Cập nhật lúc 06:47 - 14/03/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 1/3: Cách ly F1 hay "thả trôi" để sớm miễn dịch cộng đồng?

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-02-28T23:02:00

    Hà Nội tiếp tục tăng mạnh ca mắc COVID-19; Hơn 1.000 ca nặng, nguy kịch đang điều trị

    Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 27/2 đến 18h ngày 28/2 Hà Nội ghi nhận 12.850 ca bệnh (4.265 ca cộng đồng; 8.585 ca đã cách ly).

    Bệnh nhân phân bố tại 495 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (994), Sóc Sơn (951), Hoàng Mai (788), Bắc Từ Liêm (721), Hoài Đức (702)

    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 275.124 ca.

    Trong các ca nhập viện điều trị, có 1.121 ca mức độ nhẹ, không triệu chứng; có gần 4.000 ca có triệu chứng, mức độ trung bình (tăng hơn 16% so với trung bình 7 ngày trước). Số ca nặng, nguy kịch là 1.027 ca, tăng gần 20%; trong số này có 871 ca thở oxy, 54 ca thở máy không xâm lấn, 37 ca thở máy xâm lấn...

    Hôm qua, Hà Nội ghi nhận 21 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 (từ 27/4/2021- nay) lên 1.064 người.

    Theo Sở Y tế Hà Nội

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-01T00:03:00

    Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc điều trị COVID-19

    Ngày 28/2, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung một số điểm của “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19” ban hành kèm theo Quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo đó, tại Quyết định 437, Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là Molnupiravir và Remdesivir.

    Theo đó với Remdesivir, chỉ định cho người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở ôxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 01/3: Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc điều trị COVID-19; F0 chưa có triệu chứng không được dùng Molnupiravir - Ảnh 1.

    Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

    Về liều dùng của thuốc Remdesivir, người lớn hơn, bằng 12 tuổi và cân nặng trên 40 kg: Ngày đầu 200mg, những ngày sau 100mg/ngày, truyền tĩnh mạch 1 lần trong 30 - 120 phút. Thời gian điều trị: 5 ngày, nếu không cải thiện về lâm sàng có thể điều trị thêm 5 ngày tiếp.

    “Trẻ em nhỏ hơn 12 tuổi thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em. Đối với việc sử dụng thuốc Remdesivir với phụ nữ có thai và nuôi con bằng sữa mẹ, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ đối với trường hợp này nên không khuyến cáo (trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ)…”, Bộ Y tế lưu ý.

    Đối với Molnupiravir, được chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

    Theo hướng dẫn sử dụng, thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị. “Không sử dụng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc”, Bộ Y tế khuyến cáo.

    Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đưa ra lưu ý, phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.

    Đối với phụ nữ cho con bú, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.

    Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều molnupiravir cuối cùng…

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-01T00:03:00

    Bộ Y tế: F0 chưa có triệu chứng không được dùng Molnupiravir

    Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 trước đó.

    Đáng chú ý, Bộ Y tế đã bổ sung nội dung liên quan thuốc Molnupiravir trong nguyên tắc điều trị bệnh nhân Covid-19 như sau:

    Mức độTriệu chứngChỉ định dùng Molnupiravir
    Người nhiễm không triệu chứng

     

    Không
    Nhẹ

    - SpO2 lớn hơn 96%

    - Nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút
    Có (NVYT theo dõi)
    Trung bình

    - SpO2 94- 96%

    - Nhịp thở 20-25 lần/phút

    - Tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50%

    Hoặc

    - Người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền, coi như mức độ trung bình.
    Có (NVYT theo dõi)
    Nặng

    - SpO2 thấp hơn 94%

    - Nhịp thở lớn hơn 25 lần/phút

    - Tổn thương trên X-quang lớn hơn 50%

    Không
    Nguy kịch

    - Người bệnh suy hô cần đặt nội khí quản thông khí xâm nhập

    Hoặc

    - Hoặc người bệnh có sốc

    Hoặc

    - Người bệnh có suy đa tạng
    Không

    Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc ở mức độ nhẹ trong bảng trên được xét ở cả người điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy tình hình dịch.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-01T01:03:00

    Hơn 2.600 trẻ tại TPHCM mắc COVID-19 trong 2 tuần

    Tại buổi họp báo diễn ra chiều 28/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ghi nhận, từ ngày 13/2 đến ngày 26/2 trên địa bàn thành phố có 2.609 trẻ mắc COVID-19.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 01/3: Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc điều trị COVID-19; F0 chưa có triệu chứng không được dùng Molnupiravir - Ảnh 1.

