- Hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội khỏi bệnh, chỉ còn 1.300 ca điều trị.
Nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine cho người dân, một số quận huyện tại Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm cả ngày lẫn đêm cho người dân bao gồm cả nhóm đối tượng trên 65 tuổi.
Tối 9/9, hàng nghìn người trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã đến địa điểm tiêm là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô theo các giờ để tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung vừa ký ban hành quyết định về việc hỗ trợ trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo đó, trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 từ ngày 27-4 đến ngày 31-12 được hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ.
Đồng thời, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27-4 đến 31-12 cũng được hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/trẻ. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Theo Tuổi trẻ.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hôm nay Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc mới, đều đã được cách ly từ trước đó và được phân bố theo chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4 đến nay) là 3.696 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.578 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.118 ca.
Về công tác tiêm chủng, trong ngày hôm nay, 9.9, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đợt 9, 10, 11, 12, 13 tại 31 đơn vị, kết quả, đã thực hiện tiêm được 245.812 mũi tiêm. Cộng đồn tới 18 giờ 15 ngày 9.9, toàn TP.Hà Nội đã đã tiêm được 3,13 triệu mũi tiêm.
Tính từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27.4) đến ngày 7.9, các cơ sở y tế của Hà Nội đã tiếp nhận, điều trị cho 3.581 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó số đang còn điều trị hiện là 1.369 bệnh nhân, số khỏi được ra viện là 2.071 người.
Trong tổng số 1.369 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị, có 727 bệnh nhân thuộc tầng 1 (65,56%); 320 bệnh nhân thuộc tầng 2 (28,85%) và 62 bệnh nhân thuộc tầng 3 (5,59%).
Hiện nay, toàn thành phố có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập, có khả năng tiếp nhận các ly 42.982 người và sẵn sàng chuẩn bị phương án đáp ứng 100.000 giường cách ly các đối tượng F1. Tuy nhiên, Hà Nội hiện đang cách ly có 3.846 người, mới chỉ sử dụng hết gần 9% “công suất”.
Theo Thanh Niên.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội có công văn huy động các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập tham gia phòng chống dịch. Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã liên hệ với các bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập để phân bổ vaccine, tổ chức tiêm chủng.
Phòng y tế quận, huyện sẽ rà soát, huy động tối đa nhân lực của các cơ sở y tế tư nhân, cơ sở kinh doanh dược tham gia xét nghiệm và tiêm vaccine Covid-19. Nếu cơ sở nào không tham gia, Sở Y tế đề nghị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Cũng trong ngày 9/9, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã gửi Sở Y tế Hà Nội kết quả kiểm định lô vaccine Vero Cell để TP tiêm cho người dân. Chiều cùng ngày, một số quận, huyện ở Hà Nội như Hoài Đức, Long Biên, Hoàng Mai… đã triển khai tiêm vaccine này.
Tính đến 18h15 ngày 9/9, 31 đơn vị tiêm chủng của Hà Nội đã thực hiện 245.812 mũi vaccine các loại, kém khoảng 22.000 mũi so với hôm 7/9, ngày có số mũi tiêm kỷ lục.
Đến chiều 9/9, ngành y tế thủ đô đã tiêm được hơn 3,13 triệu mũi vaccine Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và phương án số 170/PA-UBND của UBND TP. Số liệu này chưa bao gồm lượng vaccine được tiêm bởi các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn.
Theo Zingnews.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 9/9 đến 6h ngày 10/9, thành phố ghi nhận 9 bệnh nhân trong đó 6 ca tại cộng đồng và 3 ca tại khu cách ly. Đáng chú ý, 6 ca dương tính SARS-CoV-2 cộng đồng là người chung một nhà ở 33, ngõ Hoà Bình 4, Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.
Trong số 9 ca bệnh, có 6 trường hợp thuộc nhóm sàng lọc ho sốt; 1 trường hợp là F1 của ca ho sốt cộng đồng; 2 trường hợp liên quan TP HCM. Quận Hai Bà Trưng có 6 ca, đều là các ca sàng lọc ho, sốt; huyện Thường Tín có 2 ca, quận Thanh Xuân có 1 ca.
6 trường hợp sàng lọc ho sốt
L.T.P, nữ, sinh năm 1974;
L.T.L, nữ, sinh năm 1950;
T.V.C, nam, sinh năm 1949;
T.X.B, nam, sinh năm 2006;
T.K.D, nam, sinh năm 1999;
T.T.T, nam, sinh năm 1972; địa chỉ tại Hòa Bình 4, Minh Khai, Hai Bà Trưng.
