Cập nhật lúc 06:44 - 14/03/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 11/3: Phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine dễ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-03-10T23:03:00

    Số ca mắc mới tại TP.HCM tăng mạnh

    Tình hình dịch

    Tính từ 16h ngày 9/3 đến 16h ngày 10/3, số ca mắc giảm 3.915 ca so với ngày trước đó với 107.465 ca cộng đồng.

    Hà Nội tiếp tục phát hiện lượng người nhiễm nCoV cao nhất cả nước cùng hơn 30.000 trường hợp dương tính chỉ sau 24 giờ. Nghệ An đứng thứ 2 cũng ghi nhận hơn 11.000 ca mắc mới.

    Bên cạnh các địa phương ở khu vực phía Bắc, nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam, miền Trung cũng có số ca mắc mới cao (trên 2.000 người) như TP.HCM, Quảng Trị, Quảng Bình,...

    Ngày 10/3, Sở Y tế Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bình Định cũng đăng ký bổ sung lần lượt 30.000, 21.182, 6.601 ca.

    Theo thống kê của Bộ Y tế, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (-6.946), Gia Lai (-2.551), Hà Nội (-1.208).

    Trái lại, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm Bình Dương (+1.309), TP.HCM (+1.205), Nghệ An (+845).

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-11T00:03:00

    Hà Nội: Biến thể Omicron trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 80%

    Chiều 10/3, Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố.

    Biến thể Omicron chiếm 80%

    Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần qua trung bình ghi nhận 27.283 ca/ngày, tăng so với kỳ báo cáo trước; ngày cao nhất ghi nhận 32.650 ca. 

    Tính đến ngày 9/3, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 80% (93/109 mẫu) mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính được giải trình tự gen ngẫu nhiên từ 4/12/2021 đến 1/3/2022, trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 (86/93 mẫu). 

    Như vậy, bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, chủng Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Trong thời gian tiếp theo, số mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng này.

    Chú trọng giải quyết thủ tục hành chính cho F0 điều trị tại nhà

    Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý F0 điều trị tại nhà; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 khi được phân bổ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, y tế tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc Molnupiravir tránh việc găm hàng, tăng giá…

    Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu; tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong bất cứ tình huống nào.

    Để thực hiện tốt công tác quản lý bệnh nhân F0 tại nhà, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương quản lý tốt các Tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà, hoàn thiện việc kiện toàn Tổ COVID-19 cộng đồng để báo cáo Sở Y tế cũng như Ban Chỉ đạo thành phố ngay trong ngày 10/3. 

    Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà. Theo đó, Sở Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội và Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương giải quyết về vấn đề hạ tầng, cần thiết huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố. 

    Nêu tình trạng ở một số cơ sở tốc độ bao quát và xử lý chuyển tầng còn chậm, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương cần phải tập trung bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao. 

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-11T00:03:00

    Biến thể BA.1, BA.2, BA.3 đang lây lan nhanh có gì khác Delta?

    Theo báo cáo của Bộ Y tế, các biến thể phụ của Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, thay thế dần chủng Delta thường gặp trước đây.

    Tại Hà Nội, các biến thể của Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận huyện, trong đó BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện nhiễm Omicron.

    Lây lan nhanh chỉ trong hơn 1 tháng

    Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, qua giải trình tự gene thời điểm từ ngày 1 đến 10-2, trong 54 mẫu thu thập từ 21 tỉnh thành phía Bắc có đến 50 mẫu là chủng Delta, chỉ 4 mẫu chủng Omicron.

    Trong đó 2/4 mẫu ở Hà Nội nhiễm biến chủng BA.2 (là biến thể phụ của Omicron), 1 mẫu ở Ninh Bình nhiễm biến thể BA.1 cũng là biến thể của Omicron và Tuyên Quang 1 mẫu BA.2.

    Về di truyền, BA.2 có đột biến tương tự ở Delta. Cụ thể, 2 ca nhiễm BA.2 ở Hà Nội ghi nhận có đột biến axit amin có ở Delta là AI57.

