Cập nhật lúc 16:10 - 11/04/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 17/3: Phát hiện di chứng mới ở người khỏi Covid-19

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-03-16T23:03:00

    Bí thư Đinh Tiến Dũng: Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch

    Chiều 16-3, tại cuộc gặp mặt, đối thoại với đoàn viên, thanh niên thủ đô nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn 26-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin thêm về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trên địa bàn thành phố.

    Ông cho biết, suốt mấy tuần liền số lượng ca mắc mới ở Hà Nội luôn ở mức bình quân 30.000 - 31.000 ca/ngày, nhưng con số thống kê đã giảm mấy ngày gần đây, như hôm qua (15-3) giảm xuống 26.000 ca/ngày.

    "Chúng tôi theo dõi, đánh giá có lẽ bắt đầu qua đỉnh dịch. Trên 99% người mắc bệnh trong thời gian vừa qua được điều trị tại nhà, rất nhẹ khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, 3 mũi" - ông Dũng nhận định.

    Thông tin về những lĩnh vực ưu tiên của thành phố trong nhiệm kỳ này, Bí thư Thành ủy cho biết, giai đoạn 2020 - 2025 thành phố xác định lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cốt lõi, cấp thiết, có điểm nhấn để ưu tiên triển khai, nhằm tạo ra những đột phá quan trọng. Trong đó, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, phát triển hạ tầng giao thông… 

    Nói riêng về lĩnh vực y tế, ông Đinh Tiến Dũng cho biết trong bối cảnh dịch vừa qua, xếp hạng y tế của thủ đô so với cả nước "dù cao nhưng rất mong manh".

    Ông thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cần nhìn nhận lại, như việc quá tải hệ thống y tế ở xã, phường. Theo đơn vị hành chính, mỗi xã, phường có 1 trạm y tế với 5 người, tối đa 10 người. Tuy nhiên, ở những phường có đến 9 vạn dân khi dịch bùng phát nhưng với đội ngũ y tế chỉ tối đa 10 người làm sao chống chịu được?

    Do đó, ông đề nghị phải huy động các lực lượng y tế ngoài công lập và phải có cơ chế chính sách cho việc này.

    "Lực lượng y tế trung ương trên địa bàn nhưng có chừng mực thôi, quan trọng là hệ thống tổ chức, hệ thống chính trị cơ sở. Thanh niên tình nguyện phải vào cuộc, các tổ theo dõi, hỗ trợ phải vào cuộc, các tổ COVID-19 phải vào cuộc" - ông Dũng nói.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-17T00:03:00

    Mỗi ngày vẫn gần 100 bệnh nhân COVID-19 tử vong, người bệnh nền nhập viện khi đã chuyển nặng

    Theo báo cáo của Bộ Y tế, những ngày qua, dù tỉ lệ tử vong đã giảm nhiều nhưng cả nước vẫn ghi nhận trên 60 - 90 ca tử vong/ngày. Bình quân trong tuần vừa qua ghi nhận 74 ca tử vong/ngày, tuần trước đó là 84 ca/ngày.

    10 tuần đầu năm, cả nước gần 8.700 bệnh nhân COVID-19 tử vong

    Tại TP.HCM, số ca mắc COVID-19 những ngày qua đang có xu hướng giảm nhẹ, duy trì khoảng 2.000 ca đến trên 3.000 ca/ngày. So với các tỉnh thành khác trên cả nước, TP.HCM được "xếp loại" là địa phương ghi nhận số ca nhiễm ở mức trung bình khi nhiều địa phương khác có tới trên 4.000 đến trên 26.000 ca/ngày.

    Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, tính đến ngày 13-3, TP.HCM có 569.769 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Số ca tử vong cộng dồn đến nay là 20.435 ca. Như vậy, tỉ lệ ca tử vong trên tổng số ca nhiễm tại TP là 3,5%, cao hơn tỉ lệ chung của cả nước là 0,6%.

    Về ca bệnh nặng, tính đến ngày 13-3, các bệnh viện trên địa bàn TP điều trị 88 bệnh nhân nặng, thở máy, 3 bệnh nhân can thiệp ECMO.

