Ngày 25.10, Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn khẩn số 7861 gửi Viện trưởng Viện Pasteur về việc xin ý kiến tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.
Theo công văn 7861, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể loại vắc xin sử dụng để tiêm cho trẻ, chưa có hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.
Vì vậy, trong khi chờ Bộ Y tế có hướng dẫn, Sở Y tế đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chấp thuận cho phép sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn.
Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Viện trưởng Viện Pasteur sớm xem xét và có ý kiến chỉ đạo để TP.HCM thực hiện.
Theo Thanh Niên.
Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng ghi nhận nhiều F0 trong cộng đồng mấy ngày qua và đang dồn toàn lực để khống chế, dập dịch.
Trong đó:
An Giang là địa bàn ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh nhất các tỉnh miền Tây. Bảy ngày qua, tỉnh phát hiện 1.481 ca Covid-19, tăng 170% so với tuần trước. Trong đó, 407 trường hợp trong cộng đồng, chiếm 27%; số ca từ các tỉnh, thành khác về quê chiếm 20%. Địa phương đã phát hiện 1.034 ca dương tính trong hơn 65.000 người hồi hương thời gian qua.
"Lo nhất là người dân về nhưng không khai báo y tế. Tỉnh đang phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng nhanh chóng phát hiện những trường hợp như thế", Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói và cho biết địa phương đang lên phương án cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, cùng với tăng cường các trạm y tế lưu động.
Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 24/10, toàn tỉnh ghi nhận 98 trường hợp dương tính nCoV. Trong số này, 71 trường hợp là F1 chuyển thành F0, 7 ca về từ vùng dịch; 20 ca qua xét nghiệm cộng đồng và khu phong toả.
Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tại địa phương ngày 4/7, Sóc Trăng ghi nhận tổng cộng 4.376 ca dương tính nCoV. Trong số này, 2.152 người khỏi bệnh, 35 ca tử vong. Gần một tháng qua, Sóc Trăng tiếp nhận trên 43.000 người về từ Long An, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Từ 30/9 đến nay, số người mắc Covid 19 tại Sóc Trăng tăng mạnh, hơn 3 lần.
Tại Bạc Liêu, ổ dịch lớn nhất hiện nay tại một công ty thuỷ sản với 700 lao động ở TX Giá Rai với 131 F0 trong 5 ngày qua. Đánh giá ổ dịch này có nguy cơ lây nhiễm cao và lan rộng, ngành y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị...
Ở phạm vi toàn tỉnh, từ ngày 19 đến 24/10, địa phương ghi nhận 474 ca dương tính nCoV. Trong số này, 59 ca phát hiện trong cộng đồng tại TX Giá Rai, TP Bạc Liêu và các huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân; 19 ca dương tính với nCoV tại các khu cách ly thu dung, điều trị, trong đó 5 trường hợp là nhân viên y tế; 40 ca tại các khu phong toả ở huyện Hồng Dân; 36 ca là người về quê hiện ở tại các khu cách ly tập trung.
Kiên Giang cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày khoảng 100 trường hợp, trong đó số ca cộng đồng chiếm 10%. Đến ngày 24/10, toàn tỉnh phát hiện 7.629 ca Covid-19. Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết, dịch tăng do một số người về từ vùng dịch không tuân thủ khi cách ly tại nhà.
Theo VnExpress.
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết tính đến chiều 25-10 có 92,13% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo kết quả khảo sát từ các trường THCS và THPT trên địa bàn.
Theo đó, toàn thành phố có 655.715/711.702 phụ huynh học sinh từ 12-17 tuổi đồng ý cho con em mình tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, tỉ lệ đồng thuận cao nhất là phụ huynh khối lớp 9.
Địa phương có tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cao nhất là huyện Hóc Môn với 98,79%. Quận 7 là địa phương có tỉ lệ đồng thuận thấp nhất với 79,18%.
Tại TP Thủ Đức, địa phương có số học sinh 12-17 tuổi đông nhất TP.HCM với 92.171 học sinh, tỉ lệ phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin cho con em mình là 91,86%.
