổ chức tiếp nhận, triển khai tiêm chủng chậm và để xảy ra lãng phí vaccine COVID-19

    Bộ Y tế đề nghị các địa phương huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành, tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-28T17:09:00

    TPHCM ngày thứ 2 liên tiếp bệnh nhân xuất viện vượt số ca nhập viện

    Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết: “Trong ngày 27/9, TPHCM có 2.674 bệnh nhân nhập viện, 3.131 bệnh nhân xuất viện, và có 131 ca tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số bệnh nhân nhập viện thấp hơn số bệnh nhân xuất viện”.

    Về bệnh nhân nặng đang thở máy, ngày 24/9 có 2.049 trường hợp, đến 25/9 giảm xuống còn 1.918; ngày 26/9 là 1.856; đến 27/9 giảm còn 1.793.

    Tính đến nay, Thành phố có 7 địa bàn kiểm soát được dịch gồm huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, Gò Vấp, Phú Nhuận và TP Thủ Đức.

    Một tín hiệu vui được ông Hải cung cấp thêm, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có thông báo cáo chí về việc tiếp tục thi công 45 gói thầu thuộc 25 dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn sau ngày 1/10.

    "Đây là tín hiệu lạc quan thể hiện các cơ quan đơn vị thực hiện tiêu chí an toàn thật tốt để chuẩn bị khởi công các công trình. Có công trình là có việc làm, có thực hiện giải công vốn đầu tư công… kéo theo việc phục hồi nền kinh tế" - ông Hải nhìn nhận.

    Theo Tiền phong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-28T23:09:00

    Đà Nẵng sẽ mở lại một số hoạt động từ 0h ngày 30/9

    Tối 28/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng - thông tin chủ trương trên và cho biết, thành phố đang chờ hướng dẫn cụ thể của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện.

    Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, trên cơ sở phòng chống dịch thời gian qua và để đáp ứng nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp sớm mở lại các hoạt động, chính quyền thành phố sẽ ban hành chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 05 mà UBND TP Đà Nẵng đã ban hành.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/9: Tháo dỡ chốt chặn - dấu hiệu hồi sinh của TP.HCM - Ảnh 1.

    "Thành phố sẽ chuyển sang trạng thái mới, biện pháp mới trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn tạm thời mở lại một số hoạt động cơ bản, kể từ 0h ngày 30/9 với những điều kiện cụ thể", ông Quảng nói.

    Theo ông Quảng, đây là hướng dẫn tạm thời của TP Đà Nẵng trong khi chờ hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

    Đà Nẵng dự kiến sẽ cho 8 nhóm lĩnh vực được hoạt động trở lại và 7 nhóm chưa được phép hoạt động lại, kèm theo những điều kiện nhất định. Trong đó, quy định rõ cho các cơ quan, tổ chức, cửa hàng, trung tâm thương mại… khi hoạt động trở lại thì phải tuân thủ những quy định gì. Người dân khi tham gia các hoạt động phải tuân thủ 5K và có mã QR để sử dụng ở nơi công cộng.

    Khi có văn bản hướng dẫn chính thức của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Đà Nẵng sẽ ban hành các quyết định để thực hiện một cách đồng bộ toàn thành phố.

    "Cũng có thể trong một vài ngày tới sẽ có hướng dẫn này. Tuy nhiên, chúng ta cũng lên sớm, có sự chuẩn bị và bước đầu quy định tạm thời để doanh nghiệp, người dân chuẩn bị điều kiện", ông Quảng nói.

    Bí thư Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố sớm ban hành Chỉ thị mới và có hướng dẫn tuyên truyền để các cơ quan, doanh nghiệp có sự chuẩn bị.

    Theo VnExpress.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-28T23:09:00

    Thủ tướng giao Bộ trưởng Y tế nghiên cứu quy định riêng cho TP.HCM

    Ngày 28/9, Văn phòng Chính phủ có công văn về việc nghiên cứu, đề xuất áp dụng quy định riêng với việc mở cửa nền kinh tế theo kiến nghị của TP.HCM. Công văn được gửi tới Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương (Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19).

    Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Y tế phối hợp với Thứ trưởng Quốc phòng Võ Minh Lương nghiên cứu, đề xuất cụ thể và báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

    Trước đó, ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký công văn gửi Thủ tướng xin ý kiến áp dụng quy định riêng về mở cửa nền kinh tế.

    Theo đó, TP.HCM khẳng định đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù, TP.HCM đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để mở cửa nền kinh tế. TP.HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.

    Thành phố cũng đề nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên vaccine cho TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.

