Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, ngày 10/10, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tiếp tục đà giảm sâu, tiến sát tới ngưỡng chỉ còn 3 con số. Trong 24 giờ qua, Thành phố ghi nhận 1.067 trường hợp mắc COVID-19 và 82 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang chuyển biến theo hướng tích cực, Thành phố đã triển khai hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình mới. Bên cạnh việc phân luồng, khai báo y tế điện tử, tất cả bệnh nhân sẽ được sàng lọc, chỉ những trường hợp có yếu tố nguy cơ mới tiến hành xét nghiệm.
Ngày 10/10, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký công văn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn về quy trình xử lý F0 tại bệnh viện và các phòng khám. Theo đó, ngoài tầm soát cho người bệnh, các đơn vị sẽ tiến hành xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên, người lao động theo quy định.
Theo công văn này, khi phát hiện F0 qua test nhanh sẽ tiến hành cách ly ngay tại buồng cách ly hoặc khoa, đơn vị COVID-19 để lấy mẫu xét nghiệm PCR khẳng định. Các bệnh viện sẽ khám và đánh giá tình hình sức khỏe của F0 để chuyển người bệnh đến các khoa phòng hoặc chuyển đến bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 trong trường hợp cần thiết.
Để công tác quản lý F0 được chặt chẽ, tất cả thông tin F0 sẽ được nhập vào ứng dụng “hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”, Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị tập trung chăm sóc tốt nhất cho tất cả các F0 cách ly, điều trị tại nhà; cách ly tập trung; cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến hoặc Bệnh viện Điều trị COVID-19 để hạn chế tối đa tình trạng trở nặng, tử vong.
Theo Tiền phong.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thống nhất điều kiện đối với hành khách đi máy bay, không yêu cầu cách ly tập trung.
Nhà chức trách hàng không cũng kiến nghị khách đi từ vùng xanh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Bởi tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine Covid-19 từ địa phương ngoài Hà Nội và TP HCM còn thấp. Nếu quy định khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine như hiện nay thì đường bay ngách (không đến Hà Nội/TP HCM) sẽ ít khách.
Quy định giãn cách ghế ngồi trên máy bay được đề xuất bỏ bởi làm giá vé tăng cao so với bình thường. Các tỉnh, thành cần ban hành quy định kiểm soát dịch đối với hành khách đến, nhưng không lưu trú, ví dụ về phương tiện, cách thức di chuyển... từ sân bay về nơi ở tại địa phương khác.
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách đi máy bay cần tiêm đủ hai liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi lên máy bay.
Hành khách phải khai báo y tế, hoàn thành cam kết phòng chống dịch; không được lên máy bay khi ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...
Sau chuyến bay, khi về nơi cư trú, hành khách không tiếp xúc nơi đông người; tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương). Riêng người từ vùng dịch phải xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi ở.
Theo VnExpress.
Báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết, nhiều chuyến bay không thực hiện được do vướng quy định cách ly của các địa phương.
Theo Cục Hàng không, ngoài Hà Nội, Đà Nẵng yêu cầu hành khách phải cách ly tập trung, Thừa Thiên - Huế còn yêu cầu thêm hành khách phải đăng ký trước và phải được tỉnh phê duyệt.
Đây là lý do một số chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội, từ Hà Nội đi Đà Nẵng và ngược lại, từ TP.HCM đi Huế ngày hôm nay chưa thể thực hiện được.
Vì thế, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo thống nhất quy định về điều kiện đối với hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không, áp dụng chung trong toàn quốc.
Đặc biệt, Cục Hàng không đề nghị các địa phương không yêu cầu hành khách phải cách ly tập trung.
Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng hàng không cần phải có quy định rõ ràng phương thức kiểm soát (dịch bệnh) đối với các hành khách đến nhưng không lưu trú, cư trú tại địa phương này. Ví dụ phương tiện, cách thức di chuyển…hành khách từ cảng hàng không về các tỉnh, thành mà hành khách lưu trú, cư trú.
Cục Hàng không cũng đề xuất, hành khách đi từ vùng xanh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, nhằm tạo điều kiện cho người dân trở về các thành phố lớn làm việc. Lý do, hiện nay tỷ lệ tiêm vắc xin từ các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM còn thấp và nhiều địa phương là vùng xanh.