    TS.BS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh ĐH Y dược TP.HCM - cho biết biến thể phụ BA.2 của Omicron xuất phát từ biến thể phụ BA.1.

    Xét về cấu trúc gene, BA.2 không còn đột biến mất đoạn như BA.1, chính vì vậy có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.1 gấp 1,5 - 1,7 lần.

    Trong khi đó, BA.1 đã lây nhanh hơn Delta gấp 8 lần, BA.2 lây nhanh hơn gấp 2 lần BA.1 nên tốc độ ca COVID-19 mới càng nhanh hơn, bởi hiện BA.2 chiếm 87% ca mắc Omicron chung được khảo sát tại Hà Nội. TS Vân cũng cho biết hiện tại đã xuất hiện thêm 1 biến thể khác của Omicron là BA.3, tuy nhiên tỉ lệ chưa nhiều.

    Theo TS Hùng Vân, khi Omicron xuất hiện đến 3 biến thể phụ khác nhau, có thể làm cho một người nhiễm Omicron rồi vẫn có thể nhiễm lại một lần nữa. Nếu nhiễm biến thể phụ BA.1 vẫn có thể nhiễm lại biến thể phụ BA.2.

    Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia ngày 5-3 cũng cho biết BA.2 có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện có so với biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

    "Nhiễm Delta rồi khó nhiễm lại Delta, nhiễm Omicron rồi vẫn có nguy cơ bị nhiễm lại. Một người từng nhiễm Delta vẫn có thể nhiễm Omicron", TS Vân nói.

    Tốc độ lây lan của Omicron, đặc biệt là biến thể BA.2 là lý do khiến ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh trong 1 tháng qua. Nếu tính giai đoạn đầu tháng 2 như kết quả giải trình tự gene ngẫu nhiên kể trên, Delta vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối thì hiện Omicron đã thay thế gần như hoàn toàn.

    Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng kinh nghiệm các nước cho thấy chủng Omicron lây lan nhanh và đạt đỉnh rồi giảm trong vòng 2 tháng, tính đến nay đã qua hơn 1 tháng Omicron xuất hiện ở Việt Nam, 3 ngày nay số mắc mới bắt đầu giảm dù mức độ giảm còn thấp, có phải đỉnh dịch đã xuất hiện?

    TP.HCM: 64% bệnh phẩm khảo sát là chủng BA.2

    Sáng 9-3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết kết quả sàng lọc nhanh ca bệnh phát hiện từ ngày 10 đến 27-2, giải trình tự gene 67 ca thì có 43 ca nhiễm biến thể BA.2, chiếm hơn 64%.

    Về tình trạng lâm sàng, khảo sát cho thấy biểu hiện chung của Omicron là lây lan nhanh nhưng tỉ lệ nhập viện và số có diễn biến nặng chỉ bằng 1/10 so với trước.

    So về triệu chứng thì số có triệu chứng ở Omicron lại cao hơn các chủng trước, lên tới 50-60%, nhưng các triệu chứng chủ yếu là ho, sốt, rát họng, điều trị ở nhà được. Trong khi với Delta, số có triệu chứng chỉ khoảng 20% nhưng nhiều triệu chứng nặng, tỉ lệ nhập viện và chuyển nặng cao.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-11T01:03:00

    TPHCM: Bệnh nhi là F0 tăng vọt, mòn mỏi chờ tới lượt vào khám

    Theo đó, mỗi ngày có 400 - 500 trẻ nghi ngờ mắc COVID-19 cần sàng lọc, trong đó có khoảng 80% trẻ nhiễm COVID-19. Hầu hết các bậc phụ huynh khi thấy con mình có triệu chứng và đưa đến bệnh viện khám thì mới biết con bị dương tính.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 11/3: Biến thể Omicron "tàng hình" trong cộng đồng tại Hà Nội chiếm tỷ lệ 80% - Ảnh 1.

    Có những trường hợp bệnh nhi có diễn tiến co giật do sốt cao đến cấp cứu. Phụ huynh phải nhờ đến xe cấp cứu miễn phí của y tế địa phương để chở con đến bệnh viện điều trị.

    Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mặc dù gần hết giờ hành chính nhưng mỗi ngày bệnh viện có khá đông phụ huynh đưa con em mình đến đây để khám chữa bệnh.

    BSCKII Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết bắt đầu từ tháng 3, số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện tăng lên, kéo theo đó nhiều trẻ nghi ngờ mắc COVID-19 tăng theo.

    Trong số những bé nhiễm COVID-19 thì rất ít trẻ phải nhập viện điều trị; đa số được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc, theo dõi trẻ và uống thuốc theo kê đơn bác sĩ.

    Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1,ThS.BS Dư Tấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết tại khu khám sàng lọc COVID-19 trong gần một tuần nay có số trẻ là F0 đến khám bệnh tăng cao.

    Bệnh viện bố trí 4 bàn khám cho bệnh nhi là F0, trung bình một bàn khám khám cho hơn 100 bệnh nhi F0/ngày. Số lượng này tăng hơn nhiều so với những tuần trước Tết (khoảng 20-30 trẻ là F0 đến khám/tuần). 

    Theo bác sĩ Quy, hiện các bàn khám này đều trong tình trạng quá tải. Dù đông bệnh nhi là F0 đến khám nhưng hầu hết trẻ đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, nhưng vì gia đình lo lắng nên đưa đi khám. Những trẻ này hầu hết đều được theo dõi, điều trị tại nhà, rất ít trẻ phải nhập viện.

    Tương tự, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 số giường bệnh dành cho F0 chỉ có 4 giường nhưng hiện thực kê đã là 6 giường. Những trẻ em là F0 phải nhập viện đều là những trẻ có bệnh nền trước đó như đái tháo đường, động kinh, béo phì…

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-11T02:03:00

    F0 nặng và tử vong tại bệnh viện điều trị Covid-19 Hà Nội giảm mạnh

    So với giai đoạn Tết Nguyên đán, số lượng F0 tử vong tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, giảm chỉ còn một nửa.

    Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, với quy mô 500 giường là nơi tiếp nhận, điều trị của các bệnh nhân Covid-19 tầng 2 và 3, hiện cơ sở y tế này đang điều trị khoảng 150 bệnh nhân.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 11/3: Đã xác định được biến thể lai Deltacron kết hợp giữa Delta và Omicron - Ảnh 1.

    Thời gian gần đây, số lượng F0 tiếp nhận mỗi ngày tại bệnh viện giảm khá nhiều, từ 20-30 ca mỗi ngày giảm xuống còn 7-10 trường hợp. Tương tự, số ca tử vong do Covid-19 cũng giảm từ 6-7 ca/ngày xuống 2-3 trường hợp hoặc có ngày không ghi nhận bệnh nhân qua đời.

    Sau khi được điều trị có kết quả âm tính, bệnh nhân sẽ được chuyển đến cơ sở y tế khác để tiếp tục theo dõi.

    Tại khu tầng 2, nơi điều trị cho các bệnh nhân nặng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết mỗi bệnh phòng khoảng 40 bệnh nhân, trường hợp nào có nguy cơ chuyển nặng sẽ được chuyển lên tầng 3. Tuy nhiên, số bệnh nhân này không nhiều, khoảng 3-4 ca/ngày.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 11/3: Đã xác định được biến thể lai Deltacron kết hợp giữa Delta và Omicron - Ảnh 2.

    Bác sĩ Minh Quân, điều trị tầng 3, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, cho biết hầu hết trường hợp nguy kịch là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và chưa được tiêm vaccine Covid-19. Bệnh nhân tử vong không hẳn chỉ ở khu vực tầng 3. Một số trường hợp ở khu vực khác chuyển nặng đột ngột, không kịp cấp cứu hoặc cấp cứu không thành công cũng có thể dẫn tới không qua khỏi.

    Bệnh nhân phải hồi sức tích cực có khả năng hồi phục kém hơn so với các ca ở tầng 2, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh nhân chủ yếu nằm lưu cữu, thời gian điều trị dài, có khi vài tuần hoặc vài tháng mới có thể ra viện.

    Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian gần đây, bệnh viện cũng ghi nhận bệnh nhân tái nhiễm nhưng số lượng này khá ít. Lần thứ 2 mắc Covid-19 cũng thường nhẹ nhàng hơn lần đầu.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-11T04:03:00

    Đã xác định được biến thể lai Deltacron kết hợp giữa Delta và Omicron

    Philippe Colson của IHU Mediterranee Infection ở Marseille, Pháp, tác giả chính của một báo cáo đăng trên trang web về khoa học sức khỏe medRxiv, cho biết, vì có quá ít trường hợp mắc Deltacron được xác nhận nên còn quá sớm để có thể đánh giá ngang hàng nhằm xác định liệu Deltacron có khiến virus lây lan nhanh hoặc gây ra bệnh nặng hay không.

    Nhóm nghiên cứu của ông Philippe Colson đã mô tả ba bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm một phiên bản virus SARS-CoV-2 kết hợp protein đột biến từ biến thể Omicron với biến chủng Delta. 

    Theo một báo cáo chưa được công bố của công ty nghiên cứu di truyền học Helix đã được xác định ở Mỹ, hai trường hợp nhiễm Deltacron không liên quan khác đã được báo cáo cho medRxiv. Trong thông báo nghiên cứu virus, các nhóm khác đã báo cáo thêm 12 trường hợp nhiễm Deltacron ở châu Âu kể từ tháng 1/2022, tất cả đều có sự gia tăng đột biến Omicron và Delta.

    Đã xác định được biến thể lai Deltacron kết hợp giữa Delta và Omicron - Ảnh 1.

    Deltacron là kết quả tái tổ hợp di truyền virus giữa giữa Delta và Omicron. (Ảnh: Reuters)

    Sự tái tổ hợp di truyền của virus SARS-Cov-2 ở người được xác định là xảy ra khi hai biến thể lây nhiễm vào cùng một tế bào chủ. Ông Colson cho biết: "Trong đại dịch COVID-19, hai hoặc nhiều biến thể đã cùng lưu hành trong cùng một khoảng thời gian và ở cùng khu vực địa lý. Điều này tạo cơ hội cho sự kết hợp lại giữa hai biến thể này".

    Theo ông Colson, nhóm của ông đã đã thiết kế dụng cụ xét nghiệm PCR "có thể nhanh chóng kiểm tra các mẫu dương tính với sự hiện diện của chủng virus này".

    Nghiên cứu mới đồng thời bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, những con chó được huấn luyện có thể giúp sàng lọc đám đông để xác định người bị nhiễm COVID-19.

    Theo VTV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-11T05:03:00

    Phụ nữ mang thai chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19 dễ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn

    Khi mắc COVID-19, những thai phụ khỏe mạnh, không có bệnh lý nền, có thể phải đối mặt với một số nguy cơ như sinh non, thai chậm phát triển, sảy thai,… Những nguy cơ này thường xảy ra ở những tuần đầu hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

    Đối với những trường hợp thai phụ nhiễm COVID nhưng có một số bệnh lý nền như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp,  tim mạch,… thì tình trạng sức khỏe của thai phụ dễ bị chuyển biến xấu, bệnh nền có thể nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ nhập viện.

    Các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ phổ biến hơn ở phụ nữ chưa được tiêm phòng - Ảnh 2.

    Thai phụ nhiễm COVID-19 dễ bị biến chứng nặng hơn so với những đối tượng khác.

    1. Một số nghiên cứu chứng minh COVID-19 gây các biến chứng nguy hiểm cho thai phụ chưa tiêm phòng

    Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ không được tiêm phòng COVID-19 chiếm 77% trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 xảy ra trong thời kỳ mang thai ở Scotland và 98% trường hợp nhiễm trùng dẫn đến phải nhập viện.