Các bệnh nhân sống chung nhà và có triệu chứng. Ngày 9/9 khai báo y tế địa phương được xét nghiệm nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu chuyển CDC xét nghiệm khẳng định, kết quả dương tính.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa có tờ trình khẩn gửi UBND TP.HCM về việc ban hành kế hoạch phòng chống dịch sau 15/9. Theo tờ trình, Sở Y tế đưa phương án giãn cách xã hội gắn liền với "thẻ xanh Covid-19".
Sở Y tế dự đoán sau 15/9, tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ chuyển từ mức cao sang mức trung bình và kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế.
Sở Y tế TP.HCM cũng dự thảo điều kiện "thẻ xanh Covid-19". Theo đó, một người được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ khi tiêm đúng số mũi khuyến nghị theo quy định của hãng vaccine và có thời gian tạo kháng thể cần thiết tính từ khi tiêm mũi cuối cùng.
Thời gian tạo kháng thể cần thiết là 2 tuần sau liều vaccine thứ 2 với vaccine Pfizer, Moderna, hoặc AstraZeneca; hoặc 2 tuần sau khi tiêm mũi 1 vaccine Janssen của Johnson&Johnson.
Người nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 6 tháng được xem như đủ điều kiện trên.
Trong điều kiện thực hiện chỉ thị 15, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi dưới 65 tuổi, không bệnh nền được tham gia các hoạt động tại nơi công cộng, được đi học, đi làm, đi du lịch hoặc đi công tác ở các tỉnh thành, nước ngoài.
F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi trên 65 tuổi nhưng có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; người mới tiêm một mũi vaccine (với loại có liệu trình 2 mũi) thì được tham gia các hoạt động nơi công cộng ngoài trời, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người. Nhóm này có thể đi du lịch, đi công tác nội địa nhưng cần tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc trực tiếp.
Trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi dưới 65 tuổi, không bệnh nền được tham gia các hoạt động nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện, phòng khám, được đi học, đi làm hoặc đi công tác nội địa...
F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi trên 65 tuổi nhưng có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; người mới tiêm 1 mũi vaccine (với loại có liệu trình 2 mũi) thì hạn chế đến/tham gia hoạt động tại nơi công cộng, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người, tuân thủ 5K và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Theo Zingnews.
Tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế tìm nguồn vắc xin tiêm cho trẻ em để trẻ em có thể được đến trường.
Thông tin về nguồn vắc xin để tiêm cho trẻ, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm, chỉ có vắc xin Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi.
Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Tại Mỹ, vắc xin này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên vắc xin đã có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em.
Tại Việt Nam hiện chưa tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em vì số lượng vắc xin còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn.
Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 trở nặng và tử vong là chưa có.
Giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều để tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Hiện theo thống kê, nước ta có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.
PGS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, nước ta đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 là trẻ em, trong đó có cả trẻ nhỏ. Dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ em không được đến trường học trực tiếp, ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng tiếp thu kiến thức và sự phát triển của trẻ. Do đó, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em nước ta đang được xem xét và ưu tiên.
“Với trẻ nhỏ, Bộ Y tế đã đặt mua vắc xin Pfizer để sớm tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, dự kiến triển khai trong quý IV năm nay, nếu các đơn vị cung ứng vắc xin thực hiện theo đúng tiến độ cam kết”, PGS Dương Thị Hồng thông tin thêm.
Xem chi tiết tại đây.
Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo, trong sáng nay (10/9) ghi nhận 9 bệnh nhân Covid-19, trong đó 2 ca tại cộng đồng, 5 ca tại khu cách ly, 2 ca tại khu vực phong tỏa.
Các ca bệnh phân bố tại các quận/huyện: Thanh Xuân (3), Hai Bà Trưng (3), Đống Đa (2), Phú Xuyên (1) theo các chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc khu vực nguy cơ (2), Chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (6), Chùm liên quan Hồ Chí Minh (01).
2 ca tại cộng cồng đều ở quậnThanh Xuân.
Thông tin cụ thể 9 bệnh nhân như sau:
Chùm sàng lọc khu vực nguy cơ: 2 ca.
1) V.T.H., Nữ, sinh năm 2002.
- Địa chỉ: Nhân Chính, Thanh Xuân.
- Dịch tễ: Ngày 08/9 được TTYT Thanh Xuân lấy mẫu XN theo diện sàng lọc người sinh sống trong khu vực nguy cơ gửi Viện Kiểm nghiệm ATTP XN cho KQ nghi ngờ, ngày 09/9 được lấy lại mẫu XN cho KQ dương tính.
2) P.T.T., Nữ, sinh năm 1983.
- Địa chỉ: Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân.
