Bé 1 tuổi không chịu uống sữa tươi hay sữa công thức thì làm sao cung cấp đủ dưỡng chất cho con?
Nếu bé không chịu làm quen với các loại sữa, mẹ có thể cân bằng dinh dưỡng cho con từ các thực phẩm sau.
Sữa là thực phẩm dinh dưỡng, cung cấp năng lượng, chất béo, vitamin,... cho con người. Đối với trẻ trong độ tuổi mầm non, sữa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ. Trong sữa có rất nhiều loại vitamin, chất đạm, chất béo, chất bột đường, canxi và nhiều dưỡng chất khác.
Khi trẻ dưới 1 tuổi, mẹ không nên cho bé tiếp xúc với sữa bò, sữa đậu nành hay sữa hạt. Tuy nhiên, khi qua 1 tuổi, trẻ nên bổ sung các loại sữa như sữa tươi, sữa công thức... Mặc dù vậy, không ít bà mẹ than thở khi con không chịu uống các loại sữa trên. Bác sĩ Anh Nguyễn (tác giả cuốn sách Làm mẹ không áp lực) cho biết bố mẹ vẫn cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ không uống sữa công thức hay sữa tươi
Trong trường hợp bé không chịu uống sữa thì không nên ép bé uống sữa, mà làm như sau: Phân bố chế độ ăn cân bằng. Bé độ tuổi 1-3 tuổi nhu cầu cần tối thiểu 350mg canxi/ngày, do đó bổ sung thức ăn chứa canxi (ngoài sữa) là cần thiết. Tham khảo các thực phẩm có sự phân bố canxi sau đây mà lựa chọn vào bữa ăn cho bé để đảm bảo cung cấp không dưới 350mg canxi/ngày:
- 80 gram sữa chua nguyên kem chứa 160mg canxi.
- 15 gram phô mai cứng hoặc 30 gram phô mai mềm chứa 111mg canxi.
- 80gram cải xoong cung cấp 136mg canxi.
- 50 gram cá hồi/thu/tôm/cua chứa 170mg canxi.
- 1 quả trứng (50gram) thì chứa 25mg canxi.
- Cơm (100gram) chứa 60mg Canxi.
Ví dụ: sáng: 80gram cơm nát, 40gram cải xoong nấu với 1 con tôm (25gram). Xế chiều: 15gram phô mai mềm. Chiều: 30 gram cá hồi chiên với sốt cà chua cùng 80gram cơm. Như vậy, bé có 100mg canxi (từ cơm) + 55 gram canxi phô mai) + 68mg (từ cải xoong)+ 187mg canxi (từ cá và tôm) = 410mg canxi/ngày.
Uống sữa hạt thay thế sữa bò, sữa công thức được không?
Một số mẹ lựa chọn sữa hạt thay thế cho các loại sữa bò, sữa công thức... Tuy nhiên, sữa hạt không phải là sữa mà thực chất là nước ép các hạt. Theo cơ quan Food Standards của Úc, tất cả các sữa có nguồn gốc từ thực vật có hàm lượng chất đạm và năng lượng thấp hơn sữa bò, đặc biệt hàm lượng chất béo. Chỉ nên dùng như một vài dịp trong tuần, nên được hiểu như dạng "nước ép" hơn là sữa.
Dưới 2 tuổi, trẻ cũng nên uống loại sữa không đường. Nếu bé đã lỡ bị làm quen với các loại bánh kẹo, nước uống có đường thì nên chọn cho bé sữa loại ít đường. Hoặc chọn loại không đường cho ăn và trộn chung với một số loại trái cây có vị ngọt trung bình.
Với các loại sữa tươi hay sữa công thức, trước 2 tuổi, sữa có hương vani sẽ gần giống với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sau 2 tuổi, có thể cho bé làm quen hương đa dạng như socola, hương trái cây. Tuy nhiên từ 20-24 tháng tuổi, một số bé không chịu uống sữa, có thể đổi hương cho bé thử, một số bé có thể sẽ chấp nhận uống sữa nếu có hương vị khác.
Trong 3 loại sữa (sữa bò, sữa hạt, sữa đậu nành), trẻ nên uống loại nào?
Việc chọn loại sữa nào cho trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, trạng thái sức khỏe, cũng như sở thích cá nhân của trẻ. Dưới đây là một số hướng dẫn chung:
- Trẻ dưới 1 tuổi nên được cho ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức, không nên uống sữa bò, sữa đậu nành hay sữa hạt.
- Trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể bắt đầu uống sữa bò. Sữa bò chứa nhiều protein và canxi, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển xương của trẻ.
- Sữa đậu nành hoặc sữa hạt có thể là lựa chọn thay thế tốt cho những trẻ không dung nạp lactose hoặc cho những gia đình tuân thủ chế độ ăn chay.
- Cần tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định loại sữa phù hợp nhất cho trẻ.