Theo tờ trình gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM, Sở Y tế đề xuất bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ độ tuổi 12-17 từ ngày 22/10.
Tờ trình gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về dự thảo Kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi tại TP.HCM do Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng ký chiều 16/10.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP.HCM. Tất cả học sinh đang đi học từ lớp 6 đến lớp 12. Dự kiến số lượng trẻ trong độ tuổi này khoảng 780.000.
Về hình thức triển khai, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Loại vaccine sử dụng là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt cho lứa tuổi 12-17. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm chủng cùng loại vaccine.
Sở Y tế cũng đề xuất Bộ Y tế cung ứng đủ số lượng vaccine để bao phủ 2 liều vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn.
Các địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế trên địa bàn để vận dụng hình thức tổ chức tiêm chủng phù hợp. Thành phố sẽ tổ chức các hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn, tránh bỏ sót.
Trong quá trình tiêm, Sở Y tế TP.HCM lưu ý kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phân luồng một chiều đối với người đến tiêm, từ bước tiếp đón đến bước cấp giấy xác nhận, kể cả đối với người hoãn tiêm hoặc chống chỉ định.
Nhân viên tại điểm tiêm vaccine cần tư vấn cho phụ huynh hoặc người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine, giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng.
Thông báo cho trẻ tiêm chủng, người giảm hộ về hiệu quả, liều lượng và theo dõi sau tiêm. Việc tiêm chủng chỉ diễn ra khi cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm chủng.
Trẻ được sàng lọc trước tiêm theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế để kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn.
Mỗi điểm tiêm được bố trí đội cấp cứu để theo dõi, xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm, mỗi đội gồm: 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng. Trẻ được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút sau tiêm và hướng dẫn tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm.
Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh đợt tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn TP.HCM được thực hiện theo tinh thần “Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là quyền lợi đối với trẻ, là trách nhiệm đối với cộng đồng”.
Theo Zingnews.
Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cuối giờ chiều ngày 16/10 cho biết, trong 24h qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 41 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, trong đó có 8 người là công dân Thanh Hóa từ các tỉnh khác trở về, đang thực hiện cách ly theo quy định, số bệnh nhân còn lại liên quan đến ổ dịch thị xã Bỉm Sơn.
Theo đó, tại thị xã Bỉm Sơn ghi nhận 32 bệnh nhân mới, nâng tổng số người dương tính tại ổ dịch này lên 49 ca.
Chỉ trong 3 ngày từ 14 -16/10, trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã phát hiện 49 ca dương tính trong cộng đồng, các ca F0 có dịch tễ rất phức tạp, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc đông người đã có 4 học sinh ở 3 cấp dương tính.
Thị xã Bỉm Sơn đã nâng cấp độ phòng chống dịch lên mức cao nhất. Bắt đầu từ 12h00 phút ngày 15/10, trên địa bàn thị xã, tất cả các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, giải khát chỉ được bán hàng mang về, mang đi; tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sau 18h hàng ngày.
Chiều 16/10, tại Bộ Y tế đã diễn ra hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư. Hội nghị kết nối đến 11.000 điểm cầu trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện có một số vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình tiêm chủng cần phải tập trung giải quyết như thông tin tiêm chủng của người dân chưa cập nhật đầy đủ, người đã tiêm chủng nhưng không có thông tin trên Sổ Sức khoẻ điện tử, nhập đuổi dữ liệu tiêm chủng, hay việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng bản giấy…
Nhấn mạnh việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Việc biết tình trạng tiêm chủng của mỗi người dân hết sức quan trọng, do đó 3 Bộ: Y tế - Công an - Thông tin và Truyền thông đã thống nhất cùng triển khai một kế hoạch để quản lý tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin về tiêm chủng một cách chính xác để vừa phục vụ phòng chống dịch, vừa phục vụ việc đi lại và tham gia các hoạt động khác của người dân.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Huy Ngọc giao nhiệm vụ liên quan đến việc xác thực tiêm chủng cho từng đơn vị của ngành công an trong phối hợp với ngành y tế và thông tin, truyền thông; đồng thời nhấn mạnh đơn vị nào không thực hiện nhiệm vụ được giao phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng giao nhiệm vụ cho các Vụ/Cục liên quan trong việc phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công an để đảm bảo thực hiện tiến độ nhập liệu dữ liệu, xác thực tiêm chủng.
Hiện cả nước đã tổ chức tiêm được 61 triệu mũi tiêm, tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần xác thực được hết tất cả thông tin của những người đã tiêm chủng để có thể quản lý thống nhất đồng bộ từ trên xuống dưới.
“Trách nhiệm xác thực thông tin này chính là cấp cơ sở để đảm bảo độ chính xác. Không ai có thể nắm được người tiêm chủng nhanh nhất bằng cán bộ trạm y tế, cán bộ công an xã/ phường” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo VOV.
Một tuần sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều địa phương công bố mức độ dịch và đưa ra các hướng dẫn thực hiện với các loại hình kinh doanh, dịch vụ, hoạt động vận tải hành khách...