- Dịch tễ: Ngày 3/9 có xuất hiện triệu chứng. Ngày 8/9 được lấy mẫu diện rộng có kết quả mẫu gộp dương tính. Ngày 10/9 có kết quả khẳng định dương tính.
Ngoài ra, Chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng 6 ca.
1) N.T.Q.H, Nữ, sinh năm 1997.
- Địa chỉ: Minh Khai, Hai Bà Trưng.
- Dịch tễ: BN là F1 của BN N.V.V, được lấy mẫu và đưa đi cách ly tập trung từ ngày 31/8. Ngày 10/9 có kết quả xét nghiệm dương tính.
2) N.B.M.Đ, Nam, sinh năm 2007.
- Địa chỉ: Minh Khai, Hai Bà Trưng.
- Dịch tễ: BN là F1 của BN N.V.V, được lấy mẫu và đưa đi cách ly tập trung từ ngày 31/8. Ngày 10/9 có kết quả xét nghiệm dương tính.
3) T.T.T.H, Nữ, sinh năm 1967.
- Địa chỉ: Minh Khai, Hai Bà Trưng.
- Dịch tễ: BN là F1 của BN N.V.V, được lấy mẫu và đưa đi cách ly tập trung từ ngày 31/8. Ngày 10/9 có kết quả xét nghiệm dương tính.
4) L.V.B, Nữ, sinh năm 1948.
- Địa chỉ: Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân.
- Dịch tễ: BN là F1 của P.T.H được chuyển cách ly tập trung từ ngày 02/9, đã có XN 2 lần âm tính. Ngày 09/9 có triệu chứng được lấy mẫu lần 3 cho KQ dương tính
5) V.V.T, Nam, sinh năm 1971,
- Địa chỉ: Văn Chương, Đống Đa.
- Dịch tễ: BN sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 20/8, đã có nhiều lần XN âm tính trước đó. BN Là F1 của N.T.H (có XN dương tính ngày 09/9), được lấy mẫu XN cho KQ dương tính.
6) N.T.Đ, Nữ, sinh năm 1929.
- Địa chỉ: Văn Chương, Đống Đa.
- Dịch tễ: BN sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 20/8, đã có nhiều lần XN âm tính trước đó. BN Là F1 của N.T.H (có XN dương tính ngày 09/9), được lấy mẫu XN cho KQ dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.714 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.586 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.128 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội.
Trưa 10/9, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, TPHCM cho biết, tính từ 18 giờ ngày 8/9 đến 18 giờ ngày 9/9, hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh ghi nhận 5.549 trường hợp nhiễm mới tại TPHCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM có tổng cộng 278.703 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Các bệnh viện trên địa bàn hiện đang điều trị 40.304 bệnh nhân, trong đó 2.816 bệnh nhân nặng đang thở máy (1.722 bệnh nhân thở máy không xâm lấn, 1.071 bệnh nhân thở máy xâm lấn và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO) và có 2.727 trẻ em dưới 16 tuổi.
Trong ngày có 3.116 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 140.324. Thống kê về số ca tử vong vì COVID-19 (ngày 8/9) ghi nhận 203 trường hợp, nâng tổng số tử vong vì COVID-19 lên 11.409.
Tuy số ca tử vong vẫn cao nhưng đây là mức giảm kỷ lục kể từ khi Thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Nếu so với ngày cao điểm nhất là 22/8 với 340 ca thì số người tử vong trong ngày 8/9 đã giảm gần 60%.
Theo Tiền phong.
Như đã thông tin, trưa 10/9, Sở Y tế Hà Nội thông báo ghi nhận trường hợp P.T.T, nữ, sinh năm 1983, địa chỉ tại chung cư Rivera Park, 69 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân.
Theo đó, ngày 3/9, bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng. Ngày 8/9 lấy mẫu diện rộng có kết quả mẫu gộp dương. Ngày 10/9 có kết quả khẳng định dương tính.
Theo người dân sinh sống tại chung cư, ngay từ tối 9/9, toà nhà đã bị cách ly tạm thời để rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan.
Đáng chú ý, người dân sinh sống tại chung cư này cho biết, theo thông báo từ Ban quản lý toà nhà, trường hợp dương tính SARS-CoV-2 có tham gia buôn bán trên xóm chợ của toà nhà.
Qua công tác truy vết, trường hợp F0 này đã giao hơn 100 đơn hàng cho cả hai toà A, B của chung cư, dự kiến có thể có khá nhiều các trường hợp liên quan.
Toà nhà cũng ra thông báo, theo đề xuất của Trung tâm Y tế quận, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Thanh Xuân, Quận đã ra quyết định phong toả cụm nhà Chung cư Rivera, 69 Vũ Trọng Phụng để tập trung truy vết, phân loại các trường hợp liên quan và lấy mẫu xét nghiệm.
