Bệnh tiểu đường và thai kỳ

Khắc Nam ,
Chia sẻ

Gestational diabetes là thuật ngữ chuyên môn nói về bệnh tiểu đường khi mang thai ở phụ nữ. Đây là căn bệnh có tỷ lệ người mắc bệnh khoảng 3-4%, thường xuất hiện vào cuối thời kỳ thai nghén.

Bệnh do rối loạn chuyển hóa gây ra, do nhu cầu về năng lượng trong cơ thể sản phụ tăng cao cùng với sự phát triển của thai nhi nên cần đến lượng insulin nhiều hơn. (insulin là một hormon quan trọng, giúp cơ thể hấp thu glucose)    
 
Dấu hiệu

Không có những triệu chứng dễ nhận biết giống như ở những người mắc các dạng bệnh tiểu đường khác vì ất hiếm trường hợp tiểu đường khi mang thai khát nước, hoặc đi tiểu tiện nhiều.

Nguyên nhân

Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, cơ thể bẻ gãy các chất cabohydrates có trong thức ăn và chuyển hóa thành các phân tử đường.

Các phân tử đường này được gọi là glucose - tạo năng lượng cho cơ thể, nó được hấp thụ trực tiếp vào máu sau khi ăn, nhưng lại không thể đi vào tế bào được vì không có sự hỗ trợ của insulin.

Tuyến tụy của cơ thể nằm ở phía dưới dạ dày sản xuất liên tục insulin. Khi máu có nhiều đường thì tuyến tụy lại càng sản xuất nhiều insulin. Các insulin này có nhiệm vụ mở khóa tế bào để giúp tiếp nhận đường, phục vụ cho việc sản xuất năng lượng và duy trì mức độ đường thích hợp trong máu.

Khi mang thai, nhau thai sản xuất ra hoóc môn nhưng các hoóc môn này lại kháng lại insulin. Nhau thai phát triển càng nhiều, nhất là ở những tháng cuối cùng thì lượng hoóc môn sản xuất ra lại càng lớn lên nên hậu quả nó đã hạn chế insulin "tác nghiệp".

Thông thường, tuyến tụy phản ứng bằng cách sản xuất vừa đủ lượng insulin để khắc phục hậu quả nhưng đôi khi nó đã quá sức. Do vậy, có quá ít glucose đi vào tế bào còn ở dòng máu, glucose lại quá cao nên sinh bệnh. Đây chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh tiểu đường khi mang thai.

Yếu tố gia tăng bệnh

Do tuổi tác: Phụ nữ trên 25 tuổi.

Do tiền sử gia đình có người mắc bệnh, nhất là bên ngoại.

Do cơ địa béo phì.

Do tiền sử đã sinh con nặng trên 4kg hoặc suy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân hoặc do sinh đẻ quá muộn (trên 35 tuổi trở ra).

Do nguồn gốc chủng tộc: Những người da đen, người Mỹ gốc Âu, người châu Á có tỷ lệ mắc bệnh cao.

Các chẩn đoán

Phương pháp tốt nhất là nên đi thử máu khi thai được từ 24-28 tuần hoặc sớm hơn nếu thuộc nhóm rủi ro mắc bệnh cao.

Trước khi thử glucose người ta cho uống dịch gluco xirô. Sau một giờ thử máu, để biết lượng đường nếu lượng đường ở dưới mức 130-140 mg/decititer (mg/dl) là bình thường, nếu cao hơn ngưỡng trên thì nên thử lại lần hai cho chắc chắn. Những người dưới 25 tuổi, không có tiền sử hoặc rủi ro mắc bệnh thì nên đi tư vấn để quyết định thử máu hoặc không.

Biến chứng

- Bào thai phát triển quá lớn: Đây là trường hợp thường thấy do glucose có quá cao do nhau thai tạo ra, kích hoạt tuyến tụy của bào thai sản xuất nhiều insulin làm cho đứa trẻ phát triển nhanh, buộc phải mổ.

- Lượng đường huyết thấp: Có trường hợp sản phụ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai lại có hàm lượng đường trong máu (kể cả bào thai) lại thấp, nhất là sau khi sinh, do việc sản xuất insulin quá nhiều. Có thể tiêm glucose hoặc cho bé bú sẽ khắc phục được tình trạng trên.

- Mắc hội chứng hô hấp khó: Nếu sinh con quá sớm thì đứa trẻ sẽ mắc phải hội chứng này làm cho việc thở của đứa trẻ gặp khó khăn, cần phải hỗ trợ thở bằng ống để giúp phổi phát triển cân đối.

- Chứng vàng da: Chứng vàng da, vàng mắt ở trẻ do gan phát triển chưa hoàn chỉnh
 
- Mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 vào cuối đời: Những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 rất cao vì vậy cần có cách ăn uống thích hợp ngay từ khi còn nhỏ. Ngoài ra tỷ lệ thai nhi dị tật như khuyết dây thần kinh, mất đốt sống, tim, thận phổi, đường ruột cũng rất cao.

Cách phòng tránh và điều trị

- Kiểm soát đường huyết trong thời gian mang thai. Nên tư vấn bác sĩ để kiểm tra thường xuyên hoặc mua máy đo đường huyết để tự đo ở nhà.

- Ăn uống khoa học, cân bằng và thích hợp, cung cấp đủ dưỡng chất cho cả hai mẹ con. Nên ăn nhiều bữa trong ngày để tránh no dồn đói góp (khoảng 6 bữa/ngày).

- Tăng cường luyện tập: Luyện tập giúp cơ thể khỏe mạnh và giúp việc vận chuyển đường tới tế bào dễ dàng và để giảm cân, giảm đau lưng, chuột rút, phù nề, táo bón, khó ngủ.

- Sử dụng thuốc điều trị: Nếu các phương pháp trên không có tác dụng có thể tiêm insulin để giảm lượng đường huyết hoặc dùng glyburide dạng viên. Tuy nhiên trước khi sử dụng cần được bác sĩ tư vấn kĩ.

Theo Khắc Nam
Me&be
Chia sẻ