- TP. HCM sẽ tiếp tục giãn cách đến cuối tháng 9.
- Hà Nội sẽ xem xét, quyết định nới lỏng biện pháp phòng chống dịch sau 15 và 21/9.
- Hà Nội đã tiêm được hơn 4,7 triệu liều vaccine.
Trong chiến lược chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, một trong những biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch là xét nghiệm thần tốc để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Chia sẻ lý do phải thực hiện điều này, ngày 13/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đợt dịch thứ 4 này với biến thể Delta có khả năng lây lan rất nhanh và nhiều điểm khác biệt.
Thứ nhất, nồng độ virus trên dịch hầu họng cao gấp 1.000 lần so với biến thể trước. Thứ 2, biến thể Delta cũng có ái tính cao hơn với tế bào niêm mạc của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.
Ngoài ra, chỉ số tấn công - tỷ lệ lây nhiễm cho người khác - ở mức độ rất cao (một người có thể lây lên tới 9-10 người).
Thứ 4, khi phân lập virus trong phòng thí nghiệm để đánh giá chu kỳ lây nhiễm, sau 48 giờ có thể thấy lượng virus phát triển rất nhanh. Trên thực tiễn, với virus lần này, bệnh nhân có thể lây cho người khác mà không có xuất hiện triệu chứng.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo với tất cả đơn vị triển khai xét nghiệm thần tốc để phát hiện ca nhiễm COVID-19 để từ đó cách ly, khoanh vùng, dập dịch, tránh để tình trạng phong toả hay giãn cách kéo dài trên diện rộng, kết hợp chăm sóc, điều trị, hỗ trợ ca nhiễm phù hợp.
Theo Zingnews.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội tối 13/9 cho biết, ngày 13/9 toàn thành phố đã tiêm được 248.313 mũi vaccine. Cộng dồn tới 18h30' ngày 13/9, toàn thành phố đã tiêm được 4.728.739 mũi tiêm (trong đó mũi 1 là: 4.325.619 liều, mũi 2: 403.120 liều), sử dụng 4.317.834 liều/5.359.676 liều được cấp, đạt tiến độ 80,6% trên tổng số vaccine được cấp.
Về công tác xét nghiệm, tính đến 18h00 ngày 13/9, toàn thành phố đã lấy được 2.700.150 mẫu, phát hiện 18 ca dương tính. Cụ thể, số mẫu gộp xét nghiệm PCR là 1.951.956, có 518.931 mẫu âm tính và 13 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Trong số 748.194 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 46 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm PCR, kết quả có 5 ca dương tính.
Ngày 13/9, Hà Nội ghi nhận 37 ca mắc Covid-19, trong đó 1 ca thuộc khu vực ổ dịch cũ, 32 ca tại khu vực cách ly, 4 ca tại khu vực phong tỏa.
Lũy kế đến 14h00 ngày 13/9/2021, Hà Nội có 4.077 ca mắc (1.595 ca ngoài cộng đồng; 2.222 ca mắc trong khu cách ly; khu vực phong tỏa; 213 ca mắc trong bệnh viện; 47 ca nhập cảnh). Có 2.351 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, hiện còn 1.070 ca bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế.
Theo VOV.
Tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 13-9, nói về tiêu chí mà TP chưa đạt được trước ngày 15-9, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết có 1 tiêu chí rất khó trong bộ tiêu chí của Bộ Y tế.
Hiện nay, TP vẫn chưa đạt được tiêu chí "số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất".
Theo ông Thượng, hiện nay biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca.
"Tuy nhiên, căn cứ vào những dữ liệu mà chúng tôi đang có thì dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng khả quan. Chúng ta đều biết hiện nay biến chủng Delta nằm ngoài dự kiến của chúng ta, thậm chí biến chủng này né được một số kháng thể trong người.
Một số chuyên gia dịch tễ cho hay rất khó để làm sạch F0 trong cộng đồng. Chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp tục các giải pháp Bộ Y tế đưa ra, đồng thời sẽ có kiến nghị với bộ để có những tiêu chí phù hợp", ông Thượng phát biểu.
Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thông tin, thời gian qua rất nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, có độ tiêm chủng bao phủ cao hơn, có hệ thống y tế tốt hơn Việt Nam, cũng bắt đầu mở cửa sau thời gian giãn cách lâu.
Nhưng với diễn biến phức tạp, đặc biệt với biến chủng Delta, mở lại các hoạt động thì nguy cơ bùng phát dịch là có thật. Điều này đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.
Dưới sức ép của giãn cách kéo dài, buộc phải mở cửa, nhưng cũng không loại trừ việc Việt Nam hay TP.HCM cũng gặp nguy cơ bùng phát dịch trở lại như nhiều nước. Đây cũng là một trong những lý do khiến Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 TP rất cân nhắc.
"Chúng tôi biết sức ép đến ngày 15-9 này là rất lớn. Mong muốn mở cửa, phục hồi các sinh hoạt bình thường, phục hồi kinh tế - xã hội của người dân, của doanh nghiệp cũng là mong muốn của chúng tôi.
Những kết quả đạt được có chuyển biến tích cực hơn, nhưng chưa đạt được tiêu chí kiểm soát. Để bảo vệ kết quả này, chúng ta chịu khó thêm một thời gian nữa để kết quả bền vững hơn, để khi mở cửa ra chúng ta yên tâm", ông Mãi nói.
Theo Tuổi trẻ.
Vào 20 giờ tối 13/9, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình livestream (tường thuật trực tuyến) “Dân hỏi? Thành phố trả lời” trao đổi về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TPHCM sau ngày 15/9.
Trong chương trình, ông Lê Quang Tự do đã trích đọc một số nội dung ý kiến người dân gửi đến lãnh đạo UBND TPHCM: “Tôi nghe lãnh đạo thành phố hứa cố gắng kiểm soát dịch đến ngày 15/9. Người dân đã gặp rất nhiều khó khăn, nếu tiếp tục giãn cách đến cuối tháng 9 thì liệu có chịu nổi không…".
“Đến ngày 30/9, nếu thành phố tiếp tục không kiểm soát được dịch bệnh thì có kéo dài thời gian giãn cách không?…"
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình chia sẻ những tâm tư của người dân cũng là trăn trở của lãnh đạo thành phố, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hòa Bình, Nghị quyết 86 của Chính phủ yêu cầu TPHCM phấn đấu đến ngày 15/9 phải cơ bản kiểm soát được dịch.
“Với nỗ lực của hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh, thành bạn và các lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên, TPHCM đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát dịch. Sau ngày 15/9 thành phố cần đánh giá lại các tiêu chí về kiểm soát dịch, trong đó có những nội dung phải xem xét và điều chỉnh”, ông Bình cho hay.
Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình nói, là một người con của TPHCM, cá nhân ông thấu hiểu và chia sẻ với tất cả những hy sinh, mất mát, kể cả về tính mạng của những người dân chẳng may mắc COVID-19.
Lãnh đạo TPHCM cũng không muốn tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách nên mọi biện pháp, sự chuẩn bị với 3 quận huyện đã công bố kiểm soát dịch là quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ sẽ là cơ sở quan trọng để cân nhắc các bước đi của thành phố đã an toàn chưa sau ngày 15/9 để có những chính sách và biện pháp phù hợp.
“Mọi bước đi của TPHCM đều hướng tới mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân, sau đó là khôi phục và phát triển kinh tế. Với tất cả nỗ lực cùng kết quả đã đạt được, chúng tôi có niềm tin là sẽ kiểm soát được dịch và tái thiết lại kinh tế của TPHCM", ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình, TPHCM có 11 kế hoạch và chiến lược về phòng chống dịch và khôi phục kinh tế, trong đó có hai trụ cột quan trọng là kiểm soát dịch và vắc-xin. Công tác điều trị cũng đã có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế. Ông cũng khẳng định các chuyên gia đã xác định mục tiêu "zero COVID-19" là không thể thực hiện được. Vì vậy, sau ngày 15/9, TPHCM sẽ lên kế hoạch thực hiện trạng thái “bình thường mới”, đó là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
"Chúng ta phải thay đổi phương thức sinh hoạt, sản xuất. Từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo kết nối cung cầu", ông Bình cho hay.