Hiện khu vực phường Thanh Xuân Trung được đánh giá là khu vực có 'ổ dịch' nguy hiểm nhất thành phố Hà Nội, chủ yếu tập trung tại ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến trưa 10/9, khu vực này ghi nhận 536 ca COVID-19.
Theo Tiền phong.
Sáng 10/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến thị sát, kiểm tra, động viên công tác phòng chống dịch tại 2 điểm tiêm chủng vắc xin ở quận Đống Đa và Long Biên.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những yêu cầu cụ thể, rõ mục tiêu, tiến độ, giám sát sát sao.
Từ đó, thành phố đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng đầu là đến 15/9 hoàn tất “tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vắc xin được đảm bảo); thông qua đó cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Chu Ngọc Anh cho rằng, thành phố luôn căng sức theo tinh thần "Hà Nội vì cả nước" nhưng thời điểm này cũng thấm đẫm tinh thần "Cả nước vì Hà Nội", trước hết là của 11 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng đã cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm với Thủ đô trong thời điểm này.
Theo ông Chu Ngọc Anh, trong những ngày qua tốc độ tiêm vắc xin đã được đẩy lên rất cao, như ngày 8/9 thống kê cho thấy trong ngày thành phố tiêm được hơn 300 nghìn liều; ngày 9/9 cũng đạt gần 330 nghìn liều. Đó là con số biết nói về công tác phòng chống dịch ở Thủ đô.
Từ thực tế ở điểm tiêm phường Phúc Lợi (quận Long Biên), Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế nhanh chóng rà soát, điều phối vắc xin cho các địa bàn để đảm bảo mục tiêu đề ra. Đồng thời kịp thời tham mưu UBND thành phố báo cáo Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vắc xin cho thành phố Hà Nội theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Các điểm tiêm chủng phải bố trí đầy đủ lực lượng, nhắc nhở, phân luồng người dân từ xa để đảm bảo giãn cách…
Theo Tiền phong.
Tối 10/9 Bộ Y tế cho biết, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.321 ca nhiễm mới với 15 người nhập cảnh và 13.306 trường hợp trong nước (8.680 ca cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 12.523/ngày.
Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (7.539), Bình Dương (3.563), Đồng Nai (823), Long An (321), Tây Ninh (248), Tiền Giang (156)...
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 907 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 1.990 ca, Bình Dương giảm 968 ca, Đồng Nai giảm 57 ca, Long An giảm 91 ca, Tây Ninh tăng 87 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 589.417 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 585.051 ca, trong đó có 348.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày có 12.751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 350.921. 24 giờ qua đã thực hiện 278.892 xét nghiệm cho 539.875 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 14.391.605,8 mẫu cho 41.975.319 lượt người.
Theo Bộ Y tế.
Chiều 10/9, Sở Y tế Hà Nội thông báo, từ 12h đến 18h ngày 10/9, thành phố ghi nhận 11 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 2 ca tại cộng đồng, 9 ca tại khu cách ly.
Trong 11 ca dương tính SARS-CoV-2, có 9 trường hợp là F1 của các ca ho, sốt cộng đồng; 2 ca sàng lọc ho sốt cộng đồng; phân bố tại quận Thanh Xuân (5 ca), huyện Thanh Trì (3 ca), quận Tây Hồ (1 ca), quận Hai Bà Trưng (1 ca), quận Hà Đông (1 ca).
2 trường hợp sàng lọc ho, sốt cộng đồng:
N.V.L, nam, sinh năm 1981;
N.V.G.K, nam, sinh năm 2009, là hai bố con.
Địa chỉ tại số 57 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Bệnh nhân L xuất hiện đau đầu từ ngày 6/9, những ngày sau đó xuất hiện sốt, đau mỏi người, mất khứu giác.
Ngày 9/9 bệnh nhân xét nghiệm nhanh dương tính và báo cho Trung tâm Y tế Thanh Xuân, được lấy mẫu PCR và có kết quả dương tính. Con trai được xác định là F1, ngày 9/9 được lấy mẫu và có kết quả dương tính.
9 trường hợp là F1 của các ca ho, sốt cộng đồng, trong đó có 3 người là F1 của ca bệnh bán hàng online ở chung cư Rivera Park, 69 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân).
Như vậy tính từ 18h ngày 9/9 đến 18h ngày 10/9, thành phố Hà Nội ghi nhận 29 ca dương tính SARS-CoV-2; trong đó 10 ca tại cộng đồng, 19 ca tại khu cách ly. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.725 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.588 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 2.137 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội.