Cập nhật lúc 07:46 - 11/02/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/1: Hà Nội cảnh báo người nhiễm COVID-19 không khai báo

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-01-13T23:01:00

    Lên kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron lên tới 10.000 ca bệnh/ngày

    Ngày 13/1, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống biến thể Omicron trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong bối cảnh ngày Tết cận kề, người dân đi lại nhiều.

    Cụ thể, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị theo mô hình tháp 3 tầng như trước đây, đáp ứng theo từng tình huống dịch từ 4.000 - 5.000 ca bệnh/ngày tăng lên 8.000 - 10.000 ca/ngày và có thể đạt trên 10.000 ca bệnh/ngày.

    Theo phương án đưa ra, nếu trường hợp dưới 10.000 ca bệnh/ngày, thời gian điều trị trung bình 10 ngày, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị dưới 100.000 giường bệnh, trong đó 95% giường bệnh dành cho các trường hợp nhẹ, không triệu chứng tương ứng với 95.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú; 4% giường bệnh (4.000 giường) dành cho bệnh nhân tầng 2 tại các huyện, thị, thành phố và 1% giường cho các bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện tầng 3.

    Đối với điều trị 3 tầng, ở tầng cấp cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch sẽ bố trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện Quốc tế Becamex. Trong trường hợp tình huống xấu nhất, số ca bệnh trên 10.000 ca/ngày sẽ quá khả năng đáp ứng của ngành y tế, Bình Dương sẽ đề xuất giãn cách xã hội, tập trung điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 (kể cả ICU) tại các huyện, thị, thành phố và 2 bệnh viện tầng 3.

    Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, cho biết nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường và nguy cơ biến chủng Omicron có thể xâm nhập UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/1: Bình Dương lên kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron lên tới 10.000 ca bệnh/ngày - Ảnh 2.

    Bình Dương đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 để hạn chế ca mắc diễn biến nặng và tử vong

    Ngành y tế chủ động và sẵn sàng trang bị nhân lực, thuốc điều trị, ô xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Ngành cũng chủ động tăng cường xét nghiệm tầm soát với các trường hợp, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin an toàn, nhanh nhất có thể.

    Với biến thể Omicron, Bình Dương xác định đối tượng nhập cảnh từ nước ngoài nguy cơ cao, do đó các địa phương và đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ.

    Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố giám sát, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người nước ngoài các biện pháp cách ly, tự theo dõi sức khỏe, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các đơn vị báo cáo tình hình quản lý, giám sát người nhập cảnh của địa phương về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế. Đối với các công ty, doanh nghiệp mời chuyên gia nước ngoài phải bố trí phương tiện chở chuyên gia từ sân bay, cửa khẩu về đến nơi cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

    Các công ty khai báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế cơ sở để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời cam kết thực hiện các quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

    Theo kế hoạch dự kiến, từ nay đến cuối tháng 3, Bình Dương có khoảng 150 chuyên gia nước ngoài ở 60 công ty nhập cảnh đến. Các chuyên gia và người thân này đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

    Theo số liệu thống kê, từ đầu đợt dịch bệnh đến nay, Bình Dương có 4.385 chuyên gia nước ngoài và người thân của họ đến học tập, làm việc. Trong số này chỉ có 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng cách ly ngay khi nhập cảnh.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-14T00:01:00

    Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 50 ca nhiễm Omicron

    Theo bản tin tối 13/1 của Bộ Y tế, Việt Nam phát hiện thêm 19 nhiễm biến chủng Omicron.

    Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron là Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1). Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

    Các địa phương ghi nhận thêm ca nhiễm Omicron là Quảng Nam (13 ca) và Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-14T00:01:00

    Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa

    Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có thể nói rằng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tuy nhiên đến nay WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về tiêm vaccine cho trẻ từ  5-11 tuổi, vì vậy Bộ Y tế làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả các chương trình tiêm của tất cả các nước. Hiện đã có một số nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.

    Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa - Ảnh 1.

    Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng. Chúng ta không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ...

    Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thường xuyên, liên tục trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề  khoa học trong tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này để vừa đảm bảo tính bảo vệ cho trẻ nhưng quan trọng nhất vẫn là tính an toàn;

    Tiếp đến là phải tính đến khả năng chấp nhận của cộng đồng vì vậy Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá, điều tra xã hội học trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức của người dân với tiêm vaccine cho trẻ em vì với đối tượng này khi tiêm sẽ khó khăn hơn người lớn.

