Bé 2 tuổi ra đi sau 8 ngày sốt cao vì mắc một căn bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Gia đình bé Kenley Ratliff hi vọng, sự ra đi của con gái bé bỏng sẽ là lời cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ khác về sự nguy hiểm của căn bệnh bắt nguồn từ những trận sốt cao.

Bé gái 2 tuổi ra đi sau 8 ngày sốt cao

Chỉ 8 ngày sau khi sốt cao, bé Kenley (2 tuổi) đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 4/6 tại Bệnh viện Nhi Riley ở Indiana (Mỹ).

Chị Jordan Clapp - dì bé Kenley chia sẻ mẹ bé vẫn vô cùng suy sụp trước sự ra đi của con gái. Nhưng gia đình bé đã quyết định chia sẻ câu chuyện để nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh nguy hiểm song triệu chứng lại dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác này.

Khởi đầu của sự kiện bi thảm này là trận sốt cao tới gần 40 độ C của bé Kenley. Mẹ bé, Kayla Conn, 28 tuổi, vội vã đưa con tới phòng cấp cứu địa phương, nơi các bác sĩ khám và kết luận rằng, cô bé bị bệnh nhiễm trùng do virus hoặc một loại vi khuẩn nào đó. Họ kê đơn kháng sinh amoxicillin và nói với Kayla rằng, phải đảm bảo con gái không bị mất nước, cũng như ngủ nghỉ đủ. Nếu tình hình không có gì tiến triển trong vòng 24 giờ, bé Kenley nên được đưa trở lại phòng cấp cứu.

Bé 2 tuổi ra đi sau 8 ngày sốt cao vì mắc một căn bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác - Ảnh 1.

Cô bé đáng thương đã ra đi sau 8 ngày ốm sốt.

Ngày hôm sau, bé Kenley vẫn sốt cao 40 độ và Kayla lập tức đưa con tới phòng cấp cứu. Cô bé được làm xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của liên cầu khẩu và kết quả là dương tính.

3 ngày sau, bé Kenley vẫn chưa hết sốt. Theo lời kể của dì bé, lúc này, cả gia đình đều vô cùng hoảng sợ, lo lắng. Bác sĩ nói gia đình tiếp tục đợi đến khi kháng sinh phát huy tác dụng.

Bố mẹ bé Kenley quyết định đưa con tới Bệnh Nhi Riley thuộc Đại học Indiana (bang Indiana, Mỹ). Trên đường đi, cơ thể cô bé trở nên mềm rũ và không còn sức sống. Hai mắt bé nhắm nghiền. Mẹ bé phải giữ để đầu con không gục xuống.

Tại bệnh viện Riley, các bác sĩ đổi loại kháng sinh mạnh hơn nhưng có vẻ Kenley không có phản ứng tốt. Trước thời điểm này, chân và tay bé bắt đầu nổi các đám phát ban. Những nốt đỏ - dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt màng não miền núi (Rocky Mountain Spotted Fever) - là bằng chứng đầu tiên để các bác sĩ cho rằng, chẩn đoán nhiễm trùng liên cầu khuẩn ban đầu đã sai.

Bệnh sốt màng não miền núi, hay còn gọi là sốt màng não, là bệnh cấp tính gây ra do vi khuẩn tên Rickettsia rickettsii (thường có trong bọ ve). Loại ve này có nhiều ở khu vực nhiều cây cối, đặc biệt là bụi cây thấp và bụi cỏ cao. Bệnh thường phổ biến trong thời tiết ấm như mùa xuân và mùa hạ.

Cùng với các đốm phát ban, Kenley bắt đầu biểu hiện các triệu chứng khác của bệnh sốt màng não - căn bệnh gây ra do bọ ve đốt : não sưng và suy chức năng nhiều bộ phận. Tuy nhiên, khi được điều trị bằng loại kháng sinh chuẩn dành cho bệnh sốt màng não miền núi - doxycycline - thì mọi thứ đã trở nên quá muộn với bé gái 2 tuổi.

Cả gia đình bé Kenly đã sốc nặng. Họ từng nghe các bản tin về căn bệnh này nhưng ban đầu, không ai nghĩ đến nó. Jordan Clapp nhớ lại: "Sau cả 2 lần tới bệnh viện, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, đó là bệnh liên cầu khuẩn. Nhưng nếu để ý kỹ, việc bé Kenley bị bọ ve đốt rất có thể xảy ra. Con bé lúc nào cũng chạy chơi ngoài trời. Mới gần đây thôi, cháu gái tôi còn đi cắm trại", Clapp cho biết.

Bé 2 tuổi ra đi sau 8 ngày sốt cao vì mắc một căn bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác - Ảnh 3.

Ảnh chụp bé Kenley Ratliff vào ngày 24/3.

Triệu chứng sốt màng não miền núi rất giống những căn bệnh khác

Việc trẻ bị sốt màng não miền núi phát triệu chứng dễ gây nhầm lẫn vẫn thường xảy ra. Bác sĩ Paige Armstrong, chuyên gia da liễu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), giải thích: "Đó là căn bệnh không có những triệu chứng và dấu hiệu đặc trưng. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể sốt cao, đau đầu, đôi lúc nôn mửa và tiêu chảy. Những đốm phát ban có xu hướng không xuất hiện trên da cho tới 2-4 ngày sau khi phát bệnh ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, phát ban lại khá phổ biến ở những bệnh nhiễm trùng do virus khác".

Thực tế là, ở trẻ nhỏ, triệu chứng bệnh đặc biệt mơ hồ nên việc chẩn đoán không hề dễ dàng. Bác sĩ Armstrong cho biết: "Trẻ dưới 10 tuổi có nguy cơ tử vong cao vì bệnh này. Dù chỉ 6% trẻ em sốt mắc bệnh sốt màng não miền núi nhưng số ca tử vong ở trẻ nhỏ lại lên tới 22%".

Thật không may, do các triệu chứng ban đầu rất giống với những bệnh khác nên các bác sĩ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác sốt màng não miền núi. Bác sĩ Andrew Nowalk, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Pittsburgh, Đại học Trung tâm Y tế Pittsburgh, nhấn mạnh: "Chẩn đoán muộn là một trong những thử thách lớn nhất của bệnh này. Nó làm tăng cao nguy cơ tử vong".

Theo trang web của CDC, các triệu chứng của bệnh sốt màng não miền núi bao gồm:

- Sốt.
- Phát ban (xuất hiện 2-5 ngày sau sốt, có thể không xuất hiện trong một vài trường hợp).
- Đau đầu.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Đau bụng (có thể giống với bệnh viêm ruột thừa hay các nguyên nhân khác gây đau bụng cấp).
- Đau cơ.
- Ăn không ngon.
- Viêm màng kết (mắt đỏ).

Chia sẻ