Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép hành khách tiêm đủ liều hoặc F0 khỏi bệnh không cần xét nghiệm Covid khi đi máy bay.
Ngày 17/10, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đây là đề xuất nới lỏng quy định với hành khách đi máy bay, áp dụng sau ngày 20/10, khi hết giai đoạn thí điểm.
Theo đó, chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa (như TP HCM), hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh trong 72 giờ trước khi khởi hành bay.
Chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện: người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có chứng nhận F0 khỏi bệnh, hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải trước đây, hành khách cần tiêm đủ liều hoặc là F0 khỏi bệnh, tất cả hành khách đều phải xét nghiệm âm tính mới được bay.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vaccine của một số địa phương còn thấp nên hành khách chưa thể đáp ứng yêu cầu là cần tiêm đủ liều, nhất là nhóm gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm phòng.
Theo VnExpress.
Trong văn bản ký ngày 17/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, từ ngày 13/10 trên địa bàn tỉnh này đã phát hiện 53 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Chu Hóa, phường Bạch Hạc (thuộc thành phố Việt Trì) và thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Lâm Thao (thuộc huyện Lâm Thao).
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, rà soát lại toàn bộ các trường hợp người dân trở về từ địa phương, vùng có dịch từ tháng 9/2021 trở lại đây; nhất là từ TPHCM và các tỉnh phía Nam để giám sát, tổ chức xét nghiệm sàng lọc.
UBND thành phố Việt Trì và UBND huyện Lâm Thao căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn và Nghị quyết số 128 của Chính phủ để khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phù hợp.
Trong đó, dừng tổ chức đối với các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, nghi lễ tôn giáo, hoạt động tổ chức giao lưu thi đấu thể dục - thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại địa điểm công cộng; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, mát-xa, xông hơi, quán bar, quán internet, trò chơi điện tử, bi-a, spa làm đẹp; nhà hàng, quán ăn, uống không phục vụ tại chỗ.
Đồng thời yêu cầu người dân tạm thời dừng tổ chức các hoạt động cưới, hỏi; đối với đám hiếu tổ chức gọn, nhanh, hạn chế số lượng người tham dự. Thời gian thực hiện từ ngày 17/10 cho đến khi có thông báo mới.
Nhiều địa bàn ở cấp độ 4 - nguy cơ rất cao
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ yêu cầu trước mắt, đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại Cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ) đối với thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao) và xã Hy Cương, xã Thanh Đình, xã Chu Hóa và phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì).
Các địa bàn còn lại của thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao xác định nguy cơ dịch ở Cấp độ 3.
Việc tổ chức phong tỏa các vùng ổ dịch, khu vực nguy cơ rất cao phải dựa trên cơ sở đánh giá sát thực tiễn và phù hợp với thực tế; bảo đảm tổ chức phong tỏa trong phạm vi hẹp nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Ngoài ra phải tổ chức rà soát khẩn trương các trường hợp F1, F2, F3 có liên quan đến các ca bệnh để thực hiện cách ly, theo dõi chặt chẽ; căn cứ điều kiện thực tiễn và quy định tại Nghị quyết 128 để thực hiện cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1, nhất là đối với học sinh, trẻ nhỏ. Các xã, Tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà, xử lý nghiêm theo quy định nếu vi phạm.
Xét nghiệm toàn bộ xã Chu Hóa và các khu vực lân cận
Chủ tịch tỉnh Phú Thọ yêu cầu thần tốc triển khai việc xét nghiệm đối với các trường hợp F1, F2, F3 có liên quan đến các ca bệnh Covid-19; đồng thời, tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng đối với toàn bộ xã Chu Hóa và các khu vực lân cận các ổ dịch, nhất là các chợ dân sinh.
Sở Y tế hỗ trợ nhân lực, vật tư y tế để triển khai thực hiện công tác xét nghiệm, đảm bảo hoàn thành trong ngày 18/10 để có các biện pháp xử lý phù hợp.
Đối với việc dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo trước mắt tạm dừng việc dạy học trực tiếp tại tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao. Sau khi có kết quả xét nghiệm và nắm chắc tình hình dịch bệnh sẽ xem xét việc dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến cho phù hợp.