    Trẻ em là nhóm đối tượng nguy cơ cần được bảo vệ trước dịch COVID-19

    Trong đó, nhóm từ 0 đến 6 tuổi là 505 ca; từ 7 đến 11 tuổi là 1.005 ca; từ 12 đến 15 tuổi là 587 ca; từ 16 đến 18 tuổi là 512 ca. Tại 3 bệnh viện nhi đồng của TPHCM, tính đến 8h sáng 28/2, tổng số ca bệnh nội trú ghi nhận 197 trẻ. “Có 519 ca được phát hiện qua khám sàng lọc trong khu vực phòng khám ngoại trú với 33 ca nhập viện. Trong số 9 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp có 3 ca phải thở máy" – bà Huỳnh Mai nói.

    Trong khi đó, thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy số ca mắc COVID-19 ở các trường tại TPHCM đang ở mức cao. Ngày 21/2 phát hiện 285 ca; ngày 22/2 là 219 ca; 23/2 là 178 ca; ngày 24/2 là 185 ca; ngày 25/2 là 216 ca. Dự báo, với sự lưu hành của biến chủng Omicron trên địa bàn, thời gian tới, số ca nhiễm sẽ có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

    Để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh có con em là học sinh trong nhóm mắc COVID-19 hoặc F1 phải cách ly theo quy định, TPHCM sẽ công nhận kết quả xét nghiệm tại nhà của học sinh. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo kêu gọi phụ huynh học sinh tuyệt đối không gian lận kết quả xét nghiệm để tránh nguy cơ COVID-19 lây nhiễm trong trường học.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-01T01:03:00

    "Số ca nhiễm gấp đôi hiện nay Hà Nội cơ bản vẫn đáp ứng được"

    Liên tiếp trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng đột biến, ngày sau luôn cao hơn ngày hôm trước mà chưa có dấu hiệu giảm. Theo đó, ngày 28/2, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục lập đỉnh lên 12.850 trường hợp.

    Các chuyên gia dự báo hai tuần tới, số ca mắc Covid ở Hà Nội khả năng đạt đỉnh. Điều này cũng tạo áp lực cho y tế cơ sở nhưng cũng khiến người dân không khỏi hoang mang.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 01/3: Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc điều trị COVID-19; F0 chưa có triệu chứng không được dùng Molnupiravir - Ảnh 1.

    Bệnh viện Đức Giang, nơi đang tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tầng 3

    Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Infonet, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, số ca mắc mới trong ngày có thể tiếp tục tăng cao. Điều này được dự báo trước, là hệ quả tất yếu khi Hà Nội mở cửa tất cả hoạt động kinh tế - xã hội, quá trình giao lưu, kết nối giữa Thủ đô và các địa phương khác sẽ khiến ca mắc mới tăng cao. Đặc biệt là việc học sinh quay lại trường học dịp sau Tết.

    Giám đốc Sở Y tế cho rằng đánh giá mức độ nguy cơ ở giai đoạn này cần căn cứ tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, chuyển nặng, tử vong cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống y tế các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày.

    Theo đó, hiện F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người nhiễm điều trị ở tầng 2 và 3 của thành phố. Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân nặng đã giảm so với trước, nhưng Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng dự báo số liệu ca bệnh nặng vẫn có thể tăng nhanh do mỗi ngày thành phố ghi nhận hơn 10.000 F0 mới và có thể lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo.

    “Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.

    Cụ thể, bên cạnh bệnh viện thành phố, Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành. Tới nay, tổng số giường bệnh Hà Nội đã chuẩn bị là hơn 11.000 giường cho bệnh nhân Covid-19 trong đó, 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường từ các bệnh viện TƯ đóng trên địa bàn Thành phố và 8.000 giường tại các Bệnh viện của Hà Nội”, Giám đốc Sở Y tế thông tin.

    Với 96% F0 điều trị ở nhà trong khi chậm tiếp cận với y tế cơ sở mà  trên mạng gặp rất nhiều thông tin, Giám đốc Sở Y tế rất chia sẻ với thực trạng này đồng thời kiến nghị các địa phương hỗ trợ cùng lực lượng y tế.

    Song song với đó, người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô cũng khuyến cáo người dân cần giữ bình tình vì hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vắc xin, triệu chứng khi nhiễm bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị.

    “Mọi người không nên hoang mang lo sợ, nhưng tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi "rồi ai cũng là F0"; thực hiện nghiêm túc 5K, tránh tụ tập, hội họp, giao lưu không cần thiết là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”, TS. Trần Thị Nhị Hà cho hay.

    Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống. Đồng thời người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

    Theo Infonet

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-01T06:03:00

    Cách ly F1 hay 'thả trôi' để sớm miễn dịch cộng đồng?

