Bí mật ngủ ngon của bé 8 tháng: Mặc kệ tiếng ồn, ngủ say sưa nhờ 'chiêu độc' của mẹ
Giấc ngủ của trẻ không nhất thiết phải trong không gian yên tĩnh tuyệt đối. Mẹ hãy để trẻ làm quen với âm thanh từ sớm để phát triển thói quen ngủ linh hoạt và dễ dàng hơn.
Nhiều bậc phụ huynh tin rằng, trẻ nhỏ cần một môi trường hoàn toàn yên tĩnh để ngủ ngon. Tuy nhiên, chính sự im lặng quá mức ấy có thể trở thành "cái bẫy" vô hình trong quá trình hình thành thói quen ngủ của trẻ.
Một người mẹ từng chia sẻ trải nghiệm thực tế của mình khi nuôi dạy con trai: Từ khi còn nhỏ, bé luôn được ngủ trong môi trường yên tĩnh tuyệt đối, không tiếng nói chuyện, không tiếng tivi, mọi hoạt động đều phải nhẹ nhàng. Kết quả là đến năm 7 tuổi, cậu bé chỉ có thể chợp mắt trong không gian thật yên ắng, một tiếng động nhỏ cũng đủ khiến bé tỉnh giấc.
Không chỉ gặp khó khăn khi ngủ ở nhà, bé còn khó thích nghi với các giấc ngủ trưa tại trường, không thể ngủ trong xe ô tô hay khi đi du lịch cùng gia đình, dù có mệt đến đâu.
Trong khi đó, đứa cháu 8 tháng tuổi của em gái người mẹ ấy lại có thể ngủ say trên ghế sofa suốt 3 tiếng giữa không khí ồn ào của buổi tụ họp gia đình trong dịp Tết. Tiếng cười đùa, trò chuyện, tiếng nồi niêu xoong chảo trong bếp… tất cả dường như không ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của bé.
Sự khác biệt rõ rệt ấy đã khiến người mẹ suy nghĩ lại và quyết định chia sẻ những kinh nghiệm mà em gái mình đã áp dụng thành công. Những kinh nghiệm này có thể giúp nhiều phụ huynh khác nuôi dạy nên những "thiên thần ngủ ngoan" dù ở bất cứ đâu.
1. Hãy để con làm quen với âm thanh ngay từ khi chào đời
Nhiều người tin rằng trẻ sơ sinh cần một môi trường yên tĩnh tuyệt đối để ngủ, nhưng nghiên cứu cho thấy thai nhi trong bụng mẹ đã quen với môi trường có âm thanh liên tục từ 80–90 decibel, tương đương với tiếng ồn ngoài đường phố hoặc rạp chiếu phim. Trong suốt thai kỳ, mẹ đi lại, giao tiếp, đến nơi đông người mà không ảnh hưởng gì tới thai nhi.

Ảnh minh họa.
Vì vậy, việc giữ cho ngôi nhà quá yên tĩnh sau khi con chào đời có thể làm giảm khả năng thích nghi của trẻ với âm thanh.
Lời khuyên:
Khi con thức, người mẹ hãy để âm thanh sinh hoạt trong nhà diễn ra bình thường, tiếng nấu ăn, quét nhà, nói chuyện. Nếu mẹ ở nhà một mình, hãy bật tivi (tránh để con nhìn vào màn hình).
Khi con ngủ, người mẹ giữ âm thanh nhẹ nhàng như tiếng điều hòa, máy giặt, tiếng bước chân, nói chuyện nhỏ nhẹ. Tránh các âm thanh đột ngột như đóng cửa mạnh hay chặt đồ.
Nếu nhà quá yên, có thể bật tiếng ồn trắng từ loa hoặc phát bản tin thời sự với âm lượng nhỏ để tạo âm thanh nền ổn định. Bằng cách đó, trẻ sẽ học được cách lọc bỏ tiếng ồn không cần thiết và tự đưa mình vào trạng thái ngủ.
2. Tăng cường khả năng thích ứng cảm giác của trẻ
Ba giác quan chính là thị giác, thính giác và xúc giác có ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ của trẻ em. Nhiều bé có thể nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc chất liệu của chăn gối, điều này khiến việc ngủ của các em trở nên khó khăn nếu không được đáp ứng theo sở thích của mình.
Giải pháp:
- Đưa trẻ ra ngoài mỗi ngày để làm quen với ánh sáng tự nhiên theo thời điểm trong ngày sáng – trưa – chiều.
- Cho trẻ nghe nhiều loại âm thanh ngoài trời như tiếng người, tiếng xe, tiếng chim hót, gió thổi…
- Khi bé đã có thể cầm nắm, hãy để bé chạm vào lá cây, cỏ, đất, tường để kích thích xúc giác.
Lưu ý: Với bé dưới 6 tháng tuổi, không nên cho ra ngoài quá lâu để tránh bị quá tải cảm giác.

Ngoài ra, từ 3 tháng tuổi, nhịp sinh học của bé bắt đầu hình thành rõ rệt. Đây là lúc lý tưởng để tập ngủ ở các không gian khác nhau. Thỉnh thoảng cho bé ngủ ở phòng khách, nhà ông bà, hoặc thậm chí là ngoài trời khi đẩy xe đi dạo.
Một tuần chỉ nên thay đổi một lần để bé có sự thích nghi dần, tránh việc sau này bé lại không chịu ngủ ở giường quen thuộc.
3. Cách khắc phục khi trẻ đã quá quen với sự yên tĩnh
Nếu con bạn đã lớn và chỉ ngủ được trong yên tĩnh tuyệt đối, hãy cân nhắc mức độ cần thiết để thay đổi. Nếu cả gia đình đều quen với sự yên tĩnh, có thể không cần điều chỉnh. Nhưng nếu bạn mong muốn con có thể linh hoạt hơn trong việc ngủ ở nhiều môi trường khác nhau, hãy thử phương pháp giảm nhạy cảm với tiếng ồn từng bước:
Giai đoạn 1: Bắt đầu với tiếng ồn trắng khi con ngủ. Giữ âm lượng nhỏ, duy trì ổn định.
Giai đoạn 2: Thay tiếng ồn trắng bằng các bản tin thời sự, có chút biến đổi âm lượng, nhưng không quá gắt gao.
Giai đoạn 3: Tạo tiếng nói chuyện nhẹ nhàng trong nhà, đi lại bình thường để bé dần học cách tự điều chỉnh và làm quen với môi trường không hoàn toàn yên tĩnh.
Rèn luyện giấc ngủ không chỉ là giúp con dễ ngủ hơn, mà còn là trao cho con khả năng thích nghi, một kỹ năng quý giá đi theo suốt cuộc đời. Đừng để sự yên tĩnh trở thành rào cản khiến con bạn phải "khổ sở" mỗi lần ngủ trưa ở trường, đi chơi xa hay ngủ lại nhà người thân.