Cập nhật lúc 09:56 - 13/01/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 11/1: Hà Nội số ca F0 nặng, nguy kịch tăng

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-01-10T23:01:00

    Hàng quán ở Hà Nội 'nhấp nhổm' theo cấp độ dịch bệnh

    Hà Nội nên điều chỉnh cách đánh giá cấp độ dịch bệnh phù hợp với tỷ lệ bao phủ vaccine, tránh tình trạng hàng quán "đóng, mở" liên tục, theo một số chuyên gia.

    Phố Đinh Lễ thuộc phường Tràng Tiền, đây là một trong 5 phường cấp độ 2 (các phường Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Tràng Tiền và Hàng Bạc) được quận Hoàn Kiếm nới lỏng một số hoạt động, cho phép hàng quán (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ với điều kiện không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách; đóng cửa trước 21h hàng ngày...

    Theo công bố cấp độ dịch của Hà Nội hôm 7/1, Hoàn Kiếm vẫn ở cấp độ 3 (vùng cam), ngoài 5 phường được nới lỏng nêu trên, 13 phường còn lại trên địa bàn quận chỉ được bán mang về. Trong thực tế, đây là quận trung tâm thủ đô, diện tích chỉ hơn 5,29 km2, khu phố cổ và phố cũ nhỏ hẹp, nên người dân phường này dễ dàng sang phường khác mua bán, ăn uống.

    Hiện Hà Nội xếp loại cấp độ dịch bệnh các đơn vị hành chính trên địa bàn theo tuần, căn cứ vào số ca nhiễm cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực thu dung, điều trị của hệ thống y tế. Trong một tháng qua, do số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao, hàng loạt quận huyện đã ít nhất hai đến ba lần thay đổi cấp độ dịch bệnh từ "vùng xanh" lên "vùng vàng", "vùng cam", hoặc ngược lại. Theo đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu ở các quận huyện này cũng nhiều lần phải "đóng, mở" tương ứng với diễn biến dịch.

    Đơn cử, hai tuần trước, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng... cấm bán hàng ăn uống tại chỗ nhưng tuần này đã cho mở cửa đón khách. Ở chiều ngược lại, quận Cầu Giấy trở thành "vùng cam" và siết chặt dịch vụ không thiết yếu.

    Cứ đến cuối tuần là các cơ sở lại nhấp nhổm theo dõi xếp loại cấp độ dịch, tính toán phương án kinh doanh.

    Từ góc nhìn chuyên gia, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) nêu quan điểm, số nhiễm hàng ngày có thể tăng nhưng không phải là dữ liệu chính quyết định cấp độ dịch bệnh.

    "Nên thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch bệnh, nếu vẫn áp dụng cách như hiện tại thì Hà Nội nhìn đâu cũng thấy đỏ", bác sĩ Phúc nêu quan điểm.

    Hiện nay tỷ lệ tiêm phủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 của người dân thủ đô từ 18 tuổi trở lên đạt 98,9%. Thành phố đã chủ động phân tầng điều trị và cho F1, F0 triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.

    Với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã và đang triển khai, dù số ca nhiễm mới ở Hà Nội tăng cao (vượt mốc 2.800 ca vào hôm 9/1) song tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong thấp hơn so với trung bình toàn quốc. Theo ghi nhận của ngành Y tế, trong 7 ngày tính từ 3/1 đến 9/1, tỷ lệ ca tử vong ở Hà Nội chiếm hơn 0,4%, còn toàn quốc trên 1,3%.

    Ông Phúc cho rằng nên xác định cấp độ dịch căn cứ vào công suất sử dụng giường bệnh tại các trung tâm hồi sức ICU và tỉ lệ bệnh nhân tử vong. Với tiêu chí vaccine, ông cho rằng Việt Nam hiện đã tiêm phủ đa số người dân nên có thể không cần tính tới tiêu chí này.

    Ông Phúc phân tích, nếu công suất sử dụng giường bệnh tại các trung tâm hồi sức dưới 70% thì "vẫn an toàn", trên 75% là nguy cơ "vỡ hệ thống". Ông nhìn nhận, hệ thống y tế phải nỗ lực tối đa để hạn chế ca chuyển nặng, ca tử vong. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Hà Nội ghi nhận trung bình mỗi ngày khoảng 2.400 ca nhiễm, số ca tử vong 6-7 ca, nghĩa là tỷ lệ tử vong thấp hơn cúm mùa.

    Tiếp cận vấn đề thận trọng hơn, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng khi số ca mắc cao quá có thể dẫn tới quả tải hệ thống y tế và vẫn có thể ảnh hưởng tới ca bệnh nặng, tử vong. Trong khi Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu mục tiêu kiểm soát dịch bệnh an toàn, linh hoạt, trong đó quan trọng là không để tăng số ca mắc nặng, tử vong và quá tải hệ thống y tế.

