Cập nhật lúc 06:48 - 09/01/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/12: Hà Nội lần đầu tiên vượt hơn 1.000 ca trong ngày

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-12-14T23:12:00

    WHO cảnh báo nguy cơ "sóng thần" Covid-19 từ biến thể Delta và Omicron

    Trả lời hãng tin Sputnik, đại diện WHO cho biết khi số ca bệnh liên quan đến một biến thể đáng lo ngại tăng lên trên toàn cầu thì dự kiến sẽ có thêm các ca nhập viện, thậm chí cả ca tử vong.

    Vì nhiều quốc gia còn gặp khó khăn trong việc thống kê số ca bệnh/số người chết, nên khó có thể cung cấp thông tin chính xác về tỷ lệ tử vong liên quan đến một biến thể cụ thể, đại diện WHO phân tích.

    Ngoài ra, do có độ trễ nhất định về thời gian giữa sự gia tăng số ca mắc với tăng số ca nặng/ca tử vong, nên sẽ mất vài tuần để cơ quan y tế đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.

    Trước đó ngày 13/12, cơ quan y tế Anh xác nhận nước này vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron. Hiện ở Anh có khoảng 10 bệnh nhân nhiễm Omicron đang phải nằm viện. Biến thể mới đang lây lan nhanh chóng ở thủ đô London, chiếm tới 40% số ca mắc mới COVID-19.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-14T23:12:00

    Cà Mau lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 trong ngày, đứng đầu cả nước

    Chiều tối 14/12, thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho biết, trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.011 ca F0, trong đó có 859 ca ghi nhận trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 18.237 ca.

    Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Cà Mau đang diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày ghi nhận thêm hàng trăm người mắc mới. Ngành Y tế tỉnh Cà Mau dự báo trong những ngày tới số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/12: Ca mắc tiếp tục "lập đỉnh", Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, nếu không F0 sẽ tiếp tục tăng cao!  - Ảnh 1.

    Đến thời điểm hiện tại, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 chưa được sản xuất trong nước nên việc tiếp cận nguồn thuốc kháng virus để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung ứng. Để đáp ứng cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh hiện tại, tỉnh Cà Mau kêu gọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho tỉnh được mua thuốc kháng virus để điều trị cho người bệnh COVID-19.

    Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cũng đề nghị tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tiếp tục góp công, góp sức vào các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là tham gia Trạm Y tế lưu động trên địa bàn.

    Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau - Nguyễn Văn Dũng, mỗi bệnh viện ngoài công lập, mỗi phòng khám đa khoa tư nhân đăng ký tham gia phụ trách ít nhất một Trạm y tế lưu động trên địa bàn huyện, thành phố và xã phường, thị trấn.

    “Việc tăng cường nêu trên là để tiếp tục góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19; giảm mắc, giảm chuyển tầng nặng và giảm tử vong do mắc COVID-19 trên địa bàn”, ông Dũng thông tin thêm.

    Hiện tại, Cà Mau đang cách ly điều trị 9.165 ca; lũy kế tử vong 76 ca; khỏi bệnh 9.083 trường hợp. Đang cách ly tập trung 194 người; đang cách ly tại nhà 6.053 người; đang cách ly tại hộ gia đình 2.838 hộ. Lũy kế đã tiêm mũi 1 là 894.156 (đạt 95,86%) và mũi 2 824.043 (đạt 88,34%).

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-15T00:12:00

    TP.HCM rút ngắn thời gian cách ly F0 xuống còn 7 ngày

    Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký chiều 14/12, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn phức tạp.

    Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng để thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.

    Như vậy, F0 không triệu chứng sau 7 ngày có kết quả âm tính sẽ về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe, thông báo cho y tế địa phương biết để phối hợp giám sát.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/12: Ca mắc tiếp tục "lập đỉnh", Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, nếu không F0 sẽ tiếp tục tăng cao!  - Ảnh 1.


    F0 cần ở nhà và tự theo dõi hoặc cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày tiếp theo, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, những người này cần báo cho y tế địa phương để thăm khám và xử trí kịp thời.

    Bên cạnh đó, F0 cần tuân thủ thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác trong thời gian theo dõi tại nhà, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ.

    Trước đó, ngày 18/11, Sở Y tế TP.HCM đề xuất Bộ Y tế cho TP.HCM thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với F0 không triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vaccine và có kết quả âm tính vào ngày thứ 7.

    Theo Sở Y tế TP.HCM, việc rút ngắn này là phù hợp với tình hình dịch bệnh, độ bao phủ vaccine tại thành phố cũng như giảm quá tải cho các khu cách ly tập trung.