    Các nhà nghiên cứu đã xem xét 4950 trường hợp nhiễm trùng được xác nhận ở phụ nữ mang thai từ ngày 1/12/2020 bao gồm 1543 người mang thai 3 tháng đầu, 1850 trường hợp ở giai đoạn giữa thai kỳ và 1557 trường hợp trong giai đoạn cuối thai kỳ. Họ phát hiện ra rằng các biến chứng nặng, cần chăm sóc đặc biệt do nguy kịch, thai chết lưu và tử vong sơ sinh sớm, phổ biến hơn ở những người không được tiêm phòng COVID-19 so với những người đã được tiêm vaccine.

    So với phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai nhiễm SARS-CoV-2 có nhiều khả năng phải  chăm sóc đặc biệt, được thông khí xâm nhập và oxy hóa màng ngoài cơ thể, và  tử vong. COVID-19 trong thời kỳ mang thai cũng làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như tiền sản giật, sinh non và thai chết lưu.

    Asma Khalil- Giáo sư sản khoa và y học thai nhi tại Đại học St George's, London
    Nghiên cứu cho thấy phần lớn phụ nữ mang thai nguy kịch hoặc tử vong do COVID-19 không được tiêm chủng. Đại dịch vẫn còn kéo dài với hàng chục nghìn trường hợp mắc bệnh COVID-19 được báo cáo ở Anh mỗi ngày. Do đó, điều tối quan trọng là phụ nữ mang thai phải tiêm vaccine.

    2. Tỷ lệ nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai chưa tiêm vaccine cao

    Một báo cáo cho thấy tỷ lệ tiêm chủng (từ ngày 8/12/2020 đến ngày 31/10/2021) ở phụ nữ mang thai thấp hơn đáng kể so với số phụ nữ từ 18- 44 tuổi nói chung. Dưới 1/3 ( 32,3%) phụ nữ sinh con vào tháng 10/2021 ở Scotland được tiêm hai liều vaccine, so với 77,4% nhóm dân số nói chung.

    Trong số 4950 trường hợp nhiễm trùng được xác nhận khi mang thai, 823 người (17%) nhập viện và 104 người (2%) phải nhập viện và trở nặng.

    3. Biến chứng tử vong chu sinh

    Các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ phổ biến hơn ở phụ nữ chưa được tiêm phòng - Ảnh 4.

    Tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều và nhắc lại an toàn trong thai kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ phụ nữ mang thai và trẻ khỏi mắc COVID-19.

    Các nhà nghiên cứu cho biết các trường hợp tử vong chu sinh (tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời) sau khi nhiễm SARS-CoV-2 trong thai kỳ xảy ra ở những người chưa được chủng ngừa tại thời điểm nhiễm bệnh, nhưng chưa có đánh giá liệu COVID -19 "trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào sinh non và tử vong".

    Xem xét kết quả trong vòng 28 ngày kể từ khi nhiễm SARS-CoV-2 (620 ca sinh), có 101 ca sinh non, 10 ca thai chết lưu và 4 ca tử vong sơ sinh, tỷ lệ sinh non là 17% và tử vong chu sinh kéo dài là 22,6/1000 ca sinh.

    Theo nghiên cứu, trong tổng số 2364 trẻ sinh ra từ những phụ nữ bị nhiễm SARS-CoV-2 khi mang thai, có 241 trẻ sinh non, 11 trẻ chết lưu và 8 trẻ sơ sinh tử vong. Điều này tương đương với tỷ lệ sinh non là 10% và tỷ lệ tử vong chu sinh kéo dài là 8/1000 ca sinh sau khi nhiễm SARS-CoV-2 bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.

    Tuy nhiên, những phụ nữ được tiêm phòng COVID-19 trong khi mang thai (cả những người đã tiêm và không bị nhiễm SARS-CoV-2) có tỷ lệ sinh non là 9% (495/5752 ca sinh sống) và tử vong chu sinh kéo dài là 4,3/1000 ca sinh (25 trong số 5766 ca sinh). Các nhà nghiên cứu cho biết đây là các mức tương tự với tỷ lệ sinh non nền (8%) và tỷ lệ tử vong chu sinh kéo dài (5,6/1000 ca sinh).

    Theo Sức khoẻ và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