- Thêm nhiều địa phương phía Nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trước tình hình dịch vẫn đang phức tạp căng thẳng.
- Hà Nội lên phương án rà soát đưa người lao động về quê.
- TP Hồ Chí Minh: Hơn 3,5 triệu người đã được tiêm vaccine.
Thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, TPHCM cho thấy, tính từ 18 giờ ngày 13/8 đến 18 giờ ngày 14/8, hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.231 trường hợp nhiễm mới tại TPHCM. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố có tổng cộng 144.770 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị 32.293 bệnh nhân, trong đó có 2.237 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Hiện thành phố chưa công bố số liệu về tổng số ca tử vong kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, qua tổng hợp số liệu được công bố mỗi ngày cho thấy hôm 11/8 có 225 ca, đến 12/8 ghi nhận 223 ca, sang ngày 13/8 là 285 ca. Dù các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức COVID-19 đang nỗ lực điều trị nhưng thực tế bệnh nhân COVID-19 tử vong vẫn tăng và duy trì ở mức cao.
Theo Tiền phong.
Phát biểu kết luận phiên họp với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, ngày 15/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng.
Thủ tướng lưu ý khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần "ai ở đâu ở đó". Tranh thủ thời gian vàng "giãn cách" để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng.
Các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần "thần tốc" xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp.
Về vắc xin, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương tìm nguồn, kết nối, mua vắc xin nhưng Bộ Y tế phải thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng vaccine bảo đảm an toàn, hiệu quả, cấp phép, bảo quản, lưu trữ, chủ trì tiêm miễn phí cho toàn dân. "Tiêm miễn phí cho toàn dân, dứt khoát là như vậy", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Tiền phong.
Tối 15/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết từ ngày 7/8 đến chiều 15/8, đơn vị đã phối hợp với quận, huyện lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 cho 313.010 người.
Trong đó, 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao. Số mẫu dương tính với SARS-CoV-2 là 29.
Đại diện CDC Hà Nội cho biết trong 29 ca dương tính có 3 trường hợp là người sinh sống tại khu vực phong tỏa của thôn Thọ Am, Liên Ninh (huyện Thanh Trì). 23 trường hợp tại quận Đống Đa gồm phường Văn Chương (9), Văn Miếu (12), Quốc Tử Giám (1), Láng Hạ (1).
Bên cạnh 26 trường hợp trên, CDC Hà Nội cũng phát hiện 3 trường hợp dương tính khác thông qua lấy mẫu cho đối tượng nguy cơ. Họ gồm một tiểu thương chợ Lĩnh Nam (Hoàng Mai) và 2 nhân viên cơ sở giết mổ Minh Hiền (huyện Thanh Oai).
Theo Zingnews.
Ngày 15-8, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Theo đó, tỉnh kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần (tới hết ngày 31-8-2021) đối với 5 đô thị đông dân và vẫn còn ca mắc COVID-19 cao là: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên.
Bốn huyện, thị khu vực phía bắc của tỉnh (gồm Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) có số ca mắc ít hơn thì kéo dài giãn cách thêm 1 tuần (tới hết ngày 22-8-2021), sau đó tùy tình hình thực tế thì ban chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục xem xét.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ cũng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 25-8.
Tối 15-8, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản chính thức về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, với quyết tâm sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 00 giờ ngày 16-8 đến hết ngày 25-8.
Tại Cần Thơ: Ngày 15-8, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - ký ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 từ 0 giờ ngày 16-8 đến 0 giờ ngày 25-8.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó"; các ngành, địa phương bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống người dân ở những khu vực phong toả.
Theo Người lao động.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 16/8, các trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Chùm sàng lọc khu vực nguy cơ cao (2 ca); Chùm sàng lọc ho sốt (2 ca); Chùm ho sốt thứ phát (16 ca).
Tại khu vực có nguy cơ cao là Chương Dương, Hoàn Kiếm, qua xét nghiệm sàng lọc, thành phố phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 gồm T.T.L.T. (nữ, 47 tuổi) và N.P.U. (nữ, 17 tuổi).
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng vừa ghi nhận thêm hai vợ chồng trú tại Văn Miếu, Đống Đa, nhiễm virus là ông P.T. (77 tuổi) và bà N.T.Y. (69 tuổi). Ngày 15/8, ông T. bị ngã chấn thương vùng đầu và được bà Y. đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám. Hai người đều có kết quả test nhanh và rRT-PCR dương tính với nCoV.
