Chiều 15/11, UBND TPHCM đã công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM tính đến ngày 12/11.
Theo đó, trong tuần lễ từ ngày 6 – 12/11, cấp độ dịch cấp thành phố đối với TPHCM vẫn là cấp 2, tương đương vùng vàng, không thay đổi so với tuần trước. Tuy nhiên, đối với cấp quận huyện và TP Thủ Đức, cấp độ dịch có sự thay đổi theo hướng xấu hơn.
Cụ thể, số quận huyện đạt cấp 1 chỉ còn 10/22 địa phương, giảm 3 địa phương so với tuần trước. Có 11/22 địa phương cấp độ dịch đạt cấp 2, tăng 4 địa phương so với tuần trước. Cấp độ dịch đạt cấp 3 còn 1 địa phương.
Đối với cấp phường, xã, thị trấn, TPHCM có 161/312 địa phương ở cấp 1, 146/312 địa phương đạt cấp 2, 5/312 địa phương đạt cấp 3.
Tại chương trình livestream "Dân hỏi, Thành phố trả lời" tối 12/11, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết vài ngày qua, số ca nhiễm có dấu hiệu tăng trở lại trên toàn địa bàn TPHCM, trong đó có 5 quận huyện tăng cao nhất là quận Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP Thủ Đức,…
Nguyên nhân số ca nhiễm tăng trở lại là do TPHCM nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 để phục hồi kinh tế và mở lại các hoạt động xã hội.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, vẫn còn một bộ phận người dân chưa đảm bảo giữ khoảng cách, vẫn tập trung đông người. Virus SARS-CoV-2 có thể vượt qua được kháng thể của cơ thể nên dù người dân tiêm đủ liều vắc xin cũng không được chủ quan.
"Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách, 5K, đeo khẩu trang, rửa tay, đặc biệt là bỏ thói quen đưa tay lên mắt, mũi, miệng…", ông Châu khuyến cáo.
Theo Tiền phong
Ngày 15/11, trên quy mô cả nước, số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, chạm mốc 8.616 ca. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số ca F0 xuất hiện nhiều thêm.
Tính từ 16 giờ ngày 14/11 đến 16 giờ ngày 15/11, Việt Nam ghi nhận 8.616 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Tây Ninh có số mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó.
Trong số các ca nhiễm mới có 13 ca nhập cảnh và 8.603 ca ghi nhận trong nước (tăng 440 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 3.950 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Tây Ninh (tăng 247 ca), Tiền Giang (tăng 226 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 180 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.341 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.035.138 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.030.096 ca, trong đó có 861.699 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.205 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 864.516 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.950 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 14/11 đến 17 giờ 30 ngày 15/11, Việt Nam ghi nhận 101 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.183 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội ghi nhận kỷ lục 289 ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 14/11 đến 18 giờ ngày 15/11 Hà Nội ghi nhận 289 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 47 ca cộng đồng, 178 ca trong khu cách ly và 64 ca trong khu phong tỏa.
Đây là số ca nhiễm cao nhất kể từ đầu dịch.
TP Hồ Chí Minh: Nhiều quận, huyện tăng F0
Bản tin dịch COVID-19 ngày 15/11 của Bộ Y tế cho biết có thêm 8.616 ca mắc COVID-19 tại 57 tỉnh, thành phố. Trong đó địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất vẫn là TP.HCM với 1.165 ca, tăng 180 so với ngày 14/11.
Chiều 15/11, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố ở cấp độ 2, giữ nguyên như 3 tuần trước. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số quận, huyện “vùng xanh” đã giảm và số địa phương “vùng vàng” lại tăng.
Theo thông báo mới nhất của UBND TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có dịch ở cấp độ 2.
Theo thống kê, hiện TP Hồ Chí Minh có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà, chiếm tỷ lệ 73% trên tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù số ca bệnh tại một số địa phương có xu hướng tăng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát của thành phố. Thành phố luôn quán triệt quan điểm của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là bao giờ cũng phải chuẩn bị trước một bước và trên một mức để chủ động trước các tình huống.
Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, tùy theo tình hình dịch bệnh, ngành y tế sẽ duy trì hoặc thành lập các trạm y tế lưu động mới ở các phường, xã và quận, huyện. Số trạm y tế lưu động này được thành lập phải tương xứng với số ca F0 cần chăm sóc ở quận, huyện đó. Đến nay, ngành y tế cũng đã tăng cường 70 trạm y tế lưu động cho các quận, huyện có số F0 tăng.
Theo Báo Tin tức
Tối 15-11, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong - Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM - cho biết từ ngày 1-1 đến nay có 17.202 người mất vì COVID-19 được ghi nhận tại TP. Bộ Tư lệnh đã lo hậu sự và bàn giao tro cốt cho người thân.
Theo Thượng tá Phong, những trường hợp người mất có người thân, gia đình tại TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP cùng ban chỉ huy quân sự các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp với chính quyền địa phương bàn giao tro cốt tận nhà.
Những trường hợp người mất ở các tỉnh thành, Bộ Tư lệnh TPHCM bàn giao tro cốt cho các tổ công tác của các quân khu phụ trách để trao đến tận nhà người thân, gia đình.
Ngoài hơn 17.000 trường hợp được ghi nhận, còn có nhiều trường hợp mất trong cộng đồng cũng được Bộ Tư lệnh phối hợp với các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ hỏa táng.
"Hiện tại vẫn còn một số phần tro cốt của người dân các tỉnh vào TP.HCM làm việc và sinh sống không may qua đời vì dịch bệnh. Trong tuần tới chúng tôi sẽ tổ chức bàn giao về cho người thân của người mất", Thượng tá Phong nói.
Trước đó, từ đầu tháng 8-2021, Bộ Tư lệnh TP.HCM thành lập các đội công tác đặc biệt tiếp nhận, xử lý thi hài từ khâm liệm, đưa đi hỏa táng. Sau khi hỏa táng, tro cốt được cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM đưa về Nhà tang lễ TP lưu giữ, có lực lượng ngày đêm lo nhang khói trước khi bàn giao cho gia đình, người thân.
Theo Tuổi trẻ
Chiều 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều có quyết định cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh, áp dụng từ 0h ngày 16/11.
Theo đó, cấp tỉnh thuộc cấp 3 (nguy cơ cao/vùng cam). Cấp này vẫn giữ nguyên so với quyết định một tuần trước.
Cấp huyện có 3 đơn vị thuộc cấp 3, 3 đơn vị thuộc cấp 2 (nguy cơ trung bình/vùng vàng), một đơn vị thuộc cấp 1 (nguy cơ thấp/vùng xanh).
So với một tuần trước, 2 huyện vùng đỏ đã xuống vùng cam (TP Bạc Liêu) và vùng vàng (thị xã Giá Rai). Hai huyện vùng vàng lên vùng cam (huyện Hòa Bình) và xuống vùng xanh (huyện Vĩnh Lợi). 3 huyện còn lại vẫn giữ nguyên cấp độ là huyện Đông Hải (vùng cam), huyện Phước Long và huyện Hồng Dân (vùng vàng).
Cấp xã vẫn còn 5 xã vùng đỏ (giảm 3 xã so với tuần trước), 19 xã vùng cam (giảm 2 xã), 29 xã vùng vàng (giảm 6 xã), 11 xã vùng xanh (nhiều tuần trước không có).
Tính đến ngày 15/11, tỉnh Bạc Liêu đã có 7.258 ca mắc Covid-19; đang điều trị 3.404 ca, bình phục 3.787 ca, tử vong 67 ca. Bạc Liêu cũng đã tiêm vaccine mũi một cho dân được 82% và mũi 2 được 52,2%.
Theo Dân trí
Tối 15/11, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký văn bản số 4026/UBND-KGVX về việc bổ sung đối tượng cách ly tập trung y tế là người tiếp xúc gần (F1) do người cách ly tự nguyện chi trả chi phí tại các khách sạn cách ly.