Tại Lào Cai, UBND tỉnh này công bố dịch Covid-19 trên địa bàn hiện ở cấp 1, nguy cơ thấp và đạt mức "bình thường mới". Theo đó, địa phương cho phép tổ chức đám hỏi, đám cưới, đám tang, nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng chống chống dịch như giữ khoảng cách 1 m giữa các bàn ăn, hạn chế việc mời khách ngoại tỉnh.
Lào Cai cũng cho phép tổ chức các hoạt động tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được phép hoạt động.
Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao,... cũng được phép hoạt động với yêu cầu đảm bảo 5K, giới hạn số người tham gia cùng lúc.
Tương tự, các địa phương miền Bắc như Nam Định, Bắc Ninh, Cao Bằng, Quảng Ninh, cũng công bố cấp độ dịch ở cấp 1. Với cấp độ này, toàn tỉnh, thành phố cơ bản về trạng thái "bình thường mới", hầu hết hoạt động được khôi phục với điều kiện đảm bảo các biện pháp an toàn với dịch bệnh.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai ngày 15/10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phan Huy Anh Vũ cho biết căn cứ Nghị quyết số 128, tỉnh Đồng Nai thuộc cấp độ 1 (bình thường mới).
Ở quy mô cấp huyện, Đồng Nai không ghi nhận địa phương nào ở cấp độ 3, 4. Có 3 địa phương ở cấp độ 2 (TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom). 8 địa phương còn lại xếp cấp độ 1. Ở quy mô cấp xã, không ghi nhận xã nào ở vùng cấp độ 4; còn 8 xã xếp cấp độ 3; 12 xã cấp độ 2 và 150 xã cấp độ 1.
Với cấp độ bình thường mới, Nghị quyết 128 cho phép địa phương hoạt động lại tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, cơ sở làm đẹp…
Tuy nhiên, đến 15h ngày 17/10, Đồng Nai chưa có văn bản chính thức công bố việc cho phép hoạt động trở lại các lĩnh vực này. Riêng Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa công bố cấp độ dịch.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa ra văn bản về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp độ 2 trên toàn tỉnh, dựa theo các tiêu chí nêu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Với cấp độ này, người dân tỉnh Vĩnh Phúc được yêu cầu không tập trung quá 50 người tại khu vực công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và khi thực hiện các hoạt động thể thao ngoài trời.
Các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao trong nhà được hoạt động nhưng không quá 30 người mỗi ca. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, triển lãm, chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa khác, giải đấu thể thao được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất.
Trong khi đó, nhà hàng ăn uống được phép hoạt động nhưng không quá 70% công suất, đóng cửa trước 23h hàng ngày.
Tương tự, Hưng Yên cũng công bố tỉnh hiện đạt cấp độ dịch ở cấp 2. Địa phương này yêu cầu không hoạt động quá 50% công suất, không quá 10 người trong một phòng kín với các dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán giải khát; cơ sở cắt tóc, gội đầu, spa, chăm sóc sắc đẹp, massage, gym, yoga...
Địa phương tiếp tục dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vỉa hè; dịch vụ vũ trường, karaoke, quán bar, game, Internet.
Tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến cho biết theo hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, địa phương sẽ mở nhiều hoạt động, dịch vụ tương đương với cấp độ 2.
Theo đó, Đà Nẵng cho phép cơ sở ăn uống, nhà hàng được phép mở cửa bán tại chỗ với mật độ tập trung không quá 50%, các hoạt động hội nghị tập trung không quá 40 người. Địa phương cũng chưa cho phép mở lại hoạt động kinh doanh karaoke, massage, vũ trường, spa.
Cùng với 3 tỉnh, thành phố trên, nhiều địa phương khác cũng công bố mức độ dịch ở cấp 2 là: Quảng Trị, Bình Phước, Long An, Cần Thơ.
Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn đáp ứng ở cấp độ 1, nguy cơ thấp và ở trạng thái "bình thường mới". Hai tiêu chí được đánh giá gồm: tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccine.
Hà Nội đang trong tiến trình mở cửa từng bước một. Ngày 15/10, TP cho hoạt động lại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.
Trong khi đó, đến chiều 17/10, UBND TP.HCM chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy nhiên, tại chương trình livestream "Dân hỏi – Thành phố trả lời" tối 15/10, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đánh giá thành phố đang ở cấp độ 3 (vùng cam) và có thể sớm chuyển sang cấp độ 2 (vùng vàng).
Theo ông, mức độ nguy cơ về dịch bệnh ở TP.HCM thay đổi theo từng ngày nên Sở Y tế đang yêu cầu các quận, huyện hàng tuần đánh giá lại tùy theo số ca mắc mới. Việc đánh giá thường xuyên sẽ thuận lợi cho người dân khi lưu thông đến khu vực, địa bàn khác.
Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, TP.HCM duy trì hình thức tầm soát ngẫu nhiên ở nơi nguy cơ như trường học, bệnh viện, siêu thị. Trung tâm y tế các quận, huyện hoặc HCDC sẽ thực hiện việc này bằng cách xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% người đang làm việc trong cùng cơ quan, thay vì xét nghiệm tầm soát hàng loạt như trước đây
Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất cũng phải tổ chức xét nghiệm khi phát hiện nhân viên nào có triệu chứng nghi ngờ.
Theo Zingnews.