    Ngày 16-3, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện số ca tử vong do mắc COVID-19 tại TP.HCM đang ở mức thấp nhất trong đợt dịch này, mỗi ngày có 2 - 4 ca, trong đó có cả ca bệnh ở các tỉnh chuyển đến.

    Trong khi đó, tỉ lệ tử vong/tổng số mắc COVID-19 mới cả nước cũng giảm xuống mức rất thấp, ở tuần thứ 10 năm 2022 giảm còn 0,07%, trong khi 6 tuần đầu năm, con số này vẫn ở mức trên 1%.

    Nhưng có thể thấy tỉ lệ tử vong hiện nay ở mức thấp một phần là do số ca mắc mới cả nước những ngày qua tăng cao. Còn so về số lượng, mỗi ngày trên 60 - 90 bệnh nhân COVID-19 tử vong vẫn là cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch đang lưu hành như sởi, sốt xuất huyết...

    Tính chung 10 tuần đầu năm cũng có tới gần 8.700 bệnh nhân COVID-19 tử vong vẫn là con số rất cao và rất cần phải kéo giảm.

    Vẫn cần chú ý người chưa tiêm vắc xin, có bệnh nền, trên 65 tuổi

    Theo kết quả phân tích của ngành y tế TP.HCM, phần lớn trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 trên địa bàn TP có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vắc xin.

    Đặc biệt, khi có triệu chứng cần nhập viện thì những trường hợp này đã ở mức độ nặng và chưa được phát hiện là F0 trước đó nên chưa được sử dụng thuốc kháng virus.

    Theo bà Huỳnh Mai, ngành y tế TP hiện vẫn tiếp tục cao điểm chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao (trên 65 tuổi, có bệnh nền) từ ngày 8 đến 31-3-2022.

    Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để làm sao tất cả người dân khi là F0 phải khai báo đủ thông tin, có nhân viên y tế đến bảo vệ cho họ, cũng như giúp những người thân của họ không bị lây nhiễm.

    Tại Hà Nội, địa phương có số mắc COVID-19 và số tử vong cao hơn các địa phương khác thời gian gần đây, thì hiện số ca mắc mới đã giảm liên tục (dù chậm) trong gần 1 tuần qua, số tử vong cũng giảm.

    Một đại diện Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết thời điểm sau Tết Nguyên đán bệnh viện này thường xuyên có 180 bệnh nhân nội trú, hiện con số này giảm còn 120 bệnh nhân.

    Trước đây có nhiều ngày liên tục ghi nhận 2 - 3 ca tử vong/ngày thì hiện có thời điểm vài ngày không ghi nhận bệnh nhân tử vong.

    Vị này cũng cho hay có điểm chung ở nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong là tuổi trên 65, có bệnh nền và chưa tiêm/tiêm chưa đủ mũi vắc xin.

    Cần tiếp tục kéo giảm tỉ lệ tử vong

    Thời điểm tháng 8 và 9-2021, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 cả nước lên 2,2%, cao hơn tỉ lệ chung của thế giới. Khi đó, TP.HCM tỉ lệ tử vong lên đến trên 4%. Hiện nay con số này dù giảm nhiều nhưng vẫn ở mức TP.HCM là 3,5%, các tỉnh thành Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang cũng cao, từ xấp xỉ 2% đến 3,4%/tổng số mắc.

    Số bệnh nhân tử vong hằng ngày hiện nay, dù đã giảm nhiều nhưng liên tục lên xuống và có những ngày ở mức cao. Hai ngày 13 và 14-3 ghi nhận tới trên 90 ca tử vong/ngày, trung bình 7 ngày vừa qua mỗi ngày 74 ca tử vong. Tuần trước đó bình quân 84 ca/ngày và trước đó nữa là 87 ca/ngày.

    Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào đầu tháng 3, Bộ Y tế cho biết số tử vong như kể trên là cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch đang lưu hành, như sốt xuất huyết năm 2021 ghi nhận hơn 20 ca tử vong; bệnh dại 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 40 ca tử vong...

