Từ ngày 25/8 đến nay, đợt xét nghiệm sàng lọc đợt 2 tại Tây Ninh đã phát hiện 554 ca nghi mắc COVID-19, trong đó đã có kết quả khẳng định 276 ca. Địa phương có số ca nghi mắc cao nhất là Thị xã Trảng Bàng với 349 ca, Thành phố Tây Ninh 82 ca… So với đợt 1 (từ 15/8 đến 20/8), số ca mắc COVID-19 đợt 2 tăng 91 ca.
Về tình hình dịch bệnh, trong ngày 1/9, số ca mắc mới COVID-19 là 130, tăng 63 ca so với ngày 31/8. Trong ngày có 122 trường hợp được xuất viện, 2 ca tử vong. Tính từ đầu đợt dịch, Tây Ninh ghi nhận gần 6.000 ca mắc COVID-19, đã điều trị khỏi hơn 4.200 trường hợp, đang chữa trị hơn 1.600 bệnh nhân và đã có 92 người đã tử vong do COVID-19.
Từ 0h ngày 30/8, Tây Ninh quyết định gia hạn thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh này đã lập biên bản xử phạt hơn 8.300 trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch./.
Theo VOV.
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều 1/9, Sở Y tế TP cho biết Bộ Y tế vừa quyết định cấp thêm cho TP.HCM 1.000.960 liều vaccine và TP sẽ tổ chức tiêm mũi thứ 2 cho những người đã đủ thời gian theo khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, vaccine do Bộ Y tế cấp cho TP đợt này sẽ được triển khai tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 từ ngày 20/6, vì đến thời điểm hiện tại, những người này đã tiêm được gần 11-12 tuần.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc tiêm mũi thứ 2 chậm hơn thời gian khuyến cáo có ảnh hưởng gì hay không, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, tất cả những khuyến cáo hiện nay chỉ nói rằng tiếp cận càng sớm càng tốt khi có vaccine. Hiện nay vaccine là vấn đề toàn cầu, rất khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực của Chính phủ, của thành phố, chúng ta đang cố gắng làm sao có thêm được nhiều vaccine để bao phủ hết cho người dân.
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, tổng số mũi vaccine TP đã triển khai đến ngày 31/8 là 6.219.536 mũi, đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên hiện TP.HCM vẫn đang thiếu vaccine mặc dù Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn vaccine để tiếp tục tiêm chủng.
Theo VOV.
Chiều 1/9, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ, làm việc với 70 nhà khoa học, các giáo sư, bác sĩ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành y tế, các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học và đại diện các hội đồng khoa học, cơ quan quản lý khoa học ngành y tế.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, biến đổi khôn lường và có thể còn kéo dài.
Đến nay, Thủ tướng cho biết về cơ bản chúng ta kiểm soát được tình hình. Trong đó, 6 tỉnh đã kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh; 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện được một số tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xác định quan điểm “sống chung”, thích ứng với dịch bệnh, do đó Thủ tướng nhấn mạnh vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài.
Ông mong muốn mỗi cá nhân, tập thể các chuyên gia, nhà khoa học trên lĩnh vực y tế trong và ngoài nước sẽ quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách, nguồn lực, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho đội ngũ các nhà khoa học yên tâm cống hiến.
Theo Zingnews.
Chiều 1/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký ban hành Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, toàn thành phố phải kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại hệ thống chốt ra vào thành phố, quận, huyện, thị xã và tại cơ sở; siết chặt kiểm tra người và phương tiện, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.
Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn thành phố (kết thúc vào ngày 6/9) theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng cam”.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách triệt để F0, truy vết F1. Chiến lược chính là chuyển “vùng đỏ” thành “vùng cam”, chuyển “vùng cam” thành “vùng xanh”; tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh” đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Theo Người lao động.
Đánh giá hiệu quả sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc mới tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.
Số mẫu dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục. TP Hồ Chí Minh không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh trong vòng 7 ngày qua.
Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết, hiện Thành phố giảm tối thiểu 30% các quận, huyện, phường, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; mức độ nguy cơ cao và mức độ nguy cơ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoài Nam, đối với chiến lược giảm F0 trong giai đoạn sắp tới, ngành y tế sẽ tăng cường chiến lược xét nghiệm nhanh mà UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch. Hầu hết các xét nghiệm đợt 1 tại "vùng đỏ" và "vùng cam" đều đã hoàn thành; hiện Thành phố đang thực hiện test nhanh trở lại những nơi đã từng thực hiện để tìm thêm ca mắc COVID-19.