Trả lời câu hỏi về việc TPHCM có cho phép người dân về quê, Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình mong người dân chia sẻ khó khăn của thành phố, tuân thủ nguyên tắc chống dịch "ai ở đâu ở đó", đảm bảo dịch bệnh không lây lan, đe dọa tính mạng người dân
Lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định thành phố sẵn sàng hỗ trợ người dân có nhu cầu về quê. Tuy nhiên Thành phố phải giữ nguyên tắc có người đưa đi thì phải có người đón về. Chỉ cần địa phương của người dân xác nhận đón người hồi hương thì TPHCM sẽ hỗ trợ để bà con hồi hương. Nếu không có người đưa đi và đón về thì người dân sẽ không được qua các chốt kiểm soát.
“Là thành phố nghĩa tình, TPHCM không phân biệt người dân là diện thường trú hay di trú, là người làm ăn sinh sống... Bằng những gì tốt nhất có thể, thành phố sẽ nỗ lực hỗ trợ người khó khăn trong thời gian đang giãn cách”, ông Bình cam kết.
Theo Tiền phong.
Sáng 14/9, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, đều tại khu cách ly, gồm 2 trường hợp ở quận Hoàng Mai, 1 trường hợp ở quận Đống Đa, đều là F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt cộng đồng.
Các ca bệnh gồm: H.T.Y, nữ, sinh năm 1951, địa chỉ tại Văn Chương, Đống Đa; sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 22/8. Ngày 10/9, được xác định là F1 của bệnh nhân T.T.N. Ngày 11/9 có triệu chứng sốt, ho được lấy mẫu kết quả dương tính.
N.Đ.H, nam, sinh năm 2017, địa chỉ tại Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai; là F1(con) của bệnh nhân N.Đ.T . Ngày 13/9, được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
N.T.N, nữ, sinh năm 1994, địa chỉ tại Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai; là F1(vợ) của bệnh nhân N.Đ.T . Ngày 13/9, được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.820 ca, trong đó số ca ghi nhận ngoài cộng đồng 1.595 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 2.225 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa giao Ban Cán sự đảng UBND TP xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15-9 và 21-9.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết công tác phòng, chống dịch của TP đang đi đúng hướng, bảo đảm theo nguyên tắc chỉ đạo chung, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, được Trung ương và dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, việc triển khai xét nghiệm diện rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng và tiêm vắc-xin đã được dư luận nhân dân đánh giá cao, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của TP trong lộ trình phòng chống dịch.
Ông Hải yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho giai đoạn sau ngày 15-9 và ngày 21-9. Cụ thể, chỉ đạo đối với việc phong tỏa, cách ly các trường hợp F0, các đơn vị phải triển khai các phương án với phương châm nhanh nhất, gọn nhất, khoanh đúng và thu hẹp tối đa điểm phong tỏa, cách ly để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Bên cạnh đó, phải triển khai khẩn trương hơn nữa việc xét nghiệm diện rộng. Giao Sở Y tế phối hợp với các quận huyện rà soát lại cơ sở dữ liệu; điều phối và phân bổ vắc-xin phù hợp, hoàn thành nhanh nhất kế hoạch xét nghiệm và tiêm chủng đã được đặt ra; thống nhất áp dụng toàn bộ cơ chế chính sách cho các lực lượng hỗ trợ của tỉnh bạn giống như cho các lực lượng phòng, chống dịch của Hà Nội.
Ông Hải cho hay TP đã xây dựng chính sách cùng với các chính sách của Trung ương để kịp thời hỗ trợ người dân. Các quận huyện rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng.
"Người dân đánh giá cao việc TP xây dựng và triển khai chính sách, đặc biệt là Nghị quyết 15 của HĐND TP (những cơ chế, chính sách đặc thù riêng của Hà Nội chưa có trong Nghị quyết 68 của Chính phủ) đã được xây dựng rất kịp thời, HĐND TP đã thông qua và triển khai giám sát ngay, kết quả rất tốt" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các sở, ngành liên quan để rà soát lại phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là cho giai đoạn sau ngày 15-9.
