Bé nói hỗn - cả nhà hết cách

,
Chia sẻ

"Mẹ hư là con giết đấy", "Tao xử đẹp mày", "Tai gỗ à? Không hiểu tiếng người à"... Không ai nghĩ đó là lời của các bé mới biết nói, hãy còn ngọng ngịu.

Làm mẹ phát hoảng

Chi vẫn chưa hết bàng hoàng vì lời nói của cô con gái 3 tuổi. Bé Na ngoan ngoãn, lễ phép, lại khéo mồm và tình cảm. Đi đâu, ai cũng yêu. Hôm nay cô đút cơm cho con. Bé ngậm mãi không nuốt, Chi cáu bảo: "Con hư là mẹ không yêu đâu". Bé trả lời luôn: "Mẹ hư là con giết đấy". Chi phải mất mấy phút định thần lại, sau khi phân tích xong cho bé nói như thế là sai, phạt bé và bé đã hứa không nói như thế nữa. Gia đình Chi rất nghiêm túc, không ai nói tục, không cho bé xem phim bạo lực, uốn nắn bé từng chữ từng câu. Chi không hiểu bé học ở đâu câu nói đó.

Bé Lan qua nhà bà nội chơi. Bà bế, bé nói: "Tao đi kiếm cái cây đập mày chết !?". Cả nhà tưởng bé nói chơi, ai dè bé đi kiếm cây chổi lông gà đem ra quất túi bụi vào bà nội, vừa đánh vừa mắng: "Tao đánh chết mày?". Mẹ bé Lan mắng bé, bé quay lại độp: "Tao xử đẹp mày". Hóa ra ở nhà hàng xóm có đôi vợ chồng đánh nhau, bé nghe thấy mấy câu đó, học theo luôn.

Huệ mắng con trai vì cu cậu nghịch bẩn. Cu cậu chạy ngay xuống bếp với bà giúp việc và bảo: "Mẹ hư quá, lấy dao mổ bụng mẹ". Huệ nghe thấy muốn ngất xỉu luôn, không thể tưởng tượng con mình có thể nói như thế. Sau này cô phát hiện ra là bà giúp việc dạy bé :"Lấy dao mổ bụng con chuột...". Thế là cu cậu suy ngay ra mổ bụng mẹ.

Hay cháu gái của My hơn hai tuổi nói chuyện với mẹ, mẹ nghe không rõ, hỏi lại. Bé đáp: "Tai gỗ à? Không hiểu tiếng người à". Mẹ bé mất mấy giây sững sờ, sau đó phải ngồi uốn nắn bé rằng không được phép nói với mọi người như thế. Cả nhà đang nói chuyện rôm rả, bé chỉ tay vào mặt dì và nói: "Lắm mồm thế, tát chết giờ". Bé nói còn ngọng líu ngọng lô, phải có người phiên dịch, cả nhà mới hiểu bé nói gì. Mọi người cười ồ lên vì thấy bé nói ngộ quá.

 

Bé nói hỗn không có nghĩa là hư
 
Còn rất nhiều các câu nói của bé mà người lớn không thể ngờ tới. Không phải vô cớ các bé tự nghĩ ra những lời nói đó. Chỉ cần nghe ai nói một lần, bé có thể bắt chước và áp dụng những câu nói đó ngay, chứ chưa hề phân biết được đúng sai, phải trái. Các bậc cha mẹ nên tỉ tê tìm hiểu xem con học ở đâu ra câu đó. Lời nói con trẻ đôi khi khiến bố mẹ kinh hãi nhưng không phải là do bé hư. Nếu những câu nói trên của các bé từ 7 tuổi trở lên thì đó là một điều đáng lo ngại với các bậc cha mẹ. Đây là các câu nói của các bé đang tầm 3 tuổi tập nói nên cha mẹ có thể uốn nắn cho con.

Cha mẹ không nên nghĩ rằng phải "che chắn" con thoát khỏi những câu nói tục, những thói xấu bằng cách ít cho con giao tiếp với mọi người xung quanh. Từ những lời nói của bố mẹ, trên phim ảnh, ti vi ngay trong nhà cũng đủ làm cho bé nhiễm ngay những câu nói lệch chuẩn.

Hành vi và lời nói của trẻ là một cái gương để các bậc bố mẹ nhìn vào đó mà suy nghĩ, xem nó phản ánh những điều gì xảy ra tại gia đình. Bố mẹ cần điều chỉnh hành vi và lời nói của mình để những kiểu nói như thế của trẻ qua đi một cách nhẹ nhàng. Bố mẹ không thể buộc trẻ phải quên đi chính điều mà mình đã làm cho bé nhớ. Bé cũng chưa thể hiểu hết được sự giải thích của bố mẹ. Bé có thể xin lỗi, hứa không tái phạm, nhưng chỉ cần trong một dịp tương tự, bé sẽ dùng lại những câu nói đó. Dân gian xưa có câu: "Trẻ lên 3 chửi thì cười, trẻ lên 10 chửi thì mắng". Các bậc cha mẹ nên chú ý đến lời ăn tiếng nói của mình, uốn nắn bé dần dần. Đó là cách duy nhất và tốt nhất.
 
Nam Hải
Chia sẻ