Bí quyết nấu cháo truyền thống thơm ngon bổ dưỡng, trẻ ăn dặm không biết chán
Dưới đây là cách nấu cháo truyền thống được một mẹ bỉm sữa chia sẻ. Hy vọng có thể giúp ích cho các chị em trong giai đoạn có con ăn dặm.
Giai đoạn ăn dặm là một trong những bước ngoặt đáng nhớ và nhiều kỉ niệm đối với các bà mẹ bỉm sữa trong hành trình nuôi con nhỏ. Có rất nhiều phương pháp cho bé ăn dặm. Nào là ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm BLW - bé tự chỉ huy...
Mới đây, chị Kary Bun (Hà Nội) có chia sẻ cho các mẹ cách nấu cháo truyền thống thơm ngon hấp dẫn cho bé ăn dặm. Đảm bảo con ăn không biết chán là gì. Theo mẹ trẻ, việc kết hợp giữa phương pháp ăn dặm truyền thống với các phương pháp ăn dặm khác sẽ giúp bé đảm bảo kỹ năng nhai nuốt, cầm nắm... đồng thời con vẫn đảm bảo hấp thu đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Một số món cháo ăn dặm thơm ngon hấp dẫn cho bé.
Bí quyết nấu cháo ăn dặm cho con của mẹ đảm
Mẹ trẻ cho biết: "Để bát cháo thơm ngon, hấp dẫn thì điều quan trọng nhất là chọn nguyên liệu phải tươi ngon. Thứ 2 là mẹ nên kết hợp ninh cháo cùng các loại hạt hữu cơ (rất nhiều chất dinh dưỡng) và các loại củ quả tươi ngon để tạo vị ngọt, thơm, bùi cho cháo. Hạt sẽ được ngâm trước cho mềm, rồi tuỳ độ ăn thô của con mà sẽ để nguyên hạt hay xay ra nấu cháo.
+ Đối với các loại thịt (lợn, bò, gà, vịt… )
- Mẹ có thể băm ra, sau đó cho xíu nước lọc vào thịt để chúng được tơi ra. Khi đổ vào cháo để nấu thì thịt sẽ không bị vón cục.
- Cách 2 là bỏ thịt vào cháo cho chín rồi lấy ra băm nhuyễn. Bé chưa ăn thô tốt thì thịt mẹ xay nhuyễn với xíu nước lọc rồi cho vào cháo.
+ Đối với các loại đồ tanh (cá, lươn, tôm, cua , ếch…)
- Mẹ sẽ sơ chế sạch, sau đó đem hấp (luộc) lên với gừng, hành hoặc sả cho bớt tanh. Tiếp đến mẹ gỡ phần thịt xào lên với hành băm thì sẽ rất thơm. (Riêng lươn khi làm sạch thì đem nướng qua lửa, như vậy thịt sẽ thơm hơn nhé).
Những loại cá như cá hồi,… bản chất cá có sẵn lượng mỡ thì mẹ cho vào áp chảo cùng hành băm, không cần phải cho dầu mỡ. Xào nhanh tay nhé các mẹ, không nên xào lâu quá làm mất vị ngọt tự nhiên.
+ Sau cùng là băm rau cho vào cháo
Khi cho rau vào mẹ không nên nấu quá lâu sẽ khiến rau bị mất chất nhé. Và lưu ý, đối với các loại rau như : rau ngót, chùm ngây,… thì mẹ nên chần qua nước sôi rồi mới băm cho vào cháo không thì rau sẽ bị hăng".
Cũng theo chị Kary Bun khi cháo chín, mẹ dùng muôi tán nhuyễn hoặc dằm các loại củ ban đầu hầm cùng cháo. Cháo thường thêm chút rau thơm như hành lá, mùi hương sẽ thơm hơn rất nhiều. Từ đó có thể hấp dẫn bé.
Nấu cháo chín, mẹ tắt bếp thêm chút dầu ăn khuấy đều rồi múc ra bát cho con ăn nhé (với cháo mà thịt, tôm,… xào lên cùng hành thì không cần cho thêm dầu ăn riêng biệt của trẻ). Khi nấu cháo mẹ cũng không nên khuấy nhiều lần, như vậy cháo sẽ mất ngon.
Các món cháo này giúp bé hấp thu đủ chất dinh dưỡng để phát triển.
Những lưu ý khi nấu cháo truyền thống cho bé
- Bé hơn 10 tháng, mẹ cho con làm quen với hải sản 1 lượng rất ít.
- Bé 1 tuổi có thể ăn nội tạng động vật như tim cật gan.
- Dưới 1 tuổi không nên nêm gia vị. Mẹ cố gắng tạo độ ngọt tự nhiên cho mỗi bát cháo của con bằng rau củ quả. Nếu có dùng gia vị mẹ cần lưu ý dùng gia vị dành riêng cho bé đã được tách muối để đảm bảo sức khỏe cho con.
- Mẹ nên làm một số loại ruốc để cho bé ăn kèm cháo vào những ngày mẹ bận hoặc để con đổi bữa.
- Ngoài các món cháo, mẹ cũng nên thay đổi thực đơn đa dạng cho con dễ ăn như súp, mì, cháo từ yến mạch ăn rất ngon mà lại tốt cho tiêu hoá...