UBND thành phố Việt Trì và UBND huyện Lâm Thao chủ động chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai, đảm bảo các hoạt động trên địa bàn được diễn ra bình thường, nhất là việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ được giao chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Đảng ủy khối doanh nghiệp khẩn trương thông báo đến các doanh nghiệp để tạm thời cho người lao động là các đối tượng F1, F2, F3 liên quan đến các ca bệnh nghỉ việc để thực hiện các biện pháp y tế theo qui định. Phối hợp với Sở Y tế đánh giá mức độ nguy cơ đối với từng doanh nghiệp, vận động các doanh nghiệp phối hợp, đồng thuận tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp và hỗ trợ chi trả chi phí xét nghiệm.
Sở Y tế điều chuyển số lượng vaccine đã phân bổ cho các huyện, thị có nguy cơ thấp cho thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao để ưu tiên, khẩn trương tiêm phủ toàn bộ dân số trên 18 tuổi tại hai địa bàn này.
Trong khi đó, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, lực lượng chức năng hỗ trợ thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao làm tốt công tác phong tỏa, cách ly, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ được yêu cầu báo cáo ngay với Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) để tạm dừng tiếp nhận cách ly đối với công dân nhập cảnh tại Cơ sở cách ly tập trung tại Trung đoàn 753, ưu tiên cho công tác cách ly, phòng chống dịch của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp.
Theo Dân trí.
Số ca Covid-19 ở miền Tây tăng nhanh
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, các tỉnh thành miền Tây đã đón hàng trăm ngàn người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về sau khi các tỉnh thành nới lỏng giãn cách. Một số địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp F0 mắc Covid-19. Số ca mắc Covid-19 tại một số tỉnh miền Tây đang có xu hướng tăng nhanh những ngày gần đây.
Cụ thể, An Giang là tỉnh có số người về lớn nhất miền Tây với hơn 51.000 người. Tính từ 1-16.10, tỉnh này ghi nhận 2.310 ca mắc Covid-19, trung bình có 144 ca mắc mới/ngày. Theo các bản tin từ Bộ Y tế, trong nửa tháng đầu tháng 10, An Giang là địa phương ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày đứng thứ tư cả nước (chỉ xếp sau các “điểm nóng” gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) với mức tăng dao động từ hơn 100 đến hơn 300 ca một ngày (trừ các ngày 12-14.10).
Qua phân tích, trong tổng số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, tỉ lệ ca mắc trong cộng đồng chiếm đến 34%, khu phong tỏa chiếm 32%, khu cách ly chiếm 24%, còn lại là người về từ các tỉnh và nhập cảnh chiếm 9%. Tuy nhiên, nếu tính riêng số ca mắc mới từ ngày 1.10 đến nay tại An Giang, tỉ lệ ca nhiễm mới do người về từ các tỉnh chiếm gần 29%.
Còn tại Sóc Trăng, theo thống kê của Sở Y tế tỉnh này, ngày 1.10, tỉnh chỉ ghi nhận 26 ca Covid-19 trong ngày. 5 ngày sau (tức ngày 6.10), Sóc Trăng có đến 195 ca mắc mới trong ngày. Kể từ đó đến nay, nhiều ngày Sóc Trăng ghi nhận mức tăng trên 200 ca một ngày như: ngày 10.10 có 208 ca, ngày 11.10 ghi nhận 242 ca. Đến ngày 16.10, Sóc Trăng ghi nhận 174 ca Covid-19, trong đó, 153 trường hợp là F1, 17 trường hợp về từ vùng dịch, 4 ca phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng.
Tại Đồng Tháp, từ cuối tháng 9 trở về trước, mỗi ngày tỉnh ghi nhận chỉ vài ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, từ ngày 1.10 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại do dòng người từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ trở về địa phương. Ngày 1.10, Bộ Y tế công bố tỉnh này chỉ ghi nhận 13 ca Covid-19 thì đến một tuần trở lại đây, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày dao động trong khoảng từ 40 đến gần 90 ca. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, nửa đầu tháng 10, trong tổng số ca mắc Covid-19 thì chiếm hơn 60% là người từ vùng dịch về, còn lại là trong các khu cách ly, khu phong tỏa, số ca mắc trong cộng đồng rất ít.
Cà Mau cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong nửa đầu tháng 10. Trong những ngày đầu tháng 10, Bộ Y tế công bố tỉnh này chỉ ghi nhận vài ca mỗi ngày, tuy nhiên đến một tuần trở lại đây (từ ngày 8-15.10), Cà Mau ghi nhận mức tăng dao động từ gần 40 đến hơn 160 ca một ngày. Từ ngày 1-15.10, Cà Mau ghi nhận 686 ca mắc mới, trong đó 27 ca ghi nhận trong cộng đồng, 555 ca ghi nhận từ người về quê tự phát và 104 ca ghi nhận ở khu cách ly tập trung, cách ly hộ gia đình, khu phong tỏa.
