UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức về việc mở cửa đón du khách đến tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện không phức tạp.
Theo đó, UBND huyện Mỹ Đức cho biết sẽ tổ chức đón khách về tham quan bắt đầu từ ngày 16/2 (tức ngày 16 tháng Giêng).
Để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng Kế hoạch Quản lý, tổ chức đón khách về tham quan chùa Hương trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và phương án đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Huyện Mỹ Đức khuyến cáo du khách thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế, riêng đối với các du khách chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 không nên đến khu di tích để bảo vệ sức khoẻ của chính mình và cho cộng đồng.
Huyện Mỹ Đức thành lập 8 tiểu ban, 1 trạm kiểm tra vé và điều hành đò, thuyền, 1 tổ kiểm tra liên ngành. Trong đó Tiểu Ban y tế có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo Tiền phong
Bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO cho biết, cơ quan y tế toàn cầu đang theo dõi bốn phiên bản khác nhau của biến thể Omicron. Theo đó, biến thể phụ BA.2, dễ lây lan hơn phiên bản BA.1 hiện đang chiếm ưu thế, do đó, BA.2 có thể sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới.
"BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1, vì vậy chúng tôi cho rằng BA.2 sẽ lây lan mạnh trên khắp thế giới" - bà Van Kerkhove nói.
Hiện chưa rõ liệu biến thể phụ mới có thể gây tái nhiễm đối với những người đã mắc phải phiên bản trước đó của biến thể Omicron hay không.
Hiện WHO đang theo dõi BA.2 để xem liệu biến thể phụ này có gây ra sự gia tăng các ca nhiễm mới ở các quốc gia đã có sự gia tăng nhanh chóng và sau đó là sự sụt giảm mạnh về số ca nhiễm biến thể Omicron hay không.
Bà Van Kerkhove nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu cho thấy sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh do một trong hai biến thể phụ gây ra. Omicron đang được cho rằng không gây bệnh nặng và tử vong như các biến thể Alpha và Delta, mặc dù nó lây lan nhanh hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Có miễn dịch cộng đồng chưa?
Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, bắt đầu từ ngày 7/2, người dân chính thức trở lại công việc. Trước đó, Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm mạnh từ ngưỡng 15.000 xuống còn 8.500 trường hợp trong khoảng thời gian này. Trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc Covid và 100 ca tử vong. Con số này thấp hơn so với tuần trước đó với mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong.
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 14h30 ngày 8/2 cho biết cả nước đã tiêm tổng cộng 183,196,831 liều vắc xin phòng Covid-19.
Đến ngày 7/2, số vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 166.110.194 liều gồm mũi 1: 70.656.032 liều; Mũi 2: 67.870.948 liều; Mũi bổ sung: 10.382.610 liều và Mũi 3: 17.200.604 liều.
Có 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90% là Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương.
Số vắc xin phòng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.316.260 liều, trong đó mũi 1: 8.455.708 liều; Mũi 2: 7.860.552 liều.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM, với số lượng người đã tiêm vắc xin như hiện tại thì dự báo miễn dịch cộng đồng về cơ bản đã có. Nếu chúng ta tiếp tục 5K thì hiệu quả phòng chống dịch vẫn tốt.
PGS Dũng dự báo sau Tết dịch bệnh sẽ giảm dần. Mặc dù số ca lây nhiễm sau Tết có thể gia tăng nhưng về cơ bản xu hướng mắc sẽ giảm.
Điều quan trọng nhất để giảm dịch bệnh đó là thực hiện 5K. Nếu mọi người không thực hiện 5 K thì số ca mắc sẽ tăng theo cấp số nhân giống như ở Hoa Kỳ hay các nước Châu Âu khác...
Hơn nữa, khi biến chủng Omicron xâm nhập, nếu chúng ta không thực hiện tốt 5 K thì số ca sẽ lây tăng lên. Vì vậy sau Tết dù bạn tiêm đủ 3 mũi vắc xin vẫn phải giữ nghiêm nguyên tắc 5K. Nếu chủ quan thì số ca mắc tăng cao, số người bệnh nặng phải nhập viện cần hỗ trợ ICU sẽ tăng lên khi đó cơ sở y tế quả tải, mất kiểm soát thì số bệnh nhân tử vong sẽ tăng lên.