Theo đó, TP Hà Nội đồng ý cho 12 khách sạn cách ly tập trung bổ sung các trường hợp Fl; kinh phí do các F1 tự nguyện chi trả. 12 khách sạn gồm: Khách sạn Hòa Bình; Khách sạn Mường Thanh Hà Nội Grand Centre; Khách sạn Sofitel Legend Metropole HaNoi; Khách sạn Silk Path Hà Nội; Khách sạn Hilton Garden Inn; Khách sạn Hilton Hanoi Opera; Khách sạn Bình An 1; Khách sạn Bình An 2; Khách sạn Bình An 3; Khách sạn Grand Vista; Khách sạn Lake Side; Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La.
TP Hà Nội cũng giao cho UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Ba Đình, Sóc Sơn phối hợp với Sở Y tế, Sở Du lịch triển khai phương án cách ly tập trung Fl tự nguyện chi trả chi phí tại cơ sở cách ly tập trung của 12 khách sạn trên. Thời gian thực hiện kể từ 15/11.
Trước đó vào ngày 8/11/2021, Liên sở (Sở Du lịch - Sở Y tế) đã đề xuất lên UBND TP Hà Nội cho phép một số khách sạn thực hiện cách ly y tế được đón các trường hợp F1 có nhu cầu cách ly tự nguyện do người cách ly tự chi trả chi phí.
Liên quan đến việc cách ly y tế đối với các trường hợp liên quan đến dịch COVID-19 tại các khách sạn, tính đến ngày 11/11/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19 tại 23 khách sạn trên địa bàn với tổng số 2.640 phòng, tương đương 4.253 giường. Từ ngày 1/6/2020 đến ngày 11/11/2021, các Khách sạn này đã đón và phục vụ 107.120 khách, trong đó đã hoàn thành cách ly y tế tập trung là 106.237 khách.
Theo Báo Tin tức
Ca nhiễm Covid-19 cao nhất từ trước đến nay ở Tây Ninh, 703 F0 trong ngày
Ngày 15.11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh cho biết, ghi nhận trong ngày 14.11, tỉnh có tới 703 ca dương tính Covid-19. Trong đó, có đến 697 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng.
Đây là con số ca nhiễm Covid-19 tăng cao nhất từ trước đến nay ghi nhận ở tỉnh này. Hiện còn gần 400 ca khác đang nghi nhiễm.
Theo CDC Tây Ninh, ngoài 32 ca mắc Covid-19 là người ngoài tỉnh, 617 ca còn lại ghi nhận tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Hiện Tây Ninh đang phong tỏa 223 khu vực liên quan đến các ca F0. Tỉnh thực hiện cách ly tập trung tổng cộng 2.074 người và cách ly tại nhà, nơi cư trú 6.795 người.
Kiên Giang: Số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, xã đảo Lại Sơn thành vùng cam
Chiều 15.11, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã đảo Lại Sơn (H.Kiên Hải, Kiên Giang) cho biết, do số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn xã tăng đột biến nên ngày hôm nay xã đã nâng cấp độ dịch lên cấp 3 (vùng cam).
Theo báo cáo nhanh, từ ngày 12 đến ngày 15.11, trên địa bàn xã đảo Lại Sơn phát hiện 121 ca nghi nhiễm Covid-19 qua test nhanh kháng nguyên.
An Giang số mắc tăng mạnh
Trong ngày 15/11, ngoài TPHCM thì An Giang là địa phương có số nhiễm cao thứ 2 cả nước với 660 ca.
Theo Thanh Niên
Đến tối 15/11, Việt Nam gần đạt mốc tiêm chủng 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có 64,3 triệu người được tiêm mũi một, gần 35 triệu người tiêm đủ liều.
Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Long An là địa phương đầu tiên đã hoàn thành tiêm mũi hai cho 100% dân số trưởng thành. Khánh Hòa có tỷ lệ tiêm phủ mũi hai cao thứ hai cả nước, với 96% dân số. Hà Nội và TP HCM đều đã phủ mũi hai cho hơn 80% dân số trưởng thành.