Bên cạnh đó, một số tỉnh cũng ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng so với thời gian đầu tháng 10 như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, Bộ Y tế cũng lưu ý một số tỉnh nới lỏng giãn cách, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang có di biến động dân cư lớn (tức là người dân về các tỉnh khác) là nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong những ngày tới, đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường giám sát để phát hiện sớm, xử lý kịp thời với tinh thần không được chủ quan, lơ là.
Theo Thanh Niên.
Hiện chỉ dùng vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em
Ngày 14.10.2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...). Một số loại vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi.
Chia sẻ về loại vaccine COVID-19 sẽ được tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-17 tuổi trong tháng 10 này, trao đổi với Lao Động, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine Pfizer liều tiêm cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ tương đương như của người lớn. Với nhóm dưới 12 tuổi hiện đang được hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ thấp hơn so với liều tiêm cho người lớn.
Theo TS Phạm Quang Thái, trong số các loại vaccine COVID-19 đang được tiêm hiện nay, chỉ có vaccine Pfizer đã được phê duyệt để tiêm cho người từ 12 đến 17 tuổi. Nhiều nước hiện đang chỉ dùng vaccine Pfizer cho trẻ em.
"Trong thời gian tới, có thể sẽ có các loại vaccine COVID-19 khác nộp hồ sơ để được cấp phép sử dụng cho trẻ em tại Việt Nam. Đơn cử như vaccine của Cuba đã được cấp phép khẩn cấp dùng cho trẻ em ở Cuba. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phê duyệt những vaccine này cho trẻ em”, TS.BS Phạm Quang Thái cho hay.
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, đối với vaccine COVID-19 của Pfizer, hãng này đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Tại Mỹ, vaccine này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên, vaccine đã có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em.
Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 16- 17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi
Về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ Y tế cho hay Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12- 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Loại vaccine sử dụng phải là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Mỗi đối tượng sẽ được tiêm 2 liều vaccine cơ bản và tiêm cùng loại vaccine.
Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.
Đồng thời tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Cha mẹ, người giám hộ sẽ thực hiện ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này).
Trẻ em trước khi tiêm phòng sẽ thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau đó, sẽ được hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về theo dõi phản ứng sau tiêm cho trẻ, TS.BS Phạm Quang Thái cho biết đã ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ (mặc dù rất hiếm).
“Trẻ em cần được theo dõi cẩn trọng giống như tiêm các loại vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu gặp phản ứng nặng thì cần được thông báo và đưa đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, xử trí kịp thời”, TS.BS Phạm Quang Thái nói.
Theo Lao động.
"Việc tiêm chủng phải sự đồng thuận của người được tiêm, với trẻ con là sự cam kết và đồng thuận của bố mẹ. Do đó, bố mẹ có thể quyết định việc tiêm vắc xin Covid-19 cho con".
Đây là ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trao đổi với phóng viên Infonet xung quanh việc hiện nay tại các phường tại Hà Nội đang triển khai đăng ký tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng trẻ em từ 3 đến đủ 18 tuổi.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Bộ Y tế mới có định hướng tiêm vắc xin ngừa Covid- 19 cho trẻ em. Tuy nhiên hướng dẫn cụ thể tiêm cho lứa tuổi nào, tiêm vắc xin nào, thời điểm nào thì chưa có.
Đối với Hà Nội, theo Giám đốc Sở Y tế trước mắt chưa thể triển khai tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, nếu có triển khai thì cũng tiêm ở lứa tuổi từ 12 tuổi đến đủ 18 tuổi.
“Có thể như thế, vì hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhưng trước mắt theo quan điểm chỉ đạo của Bộ là sẽ tiêm cho lứa tuổi từ 12 trở lên”, bà Hà nhấn mạnh lại.
Trả lời câu hỏi, vậy trẻ 3 tuổi có cần đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 ở các tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội đang triển khai hay không?
Cho rằng trẻ 3 tuổi cũng là lứa tuổi tiêm chủng nhưng Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định hiện giờ quan điểm là sẽ tiêm cho lứa tuổi từ 12 đến đủ 18 tuổi.