    Các chuyên gia cho rằng điều này có thể góp phần đạt mục tiêu giảm quá tải. Tuy nhiên, thành phố cần nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng F0, tăng số ca tử vong để có biện pháp điều chỉnh từ gốc.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-15T00:12:00

    Bí thư Hà Nội: Làm quyết liệt hơn nữa, nếu không F0 sẽ tiếp tục tăng cao!

    Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch và chỉ đạo phải làm quyết liệt hơn nữa nếu không số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao...

    Thông điệp trên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua năm 2022, diễn ra ngày 14/12.

    Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2021, tình hình trên địa bàn phức tạp chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, một số chỉ tiêu quan trọng của thành phố đã hoàn thành.

    Về kế hoạch năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, người đứng đầu từng địa bàn phải chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/12: Ca mắc tiếp tục "lập đỉnh", Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, nếu không F0 sẽ tiếp tục tăng cao!  - Ảnh 1.

    Với từng lĩnh vực cụ thể, Bí thư Đinh Tiến Dũng đã phân tích rõ những điểm nghẽn hiện nay và gợi mở các biện pháp tháo gỡ.

    Sau khi nêu ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, nhất là về các trạm y tế… ông Dũng chỉ đạo, phải làm quyết liệt hơn nữa nếu không số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao; phát động hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể tham gia giám sát việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà; căn cứ vào dân số và yêu cầu phòng chống dịch theo từng địa bàn để tăng cường thêm trạm y tế lưu động…

    "Lãnh đạo UBND thành phố phải phân công nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc thường xuyên, có kế hoạch thực hiện chi tiết…" - ông Dũng yêu cầu thêm.

    Trước đó, trao đổi với báo chí sau cuộc họp được Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, diễn ra vào ngày 13/12, người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh.

    Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

    Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, tâm lý chủ quan vẫn còn phổ biến, biểu hiện là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện "5K" trong tổ chức lễ, đám; ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.

    Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải vào cuộc đồng bộ, tiếp tục làm thật tốt yêu cầu phân cấp, giao quyền cho quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trong phòng, chống dịch bệnh; tập trung nâng cao năng lực y tế quận, huyện, thị xã và cơ sở; tiếp tục coi người dân là trung tâm, chủ thể.

    Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đi đến thống nhất và yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch…

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-15T00:12:00

    Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tìm giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi ca nặng và tử vong do COVID-19

    Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 9136/VPCP-KGVX ngày 14/12/2021 nêu rõ: Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tổ chức hội nghị với các chuyên gia, các nhà khoa học trong tháng 12/2021 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp nhiễm COVID-19 chuyển nặng và tử vong.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/12: Ca mắc tiếp tục "lập đỉnh", Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, nếu không F0 sẽ tiếp tục tăng cao!  - Ảnh 1.

    Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các biện pháp đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Báo Chính phủ

    Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Công văn số 9144/VPCP-KGVX ngày 14/12/2021 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các biện pháp đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19; báo cáo số lượng vaccine phòng COVID-19 về trong tháng 12/2021 để tiêm đủ so với nhu cầu, việc triển khai xã hội hóa thuốc điều trị COVID-19 và đưa vào bình ổn giá; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 15/12/2021.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-15T01:12:00

    Bộ Y tế dự kiến người nhập cảnh tiêm đủ vắc xin chỉ phải cách ly tại nhà 3 ngày

    Đây là dự thảo quy chế phòng dịch COVID-19 mới với người nhập cảnh qua đường hàng không, đang được Bộ Y tế gửi lấy ý kiến các bộ và UBND tỉnh thành. 

    Theo dự thảo này, hiện tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Việt Nam đã ở mức cao, đạt 96,4% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1, tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi là 76,5%. Theo yêu cầu của Thủ tướng, đến 31-12 phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi, đẩy nhanh tiến độ tiêm cho trẻ em.

    "Thực hiện nghị quyết 128 ngày 11-10 về thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch, các hướng dẫn về hộ chiếu vắc xin với người nhập cảnh, yêu cầu chung với người nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính COVID-19, ngoại trừ trẻ dưới 2 tuổi", dự thảo nêu.

    Trong dự thảo, Bộ Y tế cũng yêu cầu người nhập cảnh luôn cài đặt ứng dụng khai báo y tế. Việt kiều, người Việt về nước và thân nhân cần tiêm đủ liều vắc xin, trường hợp chưa tiêm sẽ được tiêm miễn phí, ngoại trừ trường hợp có chống chỉ định với vắc xin.

    Với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều hoặc khỏi bệnh COVID-19, dự thảo này cho biết chỉ phải cách ly tại nhà, khách sạn, nơi lưu trú trong 3 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3, nếu kết quả âm tính, từ ngày thứ 4 đến thứ 14 chỉ phải theo dõi sức khỏe thay vì phải cách ly tập trung 7 ngày sau đó theo dõi sức khỏe như hiện nay.