Các tỉnh, thành đã bao phủ mũi một cho tất cả dân số từ 18 tuổi là: TP HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Khánh Hòa.
Sơn La có độ bao phủ vaccine mũi một thấp nhất cả nước, với gần 48% dân số; tiếp sau là Thanh Hóa (51%); Nam Định (59%); Nghệ An (60%).
Địa phương có độ bao phủ mũi hai thấp nhất là Thái Bình và Đăk Lăk (hơn 9%); Tuyên Quang, Quảng Bình (11%); Gia Lai (12%).
Các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam hiện nay là: Astra Zeneca; Moderna; Pfizer – BioNTech; Johnson & Johnson; Vero Cell; Hayat-Vax; Abdala; SputnikV.
Theo VnExpress
Trên địa bàn Hà Nội thời gian qua xuất hiện nhiều ca cộng đồng không rõ nguồn lây, tình hình dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn còn nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tuân thủ việc phòng, chống dịch tại nơi công cộng.
Tại sảnh ra vào TTTM Aeonmall Hà Đông (P. Nguyễn Trãi, Q.Hà Đông, Hà Nội), hàng chục bạn trẻ tụ tập để quay MV ca nhạc, vũ đạo. Mặc dù TTTM đã đưa ra các quy định phòng chống dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn thế nhưng những bạn trẻ tụ tập phía bên ngoài đang lơ là không tuân thủ nguyên tắc 5K, vô tư trò chuyện trong lúc không đeo khẩu trang.
Tại khu vực The Garden (Nam Từ Liêm - Hà Nội), không khó để có thể tìm thấy quán trà đá ven đường. Không những vậy vào giờ nghỉ trưa, các quán trà đá này phục vụ nhiều khách hàng, bất chấp các quy định phòng chống dịch COVID-19 của thành phố. Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, họ "phớt lờ" đeo khẩu trang, và ngồi uống trà đá ở khoảng cách không đảm bảo giãn cách.
Hiện thời điểm này, Hà Nội vẫn đang siết chặt các quy định phòng chống dịch. Thế nhưng việc các quán trà đá vỉa hè hoạt động “sôi nổi” và các bạn trẻ tụ tập bên ngoai TTTM để quay MV ca nhạc, nhảy mua vẫn vô tư diễn ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, mà không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng sở tại tới xử lý.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Ngày 15/11, Hà Nội ghi nhận thêm 289 ca COVID-19, trong đó, có 47 ca cộng đồng và 242 ca trong khu cách ly, phong tỏa.
Trước diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Hà Nội là địa phương tiếp theo triển khai thí điểm cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà.
Dự kiến, 10/10 phường ở quận Nam Từ Liêm cho phép F1 cách ly tại nhà; tại quận Hà Đông, có 4 nhóm đối tượng đủ điều kiện cũng được cách ly tại nhà. Tới đây, Hà Nội sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động để hỗ trợ, theo dõi và điều trị tại nhà.
Hàng trăm F1 tại 10/10 phường ở quận Nam Từ Liêm đang cách ly tại nhà
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống sáng 15/11 liên quan thông tin một số F1 tại phường Trung Văn được cách ly tại nhà, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm – cho biết đây không phải là các trường hợp thí điểm cách ly tại nhà của Sở Y tế Hà Nội mà quận làm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và TP Hà Nội. Theo đó, quận cho phép tất cả những trường hợp F1 thuộc 4 nhóm: người già, bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em mà gia đình có đủ điều kiện... được cách ly tại nhà.
Trước đó, kế hoạch Thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 29/10 cũng nêu rõ, Hà Nội áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi (trẻ em); có người chăm sóc. Các F1 còn lại thực hiện cách ly tập trung theo quy định.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện quận có phường Phú Đô là "vùng đỏ" - nguy cơ rất cao - duy nhất ở Hà Nội. Trong phường cũng có những F1 thuộc 4 nhóm đối tượng trên đủ điều kiện được cách ly tại nhà.
