- TP.HCM chính thức áp dụng siết chặt giãn cách, ai ở đâu ở đó
- Một số địa phương như Nghệ An, Long An... cũng nâng mức giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch.
Lúc 23h tối 22-8, các phường xã đã đồng loạt làm lễ xuất quân. Theo Bộ tư lệnh TP, đơn vị có hơn 30.000 cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia chống dịch trên mọi mặt trận, thời gian qua có nhiều cán bộ chiến sĩ mắc COVID-19 nhưng ngay khi khỏi bệnh đã quay trở lại tuyến đầu làm nhiệm vụ.
Đúng 23h tại Ban chỉ huy quân sự phường Võ Thị Sáu (quận 3), lực lượng chức năng bắt đầu ra quân thực hiện siết chặt chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại điểm phường Võ Thị Sáu, có khoảng 40 cán bộ chiến sĩ từ Ban chỉ huy quân sự quận 3, Công an quận 3 và quân đội tăng cường từ Lữ đoàn 26 tăng thiết giáp Quân khu 7.
Theo Tuổi trẻ.
Bộ Y tế cho biết trong 2 ngày 21-8 và 22-8, đã có thêm gần 3.000 nhân lực y tế chi viện cho TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Riêng 750 học viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai sẽ có mặt tại TP.HCM đêm 22/8.
Đến tối 22-8, đã có 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số trường khối ngành y dược đăng ký tình nguyện vào TP.HCM. Số này gồm 750 học viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai sẽ có mặt tại TP.HCM ngay trong đêm nay để sáng 23-8 tham gia cùng lực lượng lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ của TP triển khai các tổ lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.
Cùng đó, Trường đại học Y Hà Nội cử thêm 250 người, Trường đại học Dược Hà Nội cử 200 người, Học viện Y dược học cổ truyền cử 150 người, Trường đại học Y dược Thái Bình cử thêm 250 người, Trường đại học Y dược Hải Phòng cử 200 người.
8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng đã lên danh sách cử 450 - 500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để đồng hành cùng các đồng nghiệp chống dịch.
Như vậy, cùng với số nhân lực y tế đã huy động cập nhật đến trưa ngày 21-8 là 14.543 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ, giảng viên, sinh viên khối ngành y đã đến TP.HCM và nhiều địa phương phía Nam, có thêm 3.000 người thuộc lực lượng y tế đã và sẽ đến TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai trong đầu tuần tới để đồng hành phòng chống dịch.
Theo Tuổi trẻ.
Trước đánh giá về tình hình dịch đang diễn biến phức tạp do các ổ dịch lớn khó kiểm soát, nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đề xuất nâng mức giãn cách theo Chỉ thị 16 với TP Vinh.
Cụ thể, người dân ở 25 phường, xã sẽ không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó”, kể cả đi chợ. Thời gian thực hiện ít nhất là 7 ngày từ 0h ngày 23/8.
Ngành y tế sẽ tiến hành test nhanh diện rộng cho hơn 500.000 người dân trên toàn thành phố; bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; thiết lập các vùng xanh trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, mức độ nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, từ ngày 13/6 đến 22/8, địa phương này đã ghi nhận 876 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 21 địa phương. Tính riêng từ ngày 14/8 đến nay, tỉnh có 408 ca nhiễm, trong đó có 189 ca nhiễm trong cộng đồng, riêng TP Vinh có 71 ca nhiễm trong cộng đồng.
Trong thời gian yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, Nghệ An yêu cầu TP Vinh phối hợp với đơn vị liên quan lên kế hoạch đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tới tận nhà cho người dân.
Theo Zingnews.
Sáng 23/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến 6h sáng nay, thành phố ghi nhận thêm 13 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó, 8 ca tại cộng đồng và 5 ca được cách ly.
Phân bố theo quận/huyện thì Đống Đa (4), Hoàng Mai (4), Thanh Xuân (3), Hoài Đức (2). Phân bố theo chùm ca bệnh: Sàng lọc ho sốt (2), Chùm ho sốt thứ phát (7), Chùm liên quan Hồ Chí Minh (4).
Theo CDC Hà Nội.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, Trung ương và nhân dân cả nước đang hướng về TP.HCM. Đa số người dân thống nhất "đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng" để cùng chiến đấu trận này.
