Cập nhật lúc 18:51 - 13/11/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 20/10: Bệnh viện dã chiến 37.000 giường lớn nhất cả nước đóng cửa vào cuối tháng 10

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-10-19T23:10:00

    Tròn 1 tháng xuất hiện ổ dịch, Hà Nam ghi nhận 780 ca mắc COVID-19

    Theo báo cáo cập nhật đến 17h ngày 19/10 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 21 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua.

    Tất cả các ca mắc đều đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh nhân, trong đó, 20 trường hợp có địa chỉ ở TP. Phủ Lý và 1 bệnh nhân ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.

    Các ca mắc tại TP. Phủ Lý chủ yếu phát hiện ở các khu vực đang phong tỏa. Bên cạnh đó, có một trường hợp là người đi chăm sóc F0 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, khi được xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế.

    Như vậy, kể từ ca bệnh BN687470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính vào chiều ngày 19/9, đến 17h ngày 19/10 (sau 30 ngày), Hà Nam đã ghi nhận 780 ca mắc COVID-19.

    Tại cuộc họp sáng 19/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam đánh giá diễn biến dịch bệnh phức tạp và khó lường. Trong 30 ngày, từ 19/9 đến nay, dịch đã lây lan ở 6/6 huyện, thị, thành phố của tỉnh Hà Nam.

    21% người mắc có triệu chứng nhẹ, không có trường hợp nào diễn biến nặng. Gần 500 người trong số này đã được điều trị khỏi bệnh và ra viện. Số còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh và các cơ sở y tế trên địa bàn.

    Tỷ lệ mắc/số F1 cách ly tại khu cách ly tập trung là 18,5%. Tỷ lệ mắc/số F1 cách ly tại nhà là 5,7%. Hiện, toàn tỉnh còn gần 800 F1 đang cách ly tập trung và hơn 3.300 F1 cách ly tại nhà./.

    Theo VOV.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-19T23:10:00

    Thứ trưởng Bộ Y tế: Khoanh vùng hẹp để kiểm soát dịch tại một số tỉnh miền Bắc

    Trong điều kiện hiện nay, các địa phương này cần triển khai các biện pháp ưu tiên gì để phòng chống dịch cũng như tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19? Để tìm hiểu nội dung này, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

    PV: Thưa Thứ trưởng, trước diễn biến một số chùm ca bệnh xuất hiện tại một số tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định..., xin hỏi công tác phòng chống dịch tại các địa phương này cần tập trung ưu tiên những điểm gì?

    Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, trong tình hình mới, chúng ta không thể hy vọng đạt được tình trạng Zezo Covid-19, cho nên tất cả tình huống có những chùm ca bệnh mới, đặc biệt tại cộng đồng và trên những vùng có tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp hoàn toàn có thể xảy ra.

    Theo ý kiến của chúng tôi, tất cả các địa phương như Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ khi có chùm ca bệnh mới thì chúng ta nên tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch cơ bản. Đó là ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập dịch và thu dung, điều trị. Và chúng ta nên chú ý đến các biện pháp khoanh vùng theo hướng dẫn của Nghị quyết 128 cũng như hướng dẫn theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế, đó là khoanh vùng càng hẹp càng tốt, và chúng ta tổ chức công tác thu dung điều trị, cách ly đối với trường hợp F0, F1 theo đúng quy định mới.

    Tôi hy vọng những biện pháp triển khai tại các địa phương này sẽ giúp hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng.

    PV: Bên cạnh đó, việc chuẩn bị các cơ sở thu dung điều trị nên được chủ động ra sao, thưa Thứ trưởng?

    Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Theo tinh thần của Quyết định 4800 của Bộ Y tế đã được ban hành, chúng ta có 2 tiêu chí liên quan đến thu dung điều trị và theo dõi chăm sóc đối với trường hợp nhiễm Sars-Cov-2. Thứ nhất, chúng ta tổ chức cơ sở thu dung điều trị, đảm bảo số giường hồi sức cần thiết khi đánh giá trên địa bàn theo số người nhiễm/100.000 dân/tuần.

    Thứ hai, chúng ta sẵn sàng chuẩn bị khu vực cho bệnh nhân Covid-19, đồng thời, đảm bảo khu vực bệnh nhân không Covid-19, xây dựng các trạm y tế lưu động, nếu chúng ta đã có kế hoạch rồi, thì đây là giai đoạn chúng ta phải đưa vào sử dụng ngay ở vùng nguy cơ cao và rất cao đánh giá theo cấp độ dịch.

    PV: Chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19 được 1 tuần, vậy trong tình hình hiện nay, theo Thứ trưởng, làm sao để các địa phương vùng xanh vừa thực hiện tốt Nghị quyết này, vừa kiểm soát được dịch bệnh?

    Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Các tiêu chí của Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19”, tất cả các nội dung mà từ Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế cũng đã giúp cho các địa phương có thể khoanh vùng các tiêu chí theo cấp độ từ cấp độ 1 đến cấp độ 4, tương ứng với các vùng xanh, vùng vàng, cam, đỏ,  như vậy, chúng ta phải có sự đánh giá từng vùng một. Còn các vùng đã đánh giá là vùng xanh rồi, thì các hoạt động về sản xuất, thương mại, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là vận chuyển chúng ta thực hiện theo đúng quy định.

    Tôi ví dụ công nhân vùng xanh có thể đến nhà máy sau khi tiêm vaccine an toàn, chúng ta coi đối tượng này là an toàn, việc di chuyển vùng này qua vùng khác chúng tôi đề xuất các địa phương cũng phải có biện pháp kể cả về việc tiêm vaccine, cố gắng bao phủ càng nhanh càng tốt.

    Thứ hai nữa là vấn đề về về xét nghiệm, chúng ta phải tiếp tục một chiến lược xét nghiệm không đại trà, không rộng rãi, nhưng cần có xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm vùng nơi tập trung đông người và khi có dịch xảy ra thì chúng ta thực hiện đúng các nguyên tắc chống dịch mà Bộ Y tế khuyến cáo.

    Theo VOV.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-20T00:10:00

    Dịch COVID-19 tại TPHCM đã chuyển sang nguy cơ trung bình

    Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tối 19/10 cho biết, đánh giá sơ bộ của Sở Y tế khi áp dụng theo cách tính mới của Bộ Y tế, tình hình dịch tại TPHCM đang ở cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình). Đây là cấp độ giảm một bậc so với thời điểm của tuần trước.

    Cụ thể, tiêu chí 1: số ca mắc trên 100.000 dân của Thành phố đến thời điểm hiện tại là 104,5 (tương ứng với nguy cơ cao - vùng cam, số ca bệnh từ 50 đến 150 ca/100.000 dân trong tuần). Tuy nhiên, tiêu chí 2: là tỷ lệ tiêm chủng người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 của Thành phố đạt gần 99%. Tiêu chí 3: bắt buộc phải có là khả năng thu dung điều trị ở 2 cấp phường xã - các trạm y tế và cấp thành phố là số giường hồi sức ICU cũng đã đáp ứng tốt.

    Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật khuyến cáo cộng đồng cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, nếu chủ quan, cấp độ nguy cơ có thể tăng lên vì biến chủng Delta rất phức tạp.

    Thành phố đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Để bảo vệ thành quả chống dịch đã đạt được, Thành phố rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả người dân trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K sau khi đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19.

    Theo Tiền phong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-20T01:10:00

    TPHCM xem xét gỡ 51 chốt kiểm soát ở cửa ngõ

    Chiều 19.10, UBND TPHCM họp trực tuyến với Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.

    Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, sau 18 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, số ca mắc mới đã giảm 5 lần so với đỉnh dịch, số trường hợp tử vong hàng ngày đã giảm xuống dưới 2 con số.

    Ông Lê Hòa Bình cho biết, TPHCM đang xem xét để không còn chốt kiểm soát (hiện có 51 chốt) ở các địa bàn giáp ranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng lao động giữa các tỉnh, thành với TPHCM.

    Trước đó, từ ngày 30.10 TPHCM đã gỡ tất cả các chốt kiểm soát trong nội thành. Tuy nhiên, TPHCM vẫn duy trì 12 chốt chính, 39 chốt phụ ở các quận, huyện giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người ra vào.

    Về cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, cách đây 1 tuần TPHCM đang ở cấp độ 3 nhưng đến hôm nay ước tính thành phố đang ở cấp độ 2.

    “Đánh giá cấp độ dịch chỉ mang tính tức thời, không có giá trị vĩnh viễn, đảm bảo. Nếu chủ quan, không làm tốt việc đang làm thì cấp độ dịch sẽ tăng lên ngay vì biến chủng Delta rất phức tạp” – ông Thượng nói.

    Theo Lao động.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-20T05:10:00

    Xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn chủng Delta

    Ca mắc biến thể mới là một bé trai 11 tuổi, được phát hiện trong quá trình xét nghiệm tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv. Cậu bé vừa về nước từ Moldova.

    Bộ Y tế Israel đang tiến hành điều tra dịch tễ và theo dõi tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại nước này.

    Hôm 19-10, Israel ghi nhận 1.487 ca mắc mới, nâng tổng số mắc Covid-19 tại nước này lên 1.319.001 ca. Tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 là 8.021 ca.

