Cập nhật lúc 20:42 - 11/04/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/3: Tất cả hướng dẫn về theo dõi sức khoẻ của Bộ Y tế mà F0 điều trị tại nhà cần biết

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-03-14T23:03:00

    Bộ Y tế sửa quy định F0 được ra khỏi nhà

    Tối 14/3, Bộ Y tế đã sửa lại hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19.

    Trước đó, theo hướng dẫn mới vừa ban hành sáng 14/3, tại mục 5.4 có ghi: "Người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác".

    Theo Bộ Y tế, nội dung này khiến dư luận có nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, tổ biên tập đã điều chỉnh lại một số điểm tại Quyết định 604/QĐ-BYT, tránh hiểu lầm.

    Cụ thể, nội dung trên được sửa thành: "Người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà".

    Các hướng dẫn về "Theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19" hầu như không thay đổi so với các văn bản được ban hành trước đó (số 261 và 528). Ngoài nội dung được đính chính và sửa lại, các biện pháp phòng lây nhiễm còn lại trong hướng dẫn này không thay đổi.

    Theo đó, F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

    - Người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà

    - Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.

    - Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế để các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

    - Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T00:03:00

    TPHCM: Khi nào vượt qua đỉnh dịch do biến chủng Omicron?

    Từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM đã tăng trở lại. Qua giải mã trình tự gen của những trường hợp nhiễm bệnh ghi nhận biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế áp đảo. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng của các ca nhiễm trong cộng đồng, ngày cao điểm ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mới mắc.

    Tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế (chiều 14/3), phóng viên đã đặt câu hỏi “khi nào TPHCM sẽ vượt qua đỉnh dịch do biến chủng Omicron?”

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/3: Khi nào TPHCM vượt qua đỉnh dịch do biến chủng Omicron? - Ảnh 1.

    Biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong cộng đồng tạo ra đỉnh dịch mới sau Tết Nguyên đán

    Trả lời vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, đầu tuần trước thành phố đã đặt mục tiêu cố gắng vượt qua đỉnh dịch trong 2 tuần. Mục tiêu trên đã gây không ít áp lực cho cả hệ thống phòng chống dịch. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp toàn thành phố đang từng bước kéo giảm được số ca mới mắc COVID-19.

    Qua báo cáo cho thấy, từ ngày 9 đến ngày 14/3 số ca mắc trên địa bàn đang có xu hướng giảm liên tiếp. Sau khi vượt lên trên 3.000 ca mỗi ngày, số liệu công bố từ Bộ Y tế cho thấy ngày 14/3 trên địa bàn thành phố chỉ còn 2.159 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

    Khi số ca bệnh gia tăng trở lại, ngành y tế ghi nhận có sự gia tăng trường hợp nhập viện điều trị ở các tầng khác nhau. Tuy nhiên, số lượng bệnh không tăng đột biến và nằm trong sự kiểm soát tốt của hệ thống điều trị. Đặc biệt số ca nặng, tử vong đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với đỉnh dịch tháng 8 và 9/2021, mỗi ngày chỉ có một vài trường hợp tử vong, có ngày thành phố không có ca bệnh mất vì COVID-19.

    Việc kiểm soát dịch của các địa phương có hiệu quả, với hơn 500.000 ca nhiễm tại một thành phố hơn 10 triệu dân và tốc độ bao phủ vắc xin đã đủ bao phủ cho những người từ 12 tuổi trở lên, thành phố sẽ vẫn cố gắng đạt miễn dịch cộng đồng sau khi chích ngừa cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

    Với xu hướng nêu trên, bà Huỳnh Mai cho biết, thành phố có thể sẽ vượt qua được đỉnh dịch COVID-19 do biến chủng Omicron trong 1 tuần tới.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T00:03:00

    Năm đại dịch COVID-19 thứ ba sẽ diễn ra như thế nào?

    Mọi thứ dường như đang được cải thiện khi thế giới bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19. 

    Vaccine vẫn làm rất tốt nhiệm vụ giảm số người nhập viện  và tử vong. Bên cạnh đó, người dân ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận các xét nghiệm và phương pháp điều trị mới.

    Còn quá sớm để nói đại dịch kết thúc

    Tuy nhiên, việc sống trong một thế giới COVID-19 trong suốt 2 năm qua đã khiến chúng ta khó thể lạc quan sớm. Coronavirus có thể làm ngạc nhiên ngay cả những chuyên gia y tế công cộng giỏi, nhiều kinh nghiệm nhất và thế giới chắc chắn vẫn chưa thể bước qua khỏi đại dịch trong "một sớm, một chiều".

    Một biến thể mới có thể dễ dàng phát triển và vượt qua sự bảo vệ của các phương pháp điều trị và vaccine hiện tại, đưa chúng ta trở lại cuộc sống như những gì đã xảy ra vào năm 2020. Khó có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra vào tuần tới, chứ chưa nói đến vài tháng nữa.

