Chiều tối 20/9, CDC Bình Dương thông tin, trong ngày địa phương ghi nhận 1.410 ca mắc COVID-19. Số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong ngày thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây. Thời gian qua, Bình Dương luôn ghi nhận ca mắc cao, từ 2.500 đến trên 5.000.
Tính từ đợt dịch thứ 4 này, tỉnh Bình Dương ghi nhận 179.705 ca mắc COVID-19, trong đó: 9.118 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 25.356 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 107.565 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 37.585 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa).
Cũng trong đợt dịch này, Bình Dương có hơn 1.600 ca tử vong và hơn 140.000 bệnh nhân xuất viện về nhà.
Theo Báo Tin tức.
Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng nói tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 20/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 336.500 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua ngày thứ 29 siết chặt giãn cách.
Ông Hưng cho biết, sáng nay, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 đã ban hành văn bản khẩn số 3113 về việc tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống Covid-19. Quyết định này dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng và công điện của Bộ Y tế về công tác lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, Ban chỉ đạo UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai xét nghiệm; xác định công tác xét nghiệm đóng vai trò then chốt; chịu trách nhiệm chủ trì triển khai xét nghiệm nhanh chóng, an toàn. Các địa phương triển khai lấy mẫu thần tốc để tách nhanh nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Trong đó căn cứ kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9.
Tổ quân y cơ động ở phường 11, quận Bình Thạnh tiến hành lấy mẫu, hướng dẫn test nhanh cho người dân trong địa bàn, ngày 23/8. Ảnh: Quỳnh Trần
Cụ thể, với vùng đỏ (nguy cơ rất cao) và vùng cam (nguy cơ cao) được xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 trong 14 ngày gần nhất và F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tại vùng xanh và vàng (nguy cơ thấp) sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, có tiếp xúc nhiều, không chọn người đại diện đã từng là F0.
Các hộ gia đình đã có ca dương lần trước sẽ không lấy mẫu ở những lần giám sát xét nghiệm tiếp theo. Toàn bộ hộ gia đình của ca dương tính được quản lý, theo dõi theo quy định. Nếu phát sinh ca dương tính mới trong hộ gia đình sẽ tiếp tục cập nhật vào hệ thống giám sát, chăm sóc, điều trị. Các hộ gia đình có ca dương phải được căng dây phong tỏa và dán biển đỏ cảnh báo trước cửa.
Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp; huy động, tăng cường nhân lực tại địa phương... Ngành y tế có thể triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới hộ gia đình, giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê, báo cáo. Người lấy mẫu tuân thủ 5K, đúng quy định vệ sinh khử khuẩn, thay đồ bảo hộ... tránh lây nhiễm chéo.
Theo VnExpress.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá các hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Bộ tiêu chí được áp dụng cho các nhóm đơn vị gồm siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất trên địa bàn, văn phòng làm việc của đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM, một người được xác định có thẻ xanh Covid-19 khi đáp ứng 3 yếu tố: Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh hoặc RT-PCR âm tính; đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.
Người có thẻ xanh Covid-19 được tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch của thành phố.
"Thẻ xanh Covid-19 giới hạn phạm vi hoạt động" sẽ được cấp cho người đã tiêm một mũi; người đã khỏi bệnh có giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn.
Người có "thẻ xanh Covid-19 giới hạn phạm vi hoạt động" được tham gia các hoạt động ở mức hạn chế hơn tùy thuộc điều kiện môi trường làm việc, mức độ rủi ro lây nhiễm và mức độ quan trọng của hoạt động tham gia.
Người có thẻ xanh Covid-19 được tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch của thành phố. Ảnh: Duy Hiệu.
Bộ tiêu chí quy định khách hàng và người lao động tại các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm; tài xế, nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng hàng hóa phải có thẻ xanh Covid-19.
Các bộ phận còn lại tối thiểu phải có "thẻ xanh Covid-19 giới hạn phạm vi hoạt động" để làm việc trở lại.
Đối với các chợ truyền thống, khách hàng, người tiếp xúc trực tiếp khách hàng (nhân viên đơn vị quản lý chợ, thương nhân, người lao động, nhân viên giao hàng, phụ việc, tài xế...) cũng phải có thẻ xanh Covid-19.
Riêng nhân viên đơn vị quản lý khối văn phòng của chợ được cấp "thẻ xanh Covid-19 giới hạn phạm vi hoạt động".