    Với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều, Bộ Y tế đề nghị cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện xét nghiệm ngày thứ nhất và thứ 7. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai khi phải cách ly được cách ly cùng người chăm sóc.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 15/12: Ca mắc tiếp tục "lập đỉnh", Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, nếu không F0 sẽ tiếp tục tăng cao!  - Ảnh 1.

    Bộ Y tế cũng cho biết việc kiểm tra "hộ chiếu vắc xin" và giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao. Tính đến tháng 10-2021, Việt Nam đã công nhận "hộ chiếu vắc xin" của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang trong quá trình đàm phán, công nhận hộ chiếu vắc xin của nhiều quốc gia khác.

    Trong thời gian gần đây, nhiều người nhập cảnh có ý kiến về việc áp dụng cách ly tập trung với người đã tiêm đủ vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian 1 tuần là dài, chi phí cách ly tự nguyện rất cao khiến chi phí hồi hương của nhiều người Việt kẹt lại nước ngoài do dịch COVID-19 tăng cao.

    Nhiều người Việt đã phải chọn về nước qua đường Campuchia hoặc quá cảnh các nước khác, nhưng giá vé và phí cách ly vẫn gấp nhiều lần so với chi phí bay từ Việt Nam ra nước ngoài.

    Dự kiến quy chế phòng dịch mới với người nhập cảnh sẽ ban hành trong tháng 12, trước khi Việt Nam mở lại đường bay thường lệ quốc tế.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-15T05:12:00

    Hơn 7.700 ca COVID-19 nặng đang điều trị; TP HCM ứng phó với biến thể Omicron thế nào?

    Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.443.648 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.641 ca nhiễm).

    - Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

    + Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.438.207 ca, trong đó có 1.057.619 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

    + Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

    + Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (489.165), Bình Dương (287.908), Đồng Nai (92.911), Tây Ninh (40.546), Long An (39.392).

    - Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.060.436 ca

    - Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.779 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.364 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.292 ca; Thở máy không xâm lấn: 169 ca; Thở máy xâm lấn: 935 ca; ECMO: 19 ca

    - Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 233 ca.

    Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.333 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

    - Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

    TP HCM: 8 giải pháp ứng phó với biến thể Omicron

    Ngày 14/ 12, UBND TPHCM ban hành kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron tại TPHCM với mục tiêu triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập và phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron tại thành phố.

    Kế hoạch này đồng thời chuấn bị sẵn sàng các phương án kiếm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể.

    Theo đó, TPHCM đưa ra 8 giải pháp ứng phó với biến thể Omicron

    Thứ nhất, tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải.

    Thứ hai, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp.

    Thứ ba, tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc nhóm người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái mắc Covid-19.

    Thứ tư, tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến thể Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.

    Thứ năm, triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vaccine Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Thứ sáu, kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến cấp huyện và cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra

    Thứ bảy, tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.

    Thứ tám, xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều tri Covid-19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.

    UBND TPHCM giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan quản lý cửa khẩu và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp giám sát, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu theo các quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Du lịch triển khai các biện pháp cách ly kiểm dịch, xét nghiệm bắt buộc với người nhập cảnh theo quy định.

    Theo Sức khoẻ và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-15T09:12:00

    Dịch COVID-19 căng thẳng, Hà Nội lo lắng khi có những nơi 9 vạn dân chỉ có 1 trạm y tế

    Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra sáng 15/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.

    Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, số bệnh nhân COVID-19 mới phát sinh bình quân một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

    Ông Dũng cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch; đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Đây là hướng đi đúng và trúng, cần được các cấp, các ngành, trực tiếp là các quận, huyện, thị xã quán triệt sâu sắc, tập trung hành động.

    Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo phân cấp, giao quyền rõ ràng cho các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch; cụ thể là xác định cấp độ và triển khai các biện pháp áp dụng tương ứng trên địa bàn. Các cơ quan thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phải phân công cán bộ, bám sát từng địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

    Từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ví dụ như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với số dân lên tới 9 vạn người mà chỉ có 1 trạm y tế phường thì có thể phải tính toán sẵn sàng bố trí thêm nhiều trạm y tế lưu động khi cần thiết.

    Ngành Y tế phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh. Nơi nào cần phải tổ chức thiết lập vận hành ngay; nơi nào chưa cần ngay phải có tập huấn, diễn tập để khi có động lệnh là triển khai, bố trí nhanh nhất.

