Cập nhật lúc 20:00 - 11/04/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 19/03: WHO chưa thể xác định thời điểm đại dịch Covid-19 chấm dứt

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-03-18T23:03:00

    Khi nào đưa COVID-19 khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm, dừng đếm ca?

    Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Với nhóm bệnh này sẽ yêu cầu cách li y tế toàn bộ.

    Về kiểm soát ra, vào vùng có dịch, Bộ Y tế quy định: hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế. Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch”.

    Khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, cơ sở y tế phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế, triển khai vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác.

    Người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ. Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 19/03: COVID-19 có thể "tạo điều kiện" gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới - Ảnh 1.

    Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do virus Zika, bệnh do virus Adeno; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng-gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng-gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do virus Rota.

    PGS.TS Phu đánh giá: “Nghị quyết đưa ra quan điểm như vậy là rất đúng và hợp lí… Chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh nhóm A sang B làm sao để vừa kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết”.

    Ông Phu đồng thời nhấn mạnh, khi chuyển đổi nhóm bệnh, phải hình thành kèm theo các chính sách đáp ứng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương.

    Theo ông Phu, việc xây dựng lộ trình cần nhiều bộ ngành cùng tham gia chứ không chỉ riêng Bộ Y tế. Do đó phải thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

    “Bộ Y tế nghiên cứu về dịch bệnh, còn các ngành, các cấp phải cùng nghiên cứu về chính sách. Nghiên cứu và các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh thành có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau. Một mình Bộ Y tế thì không thể làm được".

    Ông Phu phân tích thêm: "Khi chuyển sang bệnh nhóm B, coi như cúm mùa thì ngành Y tế không công bố số ca mắc hằng ngày nữa, giống như bệnh cúm chỉ giám sát chứ không thống kê ca mắc từng ngày, đồng thời không xét nghiệm nhiều như đang làm với COVID-19 hiện nay".

    COVID-19 vẫn là bệnh đáng lo ngại với trẻ nhỏ

    Chung quan điểm với TS Phu, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay: “Chuyển đổi nhóm bệnh từ A sang B liên quan đến số ca mắc và tử vong, nếu tỉ lệ vẫn cao thì mức độ vẫn còn nguy hiểm. Với trẻ nhỏ, tỉ lệ chuyển nặng và nhập viện thấp. Ở các đơn vị tuyến dưới nhiều khi các bác sĩ lo lắng nên cho bệnh nhi nhập viện nhiều chứ thực tế theo tiêu chuẩn nhập viện mà các nước đang áp dụng thì phải có tổn thương và can thiệp điều trị của bác sĩ. Hiện một số tỉnh nước ta vẫn lo ngại nên cho trẻ nhập viện nhiều”.

    Tại Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho khoảng 300-400 trẻ nhưng chỉ cho 2 hoặc 3 trẻ nhập viện. 

    “Hiện nay tầng 2 khu điều trị thực tế không chờ trẻ âm tính, chỉ cần trẻ có cơn sốt cao nhưng trẻ đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên cho trẻ về nhà theo dõi, chăm sóc thì tốt hơn”, TS Điển khuyến cáo.

    So sánh với các bệnh truyền nhiễm khác ở trẻ nhỏ, TS Điển cho rằng ở thời điểm hiện tại, COVID-19 vẫn là bệnh đáng lo ngại nên chưa thể chuyển sang nhóm B được. Lí do là hiện nay chưa có vắc xin dành cho đối tượng trẻ nhỏ. Đặc biệt trẻ dưới 11 tuổi. Tiếp nữa là tỉ lệ mắc còn rất cao, vẫn có trẻ tử vong liên quan đến bệnh. Hệ thống y tế tại các địa phương phải sẵn sàng, có đơn vị điều trị bệnh COVID-19, có tiêu chuẩn nhập viện cẩn thận để có thể đáp ứng đươc tốt nguồn vật tư y tế.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-18T23:03:00

    Bộ Y tế khẳng định thuốc EVUSHELD không phải 'siêu vắc xin'

    Để đa dạng nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, ngày 02/3/2022, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc EVUSHELD đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Cho đến nay, EVUSHELD đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Bahrain...