Hiện nay, TP đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở phân vùng 2, 3, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh có vướng mắc trong việc đi lại của công nhân giữa các vùng và cụ thể việc tổ chức ăn ở cho công nhân ra sao để phòng dịch. Vì vậy, ông Hải yêu cầu các quận huyện phải liên thông thông suốt, giải quyết ngay những khúc mắc này, đảm bảo tinh thần an toàn mới được sản xuất, sản xuất phải an toàn đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Ngoài ra, ông Hải lưu ý các địa bàn chủ động rà soát, có kế hoạch cụ thể trong việc triển khai tiêm vắc-xin và xét nghiệm, không được để xảy ra tình trạng tập trung đông người tại các điểm xét nghiệm và tiêm chủng…
Theo Người lao động.
Trưa 14/9, Sở Y tế Hà Nội thông báo, từ 6h đến 12h ngày 14/9, thành phố ghi nhận 8 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 1 ca tại cộng đồng, 1 ca tại khu phong tỏa, 6 ca tại khu cách ly.
Theo công bố, có 1 trường hợp sàng lọc ho sốt; 1 trường hợp về từ TP HCM; 1 trường hợp sàng lọc tại khu vực phong toả; 5 trường hợp F1 của các ca ho sốt cộng đồng; phân bố tại quận Thanh Xuân (2 ca); quận Hai Bà Trưng (2 ca); huyện Thanh Trì (2 ca); quận Hoàng Mai (1 ca) và huyện Đan Phượng (1 ca).
1 trường hợp sàng lọc ho sốt:
P.H.N, nữ, sinh năm 1995, địa chỉ tại Phương Liệt, Thanh Xuân. Ngày 10/9 bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau rát họng. Sau đó khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 13/9 có kết quả dương tính.
1 trường hợp sàng lọc khu vực phong tỏa:
L.H.N, nam, sinh năm 2012, địa chỉ tại Thanh Liệt, Thanh Trì. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, ngày 13/9 có biểu hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
1 trường hợp về từ TP Hồ Chí Minh:
T.V.T, nam, sinh năm 1971, địa chỉ tại Thọ An, Đan Phượng. Bệnh nhân từ TP.HCM về Hà Nội ngày 6/9, được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển đi cách ly tập trung. Ngày 13/9, được lấy lại mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
5 trường hợp là F1 của các ca ho sốt cộng đồng:
N.H.S, nam, sinh năm 1972, địa chỉ tại Nhân Chính, Thanh Xuân; sống trong khu vực phong tỏa, được đưa đi giãn dân, cách ly tập trung. Ngày 14/9 có kết quả xét nghiệm dương tính.
N.K.O, nữ, sinh năm 1961, địa chỉ tại Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng; là F1 của bệnh nhân N.T.V, đã được cách ly và xét nghiệm âm tính. Ngày 13/9 được lấy lại mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
N.B.T, nam, sinh năm 1983, địa chỉ tại Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng; là F1 của bệnh nhân N.T.P, đã được cách ly tập trung và xét nghiệm âm tính. Ngày 13/9 được lấy lại mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
T.V.T, nam, sinh năm 1998, địa chỉ tại Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai; là F1 của bệnh nhân N.Đ.T. Ngày 13/9 được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả xét nghiệm dương tính.
V.T.L, nữ, sinh năm 1975, địa chỉ tại Đại Áng, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.C, đã được cách ly tập trung và xét nghiệm âm tính trước đó. Ngày 13/9 được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.828 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 12h00 ngày 14/9, toàn thành phố đã lấy được hơn 3,1 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 19 ca dương tính SARS-CoV-2.
Trưa 14/9, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo về công tác lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19.
Cụ thể, về công tác lấy mẫu xét nghiệm, tính đến 12h00 ngày 14/9, toàn thành phố đã lấy được 3.128.380 mẫu, phát hiện 19 ca dương tính.
