Bật khóc trước hồi ký của cô gái viết về người mẹ qua đời vì bệnh Alzheimer: "Bà ấy đã ra đi, cuối cùng mẹ cũng được tự do"
“Bà ấy đã ra đi. Cuối cùng bà ấy cũng được bình yên. Không còn ống thở, không còn đau khổ. Bà ấy đã được tự do. Mẹ ơi, con biết mẹ đang mỉm cười, con nhớ mẹ", cô gái viết về ngày mẹ qua đời sau gần 5 năm chiến đấu với bệnh Alzheimer.
Dominica Yang bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong hành vi của mẹ cô vào năm 2012.
“Mẹ tôi rất thông minh, nhưng một ngày nọ khi đang chuẩn bị thuốc cho bố, bà nhất quyết đổ hết thuốc ra khỏi từng gói và trở nên ám ảnh với việc đếm chúng. Bà cứ đếm mãi không hết, đếm đi đếm lại như một vòng quay khiến bà tức giận và thất vọng”, Yang, người phụ nữ đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) kể về người mẹ của mình.
Theo thời gian, mẹ của Yang được phát hiện đã mắc căn bệnh Alzheimer – một loại chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi – ngày càng nghiêm trọng hơn.
"Nó đến rất đột ngột và mạnh mẽ, giống như một vách đá lớn vậy", Yang đau khổ chia sẻ về cảm xúc khi biết căn bệnh của mẹ mình.

Yang chụp ảnh cùng mẹ khi còn nhỏ
Từ đó, Yang trở thành người chăm sóc chính và đồng hành cùng với mẹ cho đến khi bà qua đời vào năm 2016, hưởng họ 86 tuổi.
Mãi đến tháng 5/205, cô đã phát hành cuốn sách "My Mum Called Alzheimer's" với nội dung ghi lại những cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con trong quá trình chiến đấu với căn bệnh.
Cuốn sách giống như một cuốn hồi ký, có hai phiên bản tiếng Anh và Trung. Đặc biệt, có rất nhiều trang để trống, gây tò mò cho người đọc.
"Tôi muốn một số trang được để toàn màu trắng để người đọc tập trung vào những gì tôi đã trải qua", Yang nói.
Độc giả cũng sẽ nhận thấy một vài ký hiệu đặc biệt trước khi chương mới bắt đầu. Chẳng hạn, các vòng tròn màu đen đậm đại diện cho những ngày mẹ cô có sự sáng suốt. Còn các vòng tròn màu xám phản ánh những ngày trí nhớ của bà giảm sút, sự kết nối giữa hai mẹ con cũng yếu dần. Hay những nét chữ nguệch ngoạc để biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh nhân Alzheimer.

Yang (phải) cùng bố mẹ ở Hồng Kông
Song, điều ý nghĩa nhất mà cuốn sách mang lại đó chính là từng cung bậc cảm xúc vui, buồn, khóc, cười của người con gái phải trải qua trong gần 5 năm chăm sóc mẹ của mình.
"Đôi khi chúng tôi trò chuyện bên tách trà và bánh ngọt, mua sắm quần áo và hát theo ca khúc hit Can't Help Falling in Love của Elvis Presley. Tôi sẽ chơi maracas với mẹ bởi mẹ tôi thích điều đó", nữ tác giả viết.
Đến những ngày tồi tệ, mẹ của Yang không thể ăn như bình thường, bà gặp khó khăn khi nuốt; cảm xúc thất thường, dễ cáu giận. Thậm chí, bà phải vật lộn để nhớ được tên của chính mình. Yang ghi lại trong hồi ký những lần mẹ cô phải đến bệnh viện cấp cứu khi bà bị khó thở do lượng oxy trong máu thấp.
Đặc biệt, trong chương cuối đầy cảm động, vào ngày 1.733, Yang viết: “Bà ấy đã ra đi. Cuối cùng bà ấy cũng được bình yên. Không còn ống thở, không còn đau khổ. Bà ấy đã được tự do. Mẹ ơi, con biết mẹ đang mỉm cười, con nhớ mẹ.”
Tại một quán cà phê ở khu Trung tâm Hồng Kông, Yang chia sẻ với phóng viên SCMP về ý tưởng viết cuốn sách này.
“Bác sĩ tâm thần, Tiến sĩ M. được nhắc đến trong cuốn sách, đã yêu cầu tôi ghi lại bất kỳ vấn đề hoặc sự cố nào mà tôi nhận thấy ở mẹ tôi để bác sĩ có thể đánh giá”, Yang nói.
Sau khi mẹ mất, Yang cất những ghi chép đó trong một ngăn kéo vì cô bận chăm sóc cha cho đến khi ông qua đời ở tuổi 96. Cô cũng chăm sóc bố chồng, người đã mất cách đây hai năm.
Khi Yang tìm lại được những ghi chép của mình cách đây vài năm, cô đã chia sẻ chúng với ba người con trai, những người đã sống ở nước ngoài trong suốt gần 5 năm Yang chăm sóc mẹ.

Yang đang là người đồng sáng lập nhóm Sáng kiến Sức khỏe Não bộ của Hồng Kông - mạng lưới chuyên hỗ trợ những gia đình có người bị bệnh Alzheimer
Lập tức, các con trai của cô đã khuyến khích cô làm gì đó với những ghi chú đặc biệt này. Vì vậy, Yang đã biến chúng thành một cuốn sách. Bà đã bỏ qua những chi tiết nhạy cảm vì tôn trọng mẹ mình, người "là một người rất kín tiếng".
Thông qua cuốn sách, Yang kêu gọi mọi người hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các bác sĩ hay chuyên gia, ngay khi nhận thấy các triệu chứng xuất hiện. Bởi khi can thiệp sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Yang cũng nhấn mạnh hãy luôn ở bên cạnh người thân yêu của bạn. "Đừng tức giận hay buồn phiền nếu người đó không nhận ra bạn. Nếu họ cảm thấy bạn ở đó và có thể nghe thấy giọng nói của bạn, thì điều đó rất đáng giá", Yang nói thêm.
Hiện, Yang đang là người đồng sáng lập nhóm Sáng kiến Sức khỏe Não bộ của Hồng Kông - mạng lưới chuyên hỗ trợ những gia đình có người bị chứng mất trí nhớ.
Số tiền bản quyền từ việc bán sách sẽ được Yang ủng hộ cho Quỹ Charles K Kao ( những bệnh nhân Alzheimer).
"Cả bệnh nhân và gia đình đều không nên đối mặt với bệnh tật một mình. Hãy liên lạc, nhắn tin với bất kỳ ai để bạn được đồng hành", Yang chia sẻ.
Theo SCMP