    "Trên cơ sở khoa học cũng như quản lý thực tiễn các bệnh truyền nhiễm, vẫn phải quản lý được số ca nhiễm vì từ số ca này mới đánh giá được diễn biến dịch như thế nào", ông Phu nói. Với cách tiếp cận này, ông cho rằng các cơ quan có thể chuyển đổi hình thức đánh giá cấp độ dịch bệnh bằng cách không báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày, nhưng "hệ thống y tế phải nắm được số liệu để đánh giá tình hình". Các nước phát triển dù công bố hay không, cơ quan chức năng vẫn theo dõi số ca nhiễm hàng ngày, hàng tuần, để khi F0 tăng cao quá phải đưa ra biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập đông người...

    PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất phân chia hai khái niệm: Người nhiễm là những người xét nghiệm dương tính và bệnh nhân là các trường hợp có triệu chứng.

    "Thay đổi hình thức thống kê khi chúng ta phân rõ hai con số giữa ca nhiễm và những người mắc bệnh (có triệu chứng và được điều trị, đi bệnh viện) để đưa ra những đáp ứng cụ thể, trúng hơn trong việc phòng, điều trị và cấp cứu bệnh nhân", ông Phu chia sẻ.

    Theo VnExpress

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-11T00:01:00

    CEO Pfizer: Chúng tôi đã sản xuất vaccine cho biến chủng Omicron

    Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer Albert Bourla ngày 10/1 nói rằng vaccine cho biến chủng Omicron sẽ sẵn sàng vào tháng 3 và công ty này đã bắt đầu sản xuất.

    CEO Pfizer cho biết loại vaccine này cũng ngăn ngừa những biến chủng khác đang lây truyền. Ông khẳng định vẫn chưa rõ liệu một loại vaccine riêng biệt cho Omicron có cần thiết hay không hoặc nó sẽ được sử dụng như thế nào, nhưng Pfizer sẽ chuẩn bị một số liều vì nhiều nước muốn loại vaccine này sẵn sàng càng sớm càng tốt.


    Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer Albert Bourla. Ảnh: Bloomberg.

    “Hy vọng là chúng tôi sẽ đạt được thành tựu có thể giúp mang lại cách bảo vệ tốt hơn, đặc biệt là chống nhiễm bệnh, bởi việc bảo vệ ngăn ngừa nhập viện và bệnh nặng đã đạt được với các loại vaccine hiện tại khi tiêm mũi tăng cường”, ông Bourla nói.

    Dữ liệu thực tế từ Vương quốc Anh đã chỉ ra rằng vaccine của Pfizer và Moderna chỉ có hiệu quả khoảng 10% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng do Omicron 20 tuần sau liều thứ hai, theo nghiên cứu từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh. Tuy nhiên, hai liều ban đầu vẫn bảo vệ tốt trước nguy cơ bệnh nặng, nghiên cứu cho thấy.

    Cũng theo nghiên cứu này, mũi tiêm nhắc lại có hiệu quả lên đến 75% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-11T00:01:00

    WHO dự đoán triển vọng kết thúc đại dịch Covid-19

    Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News ngày 10/1, ông David Nabarro, đặc phái viên về Covid-19 của WHO, cho rằng đại dịch sẽ còn thách thức thế giới trong ít nhất 3 tháng nữa, nhưng triển vọng chấm dứt đại dịch đã ở phía trước.

    "Tôi e rằng chúng ta sẽ phải chạy đua ứng phó dịch. Chúng ta đã có thể nhìn thấy vạch đích, nhưng chúng ta chưa đạt đến điểm đích. Sẽ có một số thách thức nữa trước khi chúng ta đến đích… Tình hình sẽ còn thách thức trong ít nhất 3 tháng nữa", ông Nabarro nói.

    Bình luận về mô hình diễn biến dịch, ông Nabarro nói: "Cách mà virus hoạt động đó là hình thành, sau đó bùng phát mạnh, tiếp đến là lắng xuống và lại bùng lên sau 3-4 tháng.

    Dự đoán về diễn biến dịch trong tương lai, ông cho biết: "Rất khó để dự đoán tương lai dựa vào cách thức hoạt động của virus trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi cho rằng dịch sẽ tiếp tục bùng lên, do vậy, sống chung với Covid-19 nghĩa là chuẩn bị tốt cho các đợt bùng phát mới và ứng phó nhanh chóng khi nó xảy ra.