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 19/03: COVID-19 có thể "tạo điều kiện" gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới - Ảnh 1.

    Bộ Y tế khẳng định, EVUSHELD là thuốc, không phải là “siêu vaccine”.

    Theo Bộ Y tế, về bản chất, EVUSHELD gồm 01 liều kháng thể đơn dòng tixagevimab và 01 liều kháng thể đơn dòng cilgavimab. Việc sử dụng thuốc cần phải được bác sĩ đánh giá thỏa đáng và sàng lọc chặt chẽ trước khi được xác định là đối tượng sử dụng phù hợp. Một liều thuốc được chỉ định để dự phòng mắc bệnh COVID-19 trong thời gian ít nhất 6 tháng (với các dữ liệu hiện có) cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi có cân nặng từ 40kg trở lên với điều kiện các đối tượng này không đang nhiễm SARS-CoV-2 và không có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 được xác định và phải thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Có suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng do một tình trạng bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có khả năng không tạo được đáp ứng miễn dịch thỏa đáng đối với vaccine COVID-19.

    - Không thể tiêm bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào hiện có vì có tiền sử xảy ra tác dụng ngoại ý nghiêm trọng (ví dụ như dị ứng nặng) với bất kỳ thành phần nào của vaccine COVID-19.

    Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, các tình trạng y khoa hoặc phương pháp điều trị có thể dẫn tới suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng và đáp ứng miễn dịch không thỏa đáng đối với vaccine COVID-19 bao gồm nhưng không giới hạn:

    - Đang điều trị đối với các khối u đặc và bệnh lý huyết học ác tính . Cấy ghép nội tạng và đang điều trị với liệu pháp ức chế miễn dịch

    - Tiếp nhận tế bào lympho T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR)-T hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu (trong vòng 2 năm sau khi cấy ghép hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch).

    - Suy giảm miễn dịch nguyên phát mức độ vừa đến nặng (ví dụ, hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich).

    - Nhiễm HIV giai đoạn tiến triển hoặc chưa được điều trị (những người nhiễm HIV với số lượng tế bào CD4 <200/mm3, tiền sử bệnh AIDS mà không được phục hồi miễn dịch, hoặc các biểu hiện lâm sàng của HIV có triệu chứng).

    - Điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao (nghĩa là ≥20 mg prednisone hoặc tương đương mỗi ngày khi dùng trong ≥ 2 tuần), tác nhân alkyl hóa, chất chống chuyển hóa, thuốc ức chế miễn dịch liên quan đến cấy ghép, tác nhân hóa trị ung thư được phân loại là ức chế miễn dịch mức độ nặng, thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), và các tác nhân sinh học khác có tác dụng ức chế miễn dịch hoặc điều hòa miễn dịch (ví dụ, tác nhân ức chế tế bào B).

    Hiện nay, EVUSHELD chưa được cấp phép sử dụng ở đối tượng đang điều trị COVID-19, hoặc dự phòng sau phơi nhiễm COVID-19 ở những người đã tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2.

    Tại Việt Nam, EVUSHELD được cấp giấy phép nhập khẩu để sử dụng trong cơ sở khám, chữa bệnh. Người bệnh phải được cơ sở khám chữa bệnh thông tin về tình trạng hồ sơ cấp phép của thuốc và cơ sở chỉ được sử dụng thuốc khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà của bệnh nhân.

