Bé trai tử vong vì món đồ uống rất tốt cho trẻ nhỏ nhưng lại cực độc với trẻ dưới 1 tuổi
Sự ra đi vĩnh viễn của bé trai xấu số một lần nữa cảnh báo tới những người lớn đang chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.
Bé sơ sinh tử vong vì uống mật ong trộn nước ép trái cây khoảng 1 tháng
Hẳn nhiều bậc cha mẹ đều từng biết tới lời khuyên: Không cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi uống mật ong. Bởi mật ong có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh bại liệt ở trẻ. Nhưng thực sự thì chúng ta hiểu rõ đến đâu về căn bệnh có thể nguy hiểm chết người nhưng rất hiếm gặp này?
Mới đây, một bé trai 6 tháng tuổi đã thiệt mạng sau khi được gia đình cho trẻ uống mật ong. Họ không hề biết đây là việc không được làm đối với trẻ sơ sinh.
Gia đình cho bé uống mật ong trộn với nước ép trái cây 2 lần/ngày, kéo dài trong khoảng 1 tháng (Ảnh minh họa).
Theo tờ The Japan Times, bé trai sống ở quận Adachi, thủ đô Tokyo. Gia đình cho bé uống mật ong trộn với nước ép trái cây 2 lần/ngày, kéo dài trong khoảng 1 tháng.
Một thành viên trong gia đình cho biết: "Chúng tôi trộn mật ong nước ép trái cây mua ở tiệm rồi cho bé uống bởi chúng tôi đều nghĩ, làm vậy là tốt cho cơ thể bé".
Khi phát hiện bé bị co giật và khó thở, người nhà lập tức đưa bé vào viện cấp cứu. Xét nghiệm cho thấy, bé đã hấp thụ loại mật ong bị nhiễm loại vi khuẩn có tên Clostridium botulinum - loại vi khuẩn gram dương, sinh độc tố thần kinh, là nguyên nhân liệt cơ. Đây là trường hợp rõ ràng của bệnh bại liệt do ngộ độc.
Bé trai qua đời 1 tháng sau đó. Đây là trường hợp đầu tiên trẻ sơ sinh bị tử vong do bệnh bại liệt được ghi nhận ở Nhật Bản kể từ năm 1986.
Bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh là gì?
Bại liệt ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra khi bé hấp thụ vi khuẩn có khả năng sinh độc tố trong cơ thể. Đó là bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum. Vi khuẩn từ các bào tử này tiếp tục sinh trưởng và tăng theo cấp số nhân trong ruột bé, dẫn tới sự hình thành của một loại độc tố rất nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh tới 12 tháng tuổi, do trẻ nhỏ có hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện.
Triệu chứng bệnh bại liệt bắt đầu từ 3 đến 30 ngày sau khi bé sơ sinh hấp thụ bào tử vi khuẩn. Mặc dù bệnh có thể chữa được, điều quan trọng là đưa bé tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Hãy đưa bé tới bệnh viện ngay khi bạn phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào trong số các dấu hiệu cảnh báo dưới đây:
không cho trẻ ăn uống mật ong hay bất cứ loại thực phẩm chế biến sẵn nào mà nguyên liệu là mật ong khi trẻ chưa được 1 tuổi (Ảnh minh họa).
Táo bón thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh bại liệt mà cha mẹ có thể để ý. Sau đó là những cử động uể oải, bé thể hiện sự yếu ớt và khó khăn khi mút bú hoặc ăn uống.
Các triệu chứng khác của bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm:
- Biểu cảm khuôn mặt không có gì thay đổi.
- Ăn uống kém (bú yếu).
- Tiếng khóc yếu.
- Giảm cử động.
- Khó khăn khi nuốt và chảy dãi nhiều.
- Yếu cơ.
- Gặp khó khăn khi thở.
Phòng ngừa bệnh bại liệt ở trẻ em
Một việc quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bại liệt ở trẻ em là không cho trẻ uống mật ong hay bất cứ loại thực phẩm chế biến sẵn nào mà nguyên liệu là mật ong khi trẻ chưa được 1 tuổi.
Bại liệt ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra khi bé hấp thụ vi khuẩn có khả năng sinh độc tố trong cơ thể (Ảnh minh họa).
Mật ong được chứng minh là nguồn chứa vi khuẩn Clostridium botulinum. Những vi khuẩn này vô hại với trẻ lớn và người trưởng thành bởi hệ tiêu hoá đã phát triển đầy đủ.
Tốt nhất là sử dụng thực phẩm đóng hộp tại nhà để giảm nguy cơ nhiễm độc bào tử Clostridium botulinum. Luộc thực phẩm đóng hộp tại nhà này trong vòng 10 phút trước khi cho trẻ ăn.
Ngoài ra, các bào tử Clostridium botulinum có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường. Chúng có trong bụi, chất bẩn và thậm chí trong không khí. Vì thế, cha mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với đất hoặc bụi có nguy cơ nhiễm khuẩn. Đất có nguy cơ nhiễm khuẩn cao thường ở gần các khu công trường và canh tác nông nghiệp.
Thêm vào đó, cha mẹ có thể phòng ngừa bệnh bại liệt cho trẻ bằng cách tiêm vắc xin. Cụ thể, loại vắc xin phòng chống bệnh này chính là vắc xin tổng hợp (5 trong 1 hoặc 6 trong 1), tiêm ngay từ khi trẻ 2 tháng tuổi.
Nguồn: Japantimes, Mayo Clinic, KidsHealth