Bí thư Nên dẫn lại lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và khẳng định quyết tâm chính trị của thành phố: "Trận này là trận quyết định chứ chưa phải là cuối cùng. Nhưng buộc phải thắng, dù thắng ở mức độ nào".
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, bày tỏ một số quan ngại trong 2 tuần siết chặt giãn cách tới tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều tối 22/8.
Cụ thể như phân phối hàng hóa làm sao để tránh không lây nhiễm, đặc biệt tới điểm cuối. Nếu thành phố xét nghiệm diện rộng, quét ra số lượng lớn F0 thì phải tính toán, tiếp tục chuẩn bị các cơ sở thu dung cho trường hợp cần điều trị.
Mỗi phường, xã đã được quân đội điều động 3 cán bộ, chiến sĩ quân y đến để thăm khám, chữa bệnh. "Vấn đề gì giao quân đội cũng được, quan trọng là phối hợp với địa phương", ông nói.
...
Theo Zingnews.
Sáng 23/8, toàn TP.HCM chính thức áp dụng siết chặt giãn cách, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát kiểm tra giấy thông hành gắt gao, kỹ lưỡng người dân mới được qua và cũng có không ít trường hợp bị phạt vì ra đường không đúng lý do.
Tại các chốt, lực lượng quân đội được tăng cường hỗ trợ.
Tại chốt giao lộ đường Phạm Văn Đồng - đường 20, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), có 11 cán bộ, chiến sĩ gồm: CSGT, công an, quân sự, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố trực tại chốt để dừng xe kiểm soát. Nhóm chia làm 2 tổ nhỏ, kiểm tra xe máy và xe tải, xe khách, ôtô...
Theo Tuổi trẻ.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng cho biết, sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống đại dịch COVID-19; thấu suốt quan điểm "chống dịch như chống giặc", "sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết". Cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần ở đâu gian khổ khó khăn, ở đó có bộ đội; bằng mệnh lệnh trái tim "Bộ đội Cụ Hồ", toàn Quân khu mở đợt thi đua cao điểm chống dịch, cứu dân.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Quân đội sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, các lực lượng chức năng, triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ và tiến tới xanh hoá vùng đỏ; đồng thời, tham gia hiệu quả việc cứu đói, cứu đau, quyết không để dân đói khổ, thiếu thốn, khó khăn, không để sức khoẻ và tính mạng của dân bị đe doạ trong đại dịch.
...
Theo Tiền phong.
Sáng 23-8, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trong ngày hôm qua, toàn tỉnh ghi nhận thêm 501 ca dương tính mới. Trong đó, có 9 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc, 275 ca trong khu cách ly và 217 ca trong khu phong tỏa.
Cụ thể, số ca mắc cao nhất ở TP Biên Hoà với 134 ca, trong đó phường Tân Phong có 70 ca mắc. Tiếp đó, huyện Trảng Bom 129 ca, nhiều nhất ở xã Bắc Sơn có 78 ca, Hố Nai 3 có 51 ca. Huyện Nhơn Trạch có 120 ca, nhiều nhất ở thị trấn Hiệp Phước là 33 ca, xã Phước Thiền là 31 ca.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu có 82 ca mắc, huyện Long Thành 18 ca, huyện Thống Nhất 5 ca, huyện Cẩm Mỹ 2 ca và TP Long Khánh 5 ca. Có 3 huyện Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú không ghi nhận ca dương tính mới.
Theo Người lao động.
Sáng 23/8, người dân Bình Dương chấp hành tương đối tốt quy định phòng, chống dịch trên tinh thần "ai ở đâu, ở yên đấy". Người dân ở các địa phương gồm: TX Tân Uyên, TP Thuận An và TP Dĩ An, nơi đang áp dụng biện pháp mạnh "đông cứng, khóa chặt", nhà cửa trong tình trạng đóng kín không ai ra khỏi nhà.
...
Theo Tiền phong.
Ngày 22-8, trước thời điểm 0 giờ ngày 23-8 khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở mức độ cao hơn, mạnh hơn "ai ở đâu ở đó" đối với thị trấn Long Hải và 3 ấp của xã Phước Hưng (huyện Long Điền), trung đoàn Minh Đạm thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã điều động 102 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đưa lương thực, thực phẩm đến tận nhà các hộ dân trong khu vực này.