    Tuy nhiên, dựa trên những gì đang diễn ra ở hiện tại, các chuyên gia đã đưa ra dự đoán về những tình huống có thể xảy ra trong năm tiếp theo của đại dịch.

    Tại Mỹ, các chuyên gia lạc quan rằng sẽ sớm trở về "cuộc sống bình thường". Chỉ có 2% dân số Mỹ, tức khoảng 7 triệu người, sống ở một khu vực có mức độ cộng đồng COVID-19 "cao" - theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Số dân  còn lại đang sinh sống ở các khu vực mức độ cộng đồng COVID-19 "thấp" hoặc "trung bình" - những khu vực không được khuyến cáo đeo khẩu trang hoặc những nơi có nhiều người bị suy giảm miễn dịch, phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa bổ sung.

    Trong 4 tuần nữa, CDC dự báo số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm xuống. Xu hướng này có thể tiếp tục, đặc biệt là khi thời tiết tốt hơn và người dân thường xuyên đi ra những không gian thoáng đãng, giúp họ ít có nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn.

    Những xu hướng tích cực này đồng nghĩa với việc người dân Mỹ sẽ được chứng kiến một mùa xuân và mùa hè bình thường hoặc ít nhất là ở mức gần bình thường (tất nhiên là tùy thuộc vào các biến thể coronavirus).

    "Tôi rất lạc quan. Tôi cho rằng mọi người có thể trở lại các hoạt động bình thường trong mùa hè này" - TS William Lang, Giám đốc Trung tâm y tế WorldClinic và từng là bác sĩ cho Nhà Trắng cho biết.

    Nhưng bình thường không có nghĩa là quay trở lại cuộc sống trước năm 2020. "Ít trường hợp hơn" vẫn có nghĩa là hàng chục nghìn người Mỹ đang bị nhiễm bệnh. Dù số ca tử vong ở mức thấp nhất trong ba tháng, thời gian gần đây, trung bình có khoảng 1.200 người Mỹ chết vì COVID-19 mỗi ngày - theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

    "Mọi người đều phải công nhận rằng còn quá sớm để nói đại dịch kết thúc. Tình trạng này sẽ không biến mất" - TS Abraar Karan, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Khoa Bệnh truyền nhiễm và Y học Địa lý tại ĐH Stanford cho biết.

    Nếu đại dịch chuyển sang giai đoạn miễn dịch cộng đồng nhiều hơn, nghĩa là có đủ số người được bảo vệ miễn dịch thông qua nhiễm trùng tự nhiên và tiêm chủng thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bạn có thể vứt bỏ khẩu trang của mình đi. Thay vào đó là sự lây lan của COVID-19 sẽ chậm lại và dẫn đến ít người tử vong và nhập viện hơn. Nhưng tình trạng đặc hữu này không được đảm bảo.

    "Với sự kết hợp giữa khả năng miễn dịch của con người suy giảm và virus đột biến, những đợt dịch bệnh tăng đột biến trong tương lai là không thể đoán trước được" – tiến sĩ Karan khẳng định.

    Nhà virus học David Montefiori thuộc Trung tâm Y tế Đại học Duke (Mỹ), cho biết với sự không thể đoán trước của coronavirus, thật khó để biết điều gì sẽ xảy ra vào mùa thu và mùa đông tới."

    "Chúng ta nói rằng đây là một loại virus theo mùa như bệnh cúm, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra. Các biến thể dường như là theo chu kỳ. Khoảng 4 đến 6 tháng một lần, chúng ta lại chứng kiến một biến thể mới" – ông Montefiori cho biết.

    Tuy nhiên, ông lạc quan vì giờ đây, mọi người có rất nhiều khả năng miễn dịch được xây dựng thông qua việc tiêm chủng, nhiễm trùng hoặc kết hợp cả hai.

    "Chúng ta có thể chứng kiến một đợt dịch bệnh tăng khác vào cuối năm nay, thậm chí là đầu mùa hè. Nhưng nếu không có, điều đó có nghĩa khả năng miễn dịch mà chúng ta đã xây dựng trong dân số đang hoạt động tốt" – ông Montefiori nói.

    Với việc tiếp cận nhiều hơn với các xét nghiệm và phương pháp điều trị hiện nay, nhiều chuyên gia tin rằng nhiều quốc gia đã chuẩn bị tốt hơn cho đợt dịch bệnh tăng đột biến vào mùa thu hoặc mùa đông so với năm ngoái. Các trường hợp mắc COVID-19 có thể tăng cao trong một thời gian khi thời tiết trở nên trở lạnh, khiến mọi người hay ở trong không gian kín và khi nhiều người trở nên chủ quan hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

    Đại dịch bao giờ sẽ kết thúc?

    Các chuyên gia cho rằng, mọi người cần phải linh hoạt và không mất cảnh giác quá sớm với đại dịch.

