Bi hài chuyện làm bài tập hộ con
Đi học về, bé Khánh khóc mếu: "Hu hu, con bị điểm kém môn toán vì mẹ giải sai". Bài tập này chị đã phải thức đến 12 giờ đêm mới giải được.
|
Ngồi nghĩ một lúc, Vân toát mồ hôi hột. Bài toán về hai cái vòi nước có tốc độ khác nhau cùng chảy vào một bể nghe thì đơn giản và quen thuộc (vì hồi bé chị cũng đã phải làm rồi) nhưng chị loay hoay mãi không nhớ ra phải giải như thế nào. Nhìn sang con, thấy bé càng lúc càng tỏ ra thiếu tin tưởng, Vân sợ mất uy nên đành bảo con cứ đi ngủ, khi nào xong việc mẹ sẽ làm.
Đêm, Vân vật lộn mãi với bài toán không nghĩ ra cách giải, đành lên mạng chat với bạn, hỏi 3-4 người mới tìm được một người hơi nhớ về toán. Anh bạn này mất 5 phút để làm, và 15 phút để giảng giải cho người mẹ qua điện thoại. Quá nửa đêm, chị Vân yên tâm ghi lại. Hôm sau, bé Khánh xem bài làm giãy nảy, quả quyết mẹ làm sai rồi vì cô giáo không giải như thế bao giờ. Chị càng giảng, bé càng không hiểu, nhưng rồi cũng đành chép vào vở cho kịp, để rồi sau đó nhận điểm kém vì cô giáo khẳng định không phải Khánh tự làm. Nguyên do là bài toán được giải bằng phương trình đại số, trong khi trẻ chỉ mới học số học.
Còn Thu, 27 tuổi, nhân viên một công ty PR ở Hà Nội, thỉnh thoảng phải mang toán lên cơ quan nhờ đồng nghiệp cùng giải: "Của thằng cháu đấy, bà chị cứ đêm khuya gọi điện lôi mình từ trên giường xuống, bảo em còn trẻ cố làm giúp cháu chứ anh chị bó tay rồi". Chị gái Thu hồi bé học khá, nhưng khi hướng dẫn con học lại thấy khó diễn đạt cho bé hiểu, thế là tặc lưỡi "để mẹ làm cho nhanh". Nhưng có nhiều bài toán chị không còn nhớ cách giải phù hợp với bậc học của con, nên đành mang ra hỏi chồng.
Anh chồng đi làm về muộn, mệt mỏi gắt: "Có bài toán cấp một mà cũng không giải được à? Thế cũng khoe hồi đi học toàn đứng hàng top ten". Nhưng "ngắm nghía" bài toán một lúc, anh cũng ớ người ra vì biết rằng mình cũng quên mất cách giải theo kiểu số học, đành khuyên vợ gọi cho Thu để nhờ.
Vợ chồng anh Thịnh (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) thì gặp khó khăn khi giúp con làm bài môn văn. Bé Trung học các môn đều khá, riêng văn lại "ì ạch". Không muốn con vì một môn mà giảm kết quả học tập, anh Thịnh thường cùng vợ làm giúp. Cái khó là ở chỗ làm thế nào để con vẫn có điểm cao mà cô giáo không nhận ra là người lớn viết hộ. "Thường tôi làm, mẹ nó xem lại để lược bỏ, thay thế những chỗ già dặn quá, hay những kiến thức mà trẻ con không thể có được. Không ngờ đóng vai trẻ nít lại vất vả như vậy" - Thịnh tâm sự.
Chủ trương không làm bài hộ con nhưng chị Trang đã có lần phải bất đắc dĩ làm chuyện này. Đề văn của bé Sơn là tả hoa đào, nhưng năm vừa rồi hoa đào nở muộn nên vào dịp đó, chị không kiếm đâu ra "vật mẫu" cho con quan sát và tả lại. Là con trai, bé Sơn không để ý nhiều đến hoa, ký ức về hoa đào những Tết trước và những tranh ảnh mẹ tìm hộ không đủ để bé làm bài.
Thế là đêm ấy, chị Trang ngồi viết một bài văn tả hoa đào, sáng hôm sau đưa cho Sơn bảo bé cứ đọc để có hình dung. Nhưng vì đó là hình dung của mẹ nên rốt cục cậu bé gần như chép nguyên xi bài viết.
Chuyện phụ huynh làm bài thay cho con đang học tiểu học khá phổ biến. Phần lớn trong số họ không đủ kiên trì để hướng dẫn trẻ tự làm, hoặc thiếu phương pháp nên không thể nói cho con hiểu. Trong nhiều trường hợp, phụ huynh làm vậy vì có tâm lý ăn thua, muốn con điểm cao để khỏi thua kém bạn bè.
Theo cô giáo Quỳnh Anh, trường tiểu học Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội), việc làm bài hộ con chẳng những không giúp trẻ học khá hơn mà còn khiến trẻ bị hổng kiến thức khi có thể bỏ qua việc tư duy, tìm hiểu cách làm mà vẫn có điểm tốt. Mặt khác, điều này dẫn tạo cho trẻ tâm lý ỷ lại, và coi trọng điểm số hơn bản thân việc học.
Do đó, thay vì làm hộ, cha mẹ nên cố gắng giảng cho con về phương pháp để bé tự làm. Nên chấp nhận việc bé có điểm số không như mong muốn trong một thời gian, vẫn khuyến khích động viên vì đó là điểm thực chất của bé, và khen ngợi khi có tiến bộ dù nhỏ.
"Việc hướng dẫn con học không dễ" - cô giáo Quỳnh Anh thừa nhận, vì cha mẹ phần lớn không có kỹ năng sư phạm, mặt khác chương trình học hiện nay và hồi họ còn là học sinh đã khác rất xa. Do đó, muốn dạy con, bản thân cha mẹ cũng phải "học lại" bằng cách đọc các sách tham khảo, vốn khá đa dạng cho mỗi bậc học.