    Bên cạnh đó, phải đảm bảo nguồn vaccine tiêm cho trẻ em. Hiện Bộ Y tế đã làm việc với các hãng sản xuất, cung ứng và hướng đến là vaccine Pfizer liều tiêm cho trẻ em.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    "Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Chúng ta không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-14T01:01:00

    F0 khỏi bệnh bao lâu thì nên đi tầm soát di chứng hậu COVID-19?

    Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33 - 76% F0 có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt bệnh cấp tính; 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

    Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có gần 500.000 trường hợp mắc COVID-19 (chiếm khoảng 5% dân số của thành phố), trong đó có hơn 300.000 người đã xuất viện, do đó các nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe hậu COVID-19 là đáng quan tâm.

    Qua ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) kể từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, có 1.021 bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đến thăm khám ở tất cả chuyên khoa. Đa phần người bệnh đến khám vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần. Trong đó, hơn 510 bệnh nhân (50%) gặp vấn đề về hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề về thần kinh, 134 trường hợp về tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hoá và 49 trường hợp về cơ xương khớp.

    “Hội chứng hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng nhập viện hoặc lớn tuổi có bệnh đồng mắc, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và mắc bệnh nhẹ”, ông Nguyễn Anh Dũng nói.

    Bác sĩ Phan Minh Hoàng cho biết, hiện tại bệnh viện điều trị hơn 1.000 ca bệnh, trong đó điều trị nội trú là 341 ca, còn lại là điều trị ngoại trú. Hầu hết di chứng hậu COVID-19 ở các bệnh nhân được ghi nhận có ảnh hưởng về hô hấp cấp và hô hấp mãn tính, một số di chứng về tim mạch, một số bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ...

    Theo đó, bác sĩ Phan Minh Hoàng khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính với COVID-19 cần quay lại bệnh viện tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần, cần làm các xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.

    Ông Nguyễn Anh Dũng cũng cho rằng, tác động của “hội chứng hậu COVID-19” không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn tác động đến công việc, xã hội và kinh tế; vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay với các chiến lược tiếp cận sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội; chiến lược can thiệp sớm với việc điều trị, chăm sóc sớm cho người mắc hội chứng hậu COVID-19.

    Theo đó, thời gian tới, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh; đặc biệt, sẽ xây dựng hướng dẫn điều trị hậu COVID-19 theo các phân tuyến điều trị với các mô hình như: y tế cơ sở đảm nhận chăm sóc nhóm người bệnh hậu COVID-19 mức độ nhẹ; tiếp cận, phát hiện các vấn đề sức khỏe; quản lý chăm sóc, tư vấn từ xa, cùng với đó là điều trị bằng phương pháp thực dưỡng, phương pháp điều trị không dùng thuốc, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

    Bệnh viện tuyến quận, huyện chăm sóc nhóm người bệnh COVID-19 mức độ trung bình; khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng... Đối với bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối chăm sóc nhóm người bệnh COVID-19 mức độ nặng; khám và điều trị chuyên khoa sâu (hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…), nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị...

    Theo Báo Tin tức

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-14T02:01:00

    Cảnh báo người nhiễm COVID-19 không khai báo

    Tỷ lệ tử vong thấp, có hiện tượng F0 không khai báo

    Với số ca mắc COVID-19 tăng cao như hiện nay, nhiều người lo ngại hệ thống y tế của Thủ đô quá tải. Trao đổi với phóng viên Báo CAND vào sáng 13/1, TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, phần lớn F0 của Hà Nội là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và được điều trị cách ly tại nhà. Số ca mắc mới tuy cao, song tỷ lệ tử vong và nhập viện thấp, nên Hà Nội vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19.

    Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến sáng 13/1, Thủ đô có 3.242 F0 nằm viện ở tầng 2 và 3, trong đó có 36 bệnh nhân nguy kịch (chiếm 0,06%/tổng số F0), 457 bệnh nhân nặng (0,84%) và 2.182 trung bình (4,03%). Riêng bệnh nhân nhẹ khoảng 51 F0 (95,04%) và chủ yếu là điều trị tại nhà hoặc các khu thu dung quận, huyện… “Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội thấp, dưới 0,3%. Bệnh nhân tử vong là người cao tuổi (từ 80 đến hơn 90 tuổi) và bệnh nền, phần lớn đều chưa tiêm vaccine. Tuần trước Sở Y tế tổ chức Hội nghị trong toàn ngành phân tích nguyên nhân tử vong, theo báo cáo của Bệnh viện Thanh Nhàn, tuổi bệnh nhân COVID-19 tử vong tại bệnh viện trung bình là 84”, TS.BS Nguyễn Đình Hưng cho biết.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/1: Hà Nội cảnh báo người nhiễm COVID-19 không khai báo - Ảnh 1.

