Bác sĩ ơi, con tôi “nghiện” game!

,
Chia sẻ

Không ít phụ huynh cưng con đến độ chấp nhận mọi yêu cầu của con, vô tình biến chúng thành “nô lệ” cho game, phim ảnh.

Đó là lời cầu cứu của những bà mẹ có con “nghiện” game, truyền hình... với bác sĩ tâm lý tại buổi sinh hoạt chuyên đề phương tiện truyền thông và sự phát triển của trẻ từ ba đến năm tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM vào sáng qua (29-11).
 
Theo các bác sĩ tâm lý, nguyên nhân chủ yếu do phụ huynh thả lỏng giờ giấc cho con chơi game, xem phim, đồng thời cưng con đến độ phải chấp nhận mọi yêu cầu của con, vô tình biến chúng thành “nô lệ” cho thế giới game, phim ảnh.
 
Ảnh minh họa
 
Gọi em gái là... quái vật
 
Khi được bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, hỏi có bao nhiêu bà mẹ cho trẻ xem truyền hình từ vài tháng tuổi, 100% bà mẹ có mặt tại buổi nói chuyện đều cho rằng mình không ngoại lệ.
 
Một bà mẹ đứng lên cầu cứu với bác sĩ làm sao “trị” được bệnh mê phim của đứa con trai năm tuổi. Theo bà mẹ này, cứ sau giờ học về nhà là thằng bé con chị canh đến giờ chiếu phim Chiến binh siêu nhân trên tivi. Xem xong nó bắt đầu “ngứa chân, ngứa tay” đánh đấm lung tung. Để giống hệt như một siêu nhân trên phim, thằng bé bắt đứa em gái ra mà đánh, đá. Thằng bé tự xưng là “siêu nhân cứu người” và gọi em gái của nó là... quái vật cần trừ khử. “Tôi không biết làm sao để ngăn chặn sự mê phim của thằng nhóc” - chị than thở.
 
Một bà mẹ còn khá trẻ cũng trút bầu tâm sự với bác sĩ rằng thằng bé con chị không những mê phim mà còn “nghiện” game đến nỗi có thể chơi suốt từ sáng đến tối. Chị cho biết nó không cần đồ chơi gì, chỉ cần chơi game là đủ. Không cho chơi thì nó khóc, không chịu ăn uống gì cả...
Phần lớn các phụ huynh đều cho rằng mình “bất lực” trước những đòi hỏi, phản ứng của con cái. Bởi ngoài những lời ngăn cản yếu ớt cho có lệ thì phụ huynh cũng chẳng biết làm gì hơn vì sợ con khóc, giận, bỏ ăn... thậm chí nếu đánh thì sợ con đau!
 
Nên cho trẻ tham gia các trò chơi vận động lành mạnh như đi bơi hơn là phó thác trẻ cho game, tivi! Ảnh: DT
 
Giống như “nghiện” ma túy
 
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho rằng phim, truyền hình, trò chơi điện tử... giúp trẻ phát triển trí não, kỹ năng giáo tiếp tốt, tuy nhiên tránh cho trẻ tiếp xúc với tivi trước hai tuổi. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, hầu hết các trẻ chậm nói đều được xem tivi trước một tuổi, nhất là trong giờ ăn.
 
Bác sĩ Thanh chia sẻ, việc trẻ “nghiện” game, phim ảnh cũng giống như một người nghiện ma túy, nên trẻ có thể tìm mọi cách để đi, để chơi, để xem... khi “cơn nghiện” nổi lên khiến trẻ không kiềm chế được. Sau khi trẻ đã chơi hết tiền xin hoặc ăn cắp được thì chúng sẽ đi cướp, giết người, tống tiền bạn bè, người khác. Ngoài ra trẻ cũng có thể bắt chước hành vi tình dục, hút thuốc, uống rượu, đâm chém...
 
Khi trẻ đã lỡ “nghiện” game, phim ảnh thì phải “cai” một cách từ từ. Nếu một ngày trẻ chơi game bốn tiếng, phụ huynh nên giảm xuống còn ba, hai và một, đồng thời không được la mắng trẻ. “Nếu trẻ đang “nghiện” các trò chơi mà cắt cái rụp, không cho chơi luôn thì hậu quả khó lường” - bác sĩ Thanh nói. Bác sĩ Thanh cho biết thêm trẻ rất dễ bị khủng hoảng tâm lý khi cha mẹ “dọa” đánh đập hoặc đuổi ra khỏi nhà.
 
Giải pháp nào giúp trẻ “cai nghiện”? Bác sĩ Thanh cho rằng tốt nhất là không cho trẻ xem phim hay chơi game quá lâu. Thay vào đó, cho trẻ chơi những trò chơi vận động như đi xe đạp, đi bơi, giúp việc vặt gia đình... Nên quy định giờ giấc cho trẻ, tốt nhất là không cho trẻ xem phim hành động, phim ma, chơi game... quá 9 giờ tối. Vì khi ngủ trẻ có thể mơ tưởng, giật mình, sáng đi học thiếu tập trung vì cứ tơ tưởng nhân vật trong phim, game. “Nhiều bà mẹ dẫn con đi khám rối loạn giấc ngủ cũng chính vì không quản con cái về giờ giấc xem phim. Tốt nhất là cho trẻ tiếp xúc với màn ảnh 1-2 giờ/ngày” - bác sĩ Thanh nói.
 
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tháng 11 đã cấp cứu hai trường hợp trẻ tự tử vì bị cha mẹ đánh và “dọa” đuổi ra khỏi nhà nếu còn ăn cắp tiền đi chơi game. Hai em này cũng thuộc diện con “cưng” của những gia đình tương đối khá giả. Điều đó cho thấy một khi trẻ lỡ “nghiện” game, phim ảnh... mà không có cách giáo dục khoa học sẽ gây nên những tác dụng ngược, hậu quả khó lường.

 

Theo Pháp luậtTP

Chia sẻ