    Kéo giảm số ca COVID-19 tử vong xuống thấp hơn nữa bằng cách nào? Một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng biện pháp đều đã có, vấn đề là thực hiện có đúng. Đặc biệt phải chú ý đến nhóm nguy cơ cao, rà soát nhóm chưa tiêm vắc xin và có bệnh nền. Có như vậy mới giảm thêm được tử vong. 10 tuần đầu năm mà gần 8.700 người ra đi vì COVID-19, con số vẫn còn rất lớn.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-17T00:03:00

    Số ca mắc COVID-19 tăng do biến thể Omicron tàng hình lây lan trên toàn cầu

    Tại châu Âu, Đức tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm kỉ lục theo ngày, với hơn 250.000 ca mắc mới/ngày. Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan và Italy cũng ghi nhận xu hướng lây nhiễm tăng trở lại, do các nước nới lỏng quy định giãn cách, phòng dịch cùng với đó là sự lây lan của biến thể phụ Omicron.

    Số ca nhập viện cũng tăng ở nhiều nước châu Âu trong vài tuần gần đây. Nhưng tỉ lệ tử vong vẫn giữ ở mức thấp so với các đỉnh dịch trước đây nhờ tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao.

    Giới chức y tế và các nhà khoa học đang theo dõi chặt BA.2, vốn được mô tả là “biến thể tàng hình”, bởi chúng có đột biến gien khiến việc phân biệt với biến thể Delta khó khăn hơn khi sử dụng phương pháp xét nghiệm PCR.

    Với tốc độ lây lan nhanh, Omicron vượt Delta để trở thành biến thể trội trên toàn cầu. Nhưng các nhà khoa học Đan Mạch cho rằng BA.2 thậm chí có tốc độ lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với BA.1. Biến thể phụ Omicron này hiện chiếm hơn 50% số ca nhiễm tại Đức.

    Còn tại Mỹ, BA.2 chiếm gần 25% số ca mắc mới – theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 15/3. Riêng tại một số bang như New Jersey, New York, Puerto Rico và quần đỏa Virgin Islands, con số này là 39%. Tỉ lệ này chắc chắn sẽ còn tăng, như những gì đã và đang diễn ra ở châu Âu.

    Tại châu Á, Trung Quốc đang đối diện với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mạnh nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Trao đổi với mạng tin Caixin ngày 14/3, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của nước này, ông Zhang Wenhong, cho biết số ca nhiễm tại đại lục hiện ở giai đoạn đầu của đợt dịch mới, sẽ còn tăng. Ông cũng cho biến thể phụ BA.2 chiếm phần lớn ca nhiễm mới.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kết quả giải trình tự gien cho thấy BA.2 khác với BA.1 khi có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác, khiến BA.2 có lợi ưu thế tăng trưởng mạnh hơn so với BA.1 và không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn, song lây nhanh hơn. Dựa vào kết quả nghiên cứu bước đầu, WHO cho biết những người từng bị nhiễm BA.1 có được lớp bảo vệ tốt hơn trước khả năng tái nhiễm với BA.2.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-17T00:03:00

    Việt Nam nghiên cứu tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ tư

    Ngày 16/3, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cơ sở khoa học để tiêm mũi 5 khi cần thiết.

    Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thần tốc hơn nữa, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tiêm vaccine; không để sót, lọt người trong diện tiêm. Việt Nam phấn đấu hoàn thành tiêm mũi thứ hai cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi ngay khi được phân bổ.

    Việt Nam đã tiêm được hơn 200 triệu liều vaccine, cơ bản phủ đủ liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi, đạt tỷ lệ cao so với các nước. Các đơn vị đã hoàn thành thủ tục mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

    DIỄN BIẾN DỊCH  NGÀY 17/3: Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch - Ảnh 1.

    Dù dịch bệnh tăng cao trên diện rộng, nhiều mục tiêu về kiểm soát dịch bệnh trên cả nước được đảm bảo. Số ca nhiễm mới tăng nhưng số ca tử vong, chuyển nặng, nhập viện đều giảm.

