Sở Y tế Hà Nội tối 26/2 cho biết, trong ngày trên địa bàn TP ghi nhận thêm 10.783 ca bệnh trong đó có 3.709 ca cộng đồng.
Bệnh nhân phân bố tại 537 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (541); Mê Linh (531); Thạch Thất (478); Quốc Oai (385); Hai Bà Trưng (331).
Sở này cũng cho biết tới hết ngày 25/2, hiện có 424.334 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi (tăng hơn 54.000 ca so với hôm qua).
Trong đó có 417.200 F0 điều trị tại nhà, chiếm 98,3% tổng ca đang điều trị. Như vậy, so với báo cáo hôm 24/2, số F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội tăng 54.000 ca.
Hiện có 1.376 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của Thành phố và quận/huyện (chiếm 0,36%).
Có 5.758 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị (tăng hơn 100 ca so với hôm qua), tương đương hơn 1,5% tổng số ca đang điều trị ở Thủ đô. Trong đó có 357 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 5.401 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của Hà Nội.
Cụ bà N.Q.T. (81 tuổi, trú tại Hà Nội) tới phải tới khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tìm nguyên nhân và xử lý các triệu chứng bất thường sau thời gian điều trị Covid-19.
Bà T. cho biết từng mắc Covid-19 hồi tháng 7/2021. Thời điểm đó, bà có diễn biến rất nặng và rơi vào hôn mê. Trước khi nhập viện, bà T. nặng 45 kg. May mắn, bà khỏi bệnh và có thể xuất viện sau khoảng một tháng điều trị. Thời điểm này, bệnh nhân chỉ còn 38 kg.
“Sau khi trở về nhà, tôi được con cháu bồi bổ, động viên tinh thần rất nhiều. Tuy nhiên, tôi thường xuyên có cảm giác ám ảnh, mất ngủ và nhớ lại những người từng nằm cạnh hồi điều trị trong bệnh viện”, bà T. chia sẻ.
Bệnh nhân N.Q.T. được bác sĩ Trần Minh Quân thăm khám tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Thảo Vy.
Thời gian gần đây, bà xuất hiện thêm triệu chứng đau họng, mất ngủ, đau khớp nhiều và quyết định tới bệnh viện để khám lại.
“Có lúc tôi cảm giác thậm chí không thể nuốt được. Tôi cứ nghĩ ở độ tuổi này, việc qua khỏi bệnh đã là kỳ tích nhưng đúng là không thể coi thường”, bệnh nhân này nói.
Liên quan trường hợp này, bác sĩ Trần Minh Quân, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bà T. có bệnh nền suy giáp, viêm khớp.
Thời điểm điều trị Covid-19 ở bệnh viện, bệnh nhân này cũng diễn biến nặng và phải thở máy.
“Đây là trường hợp có nguy cơ mắc di chứng Covid-19 rất cao. Những di chứng từ khoảng thời gian thở máy có thể làm nghiêm trọng tình trạng xơ phổi, tim mạch cũng như cơ quan khác”, bác sĩ Quân nói.
Theo đó, bà T. sẽ được các bác sĩ kiểm tra chi tiết nhằm tránh bỏ sót các dấu hiệu bất thường khác.
Bác sĩ Quân cho hay: “Bệnh nhân này có tình trạng suy nhược cơ thể nặng, đau khớp, khó thở. Triệu chứng khó thở sẽ cần xác định có phải do phổi, suy tim hay không. Chúng tôi cũng sẽ phải làm xét nghiệm bổ sung để làm rõ các triệu chứng này ở bà T. là có sẵn, bệnh nội khoa hay liên quan Covid-19. Tùy nguyên nhân, chúng ta sẽ có hướng điều trị cụ thể”.
Bác sĩ này cũng chia sẻ tất cả bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời gian qua đều có triệu chứng ho, khó thở, stress, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài.
“Hiện tại, số lượng người tới khám hậu Covid-19 tại bệnh viện ngày càng đông. Cao điểm có thể lên tới 20 người/ngày. Một số trường hợp gọi điện nhờ tư vấn từ xa”, bác sĩ Quân nói.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo hậu Covid-19 hiện nay là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhóm bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, điều trị viêm phổi, thở máy, cao tuổi, phụ nữ mang thai cần đặc biệt cẩn thận.
Mặt khác, F0 tại nhà cũng không cần quá lo lắng. Việc lo lắng quá nhiều có thể khiến bệnh nhân thêm căng thẳng, mất ngủ.
Theo Zingnews
Ngày 26/12, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Thành Đoàn TPHCM phối hợp VinaCapital Foundation (VCF) và Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM tổ chức chương trình khám sàng lọc cho trẻ em bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Yêu thương nâng bước" (Care to Rise), chương trình hướng đến hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ mồ côi hậu COVID và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian qua.
