- TP.HCM mở cao điểm tập trung người lang thang, xin ăn ngoài cộng đồng sau nhiều trường hợp người lang thang ở TP.HCM dương tính với nCoV.
Tại buổi làm việc với Bệnh viện dã chiến số 5 đặt tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - nhận định đây như là trận chiến, không thắng không về.
"Để hỗ trợ, chúng tôi sẽ sản xuất với cường độ cao 5.000 tấn lương khô. Dùng máy bay quân đội chở vào và cả bằng phương tiện đường bộ, đường sắt" - ông Giang nói.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay sáng nay trên chuyến bay có 281 người. Ông cho rằng chúng ta từng trải qua cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc bằng vũ khí nóng, bây giờ không bằng vũ khí nóng nhưng cũng là cuộc trường chinh mới.
"Dịch mấy tháng trời, chúng ta mệt với nó. Nếu không quyết tâm, kinh tế sẽ đi xuống, đời sống nhân dân sẽ xuống. Xác định lại quyết tâm và quyết tâm hơn nữa. Tôi biết ở trong này một giờ khổ hơn ở chỗ khác nhiều giờ", ông Giang nói.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cùng đoàn Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đi kiểm tra nơi cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân tại điểm an sinh xã hội khẩn cấp khu phố 2, 3, 4 phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Trước điểm an sinh xã hội này có lương thực thực phẩm, đồ ăn đựng trong bịch nilông gồm: muối, đường, dầu ăn, gạo, sữa...
Cầm trên tay bịch lương thực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ ra rằng: “Những gia đình có điều kiện mua đủ 10 ngày nhưng nhỡ sang ngày thứ 10 bị thiếu không đi mua được thì phường phát túi này chứ không được đi mua.
Ăn để sống chứ đi chợ hộ, mua siêu thị theo kiểu nhà giàu là không được. Bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong không có sức nổi vì TP rất lớn” - Bộ trưởng nói.
Theo Tuổi trẻ.
Ngày 23-8, ban hành công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc gửi các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh huy động sự tham gia của nhân dân.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu, nên cần tập trung bảo đảm đủ ôxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế, thiết lập các trạm y tế lưu động; phân bổ nhân lực cần thiết cho địa phương có số ca nhiễm lớn, nhiều bệnh nhân nặng, huy động tư nhân.
Gắn với đó là việc bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương, huy động tinh thần thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Xem toàn văn Công điện của Thủ tướng tại đây:
Theo đó, UBND TP.HCM giao TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với lực lượng công an, quân sự tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm tra lập hồ sơ, tập trung người xin ăn, lang thang nơi công cộng trên địa bàn.
Tổ chức test nhanh các đối tượng trên trước khi tập trung và chuyển cho các cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp âm tính thì tiếp nhận vào 2 trung tâm hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Trường hợp người lang thang dương tính thì tiếp nhận vào khu cách ly, điều trị của các quận, huyện.
Riêng đối với đối tượng lang thang có sử dụng ma túy có kết quả xét nghiệm dương tính: đối tượng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì chuyển vào Trung tâm cách ly tập trung F0 Bình Triệu. Đối tượng nặng thì chuyển vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi để được chăm sóc, điều trị.
UBND TP cũng giao Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các địa phương tăng cường tập trung chuyển các đối tượng trên vào trung tâm hỗ trợ xã hội và cơ sở bảo trợ để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận phân loại người lang thang từ các địa phương chuyển đến trong thời gian từ 7 đến 10 ngày, tổ chức phân loại diện đối tượng, lập hồ sơ và chuyển nhóm đối tượng này đến các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc sở.
Các cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm sắp xếp, bố trí khu vực để tiếp nhận đối tượng từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội chuyển đến, thực hiện nghiêm túc cách ly đối tượng trong 21 ngày để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị theo quy định.
Công an TP có nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ, dẫn đường khi chuyển các đối tượng đến các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụm Bình Phước.
Theo Tuổi trẻ.
Chỉ đạo trên được nhấn mạnh trong Công điện 1102 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 23/8 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16. Với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16, Thủ tướng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn...
Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng được Thủ tướng nhấn mạnh là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19...