    Cuối năm ngoái, Anh công bố nghiên cứu cho thấy khả năng ngăn ngừa lây nhiễm nCoV của liều vaccine tăng cường (liều thứ ba) sẽ suy giảm trong 10 tuần sau tiêm. Ở người được tiêm hai liều vaccine AstraZeneca và một liều tăng cường (vaccine Moderna hoặc Pfizer), hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng là 60% từ hai đến bốn tuần sau tiêm. Tuy nhiên, sau 10 tuần, liều tăng cường Pfizer chỉ tác dụng 35%. Liều tăng cường Moderna hiệu quả 45% trong tối đa 9 tuần.

    Israel, Chile và một số nước châu Âu đã tiêm liều thứ tư cho người dân, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia châu Á chờ đợi dữ liệu về tính cần thiết và hiệu quả của chương trình này.

    Theo VnExpress

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-17T01:03:00

    Phát hiện di chứng mới ở người khỏi Covid-19

    Nguy cơ bị trầm cảm kéo dài cao hơn

    Theo NBC News, công trình này xem xét tỷ lệ phổ biến của bệnh trầm cảm, lo âu, đau khổ liên quan Covid-19 và chất lượng giấc ngủ kém ở những người có và không nhiễm nCoV. Các mẫu được thu thập từ tháng 2/2020 đến tháng 8/2021.

    Phân tích dựa trên gần 250.000 người dân ở Đan Mạch, Estonia, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Trong thời gian đó, khoảng 4% (9.979 người) có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.

    Các tác giả phát hiện so với người khỏe mạnh, bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ bị trầm cảm kéo dài hoặc khó ngủ. Các vấn đề này thuyên giảm dần sau 2 tháng. Song, nhiều trường hợp vẫn phải đối mặt di chứng về sức khỏe tâm thần lên tới 16 tháng kể từ thời điểm nhiễm virus.

    DIỄN BIẾN DỊCH  NGÀY 17/3: Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch - Ảnh 1.


    Nghiên cứu mới phát hiện hậu Covid-19, F0 từng phải nằm viện điều trị hoặc bệnh nặng có nguy cơ bị trầm cảm, lo âu cao và kéo dài tới 16 tháng. Ảnh: Yahoo.

    Nhóm chuyên gia cũng nhận thấy gánh nặng sức khỏe tâm thần không tương đồng ở các F0. “Thời gian nằm điều trị, mức độ của bệnh là yếu tố chính tác động tới sức khỏe tâm thần của những người này và quyết định tình trạng nhẹ hay nặng”, GS Unnur Anna Valdimarsdóttir, Đại học Iceland, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

    Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ mang tính chất quan sát. GS Valdimarsdóttir và các cộng sự nhấn mạnh họ không xác định được mối liên hệ chính xác giữa tình trạng Covid-19 nghiêm trọng và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần lâu dài.

    Đa số F0 chuyển nặng đều bị ảnh hưởng

    Đây là phát hiện quan trọng thứ hai mà nhóm tác giả đưa ra trong nghiên cứu. Những F0 phải nằm liệt giường từ 7 ngày trở lên có tỷ lệ trầm cảm, lo lắng cao hơn nhóm bệnh nhân còn lại.

    Ngoài ra, hầu hết triệu chứng sức khỏe tâm thần ở F0 khỏi bệnh giảm dần, song, riêng các trường hợp nghiêm trọng phải đối mặt tình trạng này tới 16 tháng. Những người nằm liệt giường từ 7 ngày trở lên cũng có nguy cơ bị trầm cảm, lo lắng cao hơn 50-60% so với nhóm không mắc Covid-19.

    Đồng tác giả Ingibjörg Magnúsdóttir, Đại học Iceland, nhấn mạnh nhiều yếu tố có thể tác động vấn đề này. Việc cách ly xã hội vì phải nằm điều trị bệnh ít nhất một tuần có thể góp phần dẫn tới cảm giác trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi kéo dài.

