Chiều 16/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp, thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn cũng như định hướng trong giai đoạn nới lỏng giãn cách sắp tới.
UBND Hà Nội được giao lên phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.
Từ 12h trưa 16/9, một số loại hình kinh doanh tại 19 quận, huyện bình thường mới đã được mở trở lại.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu áp dụng triệt để các biện pháp cao nhất đối với khu vực vẫn cách ly, phong tỏa; thường xuyên điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ khi mở cửa hoạt động kinh danh trở lại phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch, khuyến khích bán hàng mang về, đặc biệt phải có mã QR để 100% khách hàng khai báo, truy vết khi cần thiết.
Theo Zingnews.
TP.HCM liên tục ghi nhận 4.000-6.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 dù tăng cường giãn cách xã hội. Nguyên nhân là thành phố đang lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc hết F0 khỏi cộng đồng.
TP.HCM đã trải qua hơn 3 tuần tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội (từ 23/8 đến 15/9) nhưng số ca nhiễm vẫn ở mức cao.
Trong ngày 16/9, TP.HCM tiếp tục ghi nhận TPHCM 5.735 ca nhiễm mới. Ảnh minh họa.
Lý giải điều này tại cuộc họp báo chiều 16/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua, TP thực hiện chiến dịch thần tốc xét nghiệm. Nhiều vùng nguy cơ đã xét nghiệm tới 7-8 vòng; vùng xanh đã làm 3 vòng, có nơi 4 vòng xét nghiệm.
Do xét nghiệm tầm soát diện rộng nên số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, hiện dao động 4.000-6.000 ca mỗi ngày.
Sau chiến dịch xét nghiệm, Sở Y tế nhận thấy tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 từ 23/8 đến 27/8, tỷ lệ dương tính vùng đỏ, cam là 3,6%. Đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%.
"Tức là dù số tuyệt đối lớn nhưng tỷ lệ giảm rất đáng kể", ông nói.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, xét nghiệm tối thiểu 2-3 vòng tại vùng nguy cơ nhằm bóc tách hoàn toàn F0 khỏi cộng đồng.
Theo Zingnews.
Chiều 16-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt Chính phủ với TP.HCM về phòng, chống dịch COVID-19 sắp tới.
Ông Đam cho biết, TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành không thể theo đuổi chiến lược "zero F0", do vậy các địa phương phải sẵn sàng tinh thần "sống chung" với dịch.
Muốn thế phải dựa trên cơ sở tiêm vắc xin, chuẩn bị đầy đủ thuốc, nhân lực, khả năng điều trị, đồng thời phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ nguyên tắc 5K và thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM "vẽ lại" bản đồ đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến tận tổ dân phố, khu phố và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng, yêu cầu, thời gian tới, TP.HCM cố gắng kiểm soát tốt dịch bệnh, dần mở lại các hoạt động để quay lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần "mở lại từng bước, chắc chắn, an toàn".
"Dứt khoát không được mở lại các hoạt động mà không an toàn, nhưng nếu an toàn rồi mà không mở lại thì rất lãng phí công sức, nguồn lực chống dịch", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Tuổi trẻ.
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, bắt đầu từ 16/9, thành phố Hà Nội đã cho phép một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống hoạt động theo hình thức bán hàng mang về tại các quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng trong 14 ngày qua.
Để tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh được phép hoạt động trở lại và phục vụ người dân trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nêu trên, Sở GTVT đã có văn bản đề xuất với thành phố cho phép người giao hàng được hoạt động trên phạm vi các quận huyện trên.
Mặc dù được hoạt động, nhưng người giao hàng phải đáp ứng một các điều kiện phòng dịch.
Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội đưa ra một số yêu cầu với người giao hàng khi được hoạt động trở lại. Cụ thể, thời gian được phép hoạt động từ 9h đến 21h hàng ngày.
Về điều kiện hoạt động, đối với người giao hàng, phải được tiêm tối thiểu 01 mũi vắc xin phòng COVID. Khi vận chuyển, giao, nhận hàng hóa phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên còn thời hạn.
Phải chủ động khai báo y tế trực tuyến trước khi ra đường tham gia giao thông và xuất trình thêm chứng minh thư khi được kiểm tra.
