Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM lúc 21h30 tối 3-9, trong hôm nay, TP xét nghiệm 180.944 mẫu, ghi nhận 8.480 ca mắc COVID-19 mới, tất cả đều trong cộng đồng.
Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm gần 4,7% và tỉ lệ ca cộng đồng chiếm 100% tổng số ca.
Trong đó, quận Bình Tân nhiều nhất với 777 ca cộng đồng, tiếp đến là quận 1 có 736 ca, quận Tân Bình 696 ca, quận 12 có 669 ca, huyện Bình Chánh 583 ca...
Liên tiếp từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 12 (ngày 29-8 đến 3-9) TP.HCM thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội và xét nghiệm trên diện rộng, ghi nhận tất cả ca dương tính trong ngày đều là ca cộng đồng.
Riêng hôm 3-9, số ca F0 trong cộng đồng cao nhất trong 12 ngày TP thực hiện giãn cách xã hội và cũng là ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay.
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 1-9, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết các quận, huyện và TP Thủ Đức đang thực hiện xét nghiệm đợt 2. Qua báo cáo sáng cùng ngày của các địa phương cho thấy tỉ lệ ca dương tính từ 3,6% (trong đợt 1) đã giảm xuống dưới 2%.
Như vậy, so với tỉ lệ F0 trên tổng số mẫu xét nghiệm trong ngày 1-9 chiếm dưới 2% thì nay (ngày 3-9) tỉ lệ này tăng thêm gần 2,7%.
Theo Tuổi trẻ.
Ông Đặng Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, quận đã thực hiện nhiều biện pháp, với nỗ lực cao nhất để hoàn thành di dời, đưa 1.129 người dân ra khỏi "ổ dịch" tại phường Thanh Xuân Trung, vào lúc 21 giờ tối 3/9.
Hiện nay, 112 người còn ở lại trong vùng lõi của “ổ dịch” cũng đang được cách ly và áp dụng các biện pháp y tế theo quy định. Những người ở lại phần lớn là người già yếu, bệnh nền, phụ nữ mang thai có bệnh và những người ở lại để chăm sóc người đặc biệt yếu. Khi ở lại, tất cả đều có đơn cam đoan thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà; đồng thời được đội ngũ y tế vào khám để xác định mức độ bệnh lý.
Hiện tại “ổ dịch” phường Thanh Xuân Trung có tổng cộng 380 ca F0 đang được điều trị, theo dõi tại viện và 300 ca F1 đang được cách ly tập trung.
Theo Báo Tin tức.
Tối 3.9, Sở Y tế TP.HCM có gửi văn bản khẩn đến Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện về việc quản lý và chăm sóc F0 trên địa bàn.
Theo đó, Trạm y tế phường, xã, thị trấn, Trạm y tế lưu động phải quản lý cho được danh sách F0 trên địa bàn bằng cách kết hợp các giải pháp mà Sở Y tế đề ra.
Cụ thể, khi có kết quả xét nghiệm test nhanh Covid-19 hoặc RT-PCR, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và Trung tâm y tế phải khẩn trương gửi ngay danh sách F0 mới phát hiện về các Trạm y tế hoặc Trạm y tế lưu động để triển khai ngay công tác chăm sóc F0.
Tổ chức đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh khi nhận được thông tin của người dân báo có kết quả tự làm xét nghiệm dương tính qua điện thoại hoặc qua phần mềm "Hệ thống khai báo y tế điện tử" hoặc nhận được thông tin từ Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ dân phố...
Đăng nhập vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” để biết và tiếp nhận danh sách F0 mới thuộc địa bàn quản lý do các cơ sở y tế khác phát hiện. Đồng thời, các bước thực hiện cần phải tuân thủ nghiêm khi phát hiện thêm trường hợp F0 mới.
Các đơn vị mỗi ngày cần gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe F0 hoặc chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe F0 qua khai báo y tế. Nếu có nhu cầu, chủ động đến nhà F0 để thăm khám trực tiếp, ưu tiên các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai…) để thuyết phục cách ly ở cơ sở cách ly tập trung tại các phường, xã, thị trấn và quận, huyện.
Trong trường hợp F0 có triệu chứng nặng, các đơn vị phải đảm bảo cung cấp số điện thoại và tiếp nhận cuộc gọi của F0 hoặc người thân 24/7.
Khi nhận được cuộc gọi cấp cứu của F0, bác sĩ trực tiếp mang bình ô xy, dụng cụ đo SpO2, túi thuốc cấp cứu... đến ngay nhà của F0 để khám và đo Sp02. Nếu Sp02 dưới 95% phải cho thở ô xy ngay, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh để chuyển F0 đến bệnh viện.
Theo Thanh Niên.
Kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 (từ 27.4.2021) bùng phát đến nay, TP.HCM trải qua nhiều đợt giãn cách ở các cấp độ khác nhau, đều với mục tiêu kiểm soát cho bằng được dịch bệnh Covid-19.
Ngày 23.8, TP.HCM siết chặt giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, với mục tiêu đến 15.9 cơ bản khống chế dịch bệnh Covid-19. Thời điểm ngày 23.8, TP.HCM ghi nhận 4.251 ca nhiễm.
Đề cập về mức độ giãn cách xã hội sau mốc thời gian ngày 6.9 và ngày 15.9, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho hay TP.HCM không thể thực hiện mãi Chỉ thị 16, nhưng có nới lỏng giãn cách hay không thì phải có điều kiện.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, một Phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, nói rằng việc nới lỏng hay tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian tới của TP.HCM sẽ dựa trên tham vấn, chỉ đạo từ Trung ương.