    “Chúng ta phải quyết định tổ chức thực hiện theo hướng lấy y tế cơ sở làm nòng cốt để chiến thắng dịch bệnh. Quá trình thực hiện vừa làm, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức diện rộng toàn thành phố”, ông Dũng nêu rõ.

    Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo toàn diện việc tổ chức phương án bố trí trạm y tế lưu động, tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

    Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm vật tư, máy xét nghiệm, thiết bị y tế… để tăng cường cho bệnh viện cấp huyện nâng cao năng lực xét nghiệm khắc phục việc trả mẫu chậm, quá tải; xây dựng cơ chế, chính sách trả thù lao cho lực lượng y, bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y được huy động...

    “Cơ chế, chính sách phải đi trước một bước, là vấn đề mấu chốt phải triển khai làm ngay”, ông Dũng nêu.

    Bí thư Thành ủy đề nghị toàn hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và người dân Thủ đô tiếp tục vào cuộc quyết tâm bảo vệ Thủ đô trước dịch bệnh, đặc biệt, không để vì chủ quan trong những dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch làm dịch lây lan rộng trên địa bàn. Các phường, xã, thị trấn tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ, nhóm COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà.

    Cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành quy định, lan tỏa trong cộng đồng ý thức tự giác, tinh thần sẻ chia và quyết tâm cùng thành phố đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Mặt trận Tổ quốc làm đầu mối các tổ chức chính trị xã hội tham gia công tác phòng, chống dịch.

    Liên quan đến việc đưa học sinh trở lại trường học, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị do tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu, nên các địa phương chưa tổ chức đi học cho học sinh chưa được tiêm vắc xin.

    “Hiện tại, thành phố cũng chưa có phương án phong tỏa diện rộng vì tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi mức độ tiêm phủ vắc xin phòng COVID-19 đủ 2 mũi đã khá cao. Các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ bảo đảm linh hoạt theo diễn biến của dịch và từng địa bàn cụ thể”, ông Dũng khẳng định.

    Hiện, Hà Nội trung bình ghi nhận hàng trăm ca nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày, cao điểm có ngày lên tới gần 1.000 trường hợp, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở.

    Cộng dồn trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021), Hà Nội ghi nhận 20.110 ca mắc COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 7.612 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 12.498 ca.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-15T11:12:00

    Ngày 15/12, thêm 15.527 ca nhiễm COVID-19, Hà Nội vượt mốc hơn 1.000 F0

    Ngày 15/12, Việt Nam ghi nhận 15.527 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 15.522 ca ghi nhận trong nước (tăng 319 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.940 ca trong cộng đồng).

    Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.270), Cà Mau (1.072), Bến Tre (1.035), Hà Nội (1.024), Tây Ninh (922), Đồng Tháp (732), Cần Thơ (720), Vĩnh Long (594), Khánh Hòa (593), Sóc Trăng (579), Bạc Liêu (505), Đồng Nai (464), Tiền Giang (411), Bình Dương (371), Trà Vinh (360), Kiên Giang (353), Hậu Giang (341), Thừa Thiên Huế (329), Bình Phước (316), Bắc Ninh (300), An Giang (294), Bình Thuận (266), Lâm Đồng (257), Bà Rịa - Vũng Tàu (238), Đà Nẵng (236), Bình Định (190), Gia Lai (164), Phú Yên (135), Thanh Hóa (129), Hải Phòng (116), Quảng Nam (115), Nghệ An (113)...

    Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (-591), Bình Định (-278), Hải Phòng (-266).

    Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+462), TP. Hồ Chí Minh (+279), Hà Nội (+187).

    Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.274 ca/ngày. Tính đến nay Việt Nam có 1.459.175 ca nhiễm COVID-19, riêng đợt dịch thứ 4 là 1.453.729 ca, trong đó có 1.060.611 F0 đã được công bố khỏi bệnh.

    Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (490.435), Bình Dương (288.279), Đồng Nai (93.375), Tây Ninh (41.468), Long An (39.474).

    Hôm nay, cả nước có 2.992 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.063.428 ca

    Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.822 ca, trong đó có 967 ca nặng phải thở máy xâm nhập và 20 ca nguy kịch chạy ECMO.

    Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 283 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (74), An Giang (27), Bình Dương (25), Đồng Nai (22), Tiền Giang (18), Cần Thơ (23 ca trong 02 ngày), Vĩnh Long (15 ca trong 2 ngày), Long An (10), Sóc Trăng (9), Tây Ninh (9), Đồng Tháp (9), Bình Thuận (7), Kiên Giang (7), Bạc Liêu (5), Khánh Hòa (4), Bến Tre (3), Cà Mau (3), Hải Phòng (3), Trà Vinh (3), Bình Định (2), Bình Phước (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (1).

    Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 241 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.616 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

    Theo Bộ Y tế

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