    Ngoài ra, các dấu hiệu chung của di chứng Covid-19 thường kéo dài ít nhất 3 tháng với triệu chứng mệt mỏi nhiều, khó nhận thức, chú ý và giảm khả năng làm các công việc hàng ngày cũng tác động không nhỏ. “Có thể nhóm bệnh nhân này vẫn đang trải qua các triệu chứng hậu Covid-19 và thúc đẩy những ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần hoặc ngược lại”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

    Bà cũng nói thêm phản ứng viêm ở F0 thể nặng có thể góp phần khiến các triệu chứng sức khỏe tâm thần dai dẳng hơn. Điều này cũng giải thích các F0 thể nhẹ trong nghiên cứu ít bị trầm cảm, lo lắng.

    Tình trạng viêm liên tục do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức cũng liên quan các triệu chứng trầm cảm sau khi ốm và có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm cơ não Myalgic (ME) hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính.

    Trên thực tế, các F0 thể nhẹ ít có nguy cơ gặp trầm cảm, lo lắng hơn 17-23%. Kết quả này vẫn đúng ngay cả khi nhóm tác giả điều chỉnh các yếu tố như bệnh tâm thần trước đó, tuổi tác, chỉ số khối (BMI)... Giả thuyết đưa ra là việc hồi phục sau một đợt mắc bệnh nhẹ mang lại cảm giác nhẹ nhõm. Dù vậy, những người không bị nhiễm virus vẫn lo lắng về điều có thể xảy ra nếu họ mắc bệnh.


    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của Covid-19 tới sức khỏe tâm thần sau khi người mắc khỏi bệnh. Ảnh: The Independent.

    Tuy nhiên, kết quả trên khá trái ngược với một nghiên cứu trước đó được công bố trên tạp chí British Medical Journal -BMJ của nhóm chuyên gia Đại học Washington, Mỹ. Công trình này cho thấy người mắc Covid-19 có nguy cơ bị chẩn đoán trầm cảm cao hơn 39%, tâm lý lo lắng cao hơn 35% so với nhóm không bị nhiễm virus. F0 còn có khả năng mắc các chứng căng thẳng, rối loạn tâm lý cao hơn 38%, rối loạn giấc ngủ cao hơn 41%.

    Theo New York Times, các tác giả đã phân tích hồ sơ y tế của gần 154.000 người mắc Covid-19 trong hệ thống Quản lý Y tế Cựu chiến binh tại Mỹ, trải nghiệm của họ sau khi hồi phục và so sánh với nhóm không bị nhiễm bệnh.

    Sau khi khỏi Covid-19, tỷ lệ người bệnh phải dùng thuốc trầm cảm theo chỉ định tăng 55%, thuốc chống lo âu tăng 65%. Nhìn chung, hơn 18% bệnh nhân Covid-19 gặp phải ít nhất một vấn đề về tâm lý, thần kinh trong một năm sau khi khỏi. Con số này cao hơn nhóm không mắc Covid-19 60%.

    Điều đặc biệt ở nghiên cứu này đó là ngay cả những người bị bệnh nhẹ cũng có nguy cơ cao tương tự.

    Theo GS Ziyad Al-Aly, Đại học Washington, Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu, nhiều người cho rằng F0 bị trầm cảm vì họ lo lắng khi rơi vào trạng thái bệnh nặng, nguy kịch hay thời gian dài trong phòng chăm sóc đặc biệt. Song, hiện tượng này không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn tác động cả với nhóm bệnh nhẹ, không phải nhập viện.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-17T01:03:00

    'Hậu Covid-19 biến chứng nặng là xa xưa rồi' nhưng những nhóm nào vẫn cần đi khám ngay?

    WHO công bố 3 triệu chứng phổ biến hậu Covid-19

    Mới đây, TS. Janet Diaz, trưởng nhóm quản lý lâm sàng tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết 3 triệu chứng hậu Covid-19 thường gặp nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.

    Có khoảng 200 triệu chứng hậu Covid-19 được ghi nhận từ các bệnh nhân đã từng hoặc đang trong giai đoạn hậu Covid-19. Tiến sĩ Diaz cho biết hậu Covid-19 thường kéo dài 2 tháng nhưng nếu các triệu chứng này biến mất sau một vài tuần hay một tháng thì không được coi là hậu Covid-19.