    Điều trị cho sản phụ mắc COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Trần Hằng

    Hà Nội quản lý, theo dõi, điều trị F0 theo phân tầng (3 tầng) và trên hệ thống phần quản trị công nghệ thông tin, do vậy đảm bảo việc quản lý điều trị tránh quá tải và hiệu quả. “Thủ đô có gần 3.000 ca mắc/ngày nhưng chỉ có hơn 3.200 F0 nhập viện. 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội và sự hỗ trợ điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vẫn đảm đương đủ công tác điều trị bệnh nhân nặng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

    Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Đình Hưng, người dân khi có ho, sốt, khó thở phải làm xét nghiệm sớm để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh tình trạng phát hiện muộn, nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao.

    Vừa qua ở Hà Nội có tình trạng người dân người dân tự xét nghiệm nhanh dương tính nhưng không thông báo với y tế địa phương, tự đóng cửa điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm bởi F0 tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi, không có chỉ định sẽ gây hại, thậm chí còn khiến bệnh nặng hơn; hoặc khi bệnh chuyển nặng phát hiện muộn dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

    Nhiều F0 từ chối sử dụng thuốc kháng virus

    Trong khi nhiều F0 săn lùng mua thuốc kháng virus về tự điều trị COVID-19 bất chấp khuyến cáo về tác dụng phụ, hoặc một số gia đình mua dự trữ để khi dương tính thì sử dụng ngay, thì tại Hà Nội, nhiều F0 lại từ chối sử dụng do lo ngại tác dụng phụ ảnh hưởng đến sinh sản.

    Bà Hoàng Thị Út Trang, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội cho biết, không ít bệnh nhân mắc COVID-19 từ chối sử dụng thuốc kháng virus dù đã được bác sĩ chỉ định và cấp phát miễn phí vì lý do trên. Việc người dân chưa hiểu đúng, đủ về khuyến cáo về thuốc kháng virus nên từ chối sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị COVID-19. Người bệnh cần hiểu, khi đã được nhân viên y tế chỉ định dùng thuốc là đã loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

    Theo TS.BS Nguyễn Đình Hưng, nhiều người bệnh dùng thuốc kháng virus đến ngày thứ 5-7 xét nghiệm đã âm tính. Hà Nội được cấp 40.000 liều thuốc kháng virus, đã dùng hết 30.000 liều, hiện vẫn còn thuốc dự trữ, đồng thời đã đề nghị Bộ Y tế cấp cho hơn 200.000 liều, do vậy người dân không lo thiếu thuốc. “Hà Nội đảm bảo số đủ số lượng thuốc kháng virus cung cấp cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình điều trị có kiểm soát bệnh nhân COVID”, TS Hưng nói.

    Tuy nhiên ông Hưng cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus, mà khi mắc COVID-19 người bệnh phải báo với y tế cơ sở, khai báo trên phần mềm quản lý F0, lúc đó thầy thuốc sẽ tư vấn điều trị, uống thuốc kháng virus sẽ phải theo chỉ định của cán bộ y tế, thường dùng cho đối tượng mắc COVID-19 nhẹ nhưng có yếu tố nguy cơ như chưa tiêm phòng vaccine, người cao tuổi có bệnh nền… Việc dùng thuốc đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng chỉ định của thầy thuốc thì mới an toàn và hiệu quả.

    Tết đang đến cận kề, việc đi lại, giao lưu sẽ lớn, là nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Vì vậy, khuyến cáo của các thầy thuốc là người dân phải tuân thủ tuyệt đối 5K, đây là chìa khóa để phòng, chống dịch. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, ở thời điểm này, khi độ phủ vaccine đã đủ lớn, không thiếu thuốc kháng virus, người dân khi phát hiện dương tính cần bình tĩnh, không quá lo lắng, không sợ COVID-19, mà cần có ý thức cách ly, thông báo cho y tế cơ sở hoặc tổ hỗ trợ COVID-19 tại địa phương để cập nhật thông tin lên Hệ thống theo dõi bệnh nhân COVID-19 của thành phố. Mỗi ngày 2 lần cập nhật thông tin lên hệ thống này để các y, bác sĩ theo dõi, phân tầng điều trị kịp thời, phù hợp.

    Theo Công an nhân dân

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