    Giám đốc Tổ chức Y tế Pan American, TS Carissa F.Etienne nói rằng các quốc gia nên đưa ra quyết định dựa trên đánh giá rủi ro và dữ liệu sức khỏe; kiểm soát cộng đồng và hướng dẫn tư vấn sức khỏe nếu các trường hợp mắc mới bắt đầu tăng.

    "COVID-19 vẫn ở đó nhưng có thể nằm trong tầm mắt của chúng ta, chuyển sang giai đoạn dễ quản lý hơn khi mọi người đều được tiêm chủng và tăng cường sức khỏe" – TS Lang cho hay.

    TS John Swartzberg, giáo sư lâm sàng danh dự tại Trường Y tế Công cộng UC Berkeley cho biết: "Tôi nghĩ tầm nhìn dài hạn thực sự là, sẽ xảy ra trường hợp bệnh đặc hữu. Việc tiêu diệt virus là không thể".

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T01:03:00

    TP.HCM chỉ còn 2 phường 'vùng cam'

    Theo báo cáo của Sở Y tế, tuần từ 7/3 đến 13/3, TP.HCM chỉ còn 2 phường ở cấp độ dịch 3 (vùng cam), giảm 2 địa phương so với tuần trước đó (28/2-6/3).

    Cụ thể, trong 312 phường, xã tại TP.HCM, có 289 địa phương cấp độ 1 (tăng 24 phường so với tuần trước); 21 xã, phường cấp độ 2 (giảm 22 phường so với tuần trước); và 2 phường cấp độ 3. TP.HCM không có xã phường nào ở cấp độ 4.

    2 phường duy nhất có cấp độ 3 là phường 5 (quận 5) và phường 11 (quận 10). Các địa phương này đều tăng cấp độ dịch so với tuần trước đó. Nguyên nhân là số ca mắc tăng.

    Nhiều quận/huyện có tỷ lệ 100% phường, xã đều là "vùng xanh" như: Quận 3; 7; 8; 12; Tân Bình; Phú Nhuận; Bình Tân; Gò Vấp; huyện Hóc Môn; huyện Nhà Bè.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/3: Khi nào TPHCM vượt qua đỉnh dịch do biến chủng Omicron? - Ảnh 1.


    Bản đồ cấp độ dịch tại TP.HCM. Nguồn: Bộ Y tế.

    Theo Quyết định 3900 của UBND TP.HCM về Quy định tạm thời biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, đơn vị hành chính có dịch cấp độ 3 phải hạn chế một số hoạt động.

    Cụ thể, phường/xã thuộc vùng cam cần hạn chế hoạt động đối với đám cưới, đám tang, lễ hội, cơ sở massage, spa, làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, cơ sở làm tóc, rạp chiếu phim...

    Đặc biệt, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke không được hoạt động. Cơ sở massage, spa, làm đẹp hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T02:03:00

    Ai dễ gặp di chứng hậu Covid-19?

    Nhóm người dễ gặp di chứng hậu Covid-19

    Theo Liên minh Vaccine (Gavi), triệu chứng hậu Covid-19 có thể không phải là hội chứng đơn lẻ. Vì vậy, các nhóm dân số khác nhau có những nguy cơ gặp phải triệu chứng dai dẳng khác nhau. Dưới đây là 9 yếu tố xác định những người có nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19 cao.

    Giới tính sinh học

    Nhiều nghiên cứu phát hiện phụ nữ, đặc biệt người ở độ tuổi 40-60, có nhiều nguy cơ phát triển các triệu chứng liên tục như mệt mỏi, khó thở, sương mù não, đau cơ, lo lắng, trầm cảm, sau khi mắc Covid-19 hơn đàn ông.

    Theo một công trình được công bố trên Nature Medicine, dựa trên dữ liệu từ 4.182 người dùng ứng dụng COVID Symptom Study, 15% nữ giới gặp phải triệu chứng kéo dài 28 ngày trở lên. Con số này ở nam giới là 9,5%.

    Sự khác biệt về giới tính biến mất ở nhóm trên 70 tuổi. Khác biệt lớn nhất về tỷ lệ gặp phải di chứng hậu Covid-19 là những người 40-50 tuổi. Ở độ tuổi này, nữ giới có nguy cơ gặp di chứng cao gấp đôi nam giới.

    Phụ nữ cũng dễ mắc bệnh tự miễn dịch và ME/CFS (viêm cơ não tủy hay hội chứng mệt mỏi mạn tính). Các chuyên gia nghi ngờ có thể những dấu hiệu này tương đồng với di chứng hậu Covid-19.

    Độ tuổi

    Nghiên cứu khác cũng chỉ ra tuổi tác tăng lên có liên quan nguy cơ gặp phải triệu chứng Covid-19 kéo dài liên tục. Hơn 22% người trên 70 tuổi báo cáo về các triệu chứng kéo dài từ 4 tuần trở lên, so với 1/10 những người từ 18 đến 49 tuổi.

    Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Vương quốc Anh cho thấy di chứng Covid-19 có nhiều khả năng tấn công F0 ở giai đoạn trung niên. Theo nghiên cứu này, 1,3 triệu người dân tại Anh (2% dân số) đã trải qua các triệu chứng hậu Covid-19 vào tháng 12/2021, với tỷ lệ mắc cao nhất là nhóm 35-69 tuổi.

    Bệnh lý từ trước

    Theo nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Đại học King's College London, Anh, dựa trên 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe và 10 nghiên cứu với 45.096 người tham gia cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần kém từ trước liên quan khả năng gặp di chứng hậu Covid-19. Những người này có nguy cơ mắc cao hơn 50%. Ngoài ra, người mắc bệnh hen suyễn cũng có nguy cơ gặp di chứng cao hơn 32%.

    Nhiều triệu chứng ban đầu

    Theo dữ liệu từ ứng dụng COVID Symptom Study, những người trải qua hơn 5 triệu chứng trong tuần đầu tiên mắc bệnh có nguy cơ bị di chứng sau đó cao hơn 3,5 lần so với nhóm có ít triệu chứng.


    Những người có tải lượng virus cao, gặp nhiều triệu chứng khi mắc Covid-19, từng bị rối loạn tâm thần, hen suyễn... có nguy cơ gặp di chứng cao hơn. Ảnh: Freepik.

    Tải lượng virus

    Theo nghiên cứu trên 309 F0 được công bố trên tạp chí Cellnhững người có tải lượng virus trong cơ thể cao dễ phát triển các triệu chứng dai dẳng. Giả thuyết đưa ra là họ đã tiếp xúc “liều lượng” nCoV cao ngay từ đầu. Ngoài ra, cơ thể họ kiểm soát nhiễm trùng ban đầu kém hơn nên dễ gặp phải di chứng.

    Tuy nhiên, nghiên cứu này có gần 3/4 là F0 phải nhập viện điều trị, do đó, chưa thể xác định nhóm người bị bệnh nhẹ có nguy cơ gặp phải thấp hơn không. Nếu tải lượng virus cao tỷ lệ thuận với khả năng gặp di chứng dai dẳng, việc uống thuốc kháng virus ngay khi được chẩn đoán/có triệu chứng là rất quan trọng.

    Tự kháng thể

    Nghiên cứu trên cũng cho thấy 2/3 F0 gặp triệu chứng dai dẳng có tự kháng thể, tấn công nhầm vào các mô chính của cơ thể. Mức độ của tự kháng thể này tăng lên khiến các kháng thể chống nCoV có nguy cơ giảm xuống. Các chuyên gia cho rằng có thể sử dụng tự kháng thể như dấu ấn sinh học để dự đoán ai có nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19 cao nhất.

    Trong nghiên cứu khác, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Zurich, Thụy Sĩ, phát hiện mức độ một số kháng thể như IgM thấp phổ biến ở những F0 bị di chứng. Kết hợp với thông tin chi tiết về tuổi, các triệu chứng ban đầu, tình trạng hen suyễn, dấu hiệu kháng thể này cho phép họ dự đoán ai có nguy cơ phát triển triệu chứng dai dẳng và đang ở mức trung bình, cao hay rất cao.

    Tiền sử nhiễm Epstein-Barr

    Một phát hiện khác công bố trên tạp chí Cell cho thấy virus Epstein-Barr (EBV), được kích hoạt trở lại sau khi nhiễm nCoV. Đây là virus lây nhiễm ở khoảng 90% dân số nhưng thường tồn tại dưới dạng ngủ đông. Điều này được cho là liên quan đáng kể đến sự phát triển của các triệu chứng Covid-19 dai dẳng, do phản ứng miễn dịch với virus.

    Vi khuẩn đường ruột

    Ruột là cơ quan miễn dịch đáng kinh ngạc với các vi sinh vật sống có thể tự điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gut, những người có thay đổi về chủng loại, khối lượng vi khuẩn đường ruột trong lần nhiễm nCoV đầu tiên có nguy cơ cao gặp phải triệu chứng Covid-19 kéo dài hơn 6 tháng hoặc hơn.

    Tình trạng tiêm chủng

    Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng kéo dài hơn 28 ngày đã giảm 50% ở F0 được tiêm chủng đủ hai liều vaccine. Dữ liệu khác do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cũng ủng hộ quan điểm tiêm vaccine Covid-19 giúp giảm nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19, mặc dù không thể ngăn ngừa 100%.

    Những người dân tại Anh đã tiêm hai liều vaccine ít nhất hai tuần trước khi nhiễm virus có nguy cơ gặp di chứng kéo dài 12 tuần thấp hơn 41,1%.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T02:03:00

    Cảnh báo về dòng phụ mới của Omicron, nghi gây ra làn sóng dịch ở Hồng Kông

    Hồng Kông hiện đang trải qua làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, ghi nhận tỷ lệ tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới.