Số hàng hóa, lương thực, thực phẩm gồm gạo, thịt, rau, củ, các loại gia vị… được Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Long Điền và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phân phối đủ cho 9.258 hộ người dân thị trấn Long Hải và 300 hộ người dân xã Phước Hưng trong 7 ngày, tổng gần 300 tấn. Bình quân một hộ 4 người sẽ được phát 11,2kg gạo, 2,8kg thịt, 1 lít dầu ăn, 1kg đường, 200g bột ngọt, nửa lít nước mắm kèm một thùng nước uống.
Sau khi phát lương thực, thực phẩm, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn Minh Đạm tiếp tục được huy động trực chốt bảo vệ tại các khu, tổ dân cư và thường xuyên tuần tra, kiểm tra xử lý người dân ra khỏi nhà không có lý do.
Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao nhiệm vụ cho 25 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và chiến sĩ thuộc BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, địa bàn, các đường mòn trên biên giới tại thị trấn Long Hải nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý không cho người, phương tiện lên, xuống mép nước tại các khu vực bờ biển, bãi ngang từ Mũi Kỳ Vân, thị trấn Long Hải đến khu vực bờ kè thuộc ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.
Theo Người lao động.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ 6h đến 12h ngày 23/8, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 10 ca dương tính SARS-CoV-2 gồm 2 ca tại cộng đồng, 8 ca tại khu cách ly.
Các quận, huyện có bệnh nhân mới được ghi nhận là Phú Xuyên (4 ca), Mỹ Đức (2 ca), Đống Đa (2 ca), Bắc Từ Liêm (1 ca), Hoàng Mai (1 ca); với 4 trường hợp ho sốt thứ phát, 6 trường hợp liên quan TP.Hồ Chí Minh.
2 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng
N.T.L, nữ, sinh năm 1938, địa chỉ tại 7/67/88 Trần Quý Cáp, Văn Chương, Đống Đa, sống trong khu vực nguy cơ được phong tỏa cách ly toàn phường từ 20/8, là F1 của bệnh nhân Đ.Q.T, ngày 22/8 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
V.Đ.T, nam, sinh năm 1976, địa chỉ P18 tầng 2 TT20 Trần Quý Cáp, Văn Miếu, Đống Đa, là F1 (em, sống cùng nhà) của bệnh nhân V.M.Q. Bệnh nhân làm bảo vệ của tổ dân phố có tham gia trực chốt phòng dịch trong thời gian 2 tuần gần đây, nghỉ làm ở nhà từ ngày 21/8 do trong nhà có người dương tính (ngày đi làm gần nhất là ngày 19/8). Ngày 22/8, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội sáng 23-8 cho biết về việc lấy mẫu và xét nghiệm diện rộng đợt 2, tính đến 21 giờ 22-8, toàn TP đã lấy được 803.117/856.422 mẫu, đạt 93,7%. Hiện tại đã có 738.172 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính, 54 mẫu dương tính SARS-CoV-2.
54 mẫu dương tính SARS-CoV-2 trên đều đã được công bố.
Hôm nay 23-8, các lực lượng chức năng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực phong toả, khu vực nguy cơ và đối tượng nguy cơ.
Theo Người lao động.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) và Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, vừa tổ chức lễ xuất quân tăng cường cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Theo đó, 40 cán bộ thuộc Cục Cảnh sát QLHC về TTXH với tinh thần khẩn trương, đã lên đường tăng cường hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch bệnh...
Về phía Cục An ninh Nội địa, các cán bộ, chiến sỹ được lựa chọn đều đảm bảo sức khoẻ, có năng lực chuyên môn, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Số cán bộ, chiến sỹ này sẽ tăng cường hỗ trợ, triển khai công tác đảm bảo an ninh nội địa tại 5 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Theo Pháp luật TPHCM.
Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi bốn tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cùng các cơ quan liên quan về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng yêu cầu các bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, chủ tịch UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM, UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để ban hành chỉ thị thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 16 và công điện này về việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, TP.HCM thực hiện đối với toàn bộ xã/phường, thị trấn. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định xã/phường, thị trấn để thực hiện.