    Theo Zingnews.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-29T00:09:00

    Không được tự phát rời TPHCM, Bình Dương… sau 30/9

    Chiều 28/9, làm việc với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, lãnh đạo các tỉnh thành miền Nam và Tây Nguyên thống nhất kiến nghị tiếp tục giữ cơ chế kiểm soát người ra vào, đi lại, không để dân từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An tự phát về các địa phương sau ngày 30/9.

    Còn nhiều người tự phát về quê

    Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cho biết, bốn địa phương này đã từng bước kiểm soát dịch bệnh, mở lại các hoạt động sản xuất an toàn. Đại diện cả bốn địa phương mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc, đồng thời đề nghị người dân đang ở tại địa phương tiếp tục ở lại, không tự phát về quê.

    Chính quyền các địa phương sẽ đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 và sớm khôi phục sản xuất để bà con có việc làm. Thời gian qua, giữa bốn địa phương và các tỉnh, thành phố khác phối hợp chặt chẽ để đưa đón người dân về quê an toàn, có kiểm soát. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân về tự phát, trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin ở nhiều tỉnh còn thấp, lực lượng y tế mỏng nên rất khó kiểm soát.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/9: Tháo dỡ chốt chặn - dấu hiệu hồi sinh của TP.HCM - Ảnh 1.

    Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, bình quân mỗi ngày có khoảng 4.000 lái xe ra vào tỉnh Bình Phước; trong vài ngày qua đã phát hiện hơn 60 ca mắc COVID-19. Nếu cho người dân từ TPHCM và các tỉnh còn phức tạp về dịch bệnh đi lại tự do, Bình Phước có nguy cơ từ “vùng xanh” trở thành “vùng đỏ” sau 2-3 tuần…

    Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nói rằng, hằng ngày vẫn có nhiều trường hợp từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tự phát trở về quê, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch. Năng lực của Cà Mau trong việc tiếp nhận, cách ly và chăm sóc y tế kém hơn so với nhiều tỉnh khác. Đến nay, Cà Mau mới có 13% dân số được tiêm mũi 1, khoảng 5,2% dân số được tiêm đủ 2 mũi. Nếu người dân tự phát về quê sẽ có nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Vì vậy, Cà Mau kiến nghị Chính phủ không cho người dân về tự phát. Người dân muốn trở về phải được tổ chức đưa đón và căn cứ năng lực tiếp nhận của địa phương.

    Tại cuộc họp, lãnh đạo hầu hết các địa phương cũng thống nhất kiến nghị Chính phủ có chỉ thị yêu cầu sau ngày 30/9, TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai vẫn giữ nguyên các biện pháp kiểm soát như hiện nay, không để người dân từ bốn tỉnh, thành phố này tự phát đi về các địa phương. Nguyên tắc nới lỏng dần bên trong nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ việc đi lại với các tỉnh bên ngoài. Riêng TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao được phép nới lỏng cho người dân đi lại trong bốn tỉnh, thành phố. Với những trường hợp thật sự phải về quê, TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác tổ chức đưa bà con về chu đáo, có kiểm soát.

    Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, hiện có khoảng 3,5 triệu người từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc tại TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, trong đó có 2,1 triệu người đang có nguyện vọng về quê. Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Thủ tướng chỉ đạo TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai quán triệt huy động hệ thống chính trị cơ sở nắm chắc từng người dân có nguyện vọng về quê để vận động ở lại. Khi người dân ở lại phải cam kết tiêm vắc-xin.

    Trong khi đó, họ được miễn, giảm tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt và hỗ trợ tìm việc làm. Nếu người dân đã ra đường, tập trung ở các chốt thì kiên quyết vận động trở về, không để người dân đi tự do. Trường hợp người dân tập trung đông tại các điểm chốt kiểm soát, cơ quan chức năng không xử lý cứng nhắc dẫn đến sự đối đầu không cần thiết. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có tiêu chí, kế hoạch đón công dân về, trong đó ưu tiên giải quyết cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người yếu thế…

    Theo Tiền phong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-29T01:09:00

    Sáng 29/9, Hà Nội chỉ ghi nhận 1 ca dương tính SARS-CoV-2

    Sở Y tế Hà Nội thông báo, từ 18h ngày 28/9 đến 6h ngày 29/9, thành phố ghi nhận 1 bệnh nhân trong khu cách ly, địa chỉ tại Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai).