    Giải thích về làn sóng này, ông Chalermchai Boonyaleephan - Phó Chủ tịch Uỷ ban Thượng viện Thái Lan về sức khỏe cộng đồng, cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã đột biến thành các dòng phụ BA.1, BA.2 và BA.3. Tuy nhiên, việc số ca nhiễm và tử vong ở Hồng Kông tăng lên mức cao kỷ lục trùng với sự xuất hiện của dòng phụ BA.2.2 của BA.2.

    Ông Boonyaleephan cho biết tình trạng gia tăng số ca nhiễm có thể làm tăng khả năng virus đột biến. Hiện mỗi ngày Hồng Kông ghi nhận khoảng 30.000 ca mắc mới với gần 300 ca tử vong.

    “Tỷ lệ tử vong cao hơn ở những người nhiễm BA.2.2. Cần theo dõi chặt chẽ tình hình”, ông Boonyaleephan viết.

    Cùng quan điểm, Trung tâm Gene thuộc Đại học Mahidol (Thái Lan) cho rằng làn sóng dịch hiện nay ở Hồng Kông có thể liên quan đến dòng phụ BA.2.2. Hầu hết các ca tử vong ở Hong Kong là người cao tuổi và chưa tiêm vắc xin. Theo trung tâm này, dòng phụ BA.2.2 hiện vẫn chưa được ghi nhận ở Thái Lan.

    Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn ngày 13/3, ông Supakit Sirilak - người đứng đầu cơ quan khoa học y tế Thái Lan cho biết cơ sở dữ liệu GISAID vẫn chưa chính thức công nhận BA.2.2 là một biến thể mới, hoặc coi BA.2.2 là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở Hồng Kông.

    “Hiện tại, GISAID chưa công nhận BA.2.2. Dòng phụ này mới được nhắc đến bởi các chuyên gia Hồng Kông”, ông Sirilak nói. “Trên thực tế, một biến thể khác có tên BA.2.3 được tìm thấy ở Philippines và phổ biến hơn nhiều so với BA.2.2.”

    Theo ông Sirilak, để công bố một biến thể mới cần có nhiều thời gian và phải đáp ứng một số tiêu chí như tốc độ lây lan, mức độ nghiêm trọng và khả năng né tránh miễn dịch.

    Dữ liệu từ GISAID cho thấy biến thể Omicron hiện gây ra khoảng 90% số ca nhiễm mới.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T02:03:00

    Việt Nam đạt tỉ lệ tiêm chủng nhóm cao nhất toàn cầu

    Nhờ bao phủ tiêm chủng, người dân nghèo được bảo vệ

    Bà Rana Flowers - Quyền điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam - đánh giá nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỉ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.

    Theo bà, bài học quan trọng là sự lãnh đạo của Chính phủ, sự đoàn kết của người dân, nên Việt Nam đã sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng mà WHO đặt ra. Nhờ vậy, người dân được cứu sống, không phải nhập viện, các bệnh viện không bị quá tải, các cộng đồng phục hồi nhanh chóng về kinh tế - xã hội.

    Trong thông điệp được ghi hình trước gửi tới cuộc gặp mặt, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng chúc mừng Việt Nam đã bao phủ vắc xin cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số - là một trong những nước có tỉ lệ cao nhất thế giới. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những điều có thể thực hiện được với cam kết chính trị, cộng đồng gắn kết, sự hỗ trợ quốc tế.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T03:03:00

    F0 có xu hướng giảm, Hà Nội đã qua đỉnh dịch?

    Một lãnh đạo ngành Y tế Hà Nội ngày 15/3 nhận định, hiện dịch tại Hà Nội đã giảm nhiệt 10 ngày qua và có thể cuối tháng 3 quay về mức bình thường như trước Tết Nguyên đán.

    "Biến thể Omicron đã chiếm đa số tại Hà Nội. Việc số F0 tăng vọt và duy trì ở mức cao trong thời gian vừa qua cũng đã phản ánh việc này", vị lãnh đạo phân tích.

    Thực tế trong 10 ngày qua, ngày 8/3 Hà Nội ghi nhận kỷ lục 32.650 ca mắc Covid-19. Những ngày sau, số ca liên tục giảm, đến ngày 14/3 có 27.833 ca/ngày.

    Trước đó, cuối tháng 2, các chuyên gia dự báo đến giữa tháng 3, số ca mắc ở Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.

    Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật đến 15/3, Hà Nội có 492.124 F0 điều trị tại nhà, 299 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 3.823 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

    Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 2.656 F0 ở mức độ trung bình, 697 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 614 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 10 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 32 ca thở máy không xâm lấn; 34 ca phải thở máy xâm lấn; 6 ca lọc máu, một ca can thiệp ECMO.

    F0 có xu hướng giảm, Hà Nội đã qua đỉnh dịch? - Ảnh 1.

