Cập nhật lúc 19:23 - 11/12/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/11: Ca mắc Covid-19 cao nhất ở Hà Nội từ khi bùng dịch, 220 F0 cộng đồng

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-11-28T23:11:00

    Phát sinh thêm 3 ổ dịch COVID-19 mới, Hà Nội cách ly thêm nhiều địa điểm

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 28.11 cho biết, lần đầu tiên thành phố ghi nhận 301 ca mắc COVID-19. Trong đó, 141 ca cộng đồng, 133 ca trong khu cách ly và 27 ca trong khu phong tỏa.

    Đáng chú ý, theo CDC Hà Nội, thành phố vừa phát sinh thêm 3 ổ dịch mới.

    Cụ thể, ổ dịch tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng khởi phát từ ngày 19.11 đến nay có tổng 67 ca. Địa phương đã ban hành quyết định cách ly y tế đối với toàn bộ người dân sống tại các dãy nhà H3, H4, H5, B1 tập thể Nguyễn Công Trứ và toàn bộ khu vực chợ xanh Nguyễn Công Trứ, các kiot tại đường ngang II, các kiot tại chợ đồ điện đường ngang I.

    Thời gian cách ly y tế là 14 ngày kể từ 17h ngày 25.11.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/11: Hà Nội cần làm gì nếu số ca mắc vượt 1.000 ca mỗi ngày? - Ảnh 1.

    Ổ dịch Nguyễn Công Trứ.

    Ổ dịch ngõ Khâm Đức, phường Trung Phụng, quận Đống Đa từ ngày 19.11 đến nay có tổng 53 ca. UBND phường yêu cầu người dân sinh sống trong khu vực cách ly của ngõ Khâm Đức theo dõi chặt sức khỏe. Nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, mất vị giác, khứu giác cần liên hệ ngay với cơ quan y tế. Người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi nhận đồ tiếp tế.

    Ổ dịch xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức từ ngày 19.11 đến nay có tổng 47 ca. Trong 14 ngày gần đây tính đến ngày 26.11, ổ dịch này ghi nhận 20 ca cộng đồng, được đánh giá ở cấp độ dịch 3 (tức màu cam, nguy cơ cao).

    Ngoài ra, thành phố vẫn còn 6 ổ dịch khác diễn biến phức tạp, gồm:

    Ổ dịch La Thành, Giảng Võ: 226 ca.

    Ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm từ ngày 9.11: 360 ca.

    Ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm từ ngày 31.10: 315 ca.

    Ổ dịch kho hàng Shopee, KCN Đài Tư từ ngày 5.11: 176 ca.

    Ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang từ ngày 14.11: 145 ca.

    Ổ dịch xóm Mới, Tốt Động, huyện Chương Mỹ từ ngày 17.11: 64 ca.

    Đặc biệt, chùm ca bệnh ho, sốt thứ phát liên tục gia tăng F0. Đến nay, Hà Nội ghi nhận 793 ca mắc COVID-19 được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng; 6.934 F0 thuộc ổ dịch cũ hoặc đã được kiểm soát. Thành phố rà soát 263 F0 về từ các tỉnh có dịch, từ đó lây nhiễm thứ phát cho 226 trường hợp khác.

    Hà Nội đánh giá dịch diễn biến phức tạp , trong đó nhiều chùm ca bệnh tại các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp, từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, việc tụ tập ăn uống, các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người.

    Thành phố khuyến cáo người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi khi chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều cần hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

    Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4.2021) là 9.669 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.743 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.926 ca.

    Theo Lao động

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-28T23:11:00

    Chuyên gia nêu những việc Hà Nội cần làm khi F0 tăng nhanh

    Ngày 28/11 Hà Nội ghi nhận 301 ca dương tính, trong đó có 141 ca tại cộng đồng, 133 ca tại khu cách ly và 27 ca tại khu phong tỏa. Như vậy, đây là lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca dương tính trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó, liên tiếp trong 11 ngày qua, Hà Nội ghi nhận hơn 200 ca/ngày.

    Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế), hiện nay theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể "Zero COVID". Hiện nay, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, TP Hà Nội cũng xuất hiện nhiều ổ dịch mới với các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, diễn biến phức tạp, khó lường. Hà Nội cần cảnh giác cao độ trong đó cần xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; đặc biệt xét nghiệm hằng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.

    Theo PGS.TS Trần Đắc Phu: “Hà Nội số ca mắc nằm trong dự đoán. Khi nới lỏng các hoạt động tạo điều kiện cho người dân đi lại thì chắc chắn số ca sẽ tăng lên. Vấn đề cần chú ý các ca nặng nhiều hay không, đặc biệt luôn luôn kiềm chế số ca mắc để không bị quá tải hệ thống y tế và y tế cơ sở tiếp cận được với F0 càng sớm càng tốt. Có làm như vậy bệnh nhân mới không chuyển bệnh nặng cũng như không dẫn tới quá tải hệ thống y tế và tử vong”.

    Chuyên gia này cho rằng, Hà Nội nên phải đánh giá tỉ lệ người mắc/100.000 dân biến đổi thế nào, thứ 2 phải xem tỉ lệ mắc, tỉ lệ nặng, tỉ lệ nhập viện, tử vong thế nào giữa nhóm đã tiêm và chưa tiêm vắc xin để đưa ra những đáp ứng kịp thời. “Điều này rất quan trọng vì nếu không đáp ứng được sẽ bùng lên không kiểm soát được”, ông Phu nhấn mạnh.

    Theo TS Phu, Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại nhà, cơ chế quản lí, giám sát sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động. Quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức của người dân. Ông đồng thời khuyến cáo Hà Nội nên cho F0 nhẹ điều trị tại nhà vì sắp tới sẽ có nhiều F0 và cũng để tập duyệt cho tránh bất ngờ khi số F0 tăng cao.

    Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng Hà Nội nên cho phép những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng cách li tại nhà.

    Ngoài ra PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, Hà Nội cần đẩy nhanh phủ vắc xin 2 mũi cho toàn bộ dân số, gồm trẻ em dưới 18 tuổi và người già. Khi độ phủ được đảm bảo, cần tính tiếp đến mũi 3 vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao, nhiều bệnh nền để giảm thiểu tử vong.

    Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy trong số ca nhiễm mới của thành phố, có khoảng 20% là người chưa tiêm vắc xin, chủ yếu là học sinh và người không đủ điều kiện. Các ca mắc COVID-19 mới ở Hà Nội hiện nay chủ yếu là người đã tiêm 1-2 mũi.

    Hiện Hà Nội đã lên kế hoạch, chuẩn bị điều trị với kịch bản 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm. Đây là một tín hiệu tốt trong việc chuẩn bị nhân, vật lực để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, khi số ca nhiễm không triệu chứng và nhẹ chiếm tỉ lệ chủ yếu, y tế cơ sở sẽ phát huy vai trò chủ lực thay vì các bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T00:11:00

    Bộ Y tế nói về các biện pháp phòng chống biến thể Omicron

    Tối 28-11, Bộ Y tế cho biết ngày 25-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến thể mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529), được phát hiện tại một số quốc gia ở miền Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana...

    Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24-11 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến thể Delta).

    Tại Việt Nam, đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến thể mới Omicron.

    Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19;

    Đồng thời, yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

    Bộ Y tế cho biết đã báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

    Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến thể của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

    Theo Người lao động

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T00:11:00

    Miền Tây nhiều tỉnh tăng cấp độ dịch lên vùng nguy cơ cao

    Ngày 28-11, tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Tây vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhiều tỉnh vẫn tăng số ca mắc mới, tăng ca bệnh nặng và tử vong. Số ca mắc mới cao nhất là TP Cần Thơ với 1.072 ca. 

    Tại Cần Thơ, số F0 mới phát sinh tăng quá cao liên tiếp những ngày gần đây, đặc biệt dịch diễn biến phức tạp nhất tại quận trung tâm Ninh Kiều, với hàng loạt ổ dịch tại các khu vực dân cư đông đúc.