    Bộ Y tế khẳng định, EVUSHELD là thuốc, không phải là “siêu vaccine”, không được phép sử dụng EVUSHELD để dự phòng COVID-19 cho các đối tượng có thể tiêm vaccine./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-19T00:03:00

    COVID-19 có thể "tạo điều kiện" gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới

    Người khỏi bệnh, đã tiêm vaccine đều có thể tái nhiễm và mắc COVID-19. Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giới chuyên gia khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, ưu tiên bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao, kiểm soát số ca lây nhiễm và hạn chế bệnh tăng nặng, tử vong.

    Cũng theo các chuyên gia, không chỉ có dịch COVID-19, nguy cơ “dịch chồng dịch” cần được lưu ý.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 19/03: COVID-19 có thể &quot;tạo điều kiện&quot; gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới - Ảnh 1.

    (Ảnh minh họa: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM)

    Dự báo số ca mắc COVID-19 thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do mầm bệnh đã lây lan rộng trong cộng đồng, với biến thể BA.2 của biến chủng Omicron chiếm chủ đạo. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, việc triển khai các hoạt động dỡ bỏ hạn chế đối với vận chuyển hành khách, mở cửa du lịch, mở cửa lại trường học và các sự kiện thể thao, văn hóa, xã hội, cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân làm tăng nguy cơ gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế.

    “Dịch COVID-19 vẫn ghi nhận số ca mắc không ngừng tăng cao dù đa phần người bệnh có triệu chứng nhẹ. Trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa lại hoạt động du lịch, đi lại nên sự giao lưu gia tăng sẽ khiến dịch có xu hướng lây lan nhanh và rộng.  Một số dịch bệnh đã không xuất hiện nhiều năm nên cơ chế miễn dịch trong cơ thể con người sẽ giảm xuống và theo yếu tố dịch tễ người dân sẽ dễ lây nhiễm khi mầm bệnh xuất hiện, khiến dịch có nguy cơ bùng phát”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói về khả năng “dịch chồng dịch”.

    Ông Phu lưu ý, với trẻ em, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua, nhiều trẻ bỏ lỡ lịch tiêm chủng nên phải đề phòng bệnh dịch ở trẻ em. Thời điểm sắp vào Hè, cần phải cẩn trọng với dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa hay viêm não… Trong điều kiện cho phép, các bậc phụ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. 

    Một số phụ huynh cũng băn khoăn việc trẻ nhỏ vừa khỏi COVID-19 thì có thể tiêm các loại vaccine 6 trong một theo đúng lịch hay không. Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nếu sức khỏe trẻ bình thường thì hoàn toàn tiêm vaccine được.

    Trong khi đó, tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, các bác sĩ đã cảnh báo nguy cơ đồng nhiễm COVID-19 và sốt xuất huyết. Theo số liệu dự đoán tình hình bệnh trong tháng 3/2022 của Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết trong tháng 2/2022 cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ nhập viện do sốt xuất huyết dự kiến có xu hướng giảm. Với bệnh tay chân miệng, tháng 02/2022 vẫn duy trì ở mức thấp, song dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng sẽ tăng trở lại. Tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy cấp tăng nhẹ và dự báo trong tháng 3/2022 tiếp tục tăng. Tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi cũng có khuynh hướng tăng trong thời gian tới… 

    Đáng lưu ý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) mới đây tiếp nhận khoảng 15 trẻ vừa mắc COVID-19 vừa bị sốt xuất huyết. Trong đó, có ca đã trở nặng và cần sự can thiệp chuyên sâu với những triệu chứng  trùng  nhau như sốt cao, khó thở, mệt mỏi…

    COVID-19 và sốt xuất huyết có các triệu chứng gần giống nhau, nhưng phác đồ điều trị của hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Mắc COVID-19 sẽ gây tổn thương hệ hô hấp và gây suy phổi, gây ra tình trạng loạn máu, tăng đông gây tắc động mạch, tĩnh mạch và mao mạch khiến máu không thể lưu thông tới các cơ quan. Trong khi, sốt xuất huyết lại gây ra tình trạng xuất huyết và sốt ở người bệnh kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen...