Đối với đơn vị quản lý nhân viên và đơn vị cung cấp phần mềm: Chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát, sàng lọc, quản lý người giao hàng đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định; Chỉ kêt nối dịch vụ trong khu vực được thành phố cho phép hoạt động; Cam kết đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động giao nhận hàng hóa theo quy định của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Với hoạt động xe ôm công nghệ, xe ôm và người giao hàng tự do, Sở GTVT thông báo, tiếp tục tạm dừng.
Theo Tiền phong.
Theo Sở Y tế Hà Nội, sáng 17/9, thành phố ghi nhận thêm 3 ca dương tính SARS-CoV-2, đều tại khu cách ly, có địa chỉ tại huyện Thanh Trì; đều là F1 của các ca ho, sốt cộng đồng.
N.H.S, nam, sinh năm 1979, địa chỉ tại Tả Thanh Oai, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.G. Ngày 7/9, được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 15/9, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
N.T.L.A, nữ, sinh năm 1988, địa chỉ tại Tứ Hiệp, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.M. Ngày 31/8, được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 15/9, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
N.H.D, nam, sinh năm 2018, địa chỉ tại Hữu Hòa, Thanh Trì; là F1 (con) của bệnh nhân N.H.T . Ngày 31/8 được lấy kết quả xét nghiệm ( kết quả âm tính) và chuyển vào khu cách ly tập trung. Ngày 15/9 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.875 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.279 ca.
Thực hiện kế hoạch 206/KH-UBND ngày 8-9-2021 về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn TP, trong ngày 16-9, toàn TP Hà nội đã lấy 57.788 mẫu xét nghiệm.
Tính từ ngày 8-9 đến nay, toàn TP đã lấy được tổng 4.255.316 mẫu (2.965.789 mẫu PCR, 1.289.527 test nhanh), phát hiện 21 ca dương tính SARS-CoV-2.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Theo nguồn tin mới nhất, 100.000 lọ thuốc vừa được chuyển tới các địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nằm trong lô 200.000 lọ Remdesivir được nhập khẩu theo đơn tài trợ của Tập đoàn DB – Cổ Đông Sáng Lập Tập Đoàn Ecopark.
200.000 lọ thuốc Remdesivir này được sản xuất bởi hãng dược Mylan, thuộc tập đoàn Pfizer của Mỹ, có trụ sở tại NewYork. Tính đến thời điểm hiện tại, Pfizer là hãng dược lớn và lâu đời nhất thế giới với lịch sử 172 năm. Hãng dược này nổi tiếng với Vaccine Covid-19 Pfizer; Doanh thu năm 2020 của hãng dược này đạt hơn 50 tỷ USD.
Phần lớn trong lô 100.000 lọ thuốc đặc trị Covid -19 đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/8.
Theo nguồn tin mới nhất, lô thuốc này đã được chuyển đến ủng hộ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Hà Nội, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Lâm Đồng, Nghệ An….. 100.000 lọ còn lại đang được nhà tài trợ vận chuyển về Việt Nam, dự kiến sẽ về Việt Nam trong vài ngày tới.
Theo tính toán, 200.000 lọ thuốc Remdesivir được trao tặng lần này, sẽ giúp các địa phương điều trị hiệu quả cho số bệnh nhân từ 20.000 – 30.000 người.
Theo Tiền phong.
TP.HCM sẽ triển khai xét nghiệm thần tốc để tiếp tục bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời dựa trên kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9.
Cụ thể, tại các vùng đỏ, vùng cam, TP sẽ xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn với tần suất 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình, với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong 1 hộ gia đình/1 mẫu gộp). Mẫu gộp nào dương tính sẽ được giải mẫu bằng test nhanh.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc với nhiều người khác.
Nếu hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại từ 5-7 ngày/lần.
TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đội lấy mẫu, đồng thời, khuyến khích người dân tự lấy mẫu. Việc lấy mẫu sẽ có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp....
Trường hợp để người dân tự lấy mẫu thì phải có hướng dẫn hoặc đính kèm hướng dẫn. Nếu người dân tự lấy mẫu và thực hiện test nhanh thì địa phương sau đó phải thu nhận lại khay test nhanh để đánh giá kết quả./.