Theo Zingnews.
Ngày 23/8, Công an quận 3 (TP.HCM) phối hợp cùng các đơn vị chức năng địa phương tuần tra, giải quyết tình trạng người sống lang thang, ăn xin trên địa bàn.
Đến 20h cùng ngày, các đơn vị đã tập trung hàng chục trường hợp. Cụ thể, phường Võ Thị Sáu có 15 người, phường 11 có 5 trường hợp, phường 12 và phường 3 có một trường hợp.
Qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện có một trường hợp dương tính với nCoV nên đưa đi điều trị.
Tối cùng ngày, Công an quận Tân Bình cho biết phát hiện 16 người vô gia cư. Trong đó, có 3 người có kết quả test nhanh dương tính với nCoV.
Hiện, số người trên được phía công an bàn giao cho Ban chỉ huy Quân sự quận Tân Bình để có biện pháp hỗ trợ và xư lý bước tiếp theo.
Theo Zingnews.
Chiều ngày 23/8, Ban quản lý chợ Hà Đông yêu cầu các hộ kinh doanh tại khu bán thực phẩm thu dọn, che đậy hàng hóa và ra khỏi chợ để nhân viên y tế phun khử khuẩn. Sau đó, lực lượng chức năng dựng rào kín các lối vào chợ.
Đại diện UBND quận Hà Đông cho hay, khu chợ sẽ bị phong tỏa tạm thời đến ngày 26/8 để phục vụ truy vết và lấy mẫu xét nghiệm các tiểu thương.
Theo điều tra dịch tễ, ca dương tính là nữ, 55 tuổi, trú tại tổ 2 phường Quang Trung, quận Hà Đông, đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19, mũi thứ hai tiêm 16/8. Thường ngày, bà đi chợ Hà Đông để mua thực phẩm nấu ăn cho gia đình vào lúc 16h, không xác định được đã tiếp xúc với những ai tại chợ. Ngày 22/8, bà được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, kết quả dương tính với nCoV.
Chiều cùng ngày, chính quyền đã lập hàng rào phong tỏa tổ dân phố 2, phường Quang Trung.
Chợ Hà Đông là một trong những chợ lớn nhất phía tây nam Hà Nội, nằm trên ba phố Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo. Chợ được chia làm hai khu vực bán các mặt hàng điện tử, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em và thực phẩm.
Theo VnExpress.
Theo phân tích của BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID không có biểu hiện sẽ tự khỏi, khoảng 20% có biểu hiện bệnh, trong đó chỉ có 5% cần đến oxy. Sử dụng oxy là giải pháp hỗ trợ cho những trường hợp bệnh trở nặng chưa được chuyển viện điều trị khi chỉ số oxy máu (SpO2) giảm xuống dưới 95% và cần có hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, vì tâm lý hoang mang, lo lắng khi phát hiện mắc bệnh nên hầu hết các gia đình có người mắc COVID-19 dù không có biểu hiện triệu chứng nhưng cũng liên hệ bằng được bình oxy để trữ sẵn. Hiện nay, chương trình “ATM-oxy giúp người bệnh Sài Gòn” đang bị cộng đồng chiếm giữ rất nhiều. Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tiếp có những thông tin “cầu cứu” xin trả lại bình oxy.
