Bác sĩ “thót tim” với một nút thắt đôi ở dây rốn của em bé
Thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ cho biết, các bác sĩ vừa đỡ đẻ thành công cho sản phụ 32 tuổi. Em bé chào đời trong sự “thót tim” của các bác sĩ vì nút thắt đôi ở dây rốn.
Bé cân nặng 2.9kg, là con đầu lòng của chị T.D, 32 tuổi. Theo TS. BS Lê Thị Thu Hà – người đỡ sinh cho sản phụ chia sẻ, do nút thắt đôi ở dây rốn không chặt và có lẽ em bé đã không quá nghịch nên thai kỳ của sản phụ đã trôi qua an toàn. Khi em bé chào đời, các bác sĩ phải “thót tim” khi nhìn thấy nút thắt đôi ở dây rốn. Êkip bất ngờ với nút thắt của dây rốn vì suốt quá trình chuyển dạ, tất cả diễn tiến đều bình thường, BS Hà cho biết.
Cũng theo TS.BS Thu Hà, đây là trường hợp tương đối hiếm gặp và ít nhiều tiềm ẩn những nguy hiểm.
Em bé chào đời với dây rốn thắt nút đôi. (Ảnh: BVCC)
Theo các bác sĩ, dây rốn trung bình dài 55-100 cm. Dây rốn dài là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ thai nhi bị dây rốn thắt nút. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy rằng, các yếu tố làm gia tăng tỉ lệ dây rốn thắt nút là thai phụ lớn tuổi, thai nhi là bé trai, trọng lượng thai nhỏ, các bé hay hoạt động, đa ối, mang thai lần thứ hai trở lên, đặc biệt đa thai chỉ có 1 túi ối. Nhiều nhận định cho rằng, dây rốn thắt nút được hình thành vào giai đoạn đầu của thai kỳ, khoảng từ 9-12 tuần, khi bé còn nhỏ và còn nhiều không gian để di chuyển. Mặc dù phần lớn các nút thắt thực sự của dây rốn không là yếu tố quyết định chấm dứt thai kỳ ngay (bằng sinh thường hay sinh mổ) nhưng đã ghi nhận dây rốn thắt nút làm tăng nguy cơ tử vong thai nhi cao gấp 4 lần.
Tỉ lệ dây rốn thắt nút rất thay đổi qua nhiều báo cáo từ 1 phần ngàn đến nhỏ hơn 2% thai kỳ. Hầu hết các nút thắt này tương đối lỏng lẻo và không gây hại cho thai. Tuy nhiên, với dây rốn của bé bị thắt nút sớm, khi bé có cử động nhiều và mạnh, nút thắt bị chặt có thể làm giảm lượng oxy và cung cấp dinh dưỡng. Các nút thắt thực sự trở nên nguy hiểm hơn khi em bé càng gần ngày sinh và trong trường hợp xấu hơn có thể gây ngạt, dẫn đến tổn thương não hoặc tử vong. Các nút thắt chặt có tỷ lệ tử vong là 10%.
Khi phát hiện thai nhi có dây rốn thắt nút trên siêu âm, thai phụ được khuyên theo dõi thai nhi bằng siêu âm Doppler màu, chú ý cử động thai của bé. Khi bé cử động ít hơn hay nhiều hơn quá mức, thai phụ nên được kiểm tra tại cơ sở y tế. Việc cố gắng tìm kiếm xem dây rốn có thắt nút hay không trong bào thai không được khuyến cáo.
Trước đó đã có hai bé gái chào đời với hai dây rốn cùng thắt nút. Chẩn đoán thai nhi bị dây rốn thắt nút hiện vẫn là thách thức cho các bác sĩ. Đến nay siêu âm vẫn là phương tiện để chẩn đoán nhưng khả năng phát hiện rất thấp. Nếu phát hiện được thường nhờ may mắn. Trên thế giới chưa có phương tiện chẩn đoán nào tốt hơn để giúp không bỏ sót ca tai biến. Một số trường hợp thai nhi đột ngột mất tim thai, chết lưu trong bụng mẹ, khi chấm dứt thai kỳ mới biết nguyên nhân dây rốn thắt nút.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần khám định kỳ đầy đủ, theo dõi sức khỏe thai nhi tại nhà bằng cách đếm cử động thai theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu phát hiện được dây rốn thắt nút trong thai kỳ, thai phụ nên theo dõi sát và chủ động mổ lấy thai vào thời điểm phù hợp theo chỉ định sản khoa.