Cảnh giác cao độ làn sóng mới
Chuyên gia về di truyền Nguyễn Đức Thái nhận định, với những gì đã và đang xảy ra ớ các nước, chúng ta rất cần lưu tâm và có kế hoạch phòng ngự làn sóng Omicron và Delta.
TS Thái lo ngại sau các điểm du xuân tập trung hàng chục ngàn người ở các thành phố lớn và trung tâm du lịch trong các ngày nghỉ Tết có thể làm tăng số ca mắc giống như kinh nghiệm đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm trước và chủng Delta thì chúng ta vẫn hết sức cẩn trọng với biến chủng mới lần này.
Hiện nay về cơ bản đã có lá chắn là vắc xin, mọi người hầu như đều được tiêm chủng 2 mũi và và tăng cường một mũi bảo vệ không bị nặng hay tử vong do Omicron hay Delta, nhưng cần ghi nhớ đó chỉ là bảo vệ tạm thời và tương đối. Một số người không tạo kháng thể tốt hay vững bền, hay tiêm chủng vắc xin kháng thể thấp thì vẫn là những đối tượng có nguy cơ cao.
Theo TS Thái, hiện có 4 chủng Omicron trong đó BA.2 lây nhanh hơn chủng Omicron cũ và một số chưa rõ độc tính. Những gì đang xảy ra ở Hoa kỳ và Nhật Bản cho thấy Omicron không phải là thiên thần hộ mệnh như đã mong đợi.
Ở châu Âu, Omicron đã làm suy sụp hệ thống y tế với tổn phí rất cao. Hiện số tử vong do Omicron ở Hoa Kỳ trên 2000 người mỗi ngày, cao hơn số tử vong do Delta năm ngoái. Omicron lây rất nhanh và không giảm độ độc với những người không tiêm chủng. Theo TS Thái, biến chủng Omicron đang chuyển hướng về Á châu. Ở Nhật, sự vắng bóng Covid-19 gần đây được coi là phép mầu Nhật Bản đã bị tước bỏ với trên 20 nghìn ca nhiễm Omicron mỗi ngày và Nhật đã phải trở lại phòng vệ, báo động khẩn cấp ở các vùng.
Do đó người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm 5K để hạn chế lây lan.
Theo Infonet
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 cho lứa tuổi từ 5-11 tuổi.
Trẻ sẽ được tiêm vaccine COVID-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ từ 12-17 tuổi vừa qua. Trẻ đang đi học được tiêm tại trường. Còn trẻ không đi học sẽ tiêm tại các trạm y tế. Ngoài ra, những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Bộ Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, cụ thể về các phản ứng, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm.
"Chúng tôi cũng sẽ truyền tải các thông tin này đến cộng đồng, các bậc cha mẹ để phụ huynh cùng tham gia với ngành y tế, cán bộ y tế trong theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm"- bà Hồng cho biết.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong hướng dẫn về tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em nói chung, bao gồm cả nhóm 12-17 tuổi và cả nhóm từ 5-11 tuổi, đều có hướng dẫn là người giám hộ, người chăm sóc hoàn toàn có mặt trong các buổi tiêm chủng và hỗ trợ trẻ trong buổi tiêm.
Ngoài việc ký đồng ý chấp thuận, cha mẹ cũng có thể tham gia để có thể giúp đỡ trẻ trong quá trình này. Việc gia đình tham gia theo dõi sức khỏe cho trẻ là điều bắt buộc, vì ngay cả người lớn cũng được khuyến cáo khi tiêm xong không được ở một mình. Điều này vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sống còn liên quan đến sự an toàn của trẻ. Vì vậy, trẻ em cần phải có người lớn bên cạnh để đảm bảo nếu có bất cứ vấn đề gì bất thường, trẻ sẽ được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể.
Liên quan tới vấn đề tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi, sáng 9/2, Bộ Y tế cho biết đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế khảo sát trực tuyến các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia cho thấy 60,6% phụ huynh đồng ý tiêm; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc và chỉ 1,9% phụ huynh không đồng ý. Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng việc tiêm chủng vaccine cho lứa tuổi 5-11 tuổi.
Theo Bộ Y tế, cho đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
"Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có hơn 37 quốc gia đã có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
GS Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu./.
Theo VOV