Tương tự chương trình “Oxy cho sự sống” (số 722 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10) cung cấp oxy, hướng dẫn sử dụng miễn phí, không thế chấp cho người F0 trở nặng đang cách ly tại nhà cũng đang bị nhiều người lợi dụng. BS Võ Xuân Sơn, người quản lý chương trình Oxy cho sự sống cho biết:
“Chúng tôi đang phải chấp nhận sẽ mất một số bình vì người mượn không trả. Có một số đối tượng lợi dụng lòng tốt của hoạt động thiện nguyện, chiếm đoạt bình oxy rồi mang đi bán lại cho bệnh nhân. Hiện tại chương trình đang phải tìm cách siết chặt quản lý, chỉ cho những trường hợp cần thiết mượn”.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc triển khai chương trình ATM-oxy giúp người bệnh ở Sài Gòn cho biết: “Ban đầu, chúng tôi triển khai 90 bình oxy loại 8 lít để lập các trạm ở các Quận Đoàn nhưng đến nay đã phải tăng lên 1.500 bình và dự kiến sẽ nâng lên 5.000 bình trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, trong số 1.500 bình đã cho mượn, chương trình chỉ nhận lại được khoảng 500 bình, số còn lại đang bị kẹt trong cộng đồng. Một phần trong số lượng trên là do người bệnh đang sử dụng nhưng có những người được mượn đã qua nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt không cần dùng tới oxy nữa nhưng họ không chịu trả bình khiến công tác điều phối cho F0 đang cần oxy gặp rất nhiều khó khăn. Với lượng vỏ bình để trung chuyển nạp oxy mới còn lại mỗi ngày lực lượng tình nguyện viên chỉ có thể hỗ trợ được cho 200 đến 300 bệnh nhân. Nhiều ca bệnh nặng cần oxy nhưng số vỏ bình đã hết.
Cả BS Võ Xuân Sơn và ông Hoàng Tuấn Anh đều có chung khẳng định, việc mua bình oxy hiện nay là rất khó khăn, có tiền cũng không thể mua được vì nguồn cung tại TPHCM và các tỉnh thành gần như đã cạn kiệt.
Hiện nay, số lượng F0 tại nhà đang cần hỗ trợ oxy rất lớn, nếu mỗi gia đình đều ích kỷ chiếm đoạt bình oxy không chịu trả sau khi mượn để sử dụng thì số lượng bình oxy hiện có tại thành phố chỉ như “muối bỏ biển”.
Số lượng vỏ bình hiện hạn chế, việc tìm mua vỏ bình mới rất khó khăn đang khiến các chương trình cung cấp oxy miễn phí cho F0 trong cộng đồng bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Nguy cơ các chương trình oxy miễn phí sẽ phải ngừng hoạt động vì không còn vỏ bình.
Theo Tiền phong.
Sáng 24/8, số liệu được Cổng thông tin COVID-19 TPHCM công bố cho thấy trong 4.241 trường hợp được xác định mắc bệnh được Bộ Y tế công bố tối qua thì có 3.308 bệnh nhân được phát hiện trong cộng đồng (chiếm 78%). Các địa phương gồm: Bình Thạnh, Quận 1, Quận 8, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn… đang trở thành điểm nóng của tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhằm phát hiện sớm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, chủ động thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị tại nhà hoặc chuyển đến bệnh viện trong trường hợp cần thiết, thành phố đang tận dụng “thời gian vàng” của giai đoạn tăng cường giãn cách xã hội tiến hành xét nghiệm cho tất cả người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm, ngành y tế đang chủ động hướng dẫn người dân thực tự lấy mẫu cho chính bản thân và gia đình giúp tăng tính hiệu quả, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tập trung.
Từ thực tế trên, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố cho biết, việc lấy mẫu cho toàn dân sẽ được thực hiện từ nay đến ngày 15/9. Do đó, số ca mới mắc COVID-19 mỗi ngày có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới. Thành phố kêu gọi sự đồng thuận và hợp tác của người dân để sớm kiểm soát được dịch, đưa cả xã hội trở lại giai đoạn bình thường mới.
Theo Tiền phong.
Ngày 24/8, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học về việc chấn chỉnh hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo Bộ Y tế, phản ánh của cơ quan truyền thông cho thấy tại một số cơ sở tiêm chủng vẫn có hiện tượng thu tiền để được tiêm vaccine. Việc làm này không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ Y tế.
Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được phân công tiêm vaccine Covid-19 khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thực hiện tiêm vaccine đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí. Bộ Y tế nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng với bất kỳ hình thức nào. Đơn vị nào để xảy ra tiêu cực trong việc tiêm chủng vaccine sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo Zingnews.
Sáng 24/8, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 6 người tại cộng đồng, một trường hợp còn lại sống trong vùng phong tỏa.
