Bí quyết dạy con của vợ chồng có 12 con học đại học
Bài viết là những chia sẻ của ông bố Francis L. Thompson về cách nuôi dạy con.
Vợ chồng tôi sinh được 12 đứa con trong vòng 15 năm rưỡi sống chung. Hiện tại, đứa lớn nhất 37 tuổi, đứa nhỏ nhất 22 tuổi. Tôi có một công việc kiếm được và đủ tiền để cung cấp gần như mọi thứ cho bọn trẻ. Nhưng vợ chồng tôi đã không làm như vậy.
Tôi sẽ chia sẻ với các bạn những việc mà chúng tôi đã làm, nhưng trước tiên cho phép tôi kể một chút thành quả mà chúng tôi đạt được: cả 12 đứa con của chúng tôi đều đã và đang học đại học, và chúng tôi cũng giống như các phụ huynh khác đều không phải là người trả học phí. Những đứa đã lập gia đình đều có bạn đời tuyệt vời, có cùng trình độ và quan điểm đạo đức. Chúng tôi có 18 đứa cháu và tất cả đều đang được nuôi dạy giống như vợ chồng tôi đã nuôi dạy các con – lòng tự trọng, sự biết ơn và mong muốn được đóng góp cho xã hội.
Gia đình tôi từng sống ở Utah, Florida và California. Hiện vợ chồng tôi đang sống ở Colorado. Tính tới tháng 3 năm nay, chúng tôi đã chung sống được 40 năm. Tôi cho rằng tình yêu giữa chúng tôi là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của các con. Dưới đây là những gì chúng tôi đã làm đúng (chúng tôi cũng làm sai nhiều điều, nhưng tôi sẽ có một danh sách khác).
Làm việc nhà
Các con tôi biết làm việc nhà từ lúc 3 tuổi. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể không dọn toilet sạch sẽ nhưng khi lên 4 tuổi, chúng sẽ làm khá tốt.
Trẻ được nhận tiền công cho những việc mà chúng làm.
Chúng tôi yêu cầu con giặt quần áo từ lúc lên 8 tuổi
Khi trẻ bắt đầu biết đọc, chúng góp sức cho bữa tối bằng cách đọc công thức món ăn. Các con tôi cũng phải học cách làm tăng gấp đôi số lượng thực phẩm trong công thức.
Cả con trai và con gái đều phải học may vá.
Thời gian học tập
Giáo dục rất được coi trọng trong gia đình tôi.
Chúng tôi quy định thời gian học từ lúc 6 giờ chiều tới 8 giờ tối mỗi ngày trong tuần. Không tivi, không máy vi tính, không trò chơi điện tử, hay những hoạt động khác cho tới khi 2 giờ học tập kết thúc. Nếu trẻ không có bài tập về nhà, thì chúng sẽ đọc sách. Với những đứa chưa đi học, sẽ có người đọc sách cho chúng nghe. Sau 2 giờ này, trẻ có thể làm bất cứ việc gì mình muốn miễn là không phá vỡ lệnh giới nghiêm.
Tất cả các con đều được yêu cầu phải tham gia các khóa học nâng cao. Chúng tôi sẽ không để điểm đầu vào làm cản trở việc này. Chúng tôi đã tới trường và đề nghị nhà trường cho bọn trẻ vào lớp nâng cao.
Sau đó, chúng tôi sẽ dành thời gian để đảm bảo rằng các con sẽ hiểu bài và vượt qua bài thi. Khi đứa trẻ đầu tiên làm được, nhà trường biết rằng chúng tôi đã giữ lời hứa và sẽ dễ dàng cho những đứa tiếp theo.
Nếu trẻ về nhà và nói rằng một giáo viên ghét con hay giáo viên không công bằng, chúng tôi sẽ đề nghị con tìm cách thích ứng. Bởi vì trong đời thực, con có thể có một ông chủ không thích mình. Chúng tôi không cho phép trẻ đỗ lỗi cho giáo viên. Tất nhiên, chúng tôi đã ở bên cạnh trẻ trong 2 giờ học tập mỗi ngày.