    Trong hướng dẫn mới về cách ly, Bộ Y tế yêu cầu F1 tiêm đủ vaccine cách ly 5 ngày. Áp dụng quy định này, nhiều cơ quan công sở đang than thiếu nhân lực làm việc vì tỷ lệ F0, F1 đang quá nhiều.

    Vì vậy, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Có cần thiết cách ly F1 trong giai đoạn hiện nay?

    Nới lỏng chứ không thể thả trôi, buông lỏng

    Trao đổi với Zing, PGS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng quy định này hoàn toàn đúng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

    Theo ông Phu, vẫn nên giữ quy định cách ly, song có thể tính toán rút ngắn thời gian cách ly của một số trường hợp F1 như người ít nguy cơ trở thành F0, người làm việc ở vị trí trọng yếu của cơ quan, doanh nghiệp... Đi kèm với đó, cần kiểm soát bằng cách xét nghiệm, phòng bệnh cá nhân, thống nhất giữa y tế địa phương, lãnh đạo đơn vị và phải được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.

    "Dù không thể kiểm soát việc cách ly triệt để, vẫn cần hạn chế, làm chậm sự lây lan của dịch, kiểm soát dịch trong giới hạn hệ thống y tế có thể chịu được để làm ăn kinh tế", ông Phu nêu quan điểm.


    Người dân tại TP.HCM được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại nhà trong thời gian cách ly. Ảnh: Phạm Ngôn.

    Vị chuyên gia phân tích dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng, một số nơi có hiện tượng quá tải hệ thống y tế cơ sở, điển hình như Hà Nội. Và việc bùng dịch ngoài lý do có thể biến chủng Omicron lây lan quá nhanh và sau Tết lượng người đi lại, giao lưu lớn, còn có nguyên nhân một bộ phận người dân chấp hành các quy định về cách ly, phòng dịch không nghiêm.

    “Chúng ta chuyển sang giai đoạn sống thích ứng, an toàn và kiểm soát dịch, nới lỏng dần các hoạt động chứ không phải buông trôi, thả lỏng hoàn toàn”, ông Trần Đắc Phu nói và nhấn mạnh chính việc không phòng bệnh tốt, không cách ly nghiêm ngặt khiến số ca nhiễm vừa qua tăng nhanh, dịch bùng lên mạnh mẽ.

    Chúng ta chuyển sang giai đoạn sống thích ứng, an toàn và kiểm soát dịch, nới lỏng dần các hoạt động chứ không phải buông trôi, thả lỏng hoàn toàn

    PGS Trần Đắc Phu

    Cho rằng nhiều nước vẫn chủ trương siết lại các quy định sau khi dịch tái bùng phát, ông Phu cho rằng Việt Nam cũng cần theo hướng này. Chỉ khi nào hệ thống y tế tốt, có khả năng chống đỡ mới nên “thả hết”. Còn với điều kiện hiện nay, dịch bùng phát mạnh sẽ khiến hệ thống y tế quá tải, không thể trụ được.

    “Tại sao trước đó chúng ta làm được mà bây giờ lại chủ quan, không chịu cách ly? Nếu thả ra, nhiều F0 có thể trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân”, ông Phu đặt vấn đề.

    Thay vì không chấp hành việc cách ly, PGS Trần Đắc Phu đề nghị xem xét chỉ nới những hoạt động cần thiết, còn nhiều hoạt động không cần thiết mà có nguy cơ cao như tập trung đông người, hội thảo, hội nghị trực tiếp, liên hoan ăn uống… có thể hạn chế. Bên cạnh đó, mọi người cần được khuyến cáo vẫn đeo khẩu trang ở nơi làm việc, hạn chế tụ tập…


    PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.

    “Giờ nới lỏng hết thì không thể kiểm soát được dịch”, ông Phu nhận định việc mở cửa vẫn nên thực hiện, nhưng phải đi kèm với các điều kiện về phòng dịch, không thể thả cho F0, F1 đi làm. Cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường quản lý, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.

    “Biến chủng mới lây lan quá nhanh, chúng ta xác định sẽ có ca nhiễm trong cộng đồng nhưng không thể để vỡ trận được. Hiện nay nhân viên y tế bắt đầu thiếu do nhiều người bị nhiễm bệnh nên phải cẩn trọng để tránh quá tải y tế”, PGS Trần Đắc Phu cảnh báo.

    Chuyên gia dịch tễ này lưu ý nếu muốn không áp dụng các biện pháp cấm đoán, người dân cần chủ động phòng bệnh. Một khi dịch bùng phát mạnh, quá căng thẳng, có thể nhiều hoạt động sẽ lại phải siết chặt, lúc đó khó khăn hơn nhiều.

    Sớm để miễn dịch cộng đồng thì dịch sớm kết thúc

    Có quan điểm ngược lại, BS Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho rằng Bộ Y tế nên bỏ quy định cách ly F1 đã tiêm đủ vaccine.