06 ca bệnh ghi nhận tại cộng đồng:
1. L.C.Q, nam, sinh năm 1980, khu 7, thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức thuộc chùm sàng lọc ho sốt. Bệnh nhân là lái xe vận chuyển cấp cứu 115, được lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần. Ngày 23/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
2. Đ.T.T, nam, sinh năm 1996
3. N.T.T, nữ, sinh năm 1941
4. Đ.Q.T, nam, sinh năm 1968
Các bệnh nhân có cùng địa chỉ tại số 19A ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, là những người sống trong khu vực phong tỏa. Ngày 23/8, tất cả 03 người được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
5. Đ.V.M, nam, sinh năm 2001, số 19A ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, là người sống trong khu vực phong tỏa. Ngày 22/8, bệnh nhân có triệu chứng ho sốt, ngày 23/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
6. N.T.L, nữ, sinh năm 1961, số 12/62 Trần Quý Cáp, Văn Miếu, Đống Đa. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, ngày 23/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
01 ca bệnh ghi nhận tại khu cách ly là N.T.P.T, nữ, sinh năm 1984, số 88 ngõ 34 Ngô Sĩ Liên, Văn Miếu, Đống Đa. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 13/8 được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 âm tính, ngày 23/8 được lấy mẫu xét nghiệm tiếp, kết quả dương tính.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2.617 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.327 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.290 ca.
Theo Sở Y tế.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trưa 24/8, Hà Nội ghi nhận ghi nhận thêm 51 ca nhiễm mới, trong đó 23 ca cộng đồng: Thanh Xuân (13), Đống Đa (13), Thanh Trì (9), Hoàng Mai (4), Bắc Từ Liêm (3), Hà Đông (2), Hai Bà Trưng (2), Thường Tín (2), Ba Đình (1), Đông Anh (1), Sóc Sơn (1).
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Trưa 24/8, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, TPHCM cho biết, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 180.245 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Các bệnh viện trên địa bàn hiện đang điều trị 36.029 bệnh nhân, trong đó có 2.243 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.563 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Sáng 24/8, theo số liệu cập nhật của Ban Chủ đạo phòng chống dịch TPHCM cho thấy từ 18g ngày 22/8 đến 6 giờ ngày 23/8 TPHCM có 1.671 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 91.218), 340 trường hợp tử vong. Cộng dồn từ đầu năm.
Để tăng cường nguồn lực chống dịch, Bộ Tư lệnh TPHCM đã bàn giao đội ngũ y, bác sĩ và 30 xe cứu thương cho Sở Y tế. Nhân lực, tài lực này được Bộ Quốc phòng tăng cường và ủy quyền cho Bộ Tư lệnh TPHCM triển khai bàn giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới. Lực lượng trên được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ TPHCM chủ động hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch, hướng tới mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch COVID-19 sớm nhất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM vừa ban hành quyết định về tiếp nhận, phân bổ và sử dụng hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (đợt 1). Theo đó, số lượng hàng tiếp nhận (đợt 1) là 14.549 tấn gạo. Thời gian thực hiện trước ngày 10/9. Việc giao nhận diễn ra cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Địa điểm giao nhận tại trụ sở UBND Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện.
Theo Tiền phong.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương - trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM - cho biết trước 0h ngày 25-8, tất cả người trong 17 nhóm tại công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 của UBND TP được phép di chuyển phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp.
Phòng có nhiệm vụ cung cấp giấy đi đường (mẫu mới) kèm chữ ký và đóng dấu cho các sở, ngành rồi điền vào theo thông tin trong mẫu và thực hiện. Sở, ngành sẽ căn cứ vào các nhóm được di chuyển tại công văn 2800, 2796, 2850, sau đó tổng hợp số lượng, gửi danh sách đến Phòng PC08.
"Sau 0h ngày 25-8, không sử dụng mẫu giấy đi đường tại công văn 2800 nữa mà Phòng Cảnh sát giao thông sẽ cấp giấy mới cho các đối tượng được phép lưu thông", thượng tá Dương nói.
Sở, ngành sẽ là đấu mối tổng hợp số lượng người (được phép di chuyển) tại các đơn vị, cơ quan trực thuộc rồi gửi cho Công an TP cấp giấy, cụ thể là Phòng PC08 và công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.