Ngoài những trường hợp trên, nhóm còn lại đều là F1, liên quan F0 được phát hiện qua sàng lọc trước đó.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Bắt đầu từ 8 giờ ngày 16-8, TP Đà Nẵng bắt đầu thực hiện dừng tất cả các hoạt động, yêu cầu người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà với phương châm "ai ở đâu thì ở đó". Sáng cùng ngày, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức triển khai các lực lượng để thực hiện các biện pháp chống dịch này.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng, cho biết đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an TP triển khai hơn 200 tổ tuần tra lưu động giám sát việc chấp hành việc thực hiện "ai ở đâu ở đó" của người dân... Mỗi tổ gồm 3 cán bộ, chiến sĩ công an cùng các lực lượng phối hợp khác như dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố… kép kín và trải rộng khắp toàn thành phố.
Hoạt động của các tổ tuần tra được thực hiện liên tục trong 7 ngày thực hiện giãn cách cùng với hơn 300 các chốt kiểm soát đã lập trước đó. Ngoài ra, các tổ tuần tra được giao nhiệm vụ cũng được yêu cầu chuẩn bị các mẫu biên bản xử lý, xử lý nghiêm người vi phạm.
Theo Người lao động.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện dã chiến, thu dung luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh, khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương khám, đánh giá tình hình, sơ cấp cứu ban đầu, tuyệt đối không chậm trễ việc cấp cứu người bệnh, thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19.
Tùy tình trạng và kết quả tầm soát COVID-19 mà quyết định hướng dẫn người bệnh tự theo dõi tại nhà hoặc chuyển đến các bệnh viện cách ly, điều trị hoặc chuyển tuyến để điều trị.
Giám đốc các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng từ chối hoặc chậm tiếp nhận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Việc này nhằm tạo điều kiện cho người dân được khám, chữa bệnh tầm soát COVID-19 kịp thời, hạn chế lây lan mầm bệnh ra cộng đồng do phải di chuyển nhiều nơi.
Theo Tuổi trẻ.
Ngày 15/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm 92.836 người, trong đó 90% là vaccine Vero Cell của Sinopharm.
Như vậy từ 22/7 đến hết 15/8 TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 3.589.489 người. Tất cả đều an toàn.
Theo Bộ Y tế, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 14.434.017 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều.
Theo HCDC.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết tính từ 6 giờ đến 12 giờ trưa 16-8, toàn TP ghi nhận thêm 25 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 16 ca phát hiện tại cộng đồng và 9 ca phát hiện trong khu cách ly.
Số bệnh nhân mắc mới phân bố tại 7 quận, huyện là huyện Đông Anh (12 ca), huyện Thanh Trì (5 ca), quận Đống Đa (3 ca), quận Hoàn Kiếm (2 ca), quận Hà Đông (1 ca), quận Cầu Giấy (1 ca), quận Ba Đình (1 ca). Tất cả số bệnh nhân mới ghi nhận đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát.
Theo Sở Y tế Hà Nội
Trong sáng 16-8, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Tại cuộc hợp, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP cho hay TP HCM bắt đầu triển khai tiêm từ 22-7 đến nay, đã tiêm được hơn 4,6 triệu liều qua 20 đợt cấp phát của Bộ Y tế. Trong đó, 3,6 triệu liều AstraZeneca, 19.000 liều Vero Cell, 55.000 liều Pfizer và 571.000 liều Moderna. TP HCM đã thực hiện tổ chức tiêm rất tốt, có ngày đạt tốc độ trên 318.000 liều.
Ngoài ra, TP HCM có 2 đợt nhận vắc-xin Vero Cell, mỗi đợt 1 triệu liều. Trong đó, đợt 1 nhận vào ngày 31-7, số vắc-xin này đã được kiểm định và đưa vào tiêm. Đợt 2 mới nhận về thêm 1 triệu liều, số này đang được Bộ Y tế kiểm định, sau khi kiểm định sẽ tiêm cho người dân.
Theo ông Dương Anh Đức, qua 2,5 ngày triển khai tiêm vắc-xin Vero Cell, TP HCM đã tiêm được 200.000 liều, tất cả đều an toàn sau tiêm.
Theo Người lao động.