Tương tự, bộ phận giao dịch trực tiếp với khách ra vào tại chợ đầu mối phải có thẻ xanh. Còn người ra vào chợ cần có "thẻ xanh Covid-19 giới hạn phạm vi hoạt động".
Tại các cơ sở sản xuất, người lao động tham gia sản xuất phải có thẻ xanh Covid-19 hoặc có tối thiểu "thẻ xanh Covid-19 hạn chế phạm vi hoạt động". Toàn bộ nhân sự của cơ sở cần có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc.
Đối với văn phòng làm việc của đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người ngoài tổ chức cần có thẻ xanh Covid-19. Các bộ phận còn lại, nhân sự trở lại làm việc lần đầu cần có "thẻ xanh Covid-19 giới hạn phạm vi hoạt động" cùng kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Theo Zingnews.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến hết ngày 19/9, thành phố đã tiêm 8.773.840 liều vaccine, trong đó có 6.736.823 mũi 1, đạt 93,5% dân số từ 18 tuổi trở lên và 2.037.017 mũi 2, đạt 28,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Thành phố hiện còn 774.272 liều vaccine, cụ thể AstraZeneca 108.894 liều, Pfizer 125.800 liều, Vero Cell 539.578 liều.
Để hoàn tất mục tiêu bao phủ 2 mũi vaccine cho 7.208.800 người dân thành phố (theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tính đến ngày 30/6/2021), căn cứ quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19 và số lượng vaccine còn lại, thành phố dự kiến cần 6.031.000 liều vaccine từ ngày 20/9 đến ngày 31/10.
Cụ thể, số lượng vaccine để tiêm mũi 1 khoảng 472.000 liều và tiêm mũi 2 khoảng 5.559.000 liều. Trong đó, để tiêm mũi 2, thành phố cần 4.935.000 liều AstraZeneca hoặc Pfizer để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca đủ 8-12 tuần, 624.000 liều Vero Cell để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 Vero Cell đủ 3 tuần./.
Theo VOV.
Theo yêu cầu của ngành Y tế, mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới”, vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.
“Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.
Theo VOV.
Sở Y tế Hà Nội sáng 21/9 thông báo ghi nhận 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại khu cách ly, là lái xe đường dài, quê ở Hưng Yên, về từ TP HCM.
Trường hợp này tên T.V.T, nam, sinh năm 1986, quê quán tại Bảo Khê, Hưng Yên. Nơi phát hiện là chốt Cầu Phù Đổng – Phúc Lợi, Long Biên.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân làm nghề lái xe đường dài chuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh – Tiền Giang. Chuyến gần nhất bệnh nhân lái xe từ Tiền Giang về ngày 17/9, qua Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh ngày 17/9; qua Ninh Bình, Nam Định ngày 19/9 sau đó về đến Hà Nội ngày 20/9.
Bệnh nhân đi qua chốt Cầu Phù Đổng, tại đây bệnh nhân vào làm xét nghiệm nhanh (điểm lấy mẫu lưu động của Bệnh viện Nam Thăng Long) có kết quả dương tính, sau đó được Trung tâm Y tế Long Biên lấy lại mẫu và chuyển cách ly tại Bệnh viện Đức Giang, và có kết quả RT-PCR dương tính.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.932 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.334 ca.
Tính đến hết ngày 20/9, toàn thành phố đã tiêm được 5.502.277 mũi vắc xin phòng COVID-19 (5.001.927 mũi 1; 500.350 mũi 2), số người được tiêm 5.001.927 (60,3%) dân số và bằng (83,09%) người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi.
Về xét nghiệm, trong ngày 20/9, toàn thành phố đã xét nghiệm 5.668 mẫu, kết quả có 9 ca dương tính còn lại đều âm tính. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm 1483 mẫu, phát hiện 6 ca dương tính; các bệnh viện xét nghiệm 4.185 mẫu, kết quả có 3 ca dương tính.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến sáng 21/9, khu vực 'ổ dịch' phường Thanh Xuân Trung (tập trung chủ yếu ở 328 - 330 Nguyễn Trãi) có tổng cộng 588 ca mắc COVID-19.
Đây là khu vực được đánh giá là 'ổ dịch' phức tạp, nguy hiểm nhất ở Thủ đô vì nguy cơ lây nhiễm cao, người dân sinh sống đông đúc, chật chội trong ngõ nhỏ và các khu tập thể cũ.