"17 nhóm tại công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 được phép lưu thông phải thông qua đơn vị quản lý chủ trì cung cấp danh sách. Đơn vị sở ngành quản lý chủ trì phải tổng hợp danh sách gửi đến Phòng Cảnh sát giao thông để phòng gửi giấy đi đường có chữ ký và đóng dấu của phòng gửi cho cơ quan chủ trì.
Theo Tuổi trẻ.
Báo cáo tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết hiện tỉnh có 74.000 ca F0, tập trung chủ yếu ở 15 phường của 2 huyện “vùng đỏ” với khoảng 1 triệu dân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là quá tải về y tế.
“Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”, ông Minh nói. Ông cho biết tỉnh đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng hiện mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ.
“Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”, ông chia sẻ khó khăn của tỉnh.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được điều vào hỗ trợ chống dịch ở Bình Dương, cho biết 3 tầng điều trị của tỉnh đã vận hành rất nhuần nhuyễn với khoảng 16.000 ca F0 được xuất viện. Nhưng tình trạng thiếu nhân lực y tế đang rất trầm trọng.
Bác sĩ Lân Hiếu cho biết một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu lực lượng điều dưỡng có chuyên môn. Lực lượng hiện có ở các bệnh viện "đông nhưng chưa tinh". Ông đề nghị tỉnh tiếp tục kêu gọi các cán bộ điều dưỡng cũ, có kinh nghiệm tham gia hỗ trợ công tác chống dịch hiện nay.
Trong ngày 24/8, 100 bác sĩ nội trú sẽ vào Bình Dương và số bác sĩ này sẽ được bổ sung cho lực lượng tầng 3. Như vậy, các lực lượng tầng 3 hiện tại có thể bổ sung xuống các tầng dưới, giải quyết phần nào tình trạng quá tải của cơ sở y tế.
Theo Zingnews.
Tối 24/8, Bộ Y tế cho biết ghi nhận 10.811 ca nhiễm mới với 14 ca nhập cảnh và 10.797 ca trong nước (6.780 ca trong cộng đồng). Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 531 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 376 ca, Bình Dương tăng 445 ca, Đồng Nai tăng 176 ca, Long An tăng 5 ca, Khánh Hòa tăng 78 ca.
Cụ thể các ca mắc trong ngày tại TP. Hồ Chí Minh (4.627), Bình Dương (3.628), Đồng Nai (799), Long An (393), Khánh Hòa (203), Đồng Tháp (162), Đà Nẵng (153), Tây Ninh (105), Tiền Giang (93), Cần Thơ (72), Hà Nội (66), Bà Rịa - Vũng Tàu (64), Kiên Giang (61), Bình Thuận (56), Sóc Trăng (42), An Giang (42), Nghệ An (28), Phú Yên (24), Đắk Lắk (21), Bình Phước (20), Thừa Thiên Huế (13), Bến Tre (12), Vĩnh Long (11), Quảng Nam (11), Hà Tĩnh (10), Hậu Giang (9), Quảng Trị (9), Sơn La (9), Bạc Liêu (7), Lạng Sơn (7), Trà Vinh (6), Thanh Hóa (5), Lâm Đồng (5), Bình Định (5), Ninh Thuận (4), Gia Lai (3), Bắc Ninh (3), Bắc Giang (3), Quảng Bình (2), Quảng Ngãi (1), Hà Nam (1), Hải Phòng (1), Cà Mau (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 369.267 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.756 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca, trong đó có 159.501 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế cho biết có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang và 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên. Hiện 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (184.872), Bình Dương (77.053), Đồng Nai (19.110), Long An (18.586), Tiền Giang (7.836).
Trong ngày có 7.663 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 162.279 ca.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 279.349 xét nghiệm cho 407.187 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.999.802 mẫu cho 28.710.154 lượt người.
Ngày 23/8 có 275.085 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 17.647.353 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.725.040 liều, tiêm mũi 2 là 1.922.313 liều.
Theo Bộ Y tế.
Chiều nay 24/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Theo báo cáo, ngày 24/8, TP Đà Nẵng ghi nhận 153 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tính từ 10/7 lên con số 3.149 ca.