    F0 có xu hướng giảm, Hà Nội đã qua đỉnh dịch? (Ảnh minh họa)

    Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 10/3, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, dù ca mắc tăng nhanh, nhưng thành phố vẫn kiểm soát tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số ca không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống. Công tác phòng chống dịch được triển khai quyết liệt, hiệu quả.

    Ngoài ra, chủng Omicron được đánh giá lưu hành chính tại Hà Nội. Tính đến ngày 9/3, 93/109 (chiếm 85,3%) mẫu bệnh phẩm các ca Covid-19 được giải trình tự gene ngẫu nhiên từ 4/12/2021 đến 1/3/2022, được xác định nhiễm biến chủng Omicron. Trong đó, biến thể phụ BA.2 (hay còn gọi là "Omicron tàng hình") chiếm ưu thế với 86/93 mẫu.

    Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá chủng "Omicron tàng hình" chiếm ưu thế trong các ca F0 tại Hà Nội với tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân ở tầng 2 và 3 có chiều hướng giảm, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%.

    Thành phố đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh ở ngưỡng an toàn, song ngành Y tế vẫn tiếp tục giải trình tự gene để có các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình chung.

    Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý F0 điều trị tại nhà; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 khi được phân bổ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, y tế tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc Molnupiravir tránh việc găm hàng, tăng giá.

    Kết luận Hội nghị giao ban công tác tháng 3/2022, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định, thành phố đang thích ứng linh hoạt từ thành phố đến cơ sở, kiểm soát dịch bệnh một cách chủ động.

    Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 3, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh "phục hồi kinh tế - xã hội nhưng phải thích ứng an toàn, linh hoạt". Các ngành, các cấp tập trung kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ca mắc chuyển nặng, chuyển tầng.

    Ông Chu Ngọc Anh giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở; giữ vững nguyên tắc "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân", không lơ là, chủ quan. Về đối tượng nguy cơ cao, cần khẩn trương có kế hoạch cụ thể để có biện pháp bảo vệ.

    Xem chi tiết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T06:03:00

    Nhiều quận, huyện "nín thở" đợi Hà Nội công bố cấp độ dịch

    Trao đổi với PV Dân trí sáng 15/3, đại diện nhiều quận, huyện thuộc UBND TP Hà Nội xác nhận, tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương vẫn chưa nhận được thông báo đánh giá cấp độ dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/3: Nhiều quận, huyện "nín thở" đợi Hà Nội công bố cấp độ dịch - Ảnh 1.

    Dù dịch ở Hà Nội đang bùng phát mạnh nhưng số ca chuyển nặng và tử vong không cao nên đa phần người dân đã "cởi mở" hơn, tiến tới bình thường hóa cuộc sống (Ảnh minh họa: Vân Hương).

    Vì vậy, các địa phương tiếp tục áp dụng các biện pháp hành chính tương xứng trong công tác phòng, chống dịch ở cấp xã, phường, thị trấn theo mức độ dịch được Hà Nội công bố vào ngày 5/3.

    Đại diện nhiều địa phương cho biết thêm, khi cấp độ dịch được công bố, chính quyền sở tại sẽ căn cứ vào tiêu chí này để quyết định các hoạt động, dịch vụ trên địa bàn theo Nghị quyết 128/NQ-CP, gồm: Cho học sinh đến trường học trực tiếp hay học trực tuyến; hạn chế các hoạt động tụ tập đông người; các tiêu chí đi kèm khi tổ chức sự kiện; yêu cầu cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống dừng bán hàng tại chỗ...

    "Do chưa thành phố chưa công bố nên quận tiếp tục áp dụng theo thông báo đánh giá cấp độ dịch từ tuần trước (ban hành ngày 5/3-PV)" - một vị cho hay.

    Một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, căn cứ theo báo cáo kết quả đánh giá một số chỉ số cấp độ dịch (cập nhật đến 9h ngày 11/3) được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội ban hành thì "tất cả tiêu chí của quận đã đạt rồi".

    "Hiện quận đang áp dụng theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng" - lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ thêm.

    Về cấp độ dịch trên địa bàn, UBND TP Hà Nội thường ban hành và phát đi thông tin vào ngày thứ 6, thứ 7 hằng tuần. Riêng tuần vừa qua, thông báo cấp độ dịch lại chưa được thành phố công bố.

    Theo thông báo đánh giá cấp độ dịch cập nhật đến 9h ngày 4/3, ở quy mô cấp xã, phường, thị trấn thì Hà Nội còn lại 66 địa phương dịch cấp độ 1 (tức vùng xanh); 187 địa phương ở cấp độ 2 (tức vùng vàng) và 326 địa phương có dịch ở cấp độ 3.