    PGĐ bệnh viện Covid-19: Hậu Covid-19 biến chứng nặng là chuyện thời biến chủng cũ + chưa tiêm vắc xin

    Lúc chưa tiêm bao phủ vắc xin, cộng với quá tải y tế thì hậu Covid-19 có thể xảy ra. Hiện nay đã tiêm ....

    Trong giai đoạn hậu Covid-19, nhiều người thường cảm thấy mệt mỏi. Tình trạng này thường kéo dài trong nhiều tuần. Các chuyên gia y tế nói mệt mỏi là triệu chứng khá phổ biến ở tất cả bệnh nhân đã bình phục Covid-19.

    Tương tự, khó thở hoặc hụt hơi cũng là một triệu chứng thường gặp ở những người từng là F0. Covid-19 cũng ảnh hưởng đến chức năng bình thường của não bộ. Tiến sĩ Diaz nói thuật ngữ phổ biến để chỉ điều này là sương mù não. Người gặp triệu chứng này sẽ khó tập trung hơn, sa sút trí nhớ, khó ngủ, giảm hiệu suất công việc.

    DIỄN BIẾN DỊCH  NGÀY 17/3: Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch - Ảnh 1.

    PGS. TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia đầu ngành hồi sức cấp cứu, Tiểu ban điều trị BN Covid-19 (Bộ Y tế) khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Xanh Pôn

    Ngoài ra, chuyên gia WHO cho biết một trong những tác động nghiêm trọng và quan trọng nhất của Covid-19 có liên quan đến sức khỏe tim mạch, với các biểu hiện như khó thở và tim đập nhanh. Bà Diaz nhấn mạnh không nên bỏ qua các bài tập sức khỏe tim mạch.

    Ai cần đi khám ngay? 

    BSCKII. Trần Minh Thảo, Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở bệnh nhân sau nhiễm Covid có rất nhiều các triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất người bệnh.

    Nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid nhưng đến khám muộn làm tình trạng thêm nặng nề, tăng tỷ lệ nhập viện, đặc biệt ở nhóm có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết…

    Theo BSCKII. Trần Minh Thảo, sau khi khỏi bệnh, nếu có một trong số các triệu chứng sau, người bệnh nên đi khám hậu Covid. Đặc biệt, với những người bệnh có bệnh lý nền mà mắc một trong các dấu hiệu trên thì phải đến bệnh viện để khám ngay.

    Sốt nhẹ

    Khó thở

    Tức ngực

    Ho kéo dài

    Mệt mỏi

    Đau cơ

    Rối loạn nhịp tim

    Rối loạn tiêu hóa

    Huyết áp không ổn định

    Rụng tóc…

    Đáng lưu ý, để giảm tỷ lệ nhập viện do hậu Covid gây ra, người dân nên chủ động khám sức khỏe trong vòng 1 - 3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh.

    Cụ thể: Cần phải đi khám ngay sau khi khỏi bệnh với nhóm: Có bệnh lý nền;  tuổi > 60 tuổi;  Khi mắc bệnh Covid đã từng phải điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực.

    Các đối tượng khác nhưng có các triệu chứng nặng nề hoặc bất thường phải đi khám ngay.

    BSCKII. Trần Minh Thảo cũng lưu ý, thông thường các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ cho người bệnh làm xét nghiệm cơ bản như: máu, nước tiểu, điện tim, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim và một số thăm dò sâu hơn nếu cần thiết (ví dụ cắt lớp phổi…).

    “Tùy từng trường hợp cụ thể mà sau khi khám xong, bác sỹ sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí các thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh”, BSCKII. Trần Minh Thảo nhấn mạnh.

    Theo Infonet

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-17T02:03:00

    Hiện tượng nhiều F0 gặp phải hậu Covid-19

    Đa số người mắc Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ đến trung bình, tuy nhiên, một số bệnh nhân bị ảnh hưởng trong nhiều tháng.