Nếu quy định hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, mũi 2 tiêm trước ngày bay 14 ngày như hiện nay thì các đường bay ngách và các chuyến bay chiều đến Hà Nội/TP.HCM từ các tỉnh thành khác sẽ có rất ít hành khách.
Đồng thời, Cục đề nghị bỏ giãn cách trên tàu bay để giảm áp lực chi phí/ghế và giá vé đối với hành khách do hành khách đã được xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Ví dụ, các chuyến bay chiều đến TP.HCM sẽ rất vắng khách nên áp lực cân đối phí khai thác hai chiều là rất lớn, khó thực hiện được chuyến bay.
Về kế hoạch khai thác giai đoạn thí điểm từ 10 - 20.10, Cục Hàng không cho biết sẽ có 220 chuyến bay với 21 đường bay, trong đó Vietnam Airlines khai thác 104 chuyến, Vietjet Air 58 chuyến, Bamboo Airways 46 chuyến, Pacific Airlines 12 chuyến.
Theo Thanh Niên.
Tối 10/10, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, có thông tin rõ ràng, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế, ngày 28/9/2021, Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 8157/BYT-KHTC đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố thuộc Trung ương; các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Trước đó ngay đầu tháng 5 khi đợt dich thứ 4 bùng phát, tại Công điện số 615 ngày 7/5/2021 và công điện số 628 ngày 10/5/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã quy định đối với người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc COVID-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1126/BHXH ngày 29/4/2021;
Các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Như vậy, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân;
Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Theo Sức khỏe và Đời sống.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam vừa phát hiện thêm 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly, khu phong tỏa, tại nhà. Lũy kế đến 18 giờ ngày 10/10, sau 21 ngày bùng phát dịch, địa phương này ghi nhận 620 ca mắc COVID-19 (trong đó có 53 ca cộng đồng).
Theo thống kê, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 150 F0 cùng trên 600 công nhân là F1 đang phải cách ly tập trung. Hiện nguy cơ lây nhiễm tại khu công nghiệp vẫn rất cao nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được chuyển sang trạng thái ứng phó với dịch COVID-19 cấp độ cao nhất.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, cùng với việc lập các chốt kiểm soát dịch tại các khu công nghiệp, Ban cùng thành lập những đoàn kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ"; chỉ đạo thành lập "Tổ an toàn COVID-19" trong các doanh nghiệp…
Ban Quản lý đang tích cực phối hợp với ngành y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động trong các khu công nghiệp; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. Hiện đã có hơn 70.000 lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1.
Tính đến chiều 10/10, cộng dồn từ đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, toàn tỉnh Hà Nam đã có 563.367 lượt người được tiêm phòng. Trong đó có 523.404 người được tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2 là 39.963 người. Trong các ngày 8 và 9/10, ngành y tế Hà Nam đã tiếp nhận 98.736 liều vaccine phòng COVID-19 Sputnik-V để tập trung tiêm cho người dân 4 huyện: Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm và Kim Bảng.
Từ đêm 4/10 đến ngày 10/10/2021, lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận, dẫn hơn 5.800 người từ miền Nam đi qua địa bàn an toàn (trong đó có 1.892 người dân đi bộ cùng 153 trẻ em).
Theo Sức khỏe & Đời sống.
Sáng 11/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, trong 12 giờ qua, trên địa bàn ghi nhận 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly, khu phong tỏa, tại nhà.
Luỹ kế sau 22 ngày bùng phát dịch, địa phương này ghi nhận 635 F0, 5.466 F1 và 20.787 F2.
Đợt dịch COVID-19 lần này tại Hà Nam được đánh giá khá nghiêm trọng với số lượng người mắc nhiều, lan rộng trên tất cả địa bàn các huyện, thị, thành phố. Riêng TP Phủ Lý có đến 339 bệnh nhân, trong đó nhiều ca mắc COVID-19 cộng đồng.
Tiếp đến là huyện Kim Bảng với gần 90 F0, trong đó có 12 trường hợp ở cộng đồng. Liên quan đến những ca dương tính, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã điều tra dịch tễ, xác định trên 1.000 F1, gần 1.500 F2.
Theo Sức khỏe và Đời sống.