Đến nay, chương trình đã hoàn thành giai đoạn 1 – khảo sát và đánh giá tại nhà các em. Tiếp nối chuỗi hoạt động trên, chương trình thực hiện khám sức khỏe toàn diện ngay khi bắt đầu tiến hành các công việc của giai đoạn 2. Diễn ra trong hai ngày 26 và 27/2, chương trình có sự tham gia của hơn 40 bác sĩ cùng 100 tình nguyện viên.
Các trẻ sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát. Tiếp đó, những em có vấn đề sức khỏe phức tạp hơn sẽ được các thầy thuốc chuyên khoa kiểm tra kỹ càng hơn để đưa ra những chỉ định phù hợp theo từng chuyên khoa: răng hàm mặt, mắt, X-quang phổi, tâm lý, dinh dưỡng, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng và vật lý trị liệu. Tình trạng sức khỏe của từng trẻ sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của chương trình để theo dõi và kiểm tra định kỳ trong tương lai.
Trong giai đoạn 3, chương trình sẽ có kế hoạch phát triển phù hợp với từng trẻ cho tới lúc trưởng thành.
BS. Trần Thị Thúy Hằng (khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 TPHCM) cho biết sau khi mắc COVID-19 nhờ tuổi còn nhỏ nên cũng không bị vấn đề hậu COVID nhiều, tuy nhiên đã xuất hiện những vấn đề khác về dinh dưỡng, răng hàm mặt, mắt thường gặp, một số khác gặp vấn đề sút cân.
“Có em chủ động chia sẻ với mình về nỗi buồn mất đi bố mẹ, ít nói hơn bình thường. Khi đó mình sẽ giới thiệu em đến khám thêm về tâm lý. Còn hầu hết các trẻ khác vẫn thoải mái, vui vẻ trò chuyện với bác sĩ”, BS Thúy Hằng nói và cho biết thêm, dù các em nhiễm bệnh nhưng gần như không gặp phải những biểu hiện ảnh hưởng hậu COVID-19 bởi tỷ lệ ảnh hưởng của trẻ em là rất thấp.
BS. Ngọc Hương (BV Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, hậu COVID-19 dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng qua lâm sàng thấy được có nhiều trường hợp bị giảm thị lực, liệt vận nhãn hoặc bị tổn thương dây thần kinh, sụp mi… Những biểu hiện này xuất hiện sau khi mắc COVID-19 và cũng chưa thể khẳng định được là do COVID tác động đến các cơ quan thị giác hay thúc đẩy các yếu tố sẵn có trong người rồi. Điều đó cần được nghiên cứu thêm.
Trong khi đó, qua tìm hiểu những trường hợp trẻ có người thân mất vì COVID-19, BS. Nguyễn Thị Huyền (Bệnh viện thành phố Thủ Đức) cho biết phần lớn trẻ có tâm lý bất ổn, sợ hãi hoặc né tránh khi nhắc đến nỗi đau mất mát này. Theo BS. Huyền, ngoài các biểu hiện tâm lý này, trẻ gần như không bộc lộ vấn đề sức khỏe nào khác.
“Với những trường hợp này, tôi nhắc các em rằng khi có ai nhắc đến vấn đề đó, thay vì né tránh thì các em nghĩ xem mình sẽ vượt qua nỗi đau bằng cách nào. Thực tế trong một số trường hợp tôi tiếp xúc, có em đã thể hiện niềm vui khi mẹ đã làm được những điều cho bé trước khi qua đời. Em ấy đã kể những điều tốt nhất về mẹ với một tâm trạng rất vui. Mặt khác cũng có bạn rất buồn, hay không bộc lộ cảm xúc gì khi chưa nhận thức được việc mất đi người thân”, BS. Huyền chia sẻ.
Theo Tiền phong
Căn cứ các chỉ định, các khuyến cáo của Molnupiravir được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý Dược và Sản phẩm Y tế của Anh (MHRA), Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn sử dụng loại thuốc này.
Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân không được sử dụng Molnupiravir dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng ngừa Covid-19. Thuốc này chỉ dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày và không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
Vì vậy, người không được tự ý mua và uống thuốc Molnupiravir để phòng ngừa Covid-19, chỉ sử dụng khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, giới hạn.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, F0 cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Theo Zingnews
Ngày 26/2, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã có văn bản khẩn gửi các công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN, DN hoạt động trong các KCX-KCN yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động trước tình hình các ca nhiễm có chiều hướng tăng trong cộng đồng.
Cụ thể, các DN có kế hoạch và chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát để kịp thời phát hiện các ca nhiễm, tránh phát sinh ổ dịch tại nơi sản xuất. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính trong quá trình sản xuất, các DN báo cáo ngay về HEPZA và thực hiện quy trình xử lý F0 của Sở Y tế.