    Bệnh nhân tên P.T.H, nữ, năm sinh 1976, địa chỉ tại chung cư Nam Đô, Thịnh Liệt, Hoàng Mai; là F1 bệnh nhân N.T.H. Ngày 20/9 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính và chuyển vào khu cách ly. Ngày 28/9 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

    Theo thống kê, đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021), Hà Nội ghi nhận 3.972 ca mắc COVID-19; trong đó 1.601 ca mắc ghi nhận ở cộng đồng và 2.371 ca mắc là đối tượng đã được cách ly.

    Đến nay, thành phố đã thực hiện được 6.929.951 mũi tiêm vắc xin COVID-19. Trong đó 5.808.793 mũi 1 (đạt 96,5% dân số trên 18 tuổi và 70% tổng dân số); 1.121.158 mũi 2 (đạt 18,6% dân số trên 18 tuổi và 13,5% tổng dân số).

    Theo Sở Y tế Hà Nội.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-29T02:09:00

    Tháo dỡ chốt chặn, dấu hiệu hồi sinh của TP.HCM

    Người dân vui mừng, cảm ơn khi hàng rào chắn nhiều nơi tiếp tục được tháo dỡ

    Trong 2 ngày vừa qua, hàng rào chắn nhiều nơi đã được tháo dỡ, trả lại sự thoáng đãng cho phố phường.

    Trưa 28-9, rào chắn tại nhiều chốt kiểm soát ở quận Gò Vấp đã được tháo dỡ sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

    Phường 6 và phường 9 là những địa phương đầu tiên thực hiện tháo dỡ. Việc đi lại của người dân vẫn sẽ được kiểm soát theo các quy định của TP. Người dân khi ra đường cần có giấy đi đường và thực hiện khai báo di chuyển nội địa.

    Ông Lê Thanh Bình (ngụ khu phố 6, phường 9, quận Gò Vấp) chia sẻ: "Chốt kiểm soát tại đầu đường nhà tôi đã dựng lên mấy tháng qua. Từ ngày 23-8, các chốt ở đây quản lý rất chặt. Người dân khu vực đã lâu rồi không đi ra ngoài, hôm nay tháo chốt cảm thấy thoải mái, bình yên. Tôi cảm ơn ủy ban phường và Nhà nước rất nhiều".

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/9: Tháo dỡ chốt chặn - dấu hiệu hồi sinh của TP.HCM - Ảnh 1.

    Chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Văn Khối (phường 9, quận Gò Vấp) được tháo dỡ trưa 28-9 - Ảnh: CHÂU TUẤN

    Còn tại đường Nguyễn Công Hoan (Phú Nhuận), hàng rào dựng phía đầu đường đã được lực lượng chức năng tháo dỡ từ chiều tối 26/9.

    Sau thời gian dài bị hạn chế không gian, người dân bày tỏ sự vui mừng khi nhìn thấy phố phường dần trở lại nhịp sinh hoạt trước đây. Nhiều người cho biết đã sẵn sàng để trở lại công việc.

    Cũng trong chiều 26/9, hàng rào tại giao lộ Vũ Huy Tấn (Bình Thạnh) và đường số 11 (Phú Nhuận) đã được gỡ, giúp cuộc sống của người dân sống tại tuyến đường này, đặc biệt là cư dân tại chung cư Miếu Nổi trở nên “dễ thở” hơn.

    Tâm lý dần ổn định khi đường phố thông thoáng

    Hiện tại, ở tuyến đường lớn, đường liên quận vẫn duy trì các chốt trực. Một số khu dân cư tại quận 5 và 11 từng bước tháo các hàng rào, nhưng việc này diễn ra thận trọng.

    Đội ngũ y tế các quận đang khẩn trương tiến hành xét nghiệm diện rộng để đánh giá tình hình trước khi quyết định tháo dỡ chốt chặn ở một số điểm dân cư.

    Hàng rào không chỉ ngăn cách không gian mà tạo nên một áp lực vô hình cho người dân. Cùng với những gánh nặng tâm lý từ cuộc sống giãn cách, và thông tin dày đặc về tình hình dịch bệnh trên toàn thành phố, nhiều người dân cho biết bản thân phải đối diện với tâm trạng nặng nề suốt thời gian qua.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/9: Tháo dỡ chốt chặn - dấu hiệu hồi sinh của TP.HCM - Ảnh 2.

    Người dân ghi lại khoảnh khắc lực lượng chức năng tháo gỡ hàng rào chốt chặn trên đường Chiến Thắng (phường 9, quận Phú Nhuận). Ảnh: Chí Hùng.

    Việc các rào chắn được tháo không đồng nghĩa với thành phố đã hoàn toàn vượt qua được dịch bệnh. Nhưng chí ít động thái này như một tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống dịch của thành phố.