    Trước đó, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo rằng, không thể tuyên bố chấm dứt đại dịch khi hệ thống y tế vẫn có nguy cơ không thể đối phó với số ca bệnh tăng đột biến. "Chúng ta phải học cách sống chung với virus. Ngay khi hệ thống y tế của chúng ta không bị quá tải bởi các ca nhập viện và tử vong do Covid-19, tức là nó có thể cung cấp các dịch vụ mà nó đã cung cấp trước đây, thì đại dịch có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu", ông Kluge nói.

    Hơn hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đợt bùng phát mới do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Biến chủng Omicron được phát hiện hồi cuối năm 2021 ở châu Phi đang khiến số ca nhiễm mới ở nhiều nơi trên thế giới tăng đột biến, kéo theo thách thức lớn cho hệ thống y tế.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022 hay nói cách khác là không còn gây mối đe dọa đáng kể cho thế giới.

    "2022 là năm đại dịch Covid-19 có thể kết thúc. Giờ đây, chúng ta đã có các công cụ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này", bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách Covid-19 của WHO, nhận định. Dự đoán này được đưa ra dựa trên tính toán rằng, đến giữa năm 2022, các nước đều đạt được tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 70%.

    Bà Kerkhove nhấn mạnh, vaccine Covid-19 là một công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch. "Với công cụ này, chúng ta có thể giảm tỉ lệ mắc bệnh, nhập viện, bệnh nặng, giảm số người phải chăm sóc tích cực và số người đang hấp hối. Chúng ta có thể khiến Covid-19 không còn gây chết chóc nữa và cũng có thể giảm sự lây lan của nó".

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-11T00:01:00

    TP.HCM có thể hoàn thành tiêm phủ mũi 3 trước Tết Nguyên đán

    Tại họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM diễn ra chiều 10/1, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, không phải bây giờ mà ngay từ đầu, ngành y tế rất quan tâm tới vấn đề “hậu COVID-19” ở các bệnh nhân đã khỏi bệnh.

    Trước tiên, thành phố tiêm vaccine bổ sung hoặc tiêm nhắc cho các bệnh nhân khỏi bệnh COVID-19. Song song đó, các bệnh viện cũng có phòng khám hậu COVID-19 để tư vấn tâm lý, hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân. Một số bệnh viện lớn ở TP.HCM cũng đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 như: Bệnh viện Nhi đồng 1 khám trẻ em, người lớn có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy…

    "Sở Y tế cũng đang phối hợp với các ngành chức năng đang hình thành kế hoạch để chăm sóc phục hồi hậu COVID-19 để trình Ban Chỉ đạo liên ngành. Ngoài việc khám điều trị về các bệnh lý cụ thể còn chăm sóc về tinh thần đối với đối tượng này" - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

    Liên quan việc chăm sóc bệnh nhân hậu COVID-19, ông Huỳnh Nguyễn Lộc - Chủ tịch Hội Đông Y TP.HCM cho biết, trong năm 2022, Hội Đông Y TP.HCM sẽ tổ chức chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc COVID-19 với chủ đề “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc”.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 11/1: Vắc xin ngừa biến chủng Omicron sẽ sẵn sàng vào tháng 3 - Ảnh 1.

    Ông Huỳnh Nguyễn Lộc. (Ảnh: Hà An)

    Chương trình nhằm đánh giá mức độ hồi phục, đồng thời phát hiện ra các bệnh lý để kịp thời ngăn chặn di chứng hậu COVID-19, tiếp nối các giai đoạn điều trị để hỗ trợ phục hồi một cách toàn diện, giúp bệnh nhân trở lại trạng thái sức khoẻ bình thường. Chương trình sẽ diễn ra xuyên suốt 5 tháng từ 14/1 đến 29/4, người dân thăm khám được tầm soát bệnh miễn phí.

    "Giai đoạn 1 sẽ tổ chức chăm lo cho 6.000 người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi nhiễm COVID-19 trên địa bàn TP. Giai đoạn 2 sẽ chăm lo hỗ trợ cho 6.000 người có hoàn cảnh khó khăn thuộc 22 quận, huyện, TP Thủ Đức" - ông Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 11/1: Vắc xin ngừa biến chủng Omicron sẽ sẵn sàng vào tháng 3 - Ảnh 2.

    Người dân tiêm mũi vaccine bổ sung tại Trạm Y tế phường 28 - quận Bình Thạnh sáng 10/1. (Ảnh: Hà Khánh)

    Về vấn đề hoàn thành tiêm mũi 3, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, hiện nay tiến độ diễn ra rất tốt. Tuy đến giờ này chưa có quận huyện nào hoàn thành 100% mũi 3, nhưng có một số địa phương đã đạt 90%.  