Lãnh đạo TPHCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất Tân Thuận
HEPZA yêu cầu các DN nhắc nhở các công nhân, lao động nếu tự xét nghiệm tại nhà có kết quả dương tính, phải thông báo cho DN và trạm y tế nơi cư trú để được quản lý theo quy định; không để xảy ra tình trạng người lao động mắc COVID-19 nhưng không khai báo, vẫn tiếp tục đi làm, gây ảnh hưởng tâm lý cho người lao động và nguy cơ lây lan trong doanh nghiệp.
Các DN thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan với các nguy cơ dịch bệnh, thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tới từng phân xưởng, khu vực sản xuất và chủ động phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả trước nguy cơ gia tăng các ca nhiễm.
Bên cạnh đó, các DN tuyên truyền, nhắc nhở người lao động nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” tại nơi làm việc và nơi cư trú. Ngoài ra, DN tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại (mũi 3) để hướng dẫn người lao động liên hệ địa phương nơi cư trú tiêm đầy đủ vắc xin.
HEPZA lưu ý các DN và người lao động không lơ là, chủ quan. Khi đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 hoặc ngay cả trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh thì người lao động vẫn có thể tái nhiễm do biến chủng mới.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM hôm 22/2, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết có đủ cơ sở khẳng định khả năng biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TPHCM từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron (chiếm 76%). Biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.
Ngành y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gen. Kết quả là 100% số mẫu là biến chủng Omicron.
“Đây là cơ sở khoa học cho thấy, biến chủng Omicron tại TPHCM đang tăng cao và chiếm ưu thế so với chủng Delta. Điều này cũng lý giải nguyên nhân số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn trong vài ngày qua có chiều hướng tăng cao” - ông Tăng Chí Thượng khẳng định.
Theo Tiền phong
Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh, bác sĩ Trần Quốc Khánh, BV Việt Đức đã có những buổi livestream để đồng hành cùng các F0 nói riêng và tất cả những người quan tâm đến sức khỏe nói chung. Trong livestream ngày 24/2, BS. Khánh đã chia sẻ một vấn đề liên quan đến COVID-19 ở trẻ em đang rất được các bậc cha mẹ quan tâm.
Nếu các cháu có triệu chứng, test được thì tốt, còn nếu chưa thể test thì vẫn cần chăm sóc và cách ly xem như con là F0 vì đây là giai đoạn nhạy cảm. Mẹ hoặc bố vẫn cần đeo khẩu trang để chăm sóc con.
Nếu cháu sốt, sụt sịt, tốt nhất là vẫn test, bằng ngoáy mũi hoặc nước bọt.
Cần giữ cho trẻ tâm lý vui vẻ, lạc quan để mau hồi phục. (Ảnh minh họa)
Đây là một trong những vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên bác sĩ Trần Quốc Khánh cho rằng điều này không đáng lo vì những lý do dưới đây:
- Theo các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ báo cáo, tỷ lệ mắc MIS-C cực kỳ thấp (3000 trẻ mới có 1 trẻ).
- Biểu hiện thường từ 4-6 tuần sau khi đã khỏi COVID-19.
- Biểu hiện viêm đa hệ thống là viêm ở nhiều hệ thống, ví dụ, ở da (nốt sần, xuất huyết, ngứa...), đường tiêu hóa (nôn, tiêu chảy), tim mạch (viêm cơ tim...). Tuy nhiên, trong các tổn thương đó thì tổn thương ở tim được ghi nhận nhiều.
- Trẻ sẽ trở lại bình thường từ 3-6 tháng và không có dấu vết gì.
- Khả năng tự chữa lành của trẻ cao, do đó sẽ không có quá nhiều nguy hiểm.
Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng.
Bên cạnh những di chứng hậu COVID-19 phổ biến hiện nay, bác sĩ Khánh nhấn mạnh có một vấn đề cha mẹ cần đặc biệt chú ý đó là hội chứng tự kỷ ám thị.
Theo BS. Khánh, vấn đề này đến từ thói quen lo lắng, sợ hãi của cha mẹ, cho rằng những biểu hiện sau khi đã khỏi bệnh là do di chứng để lại. Việc này khiến đứa trẻ bị ám thị và ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, thậm chí là tương lai sau này.
Để tránh tình trạng này, các gia đình nên hạn chế nói với con những điều tiêu cực. Mọi người nên giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và bình tĩnh. Vấn đề tâm lý luôn được đặt lên hàng đầu và quyết định chất lượng điều trị cũng như cuộc sống về sau của chúng ta. Đồng thời, tất cả mọi người vẫn cần đề cao cảnh giác, giữ vững tinh thần để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân một cách tốt nhất.
Theo Sức khỏe và Đời sống