Bé trai 7 tháng tự cầm thức ăn thuần thục như người lớn, mẹ 9X tiết lộ bí quyết dạy con ăn thô "cả thế giới"
Ngắm nhìn bé trai tự cầm thức ăn và ăn thô ngon lành, dân mạng không khỏi xuýt xoa "xin vía".
Khi con đến tuổi ăn dặm, nhiều mẹ loay hoay không biết nên cho con theo kiểu truyền thống hay tập cho bé ăn thô sớm. Nhưng với chị Quỳnh Trang (28 tuổi) thì khác, ngay từ đầu mẹ trẻ đã quyết định cho con trai ăn dặm theo phương pháp Baby-Led Weaning (BLW) - Ăn dặm chỉ huy. Trộm vía, con chị Trang hợp tác ngay từ những ngày đầu tiên. Ngắm nhìn những clip bé ngồi ăn do chị quay lại, rất đông các mẹ bỉm sữa đua nhau "xin vía".
Bé trai 8 tháng ăn dặm theo phương pháp BLW
Chị Quỳnh Trang chia sẻ: "Gia đình mình cho Chum ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Khi ấy con có dấu hiệu tự ngồi gần vững, tỏ ra thích thú và hào hứng khi nhìn cả nhà ăn, muốn với lấy đồ ăn đưa vào miệng.
Mình đã tìm hiểu và cân nhắc các phương pháp ăn dặm khác nhau. Và khi đọc về Baby-Led Weaning (BLW) - phương pháp ăn dặm chỉ huy từ chia sẻ của các bác sĩ, các mẹ đi trước thì bản thân mình đã tin rằng BLW là phương pháp phù hợp với Chum. Con ăn dặm theo cách này được tự quyết định mình sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào trong khi bố mẹ chỉ là người cung cấp đồ ăn và ăn cùng con. Con sẽ tự chọn và ăn thức ăn con muốn.
Phương pháp này giúp bé hình thành tính tự lập trong ăn uống, tạo thói quen ăn uống tốt và hứng thú cho bé. Và đặc biệt phương pháp ăn dặm này rất phù hợp khi cho bé đi du lịch xa cùng gia đình sau này. Đây cũng là lý do mình quyết định theo BLW. Mình hoàn toàn không phải lo lắng gì về đồ ăn cho con hay bón đút trong bữa ăn. Con có thể ngồi ghế ăn dặm và cùng ăn với cả nhà luôn".
1001 biểu cảm đáng yêu của bé Chum khi được mẹ cho ăn dặm.
Hành trình chị Trang tập cho con ăn dặm và ăn thức ăn thô rất tự nhiên. Chị để một số món lên khay và đưa cho bé. Giai đoạn đầu của BLW, bé ăn được rất ít. Có lúc ngồi vào ghế, Chum chỉ nghịch đồ ăn, nhai nhả, chưa nuốt được nhiều. Có những bữa bé cực kì hứng thú, ăn ngon miệng. Nhưng cũng có bữa bé chỉ cầm nắm thức ăn một chút và thả ra.
"Nếu con tỏ ý cáu kỉnh không muốn ăn nữa thì mình kết thúc bữa ăn chứ không ép con ăn tiếp. Những lúc bé không hợp tác mình không cáu giận hay lo lắng đâu. Bởi mình biết có thể hôm đó con không khỏe, đang mọc răng. Con rơi vào tuần khủng hoảng hoặc đơn giản là bé chưa quen khẩu vị món đó. Mình sẽ kiên trì thử lại trong những lần tiếp theo.
Do con tự ăn hoàn toàn và không có sự trợ giúp từ người lớn nên sau mỗi bữa ăn đều sẽ là một chiến trường đấy (cười). Nhưng mỗi ngày được chứng kiến kĩ năng cầm nắm, nhai nuốt thức ăn của con dần khéo léo hơn, mình tin rằng chỉ cần cả nhà tin tưởng, khích lệ con và tiếp tục để con chủ động tập luyện thì con sẽ nhanh chóng ăn rất giỏi" - mẹ trẻ tâm sự.