TP Đà Nẵng đang ở ngày thứ 9 thực hiện việc "ai ở đâu thì ở đó" để tiến hành xét nghiệm toàn dân. Thành phố cũng đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình và tiếp tục lấy mẫu đợt 3 (từ 22/8 đến ngày 26/8).
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn đều được vào cơ sở y tế để chữa trị, theo dõi và quản lý. Trên địa bàn có 21 trường hợp tử vong và 57 trường hợp bệnh nhân có diễn biến rất nặng, nguy kịch.
Theo bà Yến, dự báo số lượng ca bệnh vẫn còn gia tăng trong thời gian đến nhờ công tác rà soát, xét nghiệm đang được triển khai thực hiện đúng với tình hình dịch. Nếu tiếp tục áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo rà soát các trường hợp mắc và cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng thời gian đến, tình hình dịch bệnh sẽ được khống chế.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Tỷ lệ F0 bình quân tăng theo từng giai đoạn thành phố áp dụng chặt chẽ các biện pháp thực hiện. Tỷ lệ bình quân hàng ngày tương đối giao động. Có 2 chuỗi lây nhiễm nguy hiểm gồm chuỗi cảng cá Thọ Quang, khu phong toả quận Sơn Trà và chuỗi chợ đầu mối Hoà Cường đã bắt đầu kiểm soát.
"Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc" ai ở đâu thì ở đó" theo tinh thần Chỉ thị 05 và Quyết định số 2788 của UBND TP. Dự kiến sẽ thêm 10 ngày. Ngày mai UBND TP Đà Nẵng sẽ quyết định việc này", ông Minh cho biết.
Căn cứ kết quá xét nghiệm lần 3, thành phố sẽ phân chia các vùng có mức độ nguy có khác nhau để áp dụng các biện pháp phù hợp. Cụ thể địa bàn có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối. Địa bàn có nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) thì thực hiện các biện pháp theo Quyết định 2788/QĐ-UBND, đồng thời bổ sung một số hoạt động được phép thực hiện nhằm đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân;thay đổi người làm việc tại các công sở, cơ quan. Các nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động với tối đa 30% số người làm việc và đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”; hoạt động tại cơ quan, công sở nhà nước bố trí tối đa 10% số người làm việc.
Theo Tiền phong.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, UBND TP giao Công an TP làm đầu mối in và quản lý cấp giấy đi đường cho các lực lượng theo nhóm được phép lưu thông của TP. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã hiểu sai.
Công an TP được giao in và cấp giấy đi đường về các đơn vị đầu mối theo văn bản của UBND TP về quy định 17 nhóm đối tượng thẩm quyền được cấp. Đơn vị đó vẫn là đơn vị đầu mối tập hợp và báo về Công an TP danh sách, số lượng, và Công an TP sẽ cấp in và cấp ngược lại cho đơn vị chủ quản và các đơn vị chủ quản có trách nhiệm cấp cho cán bộ, công nhân viên và doanh nghiệp, các đơn vị quản lý.
"Công an TP không trực tiếp cấp giấy đi đường mà chỉ được giao in, quản lý cấp giấy. Chỉ quản lý được lượng giấy cấp ra bao nhiêu, cấp cho đơn vị nào, trong giấy có quy định một số nội dung về kỹ thuật để quản lý và có mã QR code để người sử dụng quét và khai báo thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư" - Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Theo Người lao động.
Sở Chỉ huy phòng chống dịch quận Thanh Xuân thông báo tìm người đã đến ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung trong khoảng thời gian từ ngày 17/7 - 24/8.
Tất cả những người đến địa điểm trên vào thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung. SĐT: 024.858.6236 hoặc 098.347.1105 và Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, SĐT: 024.858.23468 - 0912.495.783 để được hướng dẫn.
Tối 24/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 348 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (292), Bình Dương (35), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (3), Tiền Giang (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Sóc Trăng (2), An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Ninh Thuận (1), Quảng Nam (1), Thừa Thiên Huế (1).
Đến nay tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 24/8 là 9.014 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Bộ Y tế cho biết, hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 706 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.
Theo Bộ Y tế.