Bị bố mẹ "chụp mũ" là lệch lạc giới tính
Thấy con trai chốc chốc lại soi gương, vài giây vuốt tóc một lần, thậm chí còn tô son, một phụ huynh tin chắc trẻ bị “bóng”, nhưng bác sĩ cho rằng cháu không có lệch lạc gì về giới tính.
Sau khi khám cho bệnh nhân kể trên, bác sĩ nam khoa ở Bệnh viện Bình Dân TP HCM kết luận, cháu chỉ bắt chước một ca sĩ thần tượng, không có vấn đề gì về giới tính, chỉ cần gia đình theo sát và điều chỉnh tâm lý là ổn.
Lệch lạc giới tính ở vị thành niên không còn là hiện tượng hiếm. Đây là lứa tuổi chưa định hình nhân cách, lại dễ thần tượng, bắt chước, dễ bị lôi kéo…nên nhiều trường hợp chính trẻ cũng hoài nghi về giới tính thật của mình. Nhưng sự thiếu hiểu biết, cách hành xử không đúng của cha mẹ cũng góp phần khiến trẻ rối loạn giới tính, đẩy trẻ đến tình trạng lệch lạc nhanh hơn, nặng hơn.
Phần nhiều là ngộ nhận
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam Bệnh viện Bình Dân, mỗi ngày tại khoa có khoảng 10 ca đề nghị xác định giới tính, chủ yếu là lứa tuổi vị thành niên. Hầu hết các trường hợp này đều do cha mẹ nghi ngờ và đưa đến.
Thông thường, với trường hợp trẻ có dị tật, bất thường cơ thể (ví dụ là nữ nhưng có bộ phận sinh dục của nam hoặc ngược lại) hoặc bất thường trong tâm sinh lý, có sở thích, hành vi theo tính cách đặc trưng của giới kia, bệnh viện sẽ phẫu thuật bộ phận dị dạng hoặc xét nghiệm nội tiết tố, siêu âm bụng, nếu cần thiết thì xét nghiệm về di truyền… Thế nhưng là rất ít trẻ thật sự bất thường về giới tính. Hầu hết các trường hợp tới khám đều do cha mẹ thiếu hiểu biết, dẫn đến nghi ngờ. Thậm chí, có phụ huynh khăng khăng “cháu không phải đàn ông” dù cậu bé nọ chỉ bị… hẹp bao quy đầu.
Những câu chuyện tương tự cũng xuất hiện không ít tại các trung tâm tư vấn tâm lý. Theo chuyên viên Kim Bắc, Trung tâm tư vấn Gia đình và Ly hôn, thuộc Trung ương Hội Kế hoạch hóa gia đình, rất nhiều bà mẹ hoang mang: “Sao con tôi có giọng nói ẻo lả quá, đi nhẹ như đàn bà”, thậm chí là “sao nó quá hiền, không nghịch giống mấy thằng anh”. Thế nhưng, sau khi tiếp xúc và tiến hành trắc nghiệm với trẻ, các chuyên gia nhận thấy đó chỉ là sự xáo trộn của lứa tuổi dậy thì. Lúc này, đối tượng mà các chuyên viên phải tư vấn lại là các bậc bố mẹ. “Phần lớn đều là do cha mẹ quá lo lắng”, chuyên viên Kim Bắc nhận định.
Hành xử thiếu tế nhị
Từ sự nghi ngờ, không ít bậc bố mẹ đã la mắng, cấm đoán và có nhiều lời nói tổn thương trẻ. Đó là trường hợp của em Nguyễn Thanh T., học sinh lớp 10, trường PTTH Nguyễn An Ninh, quận 10, TP HCM. Chỉ vì em không có bạn trai và hay chơi với một nhóm bạn gái mà ba em đã cấm đoán và quát: “Có phải mày pê-đê không?”. Từ đó, em bắt đầu suy nghĩ, rồi hay quan sát các bạn trai. Khi trò chuyện với các chuyên gia tư vấn, T. cứ hỏi mãi: “Em pê-đê thật phải không cô?”
Bác sĩ Nguyễn Thành Như cũng kể, có trường hợp, sau khi có kết luận của bệnh viện là trẻ bình thường, phụ huynh vẫn không tin, dắt con đi nơi khác kiểm tra, sau một thời gian lại quay về Bệnh viện Bình Dân xin khám lần nữa. Bệnh viện từ chối, còn cậu bé thì nổi đóa: “Mẹ muốn con đồng tính lắm phải không? Con sẽ đồng tính cho mẹ vui lòng”.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn FDC, vị thành niên là lứa tuổi rất nhiều xáo trộn về tâm sinh lý, rất dễ hoang mang về các biểu hiện giới tính của mình. Sự nghi ngờ thiếu hiểu biết của cha mẹ cộng với cách hành xử thiếu tế nhị sẽ càng khiến trẻ dấn sâu vào ý nghĩ mình bất thường, từ đó dẫn đến những hành vi lệch lạc và có khi sẽ dần trở thành bất thường thật sự.
Phụ huynh phải học nhiều
Thực tế, cũng có trẻ đã hoặc đang bị lệch lạc giới tính thật sự do bạn bè xấu lôi kéo, do bắt chước, do tác động của ấn phẩm văn hóa đồi trụy… Nhưng đó chỉ là biểu hiện lệch lạc nhất thời về tâm lý, bởi đây là lứa tuổi chưa đủ trải nghiệm để luôn khẳng định được nhân cách. Trong những trường hợp này, cha mẹ cần có sự hiểu biết để định hướng cho trẻ. Tuyệt đối không nên đẩy sự việc đi quá xa so với bản chất.
Theo Đất Việt