Bạn sẽ giúp bé thông minh hơn nếu làm 5 điều đơn giản này
Không quá khó để bố mẹ có thể giúp bé thông minh hơn nếu làm theo 5 điều đơn giản dưới đây.
1. Tạo cảm giác an toàn cho bé
Bố mẹ cần tạo sự gắn kết với bé và gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Hãy tạo cho bé cảm giác yên tâm và an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Chỉ khi bé cảm thấy an toàn, bé mới có thể học hỏi và phát triển ngôn ngữ.
Sự tiếp xúc cơ thể - da với da cũng như thời gian bố mẹ ở bên bé, massage cho bé, nói chuyện hay mặc quần áo cho bé giúp xây dựng cảm giác an toàn cho bé. Và mối quan hệ gắn bó giữa bố mẹ với nhau cũng là một trong những cách tốt nhất để làm cho bé của bạn cảm thấy an toàn.
Bố mẹ có thể chia sẻ việc nhà cùng nhau, chăm sóc bé. Nếu giữa bố mẹ xảy ra cuộc cãi vã trước mặt bé, hãy khôi phục lại cảm giác an toàn cho bé. Trẻ chưa hiểu lời nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc giữa hai bố mẹ.
2. Kể lại một ngày của bạn cho con nghe
Các chuyên gia khuyên bạn nên nói chuyện với bé thật nhiều để giúp bé thông minh hơn. Việc nghe nhiều cũng sẽ giúp bé phát triển các mô hình ngôn ngữ, trong đó ngôn ngữ học tập cũng dễ dàng phát triển hơn.
Hàng ngày, bố mẹ chia sẻ đều đặn những suy nghĩ của mình với bé không chỉ giúp gắn kết tình cảm cha mẹ với con cái mà còn thực sự làm tăng trí tuệ của bé.
Nghiên cứu đã chỉ ra, đến 3 tuổi, những trẻ nói chuyện thường xuyên hơn sẽ có chỉ số IQ cao hơn 1,5 lần so với những trẻ không nói chuyện nhiều. Đến khi vào trường tiểu học, các kỹ năng đọc, viết ngôn ngữ của những đứa trẻ này cũng sẽ phát triển tốt hơn.
Để có thể giúp bé phát triển ngôn ngữ, bố mẹ cần chú ý vào 3 yếu tố là số từ, sự đa dạng, phức tạp của các từ và cách sử dụng chúng trong từng văn cảnh cụ thể. Bằng cách thuật lại cho bé nghe trải nghiệm một ngày qua của bạn – công việc, mối quan hệ, cảm xúc của mình… với ngôn ngữ kể và tả sẽ giúp trau dồi ngôn ngữ cho bé.
Giọng điệu trong từng lời nói của bố mẹ cũng rất quan trọng – từ giọng ngọt ngào, dịu dàng, âu yếm đến tức giận đều có tác động đến não bộ của bé. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, những giọng điệu, âm thanh rõ ràng, cụ thể sẽ giúp bé học ngôn ngữ tốt hơn và dễ dàng để bé có thể bắt chước.
Lưu ý là ngay cả khi bé chưa bập bẹ tập nói, bố mẹ cũng nên nói chuyện nhiều với bé, điều đó giúp cho việc học ngôn ngữ của bé trở nên dễ dàng và bé cũng sẽ nhanh biết nói hơn.
3. Dành thời gian bên con
Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh bắt đầu nhận ra nét mặt của cha mẹ khi được 3 - 4 tháng tuổi. Khoảng 5 tháng, bé có thể hiểu được cảm xúc trên khuôn mặt của một người không quen và khi được 7 - 9 tháng tuổi, bé có thể đọc được cảm xúc trên khuôn mặt của con chó và khỉ.
Ross Flom, giáo sư tâm lý và thần kinh học tại Đại học Brigham Young ở Provo, Utah cho biết: Cảm xúc là một trong những cách đầu tiên bé giao tiếp với chúng ta. Và có khả năng đọc được cảm xúc trên nét mặt là nền tảng quan trọng của kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, giúp bé hình thành sự đồng cảm với xung quanh, tính tranh đấu, ganh đua ít hơn và thiết lập các mối quan hệ lâu dài, gắn bó hơn như một người lớn.
Mặc dù bố mẹ không thể lúc nào cũng ở bên con mình nhưng hãy cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của bé. Cũng đừng ép bé suy nghĩ quá nhiều điều một lúc bởi não bé cần được nghỉ ngơi. Thay vào đó, hãy cho bé một vài phút để xử lý những gì bé đã học được, từ đó sẽ giúp bé thông minh hơn.
4. Hạn chế thời gian “giữ” bé
Bố mẹ không nên “giữ” bé quá chặt trong vòng tay mình. Tâm lý của các bậc cha mẹ luôn lo lắng cho con bởi bé quá nhỏ trong khi thế giới xung quanh rộng lớn và tiềm ẩn vô vàn các nguy cơ có thể gây hại cho bé. Tuy nhiên, bạn đừng hạn chế khả năng vận động của bé.
Giảm thiểu thời gian cho bé ở trong xe đẩy, ghế xe hơi, trong nhà… và thay bằng cho bé ra ngoài, tham gia các hoạt động ngoài trời hay chơi đùa với các trẻ xung quanh nhà. Bởi vì bé cần được khám phá và thích nghi với những điều mới lạ xung quanh mình. Để làm được điều đó, bố mẹ cần để bé di chuyển một cách tự do và hãy quan sát bé từ đằng trước, đằng sau hay bên phải, bên trái của bé để ngăn cản các rủi ro có thể đến với bé.
Đây là giai đoạn đầu tiên giúp phát triển sự tập trung ý thức của con bạn. Khi bố mẹ tạo được tiền đề cho sự phát triển này sẽ giúp bé phát triển điều đó khi lớn lên.
5. Dùng ngón tay trỏ
Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em học ngôn ngữ nhanh hơn nếu bố mẹ sử dụng các ngón tay hay bàn tay của mình chỉ đến đối tượng cụ thể cho bé biết khi nói về chúng.
Theo giáo sư tâm lý học Ross Flom, lúc đầu, bé sẽ nhìn vào bố mẹ khi bố mẹ chỉ vào vật gì đó. Khi bé lớn hơn một chút, bé có thể nhìn vào ngón tay trỏ của bố mẹ chỉ vào vật. Đến khoảng 9 tháng, hầu hết các bé bắt đầu nhìn theo ngón tay trỏ ấy và nhận thấy những gì bố mẹ đang chỉ đến.
Vào khoảng 9 hoặc 10 tháng, bé sẽ bắt đầu đưa các đối tượng để cho bố mẹ thấy. Sự tương tác, chia sẻ này được gọi là "sự quan tâm chung". Điều này có nghĩa là bé phát triển khả năng liên hệ với bố mẹ về một cái gì đó (hay ai đó) – bên thứ 3, ngoài hai người.
Để xây dựng kỹ năng này, bố mẹ hãy tiếp tục dùng tay mình chỉ vào những gì bố mẹ định nói với bé và nói về chúng. Bé có thể không hiểu những lời bạn nói, nhưng giao tiếp giữa bé với bạn sẽ dần dần trở nên phức tạp hơn.
Chẳng hạn khi bạn đưa bé đến vườn bách thú, thay vì chỉ giới thiệu sơ lược về con khỉ cho bé biết, bạn hãy dùng tay chỉ vào nó rồi mô tả, nói về nó – điều này sẽ giúp thúc đẩy nhận thức xã hội và phát triển ngôn ngữ cho bé.