Trong khi đó, phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều tối 30.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá chặng đường thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh rất gian truân, nhưng bước đầu có niềm tin để thực hiện tiếp đợt tăng tốc đã đề ra.
Theo Thanh Niên.
Sở Y tế Hà Nội thông báo, từ 18h ngày 3/9 đến 6h ngày 4/9, thành phố ghi nhận 6 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, đều đã được cách ly từ trước.
Các ca bệnh đều là trường hợp F1 của các ca ho, sốt cộng đồng; có 2 trường hợp ở Thanh Xuân, 2 trường hợp ở Hà Đông, 1 trường hợp ở Đống Đa, 1 trường hợp ở Hai Bà Trưng.
Theo Sở Y tế.
Hà Nội đã được cấp trên 4,3 triệu liều vắc xin và mới sử dụng 69,24% trong số này (tiêm được xấp xỉ 3 triệu liều) và vừa được phân bổ thêm gần 1 triệu liều vắc xin, nằm trong nhóm 10 địa phương "tiêm chậm", theo thông tin trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
Theo kế hoạch vừa được ký ngày 3-9, Hà Nội sẽ sử dụng số vắc xin mới nhận tiêm cho các đối tượng thuộc 11 nhóm ưu tiên nhưng chưa được tiêm chủng, bao gồm người đến thời gian tiêm trả mũi 2, người làm trong chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu (công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu), công nhân vệ sinh, người sinh sống tại vùng có dịch, người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, người lao động của các đơn vị có đóng góp cho phòng chống dịch...
Riêng số vắc xin Pfizer được phân bổ dịp này, Hà Nội sẽ sử dụng cho người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và đồng ý tiêm chủng.
Cùng ngày, CDC Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, đề nghị tăng tốc độ tiêm chủng, thực hiện tiêm ngay số vắc xin được phân bổ và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng tốc độ diện bao phủ vắc xin.
Theo Tuổi trẻ.
Ngày 4/9, Sở Y tế Đồng Nai cho biết đã ghi nhận 992 ca dương tính với SARS -CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 27.409 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Đồng Nai có số ca nhiễm trên dưới 900 ca/ngày.
Trong số 992 ca nhiễm mới ghi nhận có 16 ca mắc ngoài cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc bao gồm: 13 ca tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất; 3 ca tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom; 856 ca trong khu cách ly và 120 ca trong khu phong tỏa; có 2 chiến sĩ công an làm nhiệm vụ bảo vệ, 10 nhân viên y tế (5 tình nguyện viên tỉnh Hòa Bình) bị lây nhiễm.
Trước tình hình nhiều doanh nghiệp phát ‘3 tại chỗ’ phát hiện các ca nhiễm nghi lây nhiễm từ phương tiện bên ngoài vào công ty giao, nhận hàng hóa, Sở GTVT Đồng Nai đã ban hành văn bản về việc hoạt động vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm".
Sở GTVT yêu cầu, lái xe, nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình vận tải theo quy định; mang theo bản chính giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm); thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế (trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị phù hợp hoặc bản giấy) khi có yêu cầu kiểm tra.
Theo Tiền phong.
Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo, trong sáng nay (4/9), ghi nhận 38 bệnh nhân Covid-19, trong đó 28 ca đã được cách ly, 10 ca ở khu vực phong tỏa.
Các ca bệnh phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (19), Hai Bà Trưng (10), Đống Đa (4), Đan Phượng (2), Hoàng Mai (1), Gia Lâm (1), Hoàn Kiếm (1).
Tất cả 38 ca này đều thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.
Theo Infonet.
Tối 4/9, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.521 ca mắc mới trong nước với 4.734 trường hợp cộng đồng. Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 5.373 ca.
Tại TP. Hồ Chí Minh giảm 4.395 ca, Bình Dương giảm 1.191 ca, Đồng Nai tăng 6 ca, Long An giảm 20 ca, Tiền Giang giảm 6 ca.
Cụ thể số ca mắc mới trong ngày gồm: TP. Hồ Chí Minh (4.104), Bình Dương (2.485), Đồng Nai (992), Long An (544), Tiền Giang (148), Tây Ninh (137), Kiên Giang (125), Đồng Tháp (120), Quảng Bình (110), Bình Thuận (99), Cần Thơ (76), Đắk Lắk (73), Bình Phước (62), Hà Nội (52), Khánh Hòa (51), Đà Nẵng (47), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), An Giang (35), Nghệ An (32), Phú Yên (29), Quảng Ngãi (23), Thừa Thiên Huế (22), Sóc Trăng (21), Bạc Liêu (15), Trà Vinh (14), Gia Lai (12), Sơn La (9), Thanh Hóa (8 ), Bình Định (7), Vĩnh Long (7), Cà Mau (6), Lâm Đồng (5), Ninh Thuận (3), Bắc Ninh (3), Bến Tre (2), Hà Tĩnh (1), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1), Đắk Nông (1).
Trong ngày có thêm 11.848 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 282.516. 24 giờ qua đã thực hiện 643.793 xét nghiệm cho 1.148.822 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.706.988 mẫu cho 38.182.379 lượt người.
Cũng trong ngày hôm nay, Việt Nam ghi nhận thêm 347 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 16 tỉnh, thành phố.
Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (256), Bình Dương (45), Long An (9), Đồng Tháp (6), Đồng Nai (ngày 3-4/9: 5 ca), Khánh Hòa (5), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Đà Nẵng (4), Đắk Lắk (2), Hà Nội (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1), Quảng Nam (1), Vĩnh Long (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Theo Bộ Y tế.