    Những bệnh nhân mắc COVID-19 từ cấp độ trung bình trở lên, các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc chống đông dự phòng corticoid. Trong khi, đây là loại thuốc chống chỉ định đối với người mắc sốt xuất huyết./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-19T01:03:00

    Khi nào Việt Nam cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, mũi 5?

    Để triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, Việt Nam cần đánh giá mức độ dịch bệnh, tính miễn dịch và sinh kháng thể ở người tiêm vaccine như thế nào. Theo đó, nếu kháng thể suy giảm thì sẽ cần phải tiêm theo chiến lược chống dịch hoặc thực hiện tiêm vaccine hằng năm như đối phó với cúm mùa.

    Đây là ý kiến đề xuất của các chuyên gia liên quan đến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục nghiên cứu các cơ sở khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiêm mũi 4, mũi 5 khi thấy cần thiết và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 19/03: COVID-19 có thể &quot;tạo điều kiện&quot; gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới - Ảnh 1.

    (Ảnh minh họa)

    “Chúng ta cần phải có đánh giá cụ thể những yếu tố miễn dịch và sinh kháng thể, đồng thời, tham khảo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 và những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp khi các hoạt động du lịch, đi lại được mở cửa, do vậy người dân vẫn cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) trao đổi với phóng viên VOV.VN.

    Cũng theo ông Phu, nếu triển khai tiêm chủng mũi vaccine COVID-19 thứ tư thì cần tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, những cán bộ y tế, nhân viên tuyến đầu… Việc thực hiện tiêm đại trà hay tiêm hằng năm vẫn cần dựa trên các đánh giá, tham khảo kinh nhiệm trước khi quyết định.

    Trước đó, Bộ Y tế cho biết, đang lên phương án về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và lên phương án tiêm mũi thứ 4 vaccine cho người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ. Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã nhận được chỉ đạo và đã họp chuyên gia về sự cần thiết của tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, đồng thời tham vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề này.

    “Đối tượng tiêm sẽ ưu tiên bảo vệ sớm nhóm có nguy cơ và sau đó tiêm đại trà”, ông Sơn thông tin.

    Đây cũng là khuyến cáo của các các nhà khoa học trên thế giới. Theo đó, ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 cho nhóm người nguy cơ cao là những người suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, vì đây là nhóm dễ trở nặng, nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh.

    Theo Bộ Y tế, đến sáng 18/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm hơn 201 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên gần 183 triệu liều (mũi 1 gần 71 triệu liều, mũi 2 hơn 67 triệu liều, mũi 3 là gần 1,5 triệu liều, mũi bổ sung 14,4 triệu liều và mũi nhắc lại là hơn 28 triệu liều). Tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi hơn 17 triệu liều (mũi 1 gần 8,75 triệu liều, mũi 2 gần 8,3 triệu liều).

    Hiện đã có 47/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 95%; 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%.

    Pfizer và BioNTech ngày 15/3, đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép tiêm mũi vaccine thứ 4 cho những người từ 65 tuổi trở lên. Theo đó, FDA sẽ đánh giá khả năng miễn dịch có đang suy yếu ở những người đã tiêm vaccine.

    Đến nay, Israel là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm liều vaccine COVID-19 thứ 4 cho người. Trong khi đó, một số nước châu Âu đã có khuyến cáo và Mỹ đang cân nhắc khả năng tiêm mũi vaccine thứ 4./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-19T01:03:00

    Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lớn nhất nước ngừng nhận bệnh

    Thông tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 18/3 cho biết, căn cứ trên thực tế số ca bệnh nặng và nguy kịch đã giảm sâu sau khi cân nhắc phương án, TPHCM đã chính thức ngừng nhận bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường đóng tại Bệnh viện Ung Bướu, cơ sở 2 trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

    Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại TPHCM. Đây là bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước. Giai đoạn cao điểm, bệnh viện đã điều trị cho hơn 700 bệnh nhân.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 19/03: COVID-19 có thể &quot;tạo điều kiện&quot; gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới - Ảnh 1.

    Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong cuộc chiến với đại dịch

    Cơ sở y tế được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng trong hệ thống điều trị COVID-19 này được Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn trên cơ sở phối hợp với các bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM và lực lượng y bác sĩ hỗ trợ chống dịch trong giai đoạn cao điểm. Nỗ lực của các y bác sĩ đã góp phần đặc biệt quan trọng cứu chữa, giữ lại sinh mạng cho người bệnh, góp phần đẩy lùi và khống chế dịch COVID-19 mang lại sự bình an cho cộng đồng.

    Sau khi ngừng nhận bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngành y tế TPHCM vẫn duy trì bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và thành phố Thủ Đức để tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc COVID-19 trên địa bàn. Các Bệnh viện Dã chiến số 13, 14, 16, đa tầng Tân Bình, Bệnh viện 175, Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng.

    Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, Sở Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận những trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-19T02:03:00

    Vắc xin COVID-19 hiện nay có hiệu quả với chủng Omicron?

    Trả lời về hiệu quả vắc xin COVID-19 hiện nay trong phòng COVID-19 cho trẻ em, trong đó có nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi chuẩn bị được tiêm vắc xin, TS Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết: theo báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, việc tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer trong vòng 5 tháng giúp làm giảm 31% số trường hợp mắc COVID-19 do chủng Omicron ở trẻ 5 - 11 tuổi, đồng thời giảm 45 - 51% số trường hợp phải điều trị cấp cứu ở trẻ 5 - 15 tuổi. 

    Báo cáo này cũng cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy vắc xin phòng COVID-19 gây ra các vấn đề lâu dài về khả năng sinh sản ở nữ hoặc nam giới.

    "Vắc xin phòng COVID-19 hiện được sử dụng rộng rãi cho phụ nữ có thai để phòng ngừa các biến chứng do bệnh trong thai kỳ. Vì vậy, bạn hãy yên tâm cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19" - TS Huyền nói.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 19/03: COVID-19 có thể &quot;tạo điều kiện&quot; gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới - Ảnh 1.

    Về ý kiến trẻ em sức đề kháng rất cao, nhiễm COVID-19 sau khoảng 24 - 48 giờ là có thể hết sốt và cơ thể bình thường (tương tự như biểu hiện người lớn khi tiêm vắc xin), cơ thể tự sinh đề kháng rất tốt, vậy tại sao lại phải tiêm vắc xin? Bà Huyền cho rằng đa số trẻ em mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. Sau khi mắc, trẻ cũng có kháng thể phòng nhiễm virus.

    Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, mọi người nên tiêm vắc xin ngay cả khi đã mắc COVID-19. Hiện không có xét nghiệm nào có thể xác định một cách đáng tin cậy xác định một người có được bảo vệ sau khi bị nhiễm virus gây ra COVID-19 hay không.

    Trước đó, trong nghị quyết phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia (nghị quyết ban hành ngày 16-3), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các thủ tục để mua vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đã hoàn tất. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong tiêm vắc xin mũi 4 - 5 và tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi khi cần thiết.

    Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết lô vắc xin đầu tiên cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến sẽ được chuyển về Việt Nam cuối tháng 3 này. Do thủ tục liên quan đến vắc xin có chậm hơn nên có thể vắc xin về sẽ chậm hơn dự kiến kể trên, nhưng Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để vắc xin về đúng hạn.

    Cho đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 201 triệu liều vắc xin COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên. Mục tiêu là hoàn thành tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi, hoàn thành mũi 2 cho trẻ 12 - 13 tuổi trong tháng 3-2022.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-19T03:03:00

    Thêm cách phát hiện người dương tính với nCoV

    Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Journal of Molecular Diagnostics ngày 17/3. Theo các chuyên gia của Đại học Rutgers (Mỹ) và Phòng thí nghiệm ResearchPath LLC, việc xác định biến chủng F0 nhiễm mang lại thông tin quan trọng như thời gian ủ bệnh, giai đoạn lây nhiễm. Từ đó, nó giúp các chuyên gia y tế lựa chọn phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả nhất cho người bệnh.