    Do đó, nếu duy trì tốc độ 200.000 mũi tiêm/ngày như hiện nay, TP.HCM sẽ hoàn thành kế hoạch tiêm phủ mũi 3 trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-11T02:01:00

    Hà Nội: Số ca F0 nặng, nguy kịch tăng

    Thống kê của Bộ Y tế, hiện có 450 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Hà Nội trong tình trạng nặng, nguy kịch, tăng hơn 40 ca so với 2 ngày trước (ngày 8/1). Trong các bệnh nhân nặng, nguy kịch có gần 400 ca thở ô xy qua mặt nạ, gọng kính (tăng 24%), số còn lại là bệnh nhân thở máy, lọc máu và đặt ECMO (hệ thống tim phổi ngoài màng cơ thể).

    Tính đến hết ngày 9/1, toàn thành phố có hơn 46.600 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị và cách li. Các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị cho gần 3.000 bệnh nhân ở tầng 2 và 3. Hiện có hơn 43.300 F0 thuộc tầng 1, chiếm 93% tổng bệnh nhân đang điều trị tại Hà Nội. Từ 29/4 đến nay, Hà Nội có 260 bệnh nhân tử vong. Tỉ lệ tử vong trên tổng số mắc tăng từ 0,3% lên 0,4%.

    PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết hiện có khoảng 200 bệnh nhân điều trị tại đây. Trong đó hơn 1 nửa là bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải can thiệp ECMO, thở máy, HFNC, ô xy mask/gọng kính...

    “Tổn thương nặng nhất trong COVID-19 là tổn thương phổi, hô hấp, đòi hỏi nhiều thời gian phục hồi của cơ thể, có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của bệnh nhân. Thậm chí, những người bị tổn thương phổi lớn hai bên, không còn khoảng lành rất khó hồi phục”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết.

    Ngoài ra có những tổn thương khác như bệnh nhân nằm hồi sức lâu sẽ bị yếu cơ do bệnh lí hồi sức, dùng thuốc, thở máy, bị loét, tì đè. Trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân cũng có thể bị đột quỵ do tình trạng tăng đông máu, sự tương tác với bệnh lí nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.

    Tập trung phân tích số ca nặng và tử vong

    Phân tích về tình hình dịch tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định: “Hiện chưa phải là đỉnh dịch vì số ca mắc tại Thủ đô sẽ còn tăng từ giờ đến Tết Nguyên đán do chủng Delta lây nhiễm nhanh, chưa kể biến thể mới Omicron với tốc độ lây lan nhanh đã được ghi nhận tại nước ta.

    Thêm nữa dịch đã lan rộng ở cộng đồng, gần tết người dân giao thương, đi lại nhiều sẽ gia tăng F0. Dự kiến đỉnh dịch sẽ đến vào sau Tết Nguyên đán. Chúng ta không nên quan tâm nhiều đến số ca hôm nay bao nhiêu, tăng cao như thế nào, nên tập trung vào số ca nặng, ca tử vong. Chúng ta không khống chế được ca mắc, chỉ khống chế được ca tử vong”.

    Theo PGS.TS Hùng, ngành y tế Hà Nội cần phân tích các ca tử vong thuộc đối tượng nào, đã tiêm vắc xin hay chưa và phân tích nguyên nhân tử vong. Trong đó phải nêu rõ nguyên nhân tử vong do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong.

    "Với trung bình 200 bệnh nhân điều trị mỗi ngày, bệnh viện xác định đây là giai đoạn 2. Trong tình huống xấu khi lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh, viện chuyển sang giai đoạn 3 với công suất tối đa là 500-700 giường ICU. Nhân lực cho giai đoạn này cần huy động tới 1.500 thầy thuốc, tình nguyện viên".

    PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19

    Cùng quan điểm, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho rằng nên tập trung vào số ca nặng, ca có nguy cơ chuyển nặng thay vì việc quan tâm ca nhiễm tăng từng ngày. Trong đó cần phát hiện sớm các ca nguy cơ để đưa vào bệnh viện điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong.

    Về vấn đề cách li và điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đề xuất, Hà Nội nên mở rộng cách li, điều trị tại nhà đối với F1 và F0, mở rộng thêm các đối tượng trên 50 tuổi, không có bệnh nền và đủ các điều kiện cách li.

    Theo TS. Hải, với những F0 nên cho ở nhà, người thân có thể chăm sóc, theo dõi sát, phát hiện nguy cơ trở nặng. “Nếu đưa đến các cơ sở thu dung sẽ là gánh nặng cho ngành y tế, nhân viên quá tải. Chúng ta hoàn toàn có thể cho người bệnh ở nhà tùy theo triệu chứng của người bệnh”, TS. Hải nói.

    Các chuyên gia y tế cũng cho rằng Hà Nội nên có nhiều đội y tế lưu động, y tế phường, y tế khu phố để phát hiện chuyển nặng và đưa lên tuyến trên kịp thời.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