    Trước tình hình quá tải điều trị, Sở Y tế thành phố đã phân loại lại các tầng điều trị tại một số bệnh viện, để gia tăng số giường dành cho bệnh nhân trung bình và nặng tại bệnh viện.

    Cụ thể tại tầng 1 dành cho việc quản lý và điều trị F0 tại nhà. Hiện ở tầng điều trị này Cần Thơ có gần 9.000 F0 đang được theo dõi và điều trị tại nhà. Tầng điều trị 1 do 83 trạm y tế và 50 đội cấp cứu lưu động phụ trách.

    Tại tầng điều trị thứ 2 khả năng tiếp nhận điều trị của các bệnh viện là 2.750 giường, hiện đã có 2.751 bệnh nhân đang điều trị.

    Tầng điều trị thứ 3 là bệnh nhân nặng và nguy kịch có 350 giường, nhưng hiện đã tiếp nhận 287 bệnh nhân. Cần Thơ cũng đang chuẩn bị lập thêm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID.

    Sở Y tế Cần Thơ cũng đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, tổng số mũi 1 (người trên 18 tuổi) đã đạt 96,8% và mũi 2 đạt 86,9%. Có gần 86% trẻ từ 12 - 17 tuổi đã được tiêm mũi 1.

    Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, cùng ngày UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao), thời gian áp dụng từ 30-11.

    UBND tỉnh giao giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương công bố cấp độ dịch cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

    Đối với các địa phương trong tỉnh, Vĩnh Long chia cấp độ gồm: TP Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn cấp độ 3; huyện Bình Tân cấp độ 2 và TX Bình Minh cấp độ 4.

    Trong ngày 28-11, Vĩnh Long có thêm 545 ca mắc, nâng tổng số ca mắc đến nay là 9.764 F0.

    Còn tại Sóc Trăng, do tình hình dịch phức tạp, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã có quyết định nâng cấp độ dịch lên cấp nguy cơ cao vùng 3 (màu cam); cấm người dân ra đường vào buổi tối từ 21h - 4h sáng hôm sau. Thời gian áp dụng từ tối nay 28-11.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T03:11:00

    Hậu Giang thêm hàng trăm ca mắc cộng đồng, vận hành khu điều trị F0 tuyến huyện

    Theo Sở Y tế Hậu Giang, trong 24 giờ (từ 18 giờ ngày 27/11 đến 18 giờ ngày 28/11), tỉnh Hậu Giang ghi nhận 273 ca mắc COVID-19 mới. Để ứng phó với tình hình F0 gia tăng, các khu điều trị F0 không triệu chứng ở các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động.

    Trong số 273 ca mắc mới, có 9 trường hợp là người về từ ngoài tỉnh; 82 trường hợp là F1 được cách ly tập trung; 37 trường hợp ghi nhận trong khu phong tỏa và 145 ca mắc cộng đồng tại huyện Châu Thành (11), huyện Châu Thành A (12), TP Ngã Bảy (2), huyện Phụng Hiệp (86), TP Vị Thanh (27), huyện Vị Thủy (7).

    Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 5.639 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 2.823 ca; tử vong tại tỉnh 12 ca; chuyển tuyến điều trị 3 ca (đã tử vong 1 ca; 2 ca đã điều trị khỏi).

    Toàn tỉnh đã tiêm 1.063.785 liều vắc xin COVID-19 cho 582.137 người (481.648 người đã tiêm đủ 2 mũi; 100.489 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 95,97% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).

    Nhiều ngày qua, mỗi ngày Hậu Giang ghi nhận từ 200 đến gần 400 ca mắc COVID-19, gây quá tải cho cơ sở điều trị tập trung tuyến tỉnh. Để ứng phó khi F0 tiếp tục gia tăng, các huyện/thị xã/thành phố đã khẩn trương thiết lập các cơ sở điều trị F0 không triệu chứng.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T04:11:00

    Số ca tử vong tại TP.HCM có xu hướng tăng nhẹ

    Các ca nhiễm Covid-19  tại TP.HCM gia tăng mỗi ngày do biến chủng Delta, trong khi đó, biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh cũng đang đe dọa xâm nhập.