    Theo hãng tin Bloomberg, biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta trước đó đã xuất hiện tại một số nước châu Âu. Chính phủ Anh hôm 19-10 cho biết đang theo dõi sự gia tăng của biến thể phụ này trong số ca mắc Covid-19 mới.

    Theo một thông báo tóm tắt từ Cơ quan Y tế Anh được công bố hôm 15-10, một dòng phụ của biến chủng Delta mới được phát hiện là AY.4.2 đang lây lan ở Anh.

    Tuy nhiên, ông Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Trường ĐH Cambridge, nói với tờ Guardian rằng đột biến này chưa đáng quan ngại. AY.4.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn 10-15% so với biến chủng Delta ban đầu.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã cảnh báo về một mùa đông khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và áp lực lên Cơ quan Y tế Quốc gia trong bối cảnh chính phủ Anh thừa nhận dữ liệu về cuộc ứng phó đại dịch ngày càng tồi tệ hơn.

    Theo Người lao động.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-20T08:10:00

    Bắc Ninh phát hiện chùm 11 ca COVID-19 liên quan đến các trường học

    Trong 2 ngày 19/10 và 20/10, trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận chùm 11 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng liên quan đến các ca bệnh tại Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Bắc Ninh. Đây là địa bàn có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Địa phương đang khẩn cấp triển khai các biện pháp dập dịch.

    Theo ông Lê Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Quế Võ, trong ngày 19/10, trên địa bàn huyện ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 tại khu 3, thị trấn Phố Mới, là gia đình liên quan đến cháu bé tại Trường Mầm non Sao Mai.

    Ngay khi xác định ca bệnh này, huyện đã tập trung các biện pháp cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm SARS-CoV-2, truy vết để nhanh chóng xác định các ca bệnh và các trường hợp có liên quan. Đến 10h30 ngày 20/10, tổng số ca bệnh tại huyện Quế Võ liên quan đến ổ dịch này là 11 ca đều ghi nhận tại những hộ gia đình trong khu 3, thị trấn Phố Mới.

    Ông Lê Hồng Phúc cho biết thêm, đây là ổ dịch có nguy cơ cao, phức tạp, bước đầu xác định liên quan đến nhiều người và học sinh tại các trường học ở thị trấn Phố Mới, xã Phù Lãng, xã Châu Phong (huyện Quế Võ). Vì vậy, huyện tận dụng "thời gian vàng" triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

    Trong ngày 20/10, ngành y tế tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 2.000 người là các hộ dân tại khu 3, thị trấn Phố Mới cùng toàn bộ học sinh Trường Tiểu học thị trấn Phố Mới, Trường Trung học cơ sở thị trấn Phố Mới để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

    Song song với công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng được triển khai mạnh mẽ. Đến nay, độ bao phủ tiêm vaccine trong huyện đạt trên 60%. Ngay trong buổi chiều 20/10, huyện tập trung tiêm phòng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, dự kiến khoảng 60.000 liều.

    Đối với các hoạt động dạy và học, huyện chỉ đạo các trường học trên địa bàn thị trấn Phố Mới, xã Châu Phong và xã Phù Lãng tạm thời cho học sinh ngừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến đến khi có thông báo mới.

    Theo TTXVN

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-20T10:10:00

    Ngày 20/10, thông tin từ CDC Bình Dương cho biết, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 226.353 ca mắc COVID-19; đã có 224.614 bệnh nhân xuất viện về nhà.

    Trong 10 ngày qua, F0 xuất viện ở Bình Dương mỗi ngày đến 4 con số.

    Hiện, Bình Dương chỉ còn hơn 8.000 F0 đang được điều trị trong các bệnh viện dã chiến , cơ sở điều trị COVID-19. Trong đó, tại bệnh viện dã chiến Thới Hòa hiện chỉ còn hơn 300 F0.

    Với sức chứa có thể lên đến 37.000 giường, bệnh viện dã chiến Thới Hòa (Bình Dương) là nơi cách ly, điều trị F0 lớn nhất nước. 

    Bệnh viện dã chiến này vào thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Bình Dương đã thu dung, điều trị hơn 20.000 F0. Trước đó, khi ca mắc COVID-19 ở Bình Dương ghi nhận mỗi ngày cao, khu điều trị này lên kế hoạch mở rộng với sức chứa lên đến 37.000 giường.

    Theo Ban Quản lý bệnh viện dã chiến Thới Hòa, nếu duy trì số ca mắc giảm sâu và số bệnh nhân xuất viện như những ngày qua, đến cuối tháng 10 sẽ không còn bệnh nhân.

    Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho hay, đã có chủ trương đóng cửa bệnh viện dã chiến Thới Hòa vào cuối tháng 10 này.

    Theo Tiền phong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