    Trước đây, để xác định biến chủng mà F0 nhiễm, các chuyên gia cần giải trình tự gene, mất khá nhiều thời gian. Điều này cũng rất tốn kém, chậm chạp và cần nhiều thiết bị chuyên sâu.


    rRT-PCR có đèn phân tử xác định được biến chủng của Covid-19. Ảnh: FDA.gov.

    Song, với phương pháp rRT-PCR đèn phân tử, nó có thể chỉ ra biến chủng bệnh nhân đang nhiễm là gì với thời gian rất nhanh, tiết kiệm chi phí và đặc biệt kết quả chính xác ngang cách làm truyền thống.

    Trong thử nghiệm, nhóm tác giả đưa vào cơ sở dữ liệu 9 biến chủng và mỗi chủng có đèn tín hiệu khác nhau, gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta, Omicron. Khi từng đèn hiệu liên kết với phân tử của các biến chủng trên, xét nghiệm sẽ trả về màu sắc tương ứng. Mỗi đèn hiệu được kiểm tra riêng để xác nhận tính đặc hiệu của nó với từng biến chủng.

    Nhóm chuyên gia thử nghiệm trên 26 mẫu bệnh phẩm dương tính đã được giải trình tự gene. Kết quả cho thấy xét nghiệm rRT-PCR đèn phân tử đã phát hiện 2 người nhiễm Alpha, 2 người nhiễm Epsilon và 8 mẫu Delta. Điều này hoàn toàn trùng khớp với xét nghiệm kháng thể truyền thống.

    Tác giả chính của nghiên cứu, GS Ryan J. Dikdan Viện Nghiên cứu Y tế Công cộng, Trường Y New Jersey, Mỹ, cho biết: 

    “Các công cụ mà chúng tôi phát triển giúp theo dõi, xác định các biến chủng mới. Nó sẽ rất hữu ích với đại dịch và bất kỳ loại virus tiềm ẩn nào trong tương lai”, New Medical dẫn lời.

    Hiện tại, xét nghiệm rRT-PCR đèn phân tử có thể triển khai ngay tại tất cả phòng thí nghiệm trên toàn cầu.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-19T03:03:00

    WHO chưa thể xác định thời điểm đại dịch Covid-19 chấm dứt

    Theo Reuters, trước đó, cơ quan y tế Liên Hợp quốc từng nhận định giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19 có thể kết thúc trong năm nay. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc tốc độ chúng ta đạt tới mục tiêu tiêm chủng ít nhất cho 70% dân số ở mỗi quốc gia và nhiều yếu tố đi kèm khác.

    Trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 18/3, bà Margaret Harris, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định: “Đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc và chúng ta đang ở đỉnh dịch”.

    Sau hơn một tháng có dấu hiệu suy giảm, các ca mắc Covid-19 lại tăng ngược trở lại khắp thế giới vào tuần trước. Đặc biệt, ở châu Á hay tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), tình trạng phong tỏa kéo dài, diện rộng vẫn đang diễn ra như một cách để ngăn dịch tiếp tục bùng phát.

    Ngày 11/3, các chuyên gia y tế công cộng thuộc WHO đã thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Quyết định quan trọng này nếu được đưa ra không chỉ là dấu mốc mang ý nghĩa lớn, mà chắc chắn còn tác động đến nhiều chính sách y tế cộng đồng.

    Cách đây hai năm, WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Covid-19. Đây là lần thứ 5 trong lịch sử y tế thế giới, WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

    Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 11/3, WHO cũng thừa nhận rằng "ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đạt đến mức đó".


    Nhân viên y tế ở Thâm Quyến lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: China Daily.

