Bác sỹ Trí Đoàn chia sẻ từ A-Z cẩm nang tiêm vaccine cho trẻ (1)
Để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn và nỗi lo âu của các mẹ, BS Trí Đoàn đã chia sẻ những thông tin cụ thể và chi tiết về việc tiêm vaccine cho trẻ.
Chích ngừa (tiêm phòng, tiêm vaccine) đúng và đủ là một trong những cách khá hiệu quả để ngừa một số bệnh nhiễm trùng, ngoài một số biện pháp tương đối đơn giản và hiệu quả khác như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh và che miệng khi ho hay hắt hơi.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn thường hay thắc mắc nhiều vấn đề về chích ngừa (thậm chí lo lắng đến mức không muốn cho con đi chích ngừa), đặc biệt là về lịch chích ngừa và một số chống chỉ định chưa đúng về chích ngừa.
BS Trí Đoàn cho biết, hệ miễn dịch của trẻ đủ sức đáp ứng để tạo kháng thể đối với sự xâm nhập của khoảng 10000 kháng nguyên cùng lúc ngay từ lúc mới ra đời. (Ảnh minh họa)
1. Chào bác sỹ, trẻ sơ sinh cần được tiêm vaccine vào thời điểm nào và nếu tiêm vaccine quá sớm liệu có an toàn không?
Ngay từ ngày đầu tiên sinh ra đời, trẻ đã có "cơ hội" tiếp xúc với rất nhiều kháng nguyên xâm nhập vào người. Kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra những kháng thể chống lại chúng. Ước lượng trung bình mỗi ngày trẻ sẽ tiếp xúc khoảng 20-40 kháng nguyên xâm nhập vào người qua các "cửa ngõ" của cơ thể như mũi, miệng, mắt, da.
Những kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể trẻ nhiều nhất là những siêu vi, vi khuẩn, ngoài ra, còn có các chất đạm trong sữa hay thức ăn. Tuy nhiên, trẻ thường ít khi bị những bệnh nhiễm trùng nặng bởi vì trẻ đã được bảo vệ bởi những kháng thể nhận từ mẹ trong giai đoạn bào thai.
Thế nhưng có những bệnh nhiễm khuẩn mà mẹ có thể chưa có kháng thể chống lại (do chưa từng bị bệnh đó hay bị bệnh nhưng đã hết kháng thể), hay có kháng thể chống lại nhưng kháng thể đó không thể truyền sang cho trẻ trong giai đoạn bào thai và một số bệnh nhiễm khuẩn đó lại có thể gây bệnh rất nặng cho trẻ. Vì vậy trẻ cần được chủng ngừa sớm ngay sau sinh.
Ví dụ: Nếu trẻ bị nhiễm siêu vi viêm gan B từ sơ sinh (nhiều nhất là từ mẹ lây trong lúc sanh) thì 90% trẻ bị nhiễm sẽ mang siêu vi viêm gan B suốt đời, chỉ có khoảng 10% tự khỏi và sau này, một số người mang siêu vi B sẽ có thể bị xơ gan hay ung thư gan. Vì vậy trẻ sơ sinh nên được chích ngừa viêm gan B từ rất sớm sau sanh.
2. Hiện nay, các mẹ vẫn còn rất băn khoăn về việc khoảng cách các mũi chích ngừa, có thông tin cho rằng sau 4 tuần có thể chích nhắc lại được rồi, có thông tin thì nên nhắc lại theo lịch chủng ngừa. Theo bác sỹ, vấn đề này nên được hiểu như thế nào?
Nhiều người lo sợ rằng, trẻ còn nhỏ quá và chích ngừa sớm quá thì trẻ không chịu nổi. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, cho dù trẻ có chích ngừa hay không, trẻ vẫn tiếp xúc với vài chục kháng nguyên mỗi ngày. Hệ miễn dịch của trẻ đủ sức đáp ứng để tạo kháng thể đối với sự xâm nhập của khoảng 10000 kháng nguyên cùng lúc ngay từ lúc mới ra đời.
Thông thường, nếu trẻ cân nặng từ 2000 gram trở lên thì có thể chích ngừa được (ít nhất là chích ngừa viêm gan B ngay lúc sanh). Nếu như trẻ sơ sinh nhẹ hơn 2000 gram nhưng cần phải chích ngừa viêm gan B ngay (trong trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B) thì trẻ vẫn có thể chích ngừa được, chứ không nhất thiết phải chờ đủ 2000 gram mới chích.
Đa số các lịch chích ngừa đều tương tự nhau, chỉ có một số khác biệt nho nhỏ. Vấn đề là nắm được một số nguyên tắc cơ bản. Đối với 1 vaccine, quan trọng là biết thời điểm sớm nhất có thể chích (uống) vaccine đó và khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều của cùng loại vaccine.
Ví dụ: Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) thì chích liều đầu sớm nhất lúc 6 tuần tuổi, liều thứ 2 cách liều đầu tối thiểu 4 tuần. Do đó, nếu đưa trẻ đi khám, vì một lo lắng nào đó của ba mẹ mà lúc đó trẻ đã được 6 tuần tuổi thì có thể cho chích ngừa luôn, không nhất thiết phải đợi đến lúc đủ 2 tháng mới chích.