Trong số này, số mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR là 2.311.514 mẫu, đã có 1.114.197 mẫu âm tính và 14 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Trong số 816.866 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên, có 47 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm RT-PCR, kết quả có 5 ca dương tính.
Về công tác tiêm chủng, ngày 14/9 (đến 12h00) Hà Nội đã tiêm được 127.093 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Cộng dồn qua 16 đợt tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND thành phố Hà Nội được 4.855.832 mũi tiêm (mũi 1: 4.450.581, mũi 2: 405.251), sử dụng 4.429.596 liều vắc xin/5.359.676 liều vắc xin được cấp, đạt tiến độ 82,6% trên tổng số vắc xin được cấp.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương và giao Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng chống dịch sau ngày 15 và 21/9.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn, phương án, kịch bản chi tiết cho việc nới lỏng từng bước đang được các đơn vị xây dựng. Nhiệm vụ trước mắt là lấy mẫu diện rộng để có thêm dữ liệu đánh giá nguy cơ trên địa bàn.
"Thông qua số liệu xét nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá từng vùng, từng khu vực theo mức độ nguy cơ để tham mưu cho TP phương án nới lỏng. Thay vì chia vùng giãn cách rộng như hiện nay, CDC đang tham mưu giãn cách theo quy mô xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn nữa sau ngày 21/9", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh đối với vùng nguy cơ rất cao nhiều khả năng tiếp tục nằm trong khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để bảo vệ thành quả, giữ gìn vùng xanh.
Về cụ thể những hoạt động nào được cho phép sau ngày 21/9, lãnh đạo TP chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, dựa vào thông lệ cũng như các biện pháp chống dịch trước đây, có thể thấy TP sẽ nới lỏng hoạt động thiết yếu trước.
Ví dụ, khi dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp đòi hỏi siết chặt, dịch vụ giải trí nguy cơ cao như quán bar, karaoke, massage, vũ trường sẽ phải đóng cửa đầu tiên. Tiếp theo đó là thể dục, thể thao, sân golf, phòng gym, quán game, Internet. Nếu nguy cơ tiếp tục lớn, quán ăn, đồ uống phải bán mang về, cửa hàng cắt tóc, gội đầu phải đóng cửa. Và cuối cùng, TP sẽ yêu cầu toàn bộ cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động.
Còn đối với lộ trình nới lỏng, thứ tự sẽ ngược lại. Tức là, dịch vụ ăn, uống bán mang về được ưu tiên mở trước, dịch vụ karaoke, massage, vũ trường sẽ trong nhóm được mở lại sau cùng.
Bên cạnh đó, việc thu hẹp khu vực giãn cách cũng giúp cơ quan, doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn có thể cho nhân viên quay lại làm việc tại trụ sở (vùng xanh, vàng), nhưng vẫn trên tinh thần khuyến khích làm việc ở nhà.
...
Theo Zingnews.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 12h ngày 14/9 đến 18h ngày 14/9 ghi nhận 14 ca bệnh tại khu cách ly.
+ Phân bố theo quận/huyện: Hoàng Mai (6); Thạch Thất (4); Thanh Xuân (3); Hà Đông (1).
+ Phân bố theo chùm ca bệnh: F1 của sàng lọc ho, sốt cộng đồng (14);
- Từ 18h ngày 13/9 đến 18h ngày 14/9 ghi nhận 25 ca mắc: 23 ca tại khu cách ly; 01 ca tại khu phong tỏa; 01 ca tại cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Tối 14/9, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới với 12 người nhập cảnh và 10.496 trường hợp trong nước (6.740 ca cộng đồng).
Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (6.312), Bình Dương (2.178), Đồng Nai (777), Long An (379), Kiên Giang (157), An Giang (111), Tiền Giang (102)...
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 672 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 866 ca, Bình Dương giảm 1.473 ca, Đồng Nai tăng 9 ca, Long An tăng 52 ca, Kiên Giang tăng 80 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 11.918 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 635.055 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.455 ca nhiễm).
Trong ngày 12.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 398.461. 24 giờ qua đã thực hiện 304.993 xét nghiệm cho 875.317 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.512.897 mẫu cho 45.095.067 lượt người.
Theo Bộ Y tê.