Không chỉ riêng phường Trung Văn, Phú Đô mà tất cả 10 phường ở quận đều áp dụng như thế. Hiện có hàng trăm F1 ở quận Nam Từ Liêm đang được cách ly tại nhà, theo ông Tuấn.
Tại quận Hà Đông, bà Lê Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Y tế quận - cũng cho biết từ đầu tháng 11, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi (trẻ em) là F1 có đủ điều kiện cũng được cách ly tại nhà.
Ngoài việc gia đình phải "đủ điều kiện" như trên đây, quận Nam Từ Liêm còn thiết lập kết nối giữa các F1 với hệ thống y tế địa phương. Ông Tuấn cho rằng đây coi như là dịp tập dượt chuẩn bị cho việc trạm y tế lưu động theo dõi điều trị F0 không triệu chứng khi TP triển khai.
Cho rằng việc triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà là rất cần thiết, ông Tuấn đưa ra ví dụ thực tế: Hiện quận Nam Từ Liêm có 4 khu cách ly tập trung (gồm 2 khách sạn cách ly tổ bay/người nhập cảnh/F1 và 2 khu cách ly do chính quyền quản lý) đang quản lý khoảng 400 người.
Ngày 15/11, quận kích hoạt khu cách ly tập trung tại trường THPT Trí Đức, chỉ 1 ngày nhận 120 trường hợp. "Với tần suất này, chỉ 3 ngày thôi là có thể quá tải. Nhân sự rất thiếu, quận đang huy động y tế tư nhân vận hành hai khu cách ly tập trung" - ông Tuấn cho hay quận đang trình công văn đề nghị Sở Y tế và UBND TP cho phép thí điểm cách ly F1 tại nhà ngoài 4 đối tượng nêu trên.
Đồng quan điểm này, một số chuyên gia đề nghị thành phố nên tính tới phương án quản lý F1, F0 tại nhà sớm với những bước đi phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Bởi cách ly F1 tại nhà giúp người bị cách ly đỡ tốn kém, bớt bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, chưa kể dự phòng tình huống lây chéo nếu trong khu cách ly tập trung không tuân thủ.
CDC: Khu cách ly tập trung ở Hà Nội vẫn đảm đương được đến 70.000 F1
Dù diễn biến dịch phức tạp, khó lường, nhưng Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, phương châm của thành phố là F1 ở quận, huyện, thị xã nào thì cách ly tập trung trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là "cánh tay nối dài" của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.
Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết thêm, tới đây, TP sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động. Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà bởi các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.
Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhận lực, trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng thiết lập thêm trạm y tế lưu động.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị COVID-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị.
Ngoài ra, hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…
Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số ca mắc đang gia tăng mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, diễn biến dịch tại thành phố có nguy cơ bùng phát mạnh do các nguồn lây đã tồn tại trong cộng đồng; nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch…
Tính từ ngày 11/10 đến nay, bình quân mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 60 ca F0, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 và tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vaccine nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng tăng nhanh.
Tính từ ngày 11/10 đến nay, bình quân mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 60 ca F0, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 và tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vaccine nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng tăng nhanh.
Thí điểm cách ly F1 tại nhà
Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương phải triển khai, diễn tập thí điểm cách ly F1 tại nhà; thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn.
Đối với UBND thành phố cần sớm ban hành quy định về điều kiện cách ly y tế F1 tại nhà, giao chính quyền địa phương, tổ covid cộng đồng phối hợp y tế cơ sở kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện, tổ chức cách ly theo hướng dẫn. Công tác triển khai phải chú trọng những tiêu chí hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Quá trình thực hiện phải bảo đảm thống nhất, bài bản, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời, thành phố cần phải có cơ chế để tiếp tục cách ly tập trung F1 đối với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc cách ly tại khách sạn nếu người dân có nguyện vọng.
Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường thiết lập các trạm y tế lưu động, bố trí trạm lưu động ở nơi nguy cơ cao, nhu cầu lớn và ở nơi có y tế cơ sở còn hạn chế…
Theo Dân trí