Cũng vì khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều bạch hầu - ho gà - uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) là 4 tuần lễ nên có thể có lịch chích ngừa 3 tháng liên tiếp nhau hay có lịch chích ngừa lúc 2 – 4 - 6 tháng tuổi (đều bảo đảm 2 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần lễ).
Cũng dựa trên nguyên tắc khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vaccine của cùng một loại vaccine, nếu như trẻ đi chích ngừa mũi kế tiếp mà trễ so với hẹn thì cũng chỉ cần chích tiếp những liều còn lại thôi, không cần phải nhắc lại từ mũi đầu tiên nữa.
Ví dụ: Nếu chích viêm gan B liều 1 và liều 2 xong, liều 3 thường hay bị quên (do thường cách liều đầu vài tháng) hay trẻ bị bệnh gì đó chưa chích được, thì khi nào nhớ ra hay đi khám vì một lý do nào đó, có thể chích nốt liều 3 cho dù cách liều đầu hay liều 2 cả năm trời (không cần nhắc lại từ đầu).
Khoảng cách tối thiểu này chỉ áp dụng đối với cùng 1 loại vaccine (ví dụ cùng là vaccine bạch hầu) hay 2 loại vaccine sống dạng chích khác nhau (hiện chỉ có các loại vaccine sống dạng chích là sởi, quai bị, Rubella và trái rạ) mà được chích khác ngày.
Hai hay nhiều loại vaccine sống dạng chích đều có thể chích cùng 1 lúc, nếu chích khác ngày thì phải cách nhau tối thiểu 4 tuần. Do đó, giữa 2 loại vaccine chết (bất hoạt) khác nhau (ví dụ viêm gan B, viêm gan A, bạch hầu, ho gà, Hib, não mô cầu), hay giữa 1 vaccine sống dạng chích và 1 vaccine chết (bất hoạt) thì không tính khoảng cách tối thiểu 4 tuần lễ.
3. Hiện nay, các bà mẹ thường truyền tai nhau về việc tiêm vaccine nhiều mũi trong một mũi có thể gây ra biến chứng cho sức khoẻ của trẻ hơn là tiêm từng mũi đơn cho mỗi lần. Theo bác sỹ, điều này có đúng?
Như đã nói ở phần trước, trong 1 lúc, hệ miễn dịch của trẻ có thể tiếp nhận đến 10000 kháng nguyên. Trên thực tế, tổng số vaccine hiện nay chưa bao giờ chiếm 1 phần nhỏ khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch của trẻ (chiếm chừng vài phần ngàn là tối đa). Vì thế, chích bao nhiêu vaccine cùng một lúc đều được miễn thoả điều kiện tuổi tối thiểu được chích và khoảng cách tối thiểu nêu trên.
Nhiều phụ huynh lo sợ trẻ chích nhiều vaccine cùng lúc hay chích nhiều mũi vaccine cùng lúc sẽ không chịu nổi. Thực ra, trẻ dư sức đáp ứng được miễn dịch và chịu được hết. Chích nhiều vaccine cùng lúc sẽ giúp cho trẻ được bảo vệ kịp thời đối với nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine, giúp tiết kiệm thời gian (và tiền bạc) đi chích ngừa nhiều lần, giúp tránh phải lỡ 1 loại vaccine nào đó và đỡ phải "hối tiếc" khi đến kỳ đi chích vaccine nào đó mà vaccine đó lại "hết hàng".
Tôi đi thực tế ở Mỹ. Tại phòng khám, bác sỹ cho tiêm một lúc 5 – 7 mũi chích ngừa khác nhau. Tất cả các mũi vaccine được xếp lên khay để y tá tiêm lần lượt cho trẻ và các bà mẹ không bao giờ thắc mắc vì họ đã quen với việc đó.
Khi đi chích ngừa, chỉ có 1 số rất ít những chống chỉ định để không chích 1 loại vaccine nào đó. Nếu như trước đó, trẻ dị ứng nặng với vaccine (sốc phản vệ) thì không được chích vaccine đó lần sau. Nếu như trẻ bị co giật hay khóc thét liên tục trên 3 giờ sau khi chích vaccine ho gà thì cũng không nên chích tiếp ho gà.
Nếu trẻ dị ứng nặng với trứng gà (sốc phản vệ) thì về mặt lý thuyết không nên chích vaccine cúm. Tuy nhiên, dị ứng nhẹ với trứng (nổi mề đay, mẩn ngứa sau khi ăn trứng gà) thì vẫn có thể chích ngừa cúm. Và cũng không cần phải ăn trứng gà 3 lần trước khi chích ngừa cúm (trên thế giới không thấy có khuyến cáo phải ăn trứng gà trước khi chích ngừa cúm).
* Trong phần 2 (đăng vào lúc 7h - ngày 2/6) : BS Trí Đoàn sẽ tiếp tục chia sẻ về những hiểu lầm thường gặp về việc tiêm vaccine cho trẻ cũng như cách nhận biết các dấu hiệu sốc phản vệ khi tiêm vaccine và một số thông tin bổ ích khác.