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T08:03:00

    Cảnh giác với biến chứng đột quỵ hậu COVID-19

    1. Yếu tố gây đột quỵ sau COVID-19

    Theo các chuyên gia tim mạch, di chứng cục máu đông chính là căn nguyên chính của đột quỵ, nhồi máu cơ tim và thuyên tắc phổi ở bệnh nhân dù đã điều trị khỏi COVID-19. Có khá nhiều triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hồi phục COVID-19 và có khoảng 1/5 số bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp bất thường về tim ở thời điểm hai tháng sau khi nhiễm COVID-19. 

    Thậm chí, một số người còn bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi COVID-19 do di chứng cục máu đông, dù trước đó họ không bị bệnh tim mãn tính hay có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như đái tháo đường, thừa cân – béo phì, tăng huyết áp. Rõ ràng là cục máu đông đóng vai trò chính trong đột quỵ hậu COVID-19

    Cảnh giác biến chứng đột quỵ hậu COVID-19 - Ảnh 2.

    Cục máu đông ở bệnh nhân sau mắc COVID rất dễ gây đột quỵ

    2. Nguyên nhân hình thành cục máu đông "hậu COVID-19"

    Theo nghiên cứu, có một số lượng lớn bệnh nhân hậu COVID-19 gặp phải di chứng hình thành cục máu đông. Nguyên nhân được xác định là do phản ứng miễn dịch kéo dài trong mạch máu sau khi hồi phục COVID-19. Nhờ có phát hiện này đã giúp giải thích lý do tại sao một số người từng mắc COVID-19 xuất hiện các triệu chứng tim mạch. 

    Điều này, theo các chuyên gia, khi tiến hành xét nghiệm máu của những người đã khỏi COVID-19 trong vòng một tháng, họ phát hiện ra rằng, có một số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương, được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn, loại tế bào này lưu thông trong dòng máu nhiều gấp đôi người không mắc COVID-19 (người khỏe mạnh). Nhiều tế bào mạch máu bị tổn thương này cũng được tìm thấy ở những bệnh nhân hậu COVID-19 mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

    Ngoài các dấu hiệu tổn thương mạch máu, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra một điều bất thường khác, đó là trong cơ thể những người đã khỏi COVID-19 có rất nhiều protein gây viêm, có tên gọi là cytokine (cytokine được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch). 

    Họ cũng tìm thấy số lượng tế bào miễn dịch cao bất thường được gọi là tế bào T, giúp tiêu diệt virus, mặc dù trên thực tế ở người khỏi COVID-19 vius  nCOV đã không còn. Sự xuất hiện cytokin và tế bào lympho T, được giải thích là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và chúng góp phần làm tổn thương mạch máu ở một số bệnh nhân hậu COVID-19, do tổn thương thành mạch máu sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

    3. Một số cơ quan có thể chịu sự tác động của cục máu đông

    - Cục máu đông xuất hiện là căn nguyên của một số biến chứng nghiêm trọng tiềm ẩn, như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tắc mạch ở các chi, thuyên tắc phổi... Đối với đột quỵ não là do cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu trong não, làm gián đoạn lưu lượng máu đến nuôi não gây thiếu máu não, từ đó dẫn đến đột quỵ. 

    Trường hợp cục máu đông chỉ tạm thời làm giảm lưu lượng máu đến não và ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến một phần của não, bệnh nhân sẽ gặp phải cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (trường hợp này gọi là đột quỵ não nhẹ).

    - Đối với phổi, cục máu đông có thể gây thuyên tắc phổi. Tình trạng này xảy ra khi một cục máu đông di chuyển đến phổi và chặn dòng chảy của máu đến nuôi tổ chức phổi, do đó dẫn đến nguy cơ làm giảm nồng độ oxy và gây tổn thương mô phổi.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/3: Cảnh giác với biến chứng đột quỵ hậu COVID-19 - Ảnh 2.

    - Đột quỵ do cục máu đông hậu COVID-19 có thể gây nhồi máu cơ tim. Biểu hiện là người bệnh bị xuất hiện cơn đau thắt ngực dữ dội do dòng máu từ động mạch vành tim đến mô tim bị ngưng trệ gây thiếu máu nuôi tim cấp. Vì vậy, cục máu đông chính là nguyên nhân tiềm ẩn của các cơn cấp.

    - Ngoài ra, cục máu đông còn có thể ngăn cản lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng không kém như ở các chi (tắc mạch chi gây hoại tử chi), hoặc gây tắc mạch máu thận làm tổn thương thận dẫn đến ngưng trệ chức năng lọc máu, lọc chất độc và đào thải nước tiểu ở thận.

    4. Lời khuyên của thầy thuốc

    Để đề phòng nguy cơ đột quỵ hậu COVID, người bệnh nên chú ý phòng ngừa cục máu đông xuất hiện. Mặc dù nguy cơ hình thành cục máu đông hậu COVID-19 ở các bệnh nhân tim mạch mạn tính cao hơn, nhưng ngay cả những người không mắc bệnh tim nhưng mắc COVID-19 cũng có khả năng gặp phải nguy cơ này. 