Đặc biệt, lãnh đạo một số trường THPT trên địa bàn TP cho biết số phụ huynh có con đang học lớp 12 lại đang tỏ ra ngần ngại khi quyết định cho con em tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
"Vì học sinh lớp 12 sẽ tiêm vắc xin đợt đầu tiên nên nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, trả lời là 'chưa đồng ý' hoặc 'không đồng ý' trong đợt khảo sát vừa rồi", hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM thông tin.
Có lẽ vì lý do trên mà số liệu khảo sát của Sở GD-ĐT TP cho thấy chỉ có 89,58% phụ huynh học sinh lớp 12 (72.171/80.562 người) đồng thuận tiêm vắc xin cho con em mình. Tỉ lệ đồng thuận cao nhất là phụ huynh khối lớp 9 với 93,06% (103.154/110.846 người).
Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, việc tiêm vắc xin COVID-19 sẽ được thực hiện theo tinh thần tự nguyện. Đối với những phụ huynh chưa đồng thuận thì nhà trường, giáo viên tiếp tục tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả cũng như các vấn đề liên quan của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo Tuổi trẻ.
Ngày 25/10, Bộ Y tế đã có công điện số 1700/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã bước đầu hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh; số ca mắc và tử vong đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, trong thời gian này một số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh; một số địa phương nơi người dân trở về đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm nhiều ca mắc trong ngày.
Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung sau, cụ thể:
Chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...);
Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19.
Theo Sức khỏe và Đời sống.
Chiều 25/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh, thành phố đang từng bước mở lại các hoạt động, các chỉ số về dịch tễ những ngày gần đây trên địa bàn đã có dấu hiệu khả quan.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ, theo đánh giá thành phố đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân một tuần, thành phố đang ở cấp độ 3.
"Do tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi, trên 65 tuổi ở mức cao, nên thành phố được xếp vào nhóm cấp độ 2. Nói như vậy để chúng ta thấy, dù số ca mắc mới đang có xu hướng giảm, nhưng thành phố vẫn cần cực kỳ thận trọng", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu phân tích cụ thể.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm, đến cuối tháng này, thành phố cần tự lực trong việc kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn do các đoàn chi viện từ Trung ương đã rút về. Ông Châu lo lắng về nguy cơ người dân sẽ chủ quan khi biết địa phương đang ở cấp độ 2 sẽ khiến số ca mắc Covid-19 tăng lên.
Đối với công tác điều trị Covid-19 thời gian tới, Sở Y tế đã xây dựng 4 kịch bản tương ứng với tỷ lệ mắc mới theo từng nhóm phân loại nguy cơ.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ, trong tình huống xấu nhất, dịch Covid-19 bùng phát lại trên địa bàn, tương ứng với cấp độ 4, TPHCM sẽ áp dụng các biện pháp cách đây hơn một tháng là huy động tối đa nguồn lực để điều trị bệnh nhân. Khi đó, các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được chăm sóc tại nhà thông qua các trạm y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế địa phương.
Trong trường hợp bệnh nhân Covid-19 cần nhập viện, thành phố sẽ huy động toàn bộ bệnh viện dã chiến còn hoạt động, trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện. Tại tất cả cơ sở cần đảm bảo số giường bệnh có oxy y tế cùng các trang, thiết bị cần thiết.
Trong trường hợp TPHCM kiểm soát tốt dịch bệnh, trở về cấp độ một, các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà thông qua các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Bệnh nhân nặng hơn sẽ được điều trị tại bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16.
Trong tình huống TPHCM tiếp tục duy trì dịch bệnh ở cấp độ 2, các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly, điều trị tại nhà. Các bệnh nhân nặng hơn sẽ được điều trị tại bệnh viện dã chiến số 13 và 16, cùng các khoa điều trị Covid-19 tại một số bệnh viện trên địa bàn.