    Giám đốc WHO Tedros Adhanom Gebreyesus cho biết: “Các ca bệnh và tử vong đang giảm trên toàn cầu và nhiều nước dỡ bỏ hạn chế, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Nó sẽ không kết thúc ở bất kỳ đâu cho đến khi được quét sạch trên toàn thế giới”.

    WHO cho hay ảnh hưởng của biến chủng Omicron, đặc biệt là chủng phụ BA.2 dễ lây lan, các biện pháp hạn chế xã hội dần được nới lỏng là nguyên nhân khiến số ca mắc trên toàn cầu tăng trở lại.

    Theo Worldometers, thế giới đã ghi nhận hơn 467 triệu ca mắc Covid-19, trong đó, 6 triệu người tử vong. Hàn Quốc là quốc gia số ca mắc mới tăng cao nhất thế giới so với một tuần trước đó với thêm hơn 2,7 triệu ca (tăng 47%). Xếp thứ 2 là Đức với 1,5 triệu ca mới ghi nhận trong tuần qua, tăng 19% so với 7 ngày trước.

    Việt Nam đứng thứ 3 toàn thế giới về số ca mắc mới trong vòng 7 ngày với 1,2 triệu ca, tỷ lệ tăng là 5%.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-19T04:03:00

    Chưa dậy thì, trẻ tiêm vaccine Covid-19 có thể bị vô sinh?

    Vaccine không ảnh hưởng tới sinh sản, nội tiết hay di truyền

    Trao đổi với Zing, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết virus (SARS-CoV-2) có thể tích hợp vào hệ gene của người. Bản thân quá trình nCoV nhiễm vào cơ thể, chúng cũng tương tác với hệ thống gene của chúng ta.

    “Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vaccine vào cơ thể. Nguyên nhân là virus ‘thật’ khi tấn công chúng ta sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, tế bào nhiễm chúng. Điều này khiến hệ miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến cơ quan đó, dẫn đến tổn thương lâu dài về sau”, ông giải thích.


    "" style="box-sizing: border-box; text-rendering: geometricprecision; outline: 0px; -webkit-font-smoothing: antialiased; margin: 0px auto; padding: 0px; border: 0px; font-size: 14.08px; vertical-align: baseline; background: transparent; text-size-adjust: 100%; width: 860px; display: block; min-width: 100%; object-fit: unset !important; overflow: hidden; position: relative; height: 161px; line-height: 1px;">Trẻ em tại TP.HCM được gia đình đưa đi khám Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

    Trong khi đó, vaccine, dù được sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector, với cơ chế “bắt chước” virus, đưa vật liệu di truyền của nCoV vào cơ thể để sản xuất ra gai của virus này. Các hạt gai đó sẽ tạo ra miễn dịch cho người được tiêm.

    Tiến sĩ Thái khẳng định: “Quá trình này xảy ra trong thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều). Do đó, cơ thể sẽ không bị quá tải. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA sẽ tự tiêu hủy và hoàn toàn không tích hợp với hệ gene của con người”.

    Điều này đồng nghĩa vaccine sẽ không để lại những di chứng dài, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản, nội tiết hay di truyền.

    Cũng có quan điểm còn cho rằng hạt gai virus tạo ra từ vaccine có thể vẫn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian. Tuy nhiên, tiến sĩ Thái cho hay tình huống này thấp hơn rất nhiều so với khi nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên.

    “Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những biểu hiện lâm sàng hay biến cố bất lợi liên quan vaccine thấp hơn nhiều so với nhiễm virus tự nhiên. Ví dụ, nhiễm nCoV gây nguy cơ viêm cơ tim cao gấp hàng nghìn lần so với việc tiêm vaccine. Vậy chúng ta có lý do gì để sợ hãi vaccine khi biết rằng việc nhiễm virus tự nhiên còn nguy hại hơn nhiều”, tiến sĩ Thái khuyến cáo.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