Theo Pháp luật TPHCM.
Sáng 23/8, Học viện Quân y tiếp tục tổ chức lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Đến nay, Học viện đã tăng cường tổng số 1.391 quân nhân, trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 4 tiến sĩ, 25 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 79 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 38 thạc sĩ, 25 bác sĩ, 68 bác sĩ nội trú và 140 học viên sau đại học của các chuyên ngành; 72 điều dưỡng, 939 học viên quân y từ năm thứ ba đến thứ sáu.
Toàn bộ lực lượng này đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường và được tập huấn kiến thức chuyên môn liên quan công tác phòng, chống dịch bài bản.
Theo Trung tướng Đỗ Quyết, lực lượng của Học viện Quân y tăng cường tại phía Nam đã và sẽ triển khai thành khoảng 450 tổ quân y cơ động, phối hợp hoạt động với các trạm y tế xã, phường để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, thực hiện cùng ăn, cùng ở với nhân dân.
Mỗi tổ sẽ được trang bị túi y tá, bộ huyết áp kế, ống nghe, nhiệt kế hồng ngoại, máy đo nồng độ oxy và 1 thùng hàng thiết yếu gồm cơ số thuốc thông thường, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tùy theo tình hình thực tế, các tổ quân y sẽ được Cục Quân y (Tổng cục Hậu) cần tiếp tục bổ sung trang thiết bị thiết yếu.
Theo Tiền phong.
Sáng 23-8, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP HCM và Bình Dương trong 15 ngày siết chặt giãn cách xã hội.
Về gạo, ngoài khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực cho Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.
Về rau màu, ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam Bộ 158.000 tấn, ĐBSCL vẫn còn gần 1,5 triệu tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Về trái cây, là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch khi có gần 400.000 tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và gần 1,3 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12-2021 nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.
Về nhóm sản phẩm chăn nuôi (heo, gà, bò, trứng) nguồn cung vẫn duy trì đa dạng và không có biến động. Trong đó, nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu nhập về theo nhu cầu thị trường.
Lãnh đạo UBND TP HCM đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, Tổ công tác Bộ NN-PNTT phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng vẫn xây dựng phương án 2, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP HCM và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, rau củ quả đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Theo Người lao động.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, quán triệt tinh thần trong buổi làm việc với UBND quận 4 sáng 23/8.
Hôm nay là ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện siết chặt giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó".
Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đặc biệt lưu ý đến nhóm yếu thế, cần hỗ trợ tại quận. Theo báo cáo, quận 4 có 17.262 hộ yếu thế, cần quan tâm và khoảng 30 trường hợp lang thang, cơ nhỡ cần thu dung.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ trên đường đến quận 4, ông quan sát được ít nhất 6 trường hợp người lang thang, cơ nhỡ ở các chân cầu, bến xe buýt. Trung tướng nhấn mạnh quận cần có giải pháp để kiểm soát nhóm này.
Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời điểm này "không nói suông", ai không làm là xử lý, đầu tiên là công an, sau đó là quân đội.
"Tôi đề nghị kiểm tra lại toàn bộ lực lượng lang thang, dứt khoát phải đưa vào nơi ổn định tạm thời trong chiến dịch này. Dứt khoát trong hôm nay, đối tượng lang thang, cơ nhỡ phải được quản lý toàn bộ", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông giao nhiệm vụ cho công an phát hiện, mời bà con về nơi thu dung do quân đội quản lý. Trong hôm nay, các đơn vị phải hoàn thành.
Theo Zingnews.
Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 cho biết, tính từ 18h ngày 22/8 đến 18h30 ngày 23/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.280 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.266 ca ghi nhận trong nước.
Ngày 23/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đăng ký bổ sung 117 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 942 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 58 ca, Bình Dương giảm 612 ca, Đồng Nai giảm 226 ca, Tiền Giang giảm 250 ca, Long An tăng 23 ca.
Ngoài ra, Hà Nội phát hiện thêm 13 ca mắc Covid-19, trong đó 11 ca ở khu cách ly.
Cũng trong ngày hôm nay, 6.945 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Theo Bộ Y tế.