Trong tình huống tiếp theo, dịch Covid-19 tại TPHCM cơ bản được kiểm soát nhưng tăng lên cấp độ 3, các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà và 135 trạm y tế lưu động trên địa bàn. Các bệnh viện dã chiến 3 tầng gồm bệnh viện số 13, 14, 16 sẽ tiếp nhận bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các trung tâm hồi sức, bệnh viện quận, huyện cũng sẽ được huy động để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo Dân trí.
Theo thông báo của UBND huyện Quốc Oai, đã có thêm 5 F1 chuyển thành F0, nâng tổng số ca dương tính SARS-CoV-2 tại ổ dịch này lên 24.
UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) sáng 26/10 ghi nhận thêm 5 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch trên địa bàn. Cả 5 trường hợp này trú tại tổ dân phố Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, đều là F1 đã được cách ly. Như vậy, đến nay chuỗi lây nhiễm này có tổng 24 ca dương tính.
Ngay sau khi nhận thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chính quyền địa phương khẩn trương truy vết các F và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm Covid-19 ngay trong đêm 25/10 và những liên quan trong ngày 26/10.
Thị trấn Quốc Oai tổ chức phong tỏa các khu vực có ca nghi nhiễm Covid-19. Bố trí Công an và lực lượng chức năng lập rào chắn, chốt chặn để kiểm soát chặt chẽ phương tiện, người ra, vào, có cán bộ chốt trực nghiêm túc. Thông báo rộng rãi để người dân trong tổ dân phố tự giác khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Dự kiến có khoảng 800 người dân tổ dân phố Ngô Sài được lấy mẫu xét nghiệm.
Theo CDC Hà Nội, tính đến tối 25/10, ổ dịch tại huyện Quốc Oai ghi nhận tổng 19 F0, phân bố tại các quận, huyện, thị xã: Quốc Oai (10), Thanh Oai (6), Hà Đông (2), Sơn Tây (1). Có nhiều người là cán bộ công an, công tác tại tòa án nhân dân và UBND thị trấn Quốc Oai.
Xem chi tiết tại đây.
Liên quan đến thông báo khẩn tìm người đến Khu đất Đầm Liễng, cuối ngõ 885 đường Tam Trinh, tổ 9, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội từ ngày 10 đến 25/10, do CDC Hà Nội phát đi trưa nay, ca bệnh được xác định là anh V.V.G (24 tuổi), là F1 của bệnh nhân N.T.T liên quan đến chùm ca bệnh tại phố Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Anh G đã được tiêm mũi 1 vaccine và được lấy mẫu ngày 25/10, kết quả dương tính.
Ngoài ca bệnh này, trong ngày 25 và 26/10, thành phố cũng ghi nhận thêm 5 ca dương tính (ở tổ 2, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) liên quan đến chùm ca bệnh tại phố Trần Quang Diệu.
Trước đó, ngày 22/10, anh T.V.H (19 tuổi), là nhân viên cắt tóc tại Hair Salon Mẹ Ớt (số 36A phố Trần Quang Diệu) có triệu chứng mắc COVID-19, vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa làm test nhanh dương tính. Sau đó, người này được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và khẳng định dương tính vào sáng 23/10.
Tính từ ngày 23/10 đến nay, liên quan đến chùm ca bệnh tại phố Trần Quang Diệu, đã ghi nhận 10 ca dương tính (gồm 3 ca tại quận Đống Đa và 7 ca tại quận Hoàng Mai).
Thống kê của Sở Y tế cho biết, trong ngày 26/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 18 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 17 ca cộng đồng và 01 ca tại khu cách ly. Phân bố theo quận, huyện gồm Quốc Oai (10), Ba Đình (01), Hoàng Mai (06), Ba Vì (01).
Các ca dương tính mới thuộc các chùm ca bệnh: chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai (11), chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa (06), chùm liên quan đến các tỉnh có dịch (01).
Riêng ổ dịch tại xã Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, đến thời điểm này đã ghi nhận tổng số 30 ca bệnh thuộc các quận, huyện: Quốc Oai (20), Thanh Oai (06), Hà Đông (02), Sơn Tây (01), Ba Đình (01).
Theo Sở Y tế Hà Nội.