    “Tâm lý của tôi dần ổn định hơn khi nhìn thấy đường phố thông thoáng, mọi người được đi lại dù vẫn còn hạn chế. Mọi thứ như một dấu hiệu 'hồi sinh' của thành phố sau thời gian dài chống dịch”, một người dân tâm sự.

    Theo Tuổi trẻZingnews.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-29T03:09:00

    10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao và thấp nhất tính đến 29/9

    Thông tin từ Cổng thông tin tiêm chủng tính đến sáng 29/9, 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cao nhất (tính theo số mũi tiêm/ số vắc xin phân bổ theo quyết định) là: Phú Yên, Lạng Sơn, Bình Phước, Đồng Tháp, Lào Cai, Bắc Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng, Cà Mau, Cao Bằng.

    10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thấp nhất (tính theo số mũi tiêm/ số vắc xin phân bổ theo quyết định) là: Bắc Kạn, Hưng Yên, Quảng Trị, Kiên Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng.

    Theo Bộ Y tế cho biết, đến ngày 27/9, cả nước đã tiêm được hơn 40,2 triệu liều vắc xin, trong đó có khoảng 23 triệu người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 8,6 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin đạt 43,9 %.

    Từ ngày 6 đến ngày 15/9, trung bình cả nước tiêm được khoảng 1 triệu liều vắc xin/ngày.

    Trong ngày 27/9 có 879.618 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 40.095.031 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 31.497.967 liều, tiêm mũi 2 là 8.597.064 liều.

    Theo Tiền phong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-29T05:09:00

    Thông tin mới về yêu cầu tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19 khi đi liên tỉnh

    Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm một mũi vắc xin sau 3 tuần, đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.

    Thông tin trên được nêu rõ trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), góp ý về nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

    Trước đó, trong dự thảo về kế hoạch tổ chức giao thông, Bộ GTVT không nêu nguyên tắc y tế đối với hành khách phải tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận đã điều trị khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng...

    Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT không có chức năng y tế nên không thể nêu quy định y tế trong kế hoạch tổ chức giao thông được. Việc hành khách đi lại phải đáp ứng điều kiện về tiêm vắc xin ra sao, yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 như thế nào cần hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Tuy nhiên, với đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, Bộ Y tế đề nghị có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc và đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định; Có cán bộ, bộ phận y tế để phối hợp với y tế địa phương xử trí khi có trường hợp mắc tại nơi làm việc.

    Với phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải (trừ đường hàng không áp dụng theo văn bản riêng), Bộ Y tế đề nghị cho phép hoạt động tại địa phương, vùng có nguy cơ thấp và trung bình; hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất tại địa phương, vùng có nguy cơ cao và dừng hoạt động tại địa phương, vùng có nguy cơ rất cao (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử).

    Phương tiện giao thông công cộng phải được trang bị nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; phải vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần phục vụ.

    Người điều khiển và người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng phải tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế khi tham gia phục vụ; xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Tại địa phương, vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).

    Theo Dân trí.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-29T06:09:00

    Trưa 29/9, Hà Nội có thêm 1 ca dương tính SARS-CoV-2

    Trưa 29/9, Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca dương tính SARS-CoV-2, trong khu vực phong tỏa, có địa chỉ tại quận Long Biên.

    Ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận là N.T.T, nữ, sinh năm 1955, địa chỉ tại 15/54 Kim Quan, Việt Hưng, Long Biên.

    Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, đã được xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 28/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.

    Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.973 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.372 ca.

    Theo Sở Y tế Hà Nội.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-09-29T07:09:00

    Bí thư Hà Nội nói về 3 biện pháp trọng tâm để thích ứng an toàn với dịch

    Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn và tập trung 3 biện pháp trọng tâm để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh...

    Thông điệp nêu trên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ khi báo giới nêu câu hỏi về việc thành phố sẽ tập trung vào những biện pháp gì để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, diễn ra ngày 29/9.

    Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.

    Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện "5K", tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày. Thành phố mong rằng, cùng với người dân, các doanh nghiệp sẽ thực sự là chủ thể, là trung tâm trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; có phương án sản xuất an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn.

    Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.

    Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vắc xin và hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Đồng thời tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.

    Vì vậy, Bí thư Hà Nội đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin, nhập liệu ngay sau khi tiêm...

    Ông cũng đề nghị Bộ này sớm có hướng dẫn về hoạt động của người đã tiêm 1 mũi vắc xin và tiêm đủ 2 mũi vắc xin để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng phương án kiểm soát linh hoạt dịch bệnh, bước vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

    Theo Dân Trí.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