Quận Thanh Xuân đã phong toả khu vực này từ 23/8, đồng thời, thực hiện di dời gần 1.200 người dân thuộc khu vực này đi cách ly tập trung tại huyện Thạch Thất.
Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, đến nay, quận đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hoàn thành xét nghiệm tầm soát diện rộng và tiêm vắc xin phòng COVID-19 (mũi 1) cho người dân từ 18 tuổi trở lên (đối với các trường hợp đủ điều kiện); đã triển khai và đưa vào hoạt động trạm y tế lưu động tại 11 phường.
Mới đây, Quận Thanh Xuân (Hà Nội) quyết định tiếp tục cách ly y tế ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đến ngày 28/9 để phòng, chống dịch COVID-19.
Thời gian tới, quận tiếp tục phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 1 cho đối tượng là người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai (trên 13 tuần) và người dân chưa đủ điều kiện tiêm tại tuyến cơ sở.
Theo Tiền phong.
Trưa 21-9, TP Hà Nội ghi nhận 10 ca mắc Covid-19, trong đó có 8 tại khu cách ly và 2 ca tại khu phong tỏa.
Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt có 7 bệnh nhân:
1. N.M.A. (nam, SN 2018), địa chỉ: Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Bệnh nhân sống trong khu vực ổ dịch Nguyễn Trãi được chuyển cách ly tập trung từ 1-9. Ngày 20-9, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
2. L.T.H. (nam, SN 1991), địa chỉ: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 của N.Q.P., đã được cách ly tập trung và xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 20-9, được lấy mẫu lần 3, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
3. T.P.K.N. (nam, SN 2014), địa chỉ: Việt Hưng, Long Biên. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa được xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày 20-9, xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính SARS-CoV-2.
4. T.V.N. (nam, SN 1984), địa chỉ: Việt Hưng, Long Biên. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa. Ngày 19-9, xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
5. N.K.G. (nam, SN 1987), địa chỉ: Việt Hưng, Long Biên. Bênh nhân là F1 của N.K.T., được cách ly tập trung từ ngày 18-9. Ngày 20-9, xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
6. N.T.D. (nữ, SN 1987), địa chỉ: Việt Hưng, Long Biên. Bệnh nhân là F1 của N.K.T., được cách ly tập trung từ ngày 18-9. Ngày 20-9, xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
7. N.K.Đ.K. (nam, SN 2017), địa chỉ: Việt Hưng, Long Biên. Bệnh nhân là F1 của N.K.T., được cách ly tập trung từ ngày 18-9. Ngày 20-9, xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Ổ dịch phức tạp tại phường Việt Hưng hiện đã có 18 ca mắc Covid-19.
Chùm liên quan TP HCM có 3 bệnh nhân ở Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên. Các bệnh nhân về từ TP HCM và đã được cách ly.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021) là 3.942 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.344 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội thông tin, chiều 21/9, thành phố có thêm 2 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, đều đã được cách ly.
Hai trường hợp mắc mới đều là F1 của các ca sàng lọc ho sốt cộng đồng; một ca ở quận Hoàng Mai, một ca ở huyện Thanh Trì.
N.L.G.L, nam, sinh năm 2010, địa chỉ tại chung cư Đồng Phát, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai; là F1 của bệnh nhân L.T.T.H. Ngày 20/9 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
N.Đ.C, nam, sinh năm 1953, địa chỉ tại Tứ Hiệp, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân P.T.T được chuyển cách ly tập trung từ 9/9. Ngày 18/9 xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Như vậy tính từ 18h ngày 20/9 đến 18h ngày 21/9, thành phố Hà Nội ghi nhận 13 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 2 ca tại khu phong tỏa, 11 ca tại khu cách ly.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.944 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.346 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Tối 21/9, Bộ Y tế thông tin, ghi nhận 11.692 ca nhiễm mới COVID-19 với 5 người nhập cảnh và 11.687 trường hợp trong nước (tăng 3.019 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố (có 6.835 ca cộng đồng).
Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (6.521), Bình Dương (3.609), Đồng Nai (590), Long An (254), Kiên Giang (134), An Giang (121), Tiền Giang (105)...
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-279), Tiền Giang (-106), Đắk Lắk (-103). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (2.199), TP. Hồ Chí Minh (1.350), Tây Ninh (27). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.330 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 707.436 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.189 ca nhiễm).
Trong ngày Bộ Y tế công bố 11.017 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 475.343.
Theo Bộ Y tế.