    Do đó, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi COVID-19 đúng cách đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa đau tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi và những biến chứng ở các cơ quan khác do cục máu đông gây ra.

    Người từng mắc COVID-19 cần tuân thủ lối sống lành mạnh sau khi hết giai đoạn cấp tính nhằm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông cũng như các triệu chứng tim mạch khác:

    - Hãy tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày. Nếu không có điều kiện, tập theo các hình thức khác, nên đi bộ, mỗi ngày nên đi bộ khoảng 30 phút chia làm 3 lần, có thể đi trong nhà, ngoài sân, vườn hoặc ra đường ( nhớ đảm bảo 5K) . Nếu đặc thù công việc phải ngồi trong thời gian dài, hãy cố gắng đứng dậy và đi lại trong phòng sau mỗi 1-2 giờ.

    - Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn nhẹ, đủ chất (thịt, cá, rau, củ, quả). Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (2-2,5 lít). Nếu có điều kiện nên uống thêm nước trái cây ép (dưa hấu, xoài, đu đủ, cam…).

    - Cần có giấc ngủ tốt (ngày khoảng 7-8 h) và không được thức khuya. Không nên làm việc nặng.

    - Những người béo hoặc thừa cân cần giảm cân theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Bởi vì, theo các nghiên cứu đã chứng minh giảm trọng lượng dư thừa đồng nghĩa với giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, tức là giảm nguy cơ đột quỵ.

    - Với người nghiện thuốc lá, cần bỏ ngay, bởi vì chất nicotin trong thuốc lá có thể làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu, dẫn tới hình thành cục máu đông, đặc biệt là những người vừa bị COVID-19.

    - Tái khám sau COVID, hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ là một việc cần thiết để phát hiện kịp thời tình trạng  hoặc các rối loạn sức khỏe khác nếu có.

    Theo Sức khoẻ và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-15T09:03:00

    Tất cả hướng dẫn về theo dõi sức khoẻ của Bộ Y tế mà F0 điều trị tại nhà cần biết

    Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 ban hành kèm theo quyết định 604/ QĐ- BYT ngày 14/3 của Bộ Y tế đã đưa ra các thông tin về theo dõi sức khỏe đối với F0 điều trị tại nhà.

    Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi

    Cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

    Khi người chăm sóc, quản lý F0 là trẻ dưới 5 tuổi điều trị tại nhà phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

    Tất cả hướng dẫn về theo dõi sức khoẻ của Bộ Y tế mà F0 điều trị tại nhà cần biết - Ảnh 1.

    Có 11 dấu hiệu mà người theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà là trẻ em cần lưu ý để liên lạc với y tế

    1. Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
    2. Sốt cao liên tục > 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
    3. Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
    4. Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn.
    5. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
    6. Tím tái
    7. Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít.
    8. Nôn mọi thứ
    9. Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
    10. Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
    11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

    Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ từ 5-16 tuổi

    Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

    Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu. để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

    1.  Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
    2. Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn.
    3. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
    4. Cảm giác khó thở
    5. Ho thành cơn không dứt
    6. Đau tức ngực
    7. Không ăn/uống được
    8. Nôn mọi thứ
    9. Tiêu chảy
    10. Trẻ mệt, không chịu chơi
    11. Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
    12. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

    Đối với F0 điều trị tại nhà là người trên 16 tuổi

    Cần theo dõi các dấu hiệu:

    - Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

    - Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; các triệu chứng khác như đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ.

    Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà/cơ sở lưu trú: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa người mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

    1. Khó thở, thở hụt hơi.
    2.  Nhịp thở ≥ 20 lần/phút.
    3. SpO2 ≤ 96%.
    4. Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
    5. Huyết áp thấp: huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg (nếu có thể đo).
    6. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
    7. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
    8. Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật.
    9. Không thể ăn uống do nôn nhiều.
    10. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần khám, chữa bệnh.
    Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ đối với F0 điều trị tại nhà sử dụng thuốc như sau
    Tất cả hướng dẫn về theo dõi sức khoẻ của Bộ Y tế mà F0 điều trị tại nhà cần biết - Ảnh 2.

    F0 điều trị tại nhà đang gia tăng tại nhiều địa phương Ảnh: TTXVN

    Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C hoặc đau đầu nhiều:

    - Người lớn: paracetamol, mỗi lần 01 viên 500mg hoặc 10-15 mg/kg, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ. Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 4g (4000mg)/ngày.

    - Trẻ em: paracetamol liều 10-15 m g/kg/l ần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ, chi tiết trong Phụ lục số 02); Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 60 mg/kg/ngày.

    Dung dịch cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích người mắc COVID-19 uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;

    Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.

    Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:

    - Ho nhiều: Có thể dùng các thuốc giảm ho từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin.... Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo/thận trong khi sử dụng thuốc

    - Ngạt mũi, xổ mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.

    - Tiêu chảy: chế phẩm vi sinh có lợi cho đường ruột (probiotic), men tiêu hóa.

    Theo Sức khoẻ và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