Theo VOV.
Theo CDC Hà Nội, tính đến 12h ngày 17/9, phát hiện thêm 7 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, 4 ca tại khu cách ly và 3 ca tại khu phong tỏa.
Trưa 17/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến 12h trưa cùng ngày, thành phố phát hiện thêm 7 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, 4 ca tại khu cách ly và 3 ca tại khu phong tỏa.
Trong đó, Hoàng Mai 4 ca, Thanh Xuân 3 ca. Cả 7 ca này cùng thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt.
Như vậy, tính đến 12h ngày 17/9, Hà Nội phát hiện tổng 10 ca mắc Covid-19.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Theo dữ liệu từ Sở Y tế TP.HCM, từ 18h ngày 14-9 đến 18h ngày 15-9, TP đã lấy mẫu xét nghiệm 391.300 người, trong đó xét nghiệm RT-PCR tại vùng xanh, cận xanh, vàng cho 46.651 người, phát hiện 4.532 người dương tính. Tỉ lệ dương tính 9,7%.
Còn tại vùng đỏ và cam, TP xét nghiệm nhanh kháng nguyên 344.649 người, trong đó phát hiện 3.912 người dương tính. Tỉ lệ dương tính chiếm 1,1%.
Trước đó, từ 18h ngày 13-9 đến 18h ngày 14-9, TP đã lấy mẫu xét nghiệm 357.044 người. Trong đó xét nghiệm RT-PCR cho 66.381 người tại vùng xanh, cận xanh, vàng; phát hiện 5.374 người có kết quả dương tính. Tỉ lệ dương tính chiếm 8%.
Đối với xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại vùng đỏ và cam, TP đã lấy mẫu cho 290.663 người, trong đó có 3.690 người dương tính. Tỉ lệ dương tính 1,2%.
Vào thời điểm TP hoàn thành xét nghiệm đợt 1 ngày 4-9 và đợt 2 ngày 6-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tỉ lệ dương tính ở vùng xanh, vùng cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%; vùng cam, vùng đỏ là 3,6% (đợt 1) và 2,7% (đợt 2).
Như vậy có thể thấy, so với 2 tuần trước, tỉ lệ F0 ở vùng vàng, cận xanh và xanh tại TP.HCM những ngày gần đây có chiều hướng tăng; còn vùng đỏ và cam đã giảm mạnh từ 3,6% xuống còn hơn 1,1%.
Theo Tuổi trẻ.
Từ 12h-18h ngày 17/9, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 mới, gồm 1 ca tại khu cách ly và 1 ca tại khu vực phong tỏa. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 2 ca mắc mới COVID-19 thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt và phân bố tại Hoàng Mai (1) và Thanh Trì (1).
Trong đó, bệnh nhân T.T.M, nữ, sinh năm 1958, địa chỉ ở Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa. Ngày 17/9, xuất hiện triệu chứng bệnh và chuyển khám, điều trị tại BVĐK Thanh Nhàn. Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Như vậy tính từ 18h ngày 16/9 đến 18h ngày 17/9, Hà Nội ghi nhận 12 ca COVID-19, gồm 8 ca trong khu cách ly và 4 ca tại khu vực phong tỏa. Đây là số ca mắc thấp nhất ghi nhận theo ngày trên địa bàn Hà Nội kể từ đầu đợt dịch thứ tư, từ ngày 27/4/2021 đến nay.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Tính từ 17h ngày 16/9 đến 17h ngày 17/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.521 ca mắc mới, gồm 15 ca nhập cảnh và 11.506 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (5.972), Bình Dương (4.013), Đồng Nai (345), Long An (273), Kiên Giang (180), Tiền Giang (118), Tây Ninh (114), An Giang (106)...
Trung bình số ca mắc COVID-19 mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.090 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 667.650 ca mắc, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.786 ca nhiễm).
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (326.795), Bình Dương (173.086), Đồng Nai (38.081), Long An (29.843) và Tiền Giang (12.760).
Ngày 17/9, có 9.914 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca điều trị khỏi lên 433.465 người.
Theo Bộ Y tế.