    Một trong những tác động của Covid-19 là ảnh hưởng tới thần kinh khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi liệu căn bệnh này có thể tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hay không?

    Theo Medical News Today, các chuyên gia cho rằng giả thuyết có thể giải thích nguyên nhân F0 bị ảnh hưởng thần kinh hậu Covid-19 là virus có thể lây nhiễm sang hệ thần kinh ngoại vi và trung ương, gây ra các đợt viêm.

    SARS-CoV-2 thường xâm nhập vào cơ thể thông qua các giọt bắn vào mũi hoặc miệng và di chuyển đến cổ họng. Sau đó, nó có thể di chuyển đến phổi và các cơ quan khác cũng như xâm nhập vào hệ thần kinh.

    Hàng rào máu não ngăn chặn hầu hết virus xâm nhập vào não, nhưng trong trường hợp nhiễm trùng nặng, thiếu oxy và cytokine, nCoV có thể gây hại hàng rào máu não, lây nhiễm các tế bào thần kinh ngoại biên, xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.

    Giáo sư Harris Gelbard, Giám đốc Trung tâm Khám phá Neurotherapeutics thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rochester, cho biết một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra bệnh nhân mắc Covid-19 bị rối loạn chức năng hàng rào dịch tủy máu não, với bệnh lý xảy ra trong các tế bào nội mô nằm dọc theo các mạch máu trong hàng rào máu não.

    Nghiên cứu này không chứng minh về sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong bất kỳ mẫu dịch não tủy nào, nhưng tất cả bệnh nhân trong nghiên cứu này đều mắc Covid-19 đã được xét nghiệm bằng rRT-PCR.

    Công trình khác cũng chỉ ra virus đường hô hấp và tổn thương do các đợt viêm đồng thời dẫn đến các bệnh lý thần kinh khác nhau, gồm hội chứng Guillain-Barres, bệnh não, viêm não, đột quỵ thiếu máu cục bộ, xuất huyết nội sọ và co giật.

    Một số nghiên cứu đã chỉ ra SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào hệ thần kinh như cách nó xâm nhập vào các tế bào khác, thông qua các thụ thể enzyme chuyển đổi agiotensin 2 (ACE2). Các thụ thể ACE2 được biểu hiện trong các mạch máu nhỏ trong não, có thể cung cấp một con đường xâm nhập tiềm năng cho SARS-CoV-2 vào não.

    Nhiều người nhập viện vì Covid-19 có biến chứng viêm, biến chứng này có thể ảnh hưởng hệ thần kinh. Một nghiên cứu báo cáo về những bệnh nhân bị mê sảng, giảm ý thức, đột quỵ và các bệnh về não khác sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

    Giáo sư Gelbard nói: "Mắc Covid-19 ảnh hưởng bệnh nhân cao tuổi bị bệnh mạch máu thần kinh tiềm ẩn, cho dù đó là từ bệnh mạch máu não, Alzheimer cận lâm sàng, Parkinson hoặc bệnh thoái hóa thần kinh khác. Cơ chế của nó là tạo ra môi trường hệ thần kinh trung ương gây viêm làm suy giảm nhận thức, biểu hiện là mê sảng cấp tính hoặc mê sảng chồng lên chứng mất trí nhớ".

    Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những người mắc chứng mất trí nhớ có nhiều nguy cơ mắc Covid-19 hơn. Tuy nhiên, liệu căn bệnh này có thể làm trầm trọng thêm chứng mất trí hiện tại hoặc gây ra sự phát triển của chứng mất trí nhớ hay không là điều chưa thể khẳng định.

    Những người mắc Covid-19 nặng có nhiều khả năng có các triệu chứng của bệnh thần kinh, cả trong giai đoạn cấp tính và sau đó. Covid-19 nghiêm trọng sẽ xảy ra ở những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền, chẳng hạn thừa cân hoặc béo phì, tiểu đường, bệnh phổi mãn tính và ung thư.