Theo số liệu thống kê, trong đợt 1, TP Hồ Chí Minh đã lấy gần 2 triệu mẫu xét nghiệm, trong đó có 3,6% trên tổng số ca dương tính. Trong đợt xét nghiệm đợt 2, đến sáng ngày 1/9, tỷ lệ dương tính được phát hiện trong tổng số mẫu được xét nghiệm là 2%, giảm so với đợt 1.
"Qua từng đợt, số F0 phát hiện giảm dần và việc bóc tách F0 ra khỏi khu vực dân cư là hoàn toàn có khả thi theo kế hoạch đề ra đến ngày 6/9 và 15/9", ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Theo Báo Tin tức.
Sáng 2/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến 6h sáng cùng ngày, thành phố phát hiện thêm 5 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 2 ca tại khu cách ly và 3 ca tại cộng đồng.
Phân bố theo quận/huyện gồm Đống Đa (2), Thanh Xuân (2), Đan Phượng(1). Phân bố theo chùm ca bệnh gồm Chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (2), chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng (3).
Phân bố 3 ca tại cộng đồng gồm Đống Đa (2), Thanh Xuân (1).
1. V.H.N. (nữ, SN 2013), địa chỉ: Trung Phụng, Đống Đa. Ngày 31-8, xuất hiện triệu chứng sốt. Ngày 1-9, đi khám tại Bệnh viện Xanh Pôn, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
2. N.N.K. (nữ, SN 1954), địa chỉ: Cát Linh , Đống Đa. Bệnh nhân có triệu chứng ho sốt mệt mỏi khoảng một tuần được. Ngày 1-9, đi khám tại Bệnh viện Xanh Pôn được làm xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
3. Đ.X.N. (nam, SN 2002), địa chỉ: Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân. Ngày 28-8 có triệu chứng, sốt ho. Ngày 1-9 khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Theo Tổ Quốc.
Đó là một trong những nội dung được nêu trong Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng chậm nhất vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch, nhất là tăng cường hợp tác công tư. Đẩy nhanh nhập khẩu vắc xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tiến tới tự chủ vắc xin nhanh nhất, sớm nhất có thể.
...
Theo Tiền phong.
Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ gửi đi những bức thư chúc mừng các F0 đã vượt qua Covid-19, khỏi bệnh và trở về nhà. Theo ông Sơn, đó là hành trình rất khó khăn và đáng nhớ đối với mỗi người.
Bộ Y tế sẽ xác định lực lượng này dựa trên 2 vấn đề: Thứ nhất, các F0 sau khi khỏi bệnh tự nguyện tham gia. Thứ hai, những người này được xác định là có kháng thể với SARS-CoV-2.
“Chúng tôi đang trong quá trình lên kế hoạch, triển khai xét nghiệm kháng thể với SARS-CoV-2 tại TP.HCM. Những F0 sau khi khỏi bệnh tình nguyện tham gia hỗ trợ sẽ được xét nghiệm để đảm bảo yếu tố này. Sau khi đủ điều kiện, chúng tôi có thể bố trí họ làm việc tại các cơ sở y tế, điều trị bệnh nhân Covid-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Tại đây, các F0 đã khỏi bệnh có thể được phân công một số công việc ít hoặc không liên quan y tế như chăm sóc, liên lạc, hỗ trợ người bệnh...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng bày tỏ sự ủng hộ với giải pháp cho các F0 khỏi bệnh vào cơ sở y tế hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Có thể nói sau khi hết bệnh, những người từng mắc Covid-19 là nhóm an toàn nhất trong môi trường có tồn tại SARS-CoV-2. Những người này cũng không thể tái nhiễm với virus. Do đó, họ không có nguy cơ lây lan nCoV”, bác sĩ Khanh nói.
Với các trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2, ông cho biết chỉ có 2 khả năng xảy ra. Trường hợp đầu tiên, kết quả dương tính đến từ xác virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể người bệnh. Điều này không đồng nghĩa với việc F0 đã khỏi và mắc bệnh trở lại. Trường hợp thứ 2, kết quả của một trong 2 lần xét nghiệm cuối cùng bị sai. Do đó, chúng ta có thể không cần bàn thêm về việc tái mắc Covid-19.
Bác sĩ Khanh nói thêm: “Với tỷ lệ rất thấp, một số người có hệ miễn dịch quá kém có khả năng tái mắc Covid-19 sau 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp này thường có diễn biến bệnh rất nhẹ”.
Ông cho hay thế giới hiện chưa có nhiều nghiên cứu về thời gian tồn tại miễn dịch trong cơ thể người mắc Covid-19 khỏi bệnh. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khả năng miễn dịch có thể tồn tại trọn đời hoặc trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến một năm.
Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, một lợi ích khác của việc cho các F0 đã khỏi bệnh vào cơ sở y tế hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 là chúng ta có thể tiết kiệm lượng lớn trang phục, dụng cụ phòng hộ khi nhóm này đã có hệ miễn dịch bảo vệ và không có nguy cơ nhiễm virus.
Liên quan đến hoạt động xét nghiệm cộng đồng, trao đổi với PV báo Tiền Phong, PGS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng (Bộ Y tế) cho biết, công tác xét nghiệm là cần thiết để phát hiện F0 trong cộng đồng.
Đây là phương án chủ động để giúp ngành y tế nắm bắt tình trạng lây nhiễm, xác định những vùng có nguy cơ lây nhiễm ở cấp độ khác nhau từ đó có phương án phòng chống dịch phù hợp với từng địa điểm cụ thể. Mặt khác việc phát hiện dương tính cũng giúp bệnh nhân chủ động thực hiện các giải pháp theo dõi, điều trị.
Tuy nhiên, PGS Lê Thành Đồng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm ở mức độ cao việc xét nghiệm cần phải được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là những khu vực tập trung đông dân, khu vực nhà trọ.
Ông Đồng nói: “Ý thức phòng chống dịch của cộng đồng đã được nâng cao, tuy nhiên trên thực tế tại các nhà trọ hoặc những khu vực dân trí thấp, công tác phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn.
Tôi đã đi thực tế tại nhiều khu vực và ghi nhận, các khu trọ công nhân rất chật hẹp, mỗi phòng khoảng trên dưới 10 mét vuông nhưng có tới 4 đến 5 người ở cùng. Mỗi khu trọ có tới hàng chục phòng nhưng hành lang chỉ rộng hơn 1 mét người dân bước ra khỏi phòng là đã đụng nhau thì khó thực hiện được 5K”.
F0 tại các khu nhà trọ, nơi tập trung đông dân nếu cách ly, điều trị tại nhà sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Phương án xét điều kiện cách ly tại nhà của từng trường hợp F0 cần phải được thực hiện chặt chẽ, F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà phải được chuyển đến các cơ sở cách ly tập trung.
Nếu không bóc tách được F0 ra khỏi cộng đồng thì nguy cơ lây nhiễm vẫn tiếp tục đe dọa bùng phát dịch, nỗ lực xét nghiệm cộng đồng sẽ trở thành vô nghĩa vừa tốn nhân lực chuyên môn vừa tốn rất nhiều tiền của.
Theo Tiền phong.
Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo, trong sáng nay (2/9) ghi nhận 26 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1 ca tại cộng đồng; 22 ca tại khu cách ly và 03 ca tại khu vực phong tỏa.
Các ca bệnh phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (11), Thanh Trì (4), Hai Bà Trưng (4), Đống Đa (3), Thanh Oai (1), Thường Tín (1), Hoàng Mai (1), Nam Từ Liêm (1) theo các chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng (1); Chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (24); Chùm ca bệnh liên quan Hồ Chí Minh (1).
1 ca bệnh tại cộng đồng ghi nhận tại quận Nam Từ Liêm, thuộc chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, 5 ca dương tính SARS-CoV-2 được công bố vào sáng 2/9 có Đ.X.N., nam, sinh năm 2002, địa chỉ tại Ngõ 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân. Ngày 28/8 có triệu chứng, sốt ho. Ngày 1/9 khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Tính đến trưa 2/9, có thêm 4 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 ở Ngõ 477 Nguyễn Trãi.
Cũng tính đến trưa 2/9, "ổ dịch" trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung ghi nhận thêm 6 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại đây là: 386 ca.
Theo Infonet.
Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo, trong chiều nay (2/9), ghi nhận 8 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1 ca tại cộng đồng; 1 ca tại khu cách ly và 6 ca tại khu vực phong tỏa.
Như vậy tính từ 18h ngày 1/9 đến 18h ngày 2/9, Hà Nội ghi nhận 39 ca mắc Covid-19.
Các ca bệnh phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (7); Hà Đông (1) theo các chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng (1); Chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (7);
1 ca bệnh tại cộng đồng ghi nhận tại quận Thanh Xuân, thuộc chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng.
Thường vụ Thành uỷ Hà Nội thống nhất với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về việc thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Theo phương án này, việc phân vùng theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam thành phố (sản xuất nông nghiệp).
Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấ hơn “vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tình hình dịch bệnh.
Trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tháng 9 và các tháng cuối năm, Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Trong khi đó, nếu kéo dài giãn cách sẽ gây nhiều hệ luỵ, tác động tới nền kinh tế, xã hội.
Thành phố yêu cầu các cấp “khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh”; đồng thời, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời giãn cách thành phố.
Theo Tiền phong.