“Việc tiêm chủng bao giờ cũng phải có: thứ nhất chỉ định tiêm chủng, thứ hai có sự đồng thuận của người được tiêm chủng. Với trẻ con là sự cam kết và đồng thuận của bố mẹ. Do đó, bố mẹ có thể quyết định việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho con”, TS Trần Thị Nhị Hà cho hay.
Theo Infonet.
Sau khi phát hiện 53 ca mắc COVID-19 trên địa bàn, ngành Y tế Phú Thọ đã điều động gần 1.000 nhân viên y tế tại 12 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tham gia công tác rà soát, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại địa bàn TP.Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh.
Theo đó, thực hiện 20.318/37.054 mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2. Kết quả phát hiện 77 trường hợp nghi ngờ dương tính.
Cụ thể, huyện Lâm Thao tổ chức xét nghiệm diện rộng tại địa bàn 3 xã, thị trấn. Kết quả test nhanh cho 14.000 người, phát hiện 21 trường hợp nghi ngờ dương tính.
Đối với khu vực khoanh vùng, truy vết tại xã Chu Hóa, TP.Việt Trì đã tổ chức xét nghiệm diện rộng đối với người dân xã Chu Hóa với khoảng 6.300 người. Kết quả phát hiện 53 trường hợp nghi ngờ dương tính.
Đối với khu vực xã Thanh Đình, TP.Việt Trì đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm test nhanh 43 trường hợp; phát hiện 1 mẫu nghi ngờ dương tính. Hiện đã được lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR.
Tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, ngành y tế huyện hiện đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với 550 trường hợp tại Trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng, qua đó phát hiện 2 trường hợp nghi ngờ đây.
Theo Lao động.
"Bên cạnh những mặt đạt được, để có kết quả kiểm soát dịch như hôm nay, thành phố đã trả một cái giá không nhỏ", Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nói tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba HĐND thành phố khóa X, sáng 18/10 khi đề cập tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng qua.
Theo bà Lệ, Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần 5 tháng qua buộc thành phố phải duy trì giãn cách xã hội nhiều lần và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch triệt để, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân.
Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm nay giảm mạnh; giá trị tổng sản phẩm (GRDP) ước giảm 4,98% và dự báo cả năm giảm 5,06% (mục tiêu tăng 6%). Tổng số vốn đầu tư công giải ngân chỉ đạt 32% kế hoạch. Qua rà soát 20 chỉ tiêu chủ yếu (với 29 chỉ tiêu thành phần) năm 2021 theo Nghị quyết HĐND thành phố, dự kiến chỉ hoàn thành 11 chỉ tiêu, không hoàn thành 13 chỉ tiêu, 5 chỉ tiêu chưa tính toán được trong thời điểm này.
"Dự báo thu ngân sách nhà nước không giảm sâu, nhưng việc hoàn thành kế hoạch năm nay sẽ khó khăn", bà Lệ nói. Năm 2021, TP HCM được Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách 365.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch HĐND TP HCM, đây là kỳ họp quan trọng để HĐND thành phố đánh giá toàn diện nỗ lực, cố gắng của thành phố trong kiểm soát Covid-19. Đồng thời, cơ quan dân cử thành phố sẽ tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp những tháng cuối năm.
HĐND thành phố sẽ thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết liên quan các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, văn hóa - xã hội, như: kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố giai đoạn 2021-2025; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài; hỗ trợ giáo dục cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập...
Kỳ họp này cũng sẽ bầu Ủy viên UBND TP HCM với Giám đốc Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo và Chánh văn phòng UBND thành phố.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết sau 5 tháng đợt dịch thứ tư bùng phát, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành và các nước, hiện TP HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
"Đến hôm nay, HĐND thành phố có thể báo cáo trước đồng bào, cử tri thành phố cả 22 quận, huyện trên địa bàn đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới", bà Lệ nói.
Tính đến 17/10, thành phố ghi nhận 417.208 ca nhiễm, 240.797 ca trị khỏi xuất viện. Số ca nhiễm trong ngày đã giảm xuống mức 3 con số; số tử vong giảm xuống 2 con số; tỷ lệ tiêm vaccine mũi một cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt gần 99% và tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố; tỷ lệ sử dụng giường điều trị Covid-19 giảm còn 22% so với công suất.
Thực hiện Chỉ thị số 18 của Chủ tịch UBND thành phố, từ 1/10 một số hoạt động kinh tế - xã hội được mở cửa trở lại, tại những nơi bảo đảm tiêu chí an toàn.
Theo VnExpress.