    Đến nay, số ca F0 đang cách ly, chăm sóc và điều trị tại TP.HCM đã lên trên 86.000 ca và số ca Covid-19 tử vong cũng có xu hướng tăng nhẹ.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/11: TP.HCM số ca tử vong có xu hướng tăng nhẹ - Ảnh 1.

     Tình hình ca F0 tử vong

    Số ca F0 tử vong trong ngày qua là 72 ca, trong đó có 10 ca từ các tỉnh khác.

    Phân tích số liệu tử vong tại bệnh viện trong ngày, cho thấy, số ca F0 tử vong do Covid-19, kèm mắc bệnh nền là 64 ca; số ca tử vong do Covid-19 không có bệnh lý nền là 08 ca.

    Trong đó, số ca tử vong từ 18 đến 50 tuổi là 7 ca, số ca tử vong từ 51 đến 65 tuổi là 22 ca, số ca tử vong trên 65 tuổi là 43 ca. Số ca tử vong cộng dồn đến hết ngày 28.11 là 17.906 ca.

     Theo Thanh Niên

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T09:11:00

    Người Hà Nội tới các địa điểm sau cần liên hệ y tế ngay

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người đã đến

    • Nhà hàng Doncook tại số 130 phố Trung Hoà, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy,
    • Trụ sở Công ty IFC tại số 9 Lô 1G - Khu đô thị Trung Yên, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, trong thời gian từ ngày 13 đến ngày 27/11.

    Thông báo được phát đi sau khi tại các địa điểm này ghi nhận 4 nhân viên mắc COVID-19.

    Những người đã đến các địa điểm trên, trong thời gian như thông báo chủ động tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế/Trung tâm Y tế nơi cư trú, để được hỗ trợ hoặc gọi đến các số điện thoại: 0243.833.2846 (Trạm y tế phường Yên Hoà, Cầu Giấy), 0243.5566.535 (Trạm y tế phường Trung Hoà, Cầu Giấy), 0243.993.6118 (Trung tâm y tế quận Cầu Giấy), hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2)/ 0969.082.115/0949.396.115, để được tư vấn và hướng dẫn.

    Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.

    Trong đợt dịch thứ 4, từ 27/4 đến tối 28/11, Hà Nội ghi nhận 9.669 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.743 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.926 ca.

    Từ ngày 11/10 đến ngày 28/11, Hà Nội đã ghi nhận hơn 5.600 ca mắc COVID-19, trong đó số ca cộng đồng tăng nhanh với hơn 35%, đồng thời số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng lên.

    Dịch bệnh xuất hiện trên 30/30 quận, huyện, thị xã trong đó nhiều chùm ca bệnh tại các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp, từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, việc tụ tập ăn uống, các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người.

    Theo Sức khoẻ và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T10:11:00

    TP.HCM sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

    Chiều 29/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

    Đại diện các sở, ngành đã chia sẻ về nhiều nội dung người dân quan tâm như việc tiêm vaccine cho trẻ em, phạm pháp hình sự...

    Không hoang mang trước biến chủng Omicron

    Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết số ca nhiễm, số ca tử vong trên địa bàn TP vẫn cao. Số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, biến chủng Omicron cũng gây tâm lý lo lắng.

    Tuy nhiên, TP.HCM khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. TP đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.

    “TP đề nghị người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K. Cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất về những thói quen, sở thích của mình; đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm thói quen tụ tập, la cà; hạn chế ngồi với khoảng cách gần bởi đây là những yếu tố dẫn đến nguy cơ ca mắc mới cao, khiến nguy cơ tử vong cao", ông Hải kêu gọi.