    Các nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất hạn chế Covid-19 ảnh hưởng đến thần kinh là nâng cao sức khỏe não bộ và cơ thể bằng các hoạt động rèn luyện thể chất, tập luyện thể dục thể thao kết hợp kích thích nhận thức.

    Ngoài ra, người bệnh cần ngủ đủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm, duy trì chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ vitamin và các khoáng chất thiết yếu.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-17T05:03:00

    WHO cảnh báo nguy cơ mới của đại dịch Covid-19

    Theo Reuters, sau một tháng giảm, các ca mắc Covid-19 trên thế giới bắt đầu tăng lên vào tuần trước. Đặc biệt, hai tâm chấn lớn nhất của dịch là châu Âu và châu Á. Tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) và nhiều nơi ở châu Á đang trải qua đợt phong tỏa lớn, kéo dài.

    WHO nhận định nhiều yếu tố kết hợp là nguyên nhân gây ra tình trạng này như Omicron có khả năng lây truyền cao cùng chủng phụ BA.2 đang dần chiếm ưu thế ở nhiều nơi; các biện pháp giãn cách xã hội, sức khỏe cộng đồng được nới lỏng.

    Người đứng đầu WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: “Số ca mắc mới trên toàn cầu đang tăng nhanh mặc dù việc xét nghiệm ở một số quốc gia không còn nhiều như trước. Điều này có nghĩa những trường hợp chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 17/3: WHO cảnh báo nguy cơ mới của đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.


    Nhân viên y tế nghỉ ngơi sau nhiều giờ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Quảng trường Farragut, Washington, Mỹ, ngày 23/12/2021. Ảnh: AP.

    Các quan chức của WHO cho biết tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số quốc gia, một phần do "lượng lớn thông tin sai lệch", cũng giải thích cho sự gia tăng này.

    Số ca nhiễm mới tăng 8% trên toàn cầu so với tuần trước, với 11 triệu ca mắc và hơn 43.000 ca tử vong mới được báo cáo từ ngày 7 đến 13/3.

    Bước nhảy vọt lớn nhất là ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Trung Quốc. Những nơi này số ca mắc tăng 25%, số ca tử vong tăng 27%.

    Châu Phi cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng 12% và số ca tử vong tăng 14%. Tại châu Âu, bệnh nhân mới cũng tăng thêm 2% nhưng số người qua đời không thay đổi. Các khu vực khác báo cáo số ca mắc giảm như đông Địa Trung Hải, dù đã chứng kiến mức tăng 38% số ca tử vong.

    Một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại châu Âu phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới. Từ đầu tháng 3, hàng loạt quốc gia nhiều lần báo cáo số ca bệnh kỷ lục trong ngày như Áo, Đức, Thụy Sỹ, Hà Lan và Anh.

    TS Maria Van Kerkhove, chuyên gia WHO, cho biết dòng phụ BA.2 của Omicron đang cho thấy là biến chủng dễ lây lan nhất hiện nay. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy BA.2 gây bệnh nặng hơn hay bằng chứng về sự xuất hiện của biến chủng mới.

    Bức tranh dịch Covid-19 tại châu Âu không đồng đều. Ví dụ, Đan Mạch chứng kiến đỉnh dịch ngắn vào nửa đầu tháng 2 do BA.2 nhưng nhanh chóng giảm.

    Dù vậy, tại Mỹ, các chuyên gia cảnh báo quốc gia này có thể phải đối mặt làn sóng tương tự châu Âu và nguyên nhân chính vẫn là biến chủng BA.2, việc dỡ bỏ hạn chế, khả năng miễn dịch từ vaccine suy giảm theo thời gian.

    Giáo sư miễn dịch học Antonella Viola, Đại học Padua, Italy, cho biết: “Tôi đồng ý với việc nới lỏng các hạn chế. Bởi chúng ta không thể coi đây là trường hợp khẩn cấp sau hai năm. Song, thế giới không thể cho rằng Covid-19 đã biến mất. Việc duy trì các biện pháp nghiêm ngặt, theo dõi liên tục ca mắc mới, đeo khẩu trang ở không gian kín hoặc nơi đông người là cần thiết”.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