Bảo vệ làn da bé trong mùa đông
Mùa đông lạnh giá thường gây ra nhiều tác động không có lợi đối với làn da nhạy cảm của bé. Một vài lưu ý dưới đây có thể giúp bạn chăm sóc làn da cho bé tốt hơn.
Không khí hanh khô trong nhà và cái lạnh ngắt bên ngoài có thể dẫn đến những chứng như nứt nẻ, mẩn đỏ, và rát da. Tiến sĩ Terri A. Kahn, chủ nhiệm khoa da liễu nhi khoa ở Cleverland Clinic Foundation, đã gợi ý những bước sau đây để giúp cho bé có được một làn da khoẻ mạnh trong mùa đông:
- Tắm cho bé một cách khéo léo: Tắm rửa hàng ngày rất tốt nếu bạn thực hiện theo một số quy tắc: Để bắt đầu, dùng nước ấm và một chút dung dịch làm sạch không chứa lipid, ví dụ như Dove hoặc Cetaphil không chứa hương liệu. (Xà phòng chứa lipid thường chứa chất tẩy, tẩy đi các yếu tố giúp giữ ẩm cho da). Vì không khí khô trong phòng có thể gây ra bệnh eczema (chàm bội nhiễm), tình trạng một vùng da nổi mẩn đỏ, có vảy, và ngứa trên mặt, khỷu tay, đầu gối và cổ của trẻ. Tiến sĩ Kahn khuyên bạn nên dùng xà phòng chống khuẩn để tránh tái nhiễm khuẩn cho da. Hai loại xà phòng hữu hiệu là Cetaphil và Oilatum AD.
Để tránh làm thay đổi liên tục độ ẩm trên da bé, đừng giữ bé trong nước lâu quá 10 phút. Và khi đã nhấc trẻ ra khỏi bồn tắm, hãy thoa kem giữ ẩm cho trẻ trong vòng 3 phút để giữ nước cho da (tránh khu vực mắt). Sự lựa chọn tốt nhất là Cetaphil và Vanicreams cho da nhạy cảm, dưỡng da Lubriderm, Aveeno, và thậm chí là Vaseline hoặc Crisco. “Hai sản phẩm này cũng rất tốt khi sử dụng ở những vùng quấn tã lót cho trẻ vì chúng tạo ra một màng bảo vệ giúp ngăn ngừa kích ứng da”, Tiến sĩ Kahn nhận xét. “Hãy đảm bảo dọn dẹp vệ sinh bồn tắm 3 tháng 1 lần để tránh vi khuẩn bám ở đó”.
- Sử dụng TLC cho trẻ bị chảy nước mũi. Nếu thời tiết lạnh làm trẻ bị chảy nước mũi, để tránh bị nứt nẻ và kích ứng da bạn nên sử dụng 1 lượng nhỏ Vaseline hoặc Aquaphor thoa vào dưới mũi của bé một vài lần trong ngày (hai sản phẩm này cũng có thể hạn chế và loại trừ nước mũi đã đóng khô bên dưới mũi trong lúc bé ngủ đêm hoặc ngủ ngắn trong ngày). Khi lau mũi cho trẻ, dùng một khăn giấy có kem giữ ẩm như Kleenex. Vì trẻ sơ sinh có bệnh eczema có thể chứa vi khuẩn tụ cầu trong mũi, hãy gọi bác sỹ nhi của bạn và họ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm khuẩn.
- Đừng giữ trẻ quá nóng. Trẻ dưới 6 tháng tuổi không thể điều chỉnh thân nhiệt như người trưởng thành, điều này giải thích tại sao bạn nên mặc cho trẻ thêm một lớp nữa so với những gì bạn đang mặc. Tuy nhiên, nếu mặc quá nhiều sẽ khiến trẻ bị nóng, điều này có thể gây kích ứng da, dẫn tới chứng nổi rôm. Nổi rôm tạo ra những nốt nhỏ có mủ, ngứa và ửng đỏ trên thân và những khu vực da ở các khớp. Bạn hãy tạo cho bé sự thoải mái bằng việc quấn khăn mặt làm mát những khu vực da bị ảnh hưởng và để da thông thoáng.
- Hãy chú ý đến quần áo của trẻ: Nếu trẻ có thể bị eczema, bạn dứt khoát phải để tâm đến những phòng ngừa sau đây (đối với những trẻ không bị eczema cũng nên thực hiện): Cố gắng lựa chọn quần áo không phải là ủi và tránh những chất liệu tổng hợp. Những quần áo màu trắng hoặc màu nhạt, bằng cotton là tốt nhất đối với trẻ. Giặt quần áo của trẻ với hoá chất không chứa chất tẩy như Dreft. Nếu bạn muốn dùng chất làm mềm vải, hãy cho chúng vào khi đang xả nước giũ lần 1 hoặc lần 2.
- Thông báo các vấn đề cho bác sỹ nhi khoa. Nếu bạn để ý thấy bất kỳ khi nào xuất hiện những vùng da bị tổn thương, bị trầy, rỉ nước ở trên cơ thể trẻ, đó là các biểu hiện bị nhiễm khuẩn. Hãy gọi cho bác sỹ nhi khoa ngay lập tức.
Hương Liên (Theo Childdevelopmen)