    TP.HCM cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho học sinh 12-17 tuổi

    Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết sở đã hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở giáo dục được trưng dụng làm cơ sở phòng chống dịch. Các cơ sở đã xây dựng phương án phòng chống dịch để tổ chức đón học sinh trở lại trường.

    Các nhà trường cũng đã chuẩn bị phương án cụ thể và diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1. Mỗi trường phải phân công cán bộ phụ trách phòng chống dịch từ khi đón học sinh đầu giờ đến cuối giờ.

    Tiêm vaccine cũng là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Thống kê cho thấy theo khảo sát ban đầu, 93% phụ huynh đồng thuận tiêm, nhưng khi tổ chức tiêm mũi 1 thì tỷ lệ đồng thuận lên tới 98%. Đến 29/11, các quận, huyện, TP đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh và tiêm mũi 1 bổ sung cho một số trường hợp chưa tiêm.

    “Trước khi đi học trở lại, các cơ sở giáo dục sẽ tập huấn các biện pháp phòng chống dịch cho cả thầy cô và học sinh, phụ huynh để tất cả cùng chung tay thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”, ông Trọng cho hay.

    Theo Zingnews





    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T10:11:00

    Hà Nội dự kiến cho cấp THPT đi học từ 6/12

    Chiều 29/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến về kế hoạch đưa học sinh trở lại trường. Theo đó, khối lớp 10, 11 và 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ là nhóm tiếp theo đi học trực tiếp, sau khối 9 ở khu vực ngoại thành.

    Trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2; trong 14 ngày, tính đến 30/11, không có ca F0 cộng đồng. Thời gian thực hiện là đầu tháng 12, có thể từ thứ hai tuần sau, ngày 6/12.

    Quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó. Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người 15 đến 17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%.

    Hơn 36.000 học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã đã trở lại trường an toàn, không ghi nhận ca mắc trong trường học. Ông Dũng cho rằng kết quả này là kinh nghiệm quý giá để thành phố tiếp tục mở rộng địa bàn, quy mô các khối, lớp trở lại học trực tiếp.

    Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh mới có xu hướng ngày càng tăng. Chỉ tính từ 11/10 đến 28/11, toàn thành phố ghi nhận hơn 5.600 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng chiếm hơn 35%. Ngày 28/11, lần đầu tiên số ca mắc mới một ngày vượt quá 300. Ngoài ra, số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng.

    Dịch bệnh xuất hiện ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều chùm bệnh đang tồn tại ở các cụm dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp hoặc phát sinh từ hoạt động tại chợ dân sinh... tập trung đông người, không bảo đảm nguyên tắc 5K.

    "Việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh như vậy phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết", ông Dũng nhấn mạnh.

    Ông lưu ý các trường trước hết phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Sở Giáo dục & Đào tạo và Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine chỉ được dạy trực tuyến, không tổ chức ăn bán trú, căng tin trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường cũng chỉ dạy học trực tiếp một buổi mỗi ngày.

    Trong quá trình tổ chức dạy trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống Covid-19, các trường phải dừng học trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.

    Ngoài việc mở cửa trường với học sinh lớp 9 và cấp THPT, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ngành Giáo dục theo dõi sát tình hình dạy và học trực tuyến của các khối THCS và tiểu học, phối hợp ngành Y tế đảm bảo tiến độ tiêm vaccine cho trẻ 12 đến 15 tuổi, đồng thời lên phương án đón học sinh THCS trở lại trường trong thời gian sớm nhất, "có thể tiếp ngay sau khối THPT".

    Theo VnExpress.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T11:11:00

    Số ca dương tính SARS-CoV-2 ở Hà Nội tăng đột biến, 220 trường hợp ở cộng đồng

     Ngày 29/11, Sở Y tế Hà Nội thông báo, thành phố ghi nhận 390 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 220 trường hợp ở cộng đồng, 109 trường hợp ở khu cách ly và 61 trường hợp trong khu phong tỏa.

    Theo thống kê, 390 bệnh nhân nói trên phân bố tại 139 xã phường thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện.

