Bí kíp "cứu tinh" cho những mẹ có con hay xấu hổ trở nên tự tin mạnh dạn hơn
Bạn cảm thấy con mình bỏ lỡ nhiều cột mốc phát triển tinh thần và cảm xúc quan trọng vì con hay xấu hổ, ngượng ngùng? Đây là những điều bạn có thể làm để giúp con nếu bé rơi vào trường hợp đó.
Điều đầu tiên bạn cần hiểu đó là có sự khác biệt rõ ràng giữa việc con là người hướng nội hay con chỉ đơn thuần là đang xấu hổ mà thôi. Người hướng nội là người nạp năng lượng cho bản thân bằng việc ở một mình, họ cảm thấy mệt mỏi vì phải tương tác với người khác (trong khi đó những người hướng ngoại lại nạp nguồn năng lượng dồi dào nhờ tiếp xúc với người khác). Ngược lại, xấu hổ là phản ứng của một người trong các cuộc giao tiếp xã hội, khi họ có vẻ ngượng nghịu, lo lắng khi bắt chuyện với người khác hay có người bắt chuyện với họ.
Người hướng nội không xấu hổ và có thể tương tác bình thường với những người khác, chỉ là họ không muốn mà thôi. Có con là trẻ hướng nội không phải là điều mà bạn cần lo lắng, nhưng nếu con hay xấu hổ thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt là khi con cần làm việc với người khác. Đừng lo lắng quá nhiều, đây là những điều bạn có thể làm để giúp con đối phó với tính ngại ngùng.
1. Đừng so sánh con với trẻ khác
Chuyên gia kĩ năng sống khuyên bạn không nên so sánh con với những trẻ khác – "con nhà người ta" mà hãy thân thiện, hoạt náo hơn, đặc biệt là trước mặt con. Đó là bởi vì khi so sánh một cách công khai thì con sẽ bắt đầu có những cảm xúc tiêu cực về bản thân và tự ti. Ngại ngùng khiến trẻ không thể thực hiện những điều mà mình muốn, trong trường hợp này chính là tương tác với người khác, khiến con càng thu mình lại và ghen tị với những người có thể giao tiếp dễ dàng với người khác.
2. Củng cố suy nghĩ tích cực về bản thân trẻ
Giúp con xây dựng sự tự tin vào bản thân bởi vì xấu hổ thường là kết quả của những suy nghĩ tiêu cực. Bác sĩ Hana Ra Adams, bác sĩ tâm lý lâm sàng chia sẻ "Nếu trẻ càng thấy tích cực về bản thân mình thì trẻ sẽ càng muốn thử những thứ mới và không cảm thấy băn khoăn, nghi ngờ bản thân". Khen ngợi nỗ lực của con nhưng đừng làm quá bởi như vậy sẽ hướng sự chú ý đến trẻ trong khi con chỉ muốn ít người biết.
3. Tạo ra một không gian an toàn
Một đứa trẻ cảm thấy an tâm ở nhà sẽ dần thoải mái và bớt lo lắng, bồn chồn khi gặp người lạ. Đó là bởi vì nhà là "khung sườn" tạo cơ hội cho tương tác giao tiếp. Xây dựng mối quan hệ gần gũi với con và khuyến khích các thành viên khác trong gia đình tạo dựng cảm giác an toàn khi ở nhà. Tránh trêu chọc làm con xấu hổ, đặc biệt khi con đang cố gắng thay đổi để mạnh dạn hơn bởi vì như vậy sẽ càng làm con co cụm vào vỏ bọc của mình.
4. Thông cảm với con
Là người lớn, giao tiếp xã hội là điều hết sức bình thường - đơn giản như là bạn có thể bước đến chỗ người lạ và hỏi đường. Trong khi đó con bạn có thể cảm thấy việc đó quá khó khăn. Bạn có thể giúp con bằng những việc đơn giản, ví dụ như vẫy tay chào và tạm biệt, rồi chuyển sang nói lên câu chào, rồi đến nói những cụm từ ngắn. Tuy nhiên, đừng ép trẻ phải giao tiếp ở những hoàn cảnh trẻ không quen bởi vì con có thể mắc chứng lo âu trong tương lai.
5. Hẹn lịch cho con chơi với bạn
Dù con bạn có muốn chơi một mình hay chơi với người thân đến đâu, xếp lịch chơi cho con với bạn là một bước đi đúng hướng. Có thể là bạn cùng lớp, cũng có thể là con hàng xóm, miễn là con thường xuyên gặp bạn đó. Bạn nên tổ chức buổi chơi tại nhà để con cảm thấy thoải mái và yên tâm.
6. Hướng dẫn bằng hành động
Hãy làm gương cho con, bởi vì trẻ sẽ bắt chước những người gần gũi với con nhất. Con sẽ làm theo hành động của bạn hơn là lời nói, do vậy hãy làm mẫu bằng cách chỉ cho con bạn thường giao tiếp như thế nào. Điều này không có nghĩa là cố làm những việc mà bạn cảm thấy không thoải mái mà chỉ đơn giản là hướng dẫn con cách bắt chuyện với bạn bè hoặc giới thiệu bản thân.
7. Đừng làm con xấu hổ
Dù con có hát hay đàn giỏi làm ảo thuật hay có tài năng gì chăng nữa thì không nên đặt con vào thế sự đã rồi, bắt con thể hiện trước mặt nhiều người, đặc biệt nếu con là người hay xấu hổ. Bị ép phải thể hiện khiến trẻ cảm thấy buồn và khó chịu. Hãy hỏi ý kiến của con trước khi bảo con hát cho bà nghe, làm ảo thuật cho các bác xem chẳng hạn. Đây không chỉ là việc thể hiện sự tôn trọng với vùng an toàn của con, mà còn giúp con chuẩn bị tinh thần trước. Thể hiện cho bố mẹ xem là một chuyện - bởi vì bạn sẽ khen ngợi con dù có lỗi đi chăng nữa nhưng khi diễn cho người khác thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác
8. Đừng khiến con nghĩ xấu hổ là một phẩm chất xấu
Đừng nói với con là con là người xấu hổ, bởi con sẽ lớn lên và chấp nhận số phận thay vì cố gắng thay đổi bản thân. Khi người khác nói con hay xấu hổ, bạn có thể nói rằng: "Cháu nó thích suy nghĩ và dành thời gian để đưa ra ý kiến của mình". Như vậy, con bạn sẽ nhìn nhận hành vi của mình một cách tích cực hơn.
Nguồn: Smartparent