    “F1 không triệu chứng thì không cần thiết cách ly, vẫn có thể đeo khẩu trang đi làm”, BS Khanh nói.

    BS Trương Hữu Khanh cho rằng giai đoạn hiện nay chỉ nên tập trung chăm sóc cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Ảnh: Phạm Ngôn.
    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 1/3: "Số ca nhiễm gấp đôi hiện nay Hà Nội cơ bản vẫn đáp ứng được" - Ảnh 3.

    BS Trương Hữu Khanh cho rằng giai đoạn hiện nay chỉ nên tập trung chăm sóc cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Ảnh: Phạm Ngôn.

    Lý giải cho quan điểm này, ông Khanh cho rằng cách xác định F1 hiện nay đã khác với những điều kiện chặt chẽ hơn, như có tiếp xúc cơ thể trực tiếp với F0, không đeo khẩu trang tiếp xúc với F0 trong vòng 2 m hoặc có đeo khẩu trang nhưng tiếp xúc với F0 ở không gian hẹp, kín trong vòng 15 phút…

    Thay vì ra quy định cứng yêu cầu F1 cách ly, ông Khanh cho rằng nên để các cơ quan, đơn vị tự linh động quyết định việc này. Nếu họ xét thấy nhân viên của họ là F1 cần thiết phải đi làm thì cho đi làm, không cần thiết có thể cho nghỉ hoặc làm việc online.

    “Biến chủng mới dù lây lan nhanh, chúng ta cần nhớ điều quan trọng nhất là ta đã tiêm đủ vaccine”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh và cho rằng việc quan trọng trong giai đoạn hiện nay là đánh giá tỷ lệ người dân trong nước nhiễm biến chủng Omicron chiếm bao nhiêu phần trăm để làm căn cứ bãi bỏ dần các quy định.

    Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 nêu thực tế ở một số nước tiên tiến đã bỏ các quy định phòng chống dịch và “không làm gì hết” khi đánh giá tỷ lệ lây nhiễm Omicron khoảng 90%. Quan điểm của những nước này là chủng Omicron rất nhẹ, có thể để miễn dịch cộng đồng tự nhiên.

    Khi chứng minh nhiễm biến chủng Omicron nhẹ thì hãy để miễn dịch tự nhiên. Miễn dịch càng sớm thì càng mau chấm dứt dịch, chỉ cần bảo vệ nhóm người nguy cơ cao

    BS Trương Hữu Khanh

    Vì thế, ở Việt Nam cũng cần xác định tỷ lệ này trên cả nước. Và khi chứng minh nhiễm biến chủng Omicron nhẹ thì hãy để miễn dịch tự nhiên.

    “Miễn dịch càng sớm thì càng mau chấm dứt dịch, chỉ cần bảo vệ nhóm người nguy cơ và tiêm chủng cho đủ”, ông Khanh nói.

    Vị bác sĩ cũng cho rằng Việt Nam đang quá lạm dụng kit xét nghiệm, gây tốn kém, lãng phí không cần thiết, khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên cao và xuất hiện nhiều hàng không rõ nguồn gốc.

    Ông Khanh một lần nữa nhấn mạnh đã đến lúc xem việc nhiễm biến chủng Omicron như cúm mùa, chỉ nên tập trung vào việc bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao như tiêm chủng đầy đủ và chuẩn bị sẵn thuốc đặc trị Covid-19.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-03-01T07:03:00

    MỚI: Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm vaccine Pfizer liều 0,2ml

    Ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Văn bản 2908 trước đó được ký ngày 12/6/2021.

    Theo Quyết định 457 có hiệu lực từ hôm nay, vắc xin được phê duyệt có tên Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 vắc xin).

    Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, theo Quyết định này: Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc xin mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Còn vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

    Về dạng bào chế: Đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và Hỗn dịch tiêm; Trong khi với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

    Vắc xin này do công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất.

    Quyết định 457 này có hiệu lực kể từ ngày hôm nay, 1/3, bãi bỏ Quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến nay, nước ta đã tiếp nhận được hơn 77 triệu liều vắc xin Pfizer.

    Hiện có 98,6% học sinh 12-17 tuổi đã được tiêm mũi 1 và 93,1% tiêm 2 mũi. Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

    Theo Bộ Y tế, Chính phủ cũng đã có quyết định đồng ý cho Bộ Y tế mua 21,9 triệu liều vắc xin của Pfizer để tổ chức tiêm cho các trẻ trong nhóm tuổi này. Bộ Y tế cơ bản đã thực hiện xong thủ tục và đề nghị cấp chậm nhất là đến 30/4 để Việt Nam đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vắc xin cho trẻ em.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