    Cộng dồn trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021), Hà Nội ghi nhận 10.059 ca mắc COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.963 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.096 ca.

    Theo Sở Y tế Hà Nội

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T12:11:00

    Hà Nội phong tỏa cả đoạn phố Đê La Thành để xét nghiệm Covid-19

    Sau khi ghi nhận các F1 có nguy cơ cao sinh sống ở phố Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chính quyền đã tạm chắn một đoạn phố Đê La Thành để xét nghiệm, truy vết các trường hợp liên quan.

    Theo ghi nhận của PV Dân trí, lúc 16h cùng ngày, lực lượng chức năng dùng dây giăng phong tỏa, tạm chắn lối vào đường Đê La Thành. Bên trong khu vực này, người dân xếp hàng ra lòng đường Đê La Thành để lấy mẫu xét nghiệm.

    Lực lượng chức năng cũng chăng dây, đặt biển tạm cách ly y tế, từ số nhà 82 đến số nhà 104 đường Đê La Thành.

    Đến khoảng 16h40, lực lượng chức năng tháo dây giăng phong tỏa, giao thông qua tuyến đường này được lưu thông trở lại.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/11: Ca mắc Covid-19 cao nhất ở Hà Nội từ khi bùng dịch, 220 F0 cộng đồng - Ảnh 1.

    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sinh sống trên đường Đê La Thành.

    Lý giải về việc tạm chắn một đoạn đường Đê La Thành, bà Loan cho biết, do tại khu vực này có số dân đông, cộng với ở đây chưa có điểm nào để test nhanh cho người dân, nên chính quyền đã tạm chắn đoạn đường Đê La Thành trong thời gian ngắn, để phục vụ việc truy vết, xét nghiệm.

    Cũng theo bà Loan, trong thời gian tạm chắn đoạn đường này, người dân có thể đi vòng xuống đường Ô Chợ Dừa rồi rẽ lên đường Đê La Thành, chứ không phải không có lối đi.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 29/11: Ca mắc Covid-19 cao nhất ở Hà Nội từ khi bùng dịch, 220 F0 cộng đồng - Ảnh 2.

    Trong ngày 29/11, trên địa bàn Hà Nội phát hiện thêm 390 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 220 ca cộng đồng. Đây là số F0 trong ngày cao nhất từ khi bùng dịch tại Hà Nội.

    Theo Sở Y tế Hà Nội, trong số 390 ca bệnh ghi nhận hôm nay có 220 ca cộng đồng, 109 ca tại khu cách ly, 61 ca tại khu phong tỏa.

    Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 10.059 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 3.963 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 6.096 ca.

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-29T12:11:00

    13.758 ca Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu ứng phó với chủng mới Omicron

    Trong ngày 29/11, cả nước ghi nhận 13.758 ca Covid-19 mới tại 59 tỉnh thành. Bộ Y tế yêu cầu địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch trước biến chủng mới Omicron.

    Cụ thể tại TPHCM (1.554), Cần Thơ (913), Tây Ninh (719), Bình Dương (697), Bà Rịa - Vũng Tàu (648), Đồng Tháp (608), Sóc Trăng (588), Bình Thuận (576), Trà Vinh (560), Vĩnh Long (559), Đồng Nai (548), Bạc Liêu (544), Bình Phước (516), Kiên Giang (443), Hà Nội (429), Cà Mau (396), An Giang (375), Bến Tre (335), Khánh Hòa (308), Hậu Giang (294), Bình Định (195), Lâm Đồng (174), Hà Giang (163), Bắc Ninh (145), Nghệ An (143), Long An (122), Thừa Thiên Huế (119)...

    Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.596 ca/ngày.

    Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.218.886 ca, trong đó có 971.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

    Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

    Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TPHCM (468.961), Bình Dương (281.605), Đồng Nai (86.732), Long An (38.161), Tiền Giang (27.901).

    Trong ngày, có 16.088 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 974.724 trường hợp.

    Theo Bộ Y tế

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