Không kén cá chọn canh trong ăn uống
Cả gia đình đều ăn tối và ăn sáng cùng nhau. Bữa sáng bắt đầu lúc 5h15’, sau đó bọn trẻ phải làm việc nhà trước khi tới trường. Bữa tối bắt đầu lúc 5h30 phút chiều.
Đôi khi chúng ta ghét những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Quy định của chúng tôi là cho trẻ ăn loại đồ ăn mà chúng ghét trước tiên (thường là rau), sau đó sẽ ăn tới loại kế tiếp. Trẻ không bắt buộc phải ăn và có thể rời khỏi bàn ăn. Nếu sau đó trẻ kêu đói, chúng tôi sẽ lấy món mà trẻ không thích, làm nóng lại bằng lò vi sóng rồi đưa cho trẻ ăn. Nếu trẻ vẫn tiếp tục không ăn thì sẽ chẳng có món nào khác cho tới bữa ăn tiếp theo.
Hoạt động ngoại khóa
Tất cả các con tôi đều phải chơi một vài môn thể thao. Các con có thể tự chọn môn. Chúng tôi bắt đầu thực hiện quy định này khi trẻ đi học. Không quan trọng đó là bơi lội, bóng đá, bóng chày, đấu kiếm, hay tennis và chúng tôi cũng không quan tâm nếu trẻ muốn thay đổi môn. Chúng tôi chỉ cần biết là trẻ phải chơi một môn nào đó.
Tất cả các con cũng đều phải tham gia một hội nhóm, câu lạc bộ nào đó như câu lạc bộ lịch sử, câu lạc bộ kịch...
Chúng tôi cũng sẽ tham gia các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng hay ở nhà thờ.
Tự lập
Khi trẻ đủ 16 tuổi, chúng tôi sẽ mua cho mỗi đứa một chiếc xe hơi. Điều đầu tiên trẻ học được trong việc này là gì? Khi chiếc xe tải kéo tới một chiếc xe cũ, đứa lớn nhất của chúng tôi đã hét lên: “Bố, đó là một chiếc xe sắt vụn!” Tôi nói: “Đúng thế, nhưng nó là một chiếc Mustang fastback 1965. Đây là hướng dẫn sửa chữa. Dụng cụ ở trong gara. Bố sẽ trả mọi bộ phận cần phải thay thế, nhưng sẽ không trả tiền công thợ”. 11 tháng sau, chiếc xe đã được tu sửa như mới. Con gái tôi (vâng, là con gái) sở hữu một trong những chiếc xe hấp dẫn nhất trường trung học. (Thêm một điều nữa là các con tôi chưa có đứa nào phải nhận vé phạt vì đi quá tốc độ, mặc dù không có chiếc xe nào dưới 450 mã lực).
Mỗi đứa đều có 1 máy vi tính riêng, nhưng các con phải tìm cách lắp máy. Tôi mua bộ vi xử lý, bộ nhớ, bộ cấp điện, case, bàn phím, ổ cứng, bo mạch chủ và chuột. Chúng phải lắp các bộ phận lại với nhau và tự tải các phần mềm về. Các con tôi phải làm việc này khi 12 tuổi.
Cho phép sai lầm
Chúng tôi cho phép các con phạm sai lầm. Năm Samuel 11 tuổi, tôi từng bảo thằng bé thay dầu xe và hỏi xem cu cậu có cần giúp đỡ hay hướng dẫn không. “Không, bố ạ. Con có thể làm được” – thằng bé nói như vậy. Một tiếng sau, Sammuel tới gặp tôi và nói “Bố, có phải sẽ mất 18 lít dầu không?”.
