Bé 14 tháng tuổi bị bỏng bô phồng rộp bàn tay: 2 loại thuốc bố mẹ cần có trong nhà và lưu ý để phòng tránh di chứng bỏng cho trẻ
Nhìn vết bỏng to trong lòng bàn tay bé trai, bố mẹ có con nhỏ lại phải tự nhắc nhở bản thân cần cẩn trọng hơn khi trông coi bé, đặc biệt là các bé đang ở giai đoạn tập đi.
Bắt đầu biết đi, trẻ sẽ nghịch ngợm và tò mò mọi thứ nhiều hơn, cùng với đó, ông bà, bố mẹ cũng phải để mắt đếu bé thường xuyên hơn. Dù gia đình chăm sóc rất cẩn thận nhưng vẫn có những trẻ gặp tai nạn ở nhà khi bắt đầu bước vào giai đoạn tập đi, phổ biến nhất là tai nạn bỏng, té ngã...
Cũng có bé đang ở tuổi chập chững tập đi, chị Trần Hạnh (Minh Khai, Hà Nội) mới đây đã chia sẻ hình ảnh của con trai là bé Bình An (14 tháng tuổi) bị bỏng bô xe máy phồng rộp cả hai bàn tay khiến ai nhìn cũng thương xót. Trong lòng bàn tay, các ngón tay vết bỏng phồng to, bọng nước, da tay bị tổn thương đỏ ửng.
Bà mẹ trẻ kể hôm xảy ra tai nạn, chị đi làm con bé Bình An ở nhà với bà và bố. Hôm ấy, người lớn đi ra ngoài về dựng xe máy ở sân, bé đang ở tuổi lò dò tập đi nên đã dò dẫm ra sân chơi rồi sờ tay vào ống bô nghịch và bị bỏng. Sau khi phát hiện bé bị bỏng, gia đình đã bế bé ngay vào ngâm và dội nước mát vào tay, dùng thuốc xịt bỏng. Khoảng gần 1 tiếng sau, chị về thấy tình trạng bỏng của con khá nghiêm trọng nên đưa bé đi bệnh viện luôn.
Hiện bé đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương được khoảng 10 ngày. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bé được bôi thuốc chống nhiễm trùng, chích vỡ vết bỏng, cắt da... gia đình chăm sóc theo đúng hướng dẫn của y bác sĩ. Trộm vía Bình An chỉ khóc hôm đầu vào viện, còn lại con khá ngoan, không quấy khóc nhiều. Tuy nhiên, vết bỏng khá to ở cả 2 tay, lại giữa lòng bàn tay nên chị Hạnh sợ rằng nó sẽ để lại sẹo cho con, đặc biệt chị có nghe nói sẹo bỏng có thể gây ra di chứng là sẹo co rút, nên hiện tại chị vẫn khá lo lắng.
Thấu hiểu tâm trạng lo lắng của bà mẹ khi con đang phải điều trị trong bệnh viện vì vết bỏng bô trên 2 bàn tay, nhiều mẹ có con nhỏ đã động viên và chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bỏng cho chị Hạnh:
- Trời ơi. Thương con quá. Bạn ơi, em bé còn nhỏ mà bị bỏng như này thì phải để ý nhé. Cháu mình trước còn nhỏ cũng bị bỏng trong lòng bàn tay như này, xong nó cứ nắm tay không duỗi ra, nên khi kéo da non, da kéo không đều. Giờ cháu mình lớn, bàn tay không duỗi thẳng được, phải đi mổ. Nên bạn chú ý chăm em cẩn thận hơn nhé.
- Để ý hàng ngày, vệ sinh cho bé, tại vết thương này phải để thoáng, không băng bó được. Mà mình nhìn bàn tay này chắc bé còn nhỏ, hay nắm tay, nên lúc kéo da non phải giữ tay tương đối mở không lớn lên sau này phải đi phẫu thuật lại thương lắm.
- Thương con quá! Lòng bàn tay mình nghĩ không để lại nhiều sẹo đâu ạ! Tuyệt đối không chích bể nốt phồng nha, cơ thể mình đang vô trùng, chích bể nốt phồng tạo khoảng hở cho vi trùng xâm nhập, dễ nhiễm trùng vì bé nhỏ khó giữ được như người lớn.
Những lưu ý khi trẻ bị bỏng bố mẹ cần biết để phòng tránh di chứng do bỏng mang lại cho con
Khi trẻ bị bỏng nước sôi, bỏng do tai nạn sinh hoạt nếu sơ cứu, điều trị không đúng cách ngay từ đầu có thể dẫn đến các ngón tay bị co rút cứng khớp, tạo thành sẹo co rút. Sau một thời gian dài không được phẫu thuật sẹo co rút, nó sẽ khiến các khớp bị hư hại không hồi được. Vì thế, điều quan trọng khi trẻ bị bỏng là bố mẹ cần sơ cứu và điều trị đúng cách cho con.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Saigon ITO) hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng do tai nạn sinh hoạt ở nhà như sau:
- Chuẩn bị: chai nước muối sinh lý NaCl 0,9% 500ml và một tube kem: Silvirin (hoặc Biafine dễ dàng mua dễ ở các nhà thuốc Tây). Ngoài ra cần chuẩn bị sẵn bông gòn, gạc vô trùng, băng keo, cuộn vải urgo hoặc băng thun.
- Các bước sơ cứu:
1. Ngay sau khi bé bị tai nạn bỏng bàn tay, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến vòi nước sạch xối rửa nhiều nước trong khoảng 15 phút (không xối nước đá hoặc nước lạnh). Mục đích việc xối rửa dưới nước nhiệt độ thường là làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương do bỏng.
2. Sau đó, bố mẹ cần bôi dầy kem Silvirin (hoặc Biafine) lên các ngón tay bị bỏng, dùng gạc vô trùng tách giữa các kẽ ngón tay và đắp gạc lên toàn bộ vết thương bỏng rồi băng lại.
Sau đó bố mẹ nên đưa các bé đến bệnh viện khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp tiếp theo.
3. Nếu chăm sóc vết bỏng cho trẻ ở nhà trong trường hợp nhẹ hoặc nhà quá xa bệnh viện, dùng nước muối sinh lý vệ sinh và thay băng, sau đó bôi kem Silvirin (hoặc Biafine) dầy lên vết bỏng, đắp gạc rồi băng vết thương lại để giữ độ ẩm cho da. Nên thay băng cách ngày.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cũng khuyến cáo trong trường hợp trẻ bị sẹo co rút, cần đưa con đi phẫu thuật tách ghép để trở về trạng thái bình thường trước khi con học cấp 1 để không ảnh hưởng đến khả năng cầm bút, tham gia các hoạt động thể dục thể thao của trẻ, đồng thời giúp trẻ tự tin chơi đùa cùng các bạn.