Mẹ Chum hiện đang chọn BLW đồ thô kết hợp đồ xay nhuyễn
Để con ăn ngon miệng và hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng nhất, chị Trang luôn chủ động đổi món cho con. Đây cũng là cách chị dạy bé khám phá đồ ăn. Tuy nhiên, mẹ trẻ vẫn cho rằng, ở giai đoạn này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của con cho tới 1 tuổi. Vì vậy chị không quá quan trọng bé ăn được bao nhiêu mỗi bữa mà chú tâm hơn vào tâm trạng của con khi ăn. Chỉ cần con hứng thú, vui vẻ khi đến giờ ăn. Bé tập được các kĩ năng cầm, nắm, nhai, nuốt thức ăn... là chị vui rồi.
Chia sẻ về bí quyết làm đồ ăn dặm cho con, mẹ 9X cho hay: "Khi bắt đầu ăn dặm con sẽ dùng cả bàn tay để cầm thức ăn. Vì vậy mình không nấu quá nhừ, chỉ cần nấu chín tới để con cầm không bị nát vụn. Mình cắt thức ăn thành thanh dài, sử dụng dao lượn sóng vì các đường vân sẽ giúp con dễ dàng cầm nắm thức ăn hơn. Ngoài ra, mình không thêm muối, đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo vào thức ăn của con trong giai đoạn này, và tránh các thực phẩm có nguy cơ gây hóc, nghẹn như các loại hạt, nho nguyên quả, táo còn vỏ, trái cherry…và các thực phẩm dễ gây dị ứng. Có những món ở dạng nghiền như bơ, táo, chuối mình thấy con thích hơn dạng thô. Nhưng mình cũng không đút cho con mà chỉ lấy giúp thức ăn và tự để con đưa thìa vào miệng.
Khi nhắc đến BLW thì các mẹ thường hay hỏi mình nhiều nhất về việc con dễ hóc không. Tuy nhiên hóc và ọe là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. 2 tuần đầu tập ăn, Chum có ọe khá nhiều. Phản xạ ọe thực chất là một phản xạ hữu ích của cơ thể trước những đồ ăn có kích cỡ và khối lượng không phù hợp, giúp cho những thức ăn đó không thể tiến sâu vào đường thở và không gây hóc. Phản xạ ọe là cách để bé học xử lý thức ăn thô an toàn và khéo léo hơn. Sau một vài lần ọe, bé sẽ dần dần biết cách không nuốt miếng thức ăn quá to và điều chỉnh được lượng ăn để không bị nghẹn vì ăn quá nhiều.
So với các phương pháp ăn dặm khác thì mình thấy thời gian chế biến thức ăn của BLW đơn giản và nhanh gọn hơn khá nhiều, thời gian đầu chủ yếu là hấp luộc. Tuy nhiên khâu dọn rửa, tắm lại cho con sau đó mới là thách thức. Khi để đồ ăn lên khay của bé, mình chỉ mời 3-4 món để bé không bị bối rối bởi quá nhiều lựa chọn. Hiện tại mình vẫn đang chuẩn bị đồ ăn tươi mỗi bữa. Khi nào trở lại công việc cá nhân thì mình sẽ cân nhắc trữ đông đồ ăn cho con.
Mình thường mua đồ ăn cho con từ các siêu thị thực phẩm sạch như Nam An Market, 3Sạch, An Nam Gourmet, Winmart,..".
Nhìn con ăn ngon, tập được nhiều kĩ năng mới, chị Trang rất vui.
Sau mỗi bữa ăn, để khích lệ con, chị Trang thường nói với bé: "Bữa ăn kết thúc rồi. Cảm ơn Chum đã hợp tác với mẹ thật ngoan nhé!". Bản thân chị cũng rất hứng thú khi nấu ăn cho con. Thấy con ăn vui vẻ, ngon miệng, chị thật sự rất vui và hạnh phúc. Hình dung đến những ngày sau này có thể cùng con đi du lịch và ăn đủ món trên đời, trải nghiệm thế giới ẩm thực phong phú, mẹ trẻ không giấu nổi nụ cười!