Tôi hỏi con đã đổ 18 lít dầu vào đâu trong khi thường chỉ mất 5 lít. Sammuel trả lời: “Ở chỗ đinh vít lớn trên đầu phía trước động cơ”. “Ý con là tản nhiệt à?” Chà, thằng bé đã thực sự gây rắc rối khi đổ đầy dầu vào tản nhiệt.
Chúng tôi đã cùng nhau sửa lại và không có bất cứ hình phạt nào được đưa ra. Chúng tôi cho phép sai lầm xảy ra để rút ra bài học. Con cái chúng tôi không bao giờ phải sợ khi thử cái gì đó mới. Chúng sẽ học được nếu chúng làm sai và sẽ không bị phạt. Việc này tốn của chúng tôi khá nhiều tiền, nhưng chúng tôi đang nuôi dạy con cái, chứ không phải đang tiết kiệm tiền.
Được quyền lựa chọn
Chúng tôi cho phép các con đưa ra lựa chọn riêng nhưng có giới hạn. Ví dụ, con có muốn đi ngủ hay dọn dẹp phòng không? Hiếm khi chúng tôi đưa ra những chỉ thị chỉ có một lựa chọn trừ khi đó là quy định đã được thống nhất trong nhà. Điều này khiến trẻ cảm thấy mình có một số quyền hạn trong cuộc sống.
Giúp đỡ nhau
Chúng tôi yêu cầu các con giúp đỡ nhau. Đứa lớn có thể giúp đứa bé làm bài tập về nhà hoặc hoàn thành việc nhà. Chúng tôi cũng cho phép trẻ tham gia vào việc đưa ra các quy định trong nhà. Ví dụ như bọn trẻ muốn đồ chơi không được phép để ở phòng sinh hoạt chung, mà phải để ở phòng ngủ hoặc phòng chơi. Ngoài việc nhà, trẻ phải lau dọn phòng ngủ của mình hằng ngày. Đây là những quy định mà bọn trẻ muốn. Chúng tôi cho phép trẻ mỗi tháng chỉnh sửa hoặc đưa ra những quy định mới. Tất nhiên, chúng tôi có quyền phủ quyết.
Chúng tôi luôn cố gắng nhất quán. Nếu quy định phải học 2 tiếng mỗi tối thì chúng tôi sẽ không cho phép ngoại lệ xảy ra. Lệnh giới nghiêm là 10 giờ tối và tới 12 giờ vào những ngày không phải đi học. Không có ngoại lệ cho những quy định này.
Quy định đi nghỉ
Mùa hè nào chúng tôi cũng đi nghỉ khoảng 2-3 tuần. Chúng tôi có đủ tiền để thuê khách sạn, nhưng chúng tôi không chọn cách đó. Chúng tôi đi cắm trại hoặc du lịch bụi.
Tiền bạc
Ngay cả khi có tiền chúng tôi cũng không giúp con cái mua nhà, trả học phí hay chi trả cho lễ cưới. Chúng tôi tư vấn cho con cách để làm những việc đó, chứ không làm hộ chúng. Chúng tôi giới thiệu con cho các công ty nhưng chúng phải tự vượt qua vòng phỏng vấn để có việc làm.
Chúng tôi vẫn tặng quà sinh nhật và Giáng sinh cho con, vẫn nói về ông già Noel nhưng khi con lớn hơn, chúng tôi sẽ không nói dối nếu chúng hỏi.
Cuộc đời thực
Chúng tôi yêu con cái bất kể chúng có làm việc gì đi chăng nữa. Nhưng chúng tôi sẽ không ngăn ngừa hậu quả từ những việc con làm. Chúng tôi để cho con gánh chịu hậu quả và không cố làm giảm thiểu hậu quả khi thấy con đau buồn. Chúng tôi có thể khóc và buồn nhưng sẽ không làm bất cứ việc gì để giảm thiệu hậu quả từ việc làm của con.
Chúng tôi là bạn tốt nhất và cũng không phải là bạn tốt nhất của con. Chúng tôi là phụ huynh.